I. DẪN NHẬP

 

 

Kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa ở những năm 1970 và sự chấm dứt triều đại Mao Trạch Đông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC hoặc Trung Quốc) đã đạt được những tiến bộ trong hiểu biết về pháp luật cả trong nước và quốc tế[1]. Trong bối cảnh trong nước, Trung Quốc đã bắt đầu cải thiện các đạo luật và quy định, các cơ quan thực thi pháp luật, và hệ thống tư pháp[2]. Những bước tiến đã bị chệch hướng vì những sai lầm từng thời kỳ đưa đến những lời chỉ trích từ các tổ chức bên ngoài bao gồm các tổ chức nhân quyền quốc tế[3] và các tổ chức chính phủ nước ngoài[4], về những thiếu sót tiếp tục hoặc kéo dài các trong cách tiếp cận của Trung Quốc với pháp luật. Mặc dù vậy, so với các khái niệm pháp lý của kỷ nguyên Mao về “pháp trị” hoặc “nhân trị”[5], chế độ chuyên quyền Trung Quốc gần đây đã có một số bước tiến tích cực hướng đến kỳ vọng của các quan sát viên, rằng một ngày nào đó bộ máy nhà nước của Trung Quốc có thể phản ánh một hệ thống “pháp quyền” thực sự[6]. Tuy nhiên, mối quan ngại vẫn còn tồn tại. Người ta chưa đồng tình rằng liệu các lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận cải cách luật pháp trong nước để mang lại cho Trung Quốc một hệ thống pháp luật gần hơn với một mô hình tự do.

Trong suốt ba thập niên qua, Trung Quốc đã có một số hiểu biết tiến bộ về luật pháp quốc tế và đã chấp nhận trật tự pháp lý quốc tế hiện hành. Các quan sát viên không còn đọc hoặc nghe thấy các chuyên gia pháp lý chính thống của Trung Quốc sử dụng các cụm từ bêu xấu, nặng mùi chủ nghĩa Mác như “luật quốc tế tư sản”[7]. Thay vào đó, các học giả Trung Quốc hiện đại công nhận tầm quan trọng của mọi quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, “ [đang] hiểu và [đang] tuân theo các quy tắc của cộng đồng quốc tế[8]”. Có lẽ quan trọng hơn cả, là việc các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu có các phát biểu tiến bộ hơn về luật quốc tế[9].

Tháng 10 năm 2006, Ủy ban pháp lý của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã có một cuộc họp thảo luận về chủ đề pháp quyền. Tại buổi họp đó, ông Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), Vụ trưởng Vụ Điều ước và Luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đọc một bài phát biểu về quan điểm của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế, trong đó ông đã trình bày một số ý rất quan trọng về chủ đề nàỵ[10]. Đầu tiên, ông Đoàn nói rằng Chính phủ Trung Quốc “rất coi trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế và đưa quy tắc này vào thực tế”[11]. Sau đó, ông đảm bảo với đại biểu quốc tế rằng Chính phủ Trung Quốc “trung thành thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo điều ước quốc tế”[12]. Tiếp đến, ông nói rằng Chính phủ Trung Quốc “nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế[13]”, và rằng “Các công ước quốc tế và các nguyên tắc của pháp luật tập quán quốc tế, cũng như các quyết định ràng buộc được Hội đồng Bảo an thông qua phải được chấp hành nghiêm chỉnh” bởi tất cả các quốc gia[14]. Đối với việc giải thích công ước quốc tế, ông Đoàn cho biết rằng “sự áp dụng thống nhất luật pháp quốc tế phải được đảm bảo” và rằng việc áp dụng thống nhất đó là “thiết yếu đối với pháp quyền ở cấp quốc tế”[15]. Việc đảm bảo này cho thấy Trung Quốc đã có một bước ngoặt trong sự hiểu biết luật pháp quốc tế và chấp nhận trật tự luật pháp quốc tế hiện hành.

Tuy nhiên, có một nghi vấn mà thế giới phải lưu ý, là liệu những đảm bảo tích cực của các quan chức Trung Quốc như ông Đoàn có thể hiện sự chấp nhận pháp luật quốc tế và trật tự quốc tế thực sự, hay lời đảm bảo như vậy chỉ đơn thuần là biện ngôn. Đây là câu hỏi chính của bài viết này, và vấn đề này sẽ được xem xét kỹ qua lăng kính luật pháp quốc tế.

Về bản chất, luật quốc tế có thể tạo ra những thách thức trên nhiều phương diện trong việc đánh giá liệu một quốc gia cụ thể nào đó có chấp nhận trật tự luật pháp quốc tế hiện hành hay không. Một trong những điều phức tạp thường xuất phát từ sự đa dạng của nguồn luật cấu thành luật quốc tế. Nguồn của luật quốc tế không đơn lẻ, mà nó được cấu thành bởi điều ước, tập quán luật, án lệ và học thuyết[16]. Hơn nữa, luật quốc tế điều chỉnh một phạm vi rộng lớn các hoạt động giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế, bao gồm nhưng không giới hạn, thương mại quốc tế, xung đột vũ trang quốc tế, nhân quyền, và bảo vệ môi trường. Do vậy, bất kỳ đánh giá nào về sự chấp nhận của một quốc gia đối với luật quốc tế không thể kết luận bằng vài nét chấm phá sơ sài hay chỉ nêu lên những nét đặc trưng chung. Bên cạnh đó, một sự phức tạp khác bắt nguồn từ thực tế khách quan rằng một quốc gia cụ thể, như Trung Quốc chẳng hạn, có thể đồng ý chấp nhận một số bộ quy tắc của luật pháp quốc tế nhưng đồng thời có thể có cách tiếp cận khác đối với các bộ quy tắc khác.

Nhìn chung, Trung Quốc đã nêu rõ ý định sẽ vận hành trong hệ thống quốc tế hiện hữu. Ví dụ, trong một bản báo cáo năm 2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói rõ rằng Trung Quốc sẽ “có những động thái khiến trật tự thế giới công bằng và hợp lẽ hơn”, điều này ngầm xác nhận rằng Trung Quốc sẽ hành xử trong khuôn khổ trật tự pháp lý quốc tế hiện hữu[17]. Tương tự, cũng vào năm 2007, Thứ trưởng Ngoại Giao Thẩm Quốc Phóng cũng phát biểu rằng:

Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng quyết định nghị trình và khả năng sử dụng luật pháp thông qua việc đóng vai trò thực chất hơn trong các cuộc tham vấn và soạn thảo các quy tắc quốc tế. Thậm chí quốc gia này sẽ thể hiện nhiều sáng kiến hơn trong việc tham gia quan hệ quốc tế và xây dựng hệ thống đa phương[18].

Vì vậy, thế giới có thể thấy Trung Quốc đang hành xử trong khuôn khổ một vài bộ quy tắc cụ thể của trật tự pháp lý quốc tế, ví dụ như các bộ quy tắc điều chỉnh thương mại quốc tế[19].

Điều này không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc đã chấp nhận tất cả các bộ quy tắc trong toàn bộ hệ thống luật quốc tế. Theo tài liệu nghiên cứu chuyên sâu vào năm 2009 về “Cách ứng xử quốc tế của Trung Quốc”, chuyên gia về Trung Quốc và hiện nay là quan chức Nhà Trắng, TS. Evan S. Medeiros đánh giá rằng “có nhiều trường hợp cho thấy Trung Quốc đã dần dần chấp nhận luật quốc tế hơn là phản đối và sau đó cố gắng thay đổi (và thành công).”[20] Nhìn về tương lai, ông kết luận rằng Trung Quốc đang “tập trung hơn nữa vào việc hành xử trong khuôn khổ luật pháp, và quy định của thể chế hiện hành nhằm tích lũy sức mạnh và ảnh hưởng thay vì chống đối và cố gắng điều chỉnh chúng.[21]” Tuy nhiên, suy cho cùng, Medeiros nhận ra rằng Trung Quốc không hẳn đã chấp nhận tất cả bộ quy tắc của luật quốc tế và rằng các ý định thực sự của họ đối với một số bộ quy tắc vẫn còn mù mờ[22]. Medeiros chốt lại ngắn gọn ở câu hỏi cuối cùng như thế này: “liệu Trung Quốc có thực sự chấp nhận các luật lệ hiện hữu hay lại đang tìm cách viết lại các luật này?”[23]

Bài viết này nghiên cứu câu hỏi của Medeiros đối với một bộ quy tắc cụ thể về luật quốc tế, có tên là luật biển quốc tế. Chính xác hơn, bài báo nghiên cứu những biện ngôn của Trung Quốc[24] về các vấn đề luật biển trong những năm gần đây, cùng với các hoạt động chính thức và thực tiễn của luật biển, và đánh giá liệu Trung Quốc có chấp nhận các quy tắc hiện hành hay đang tìm cách thay đổi các quy tắc ấy. Phần II của bài viết xác định một số thực tế căn bản của luật biển có thể giúp định hình phần còn lại của bài viết. Phần III cân nhắc liệu các ưu tiên về chính sách của Trung Quốc có tương thích với thực tiễn và xác định các lựa chọn của Trung Quốc nhằm cải thiện những khác biệt giữa thực tiễn và ưu tiên chính sách của họ. Phần IV sẽ xem xét một số lập luận Trung Quốc sử dụng liên quan các vấn đề luật biển và đánh giá giá trị của các biện ngôn ấy. Phần V sẽ thảo luận một số các quan ngại tiềm ẩn của các ngôn từ Trung Quốc sử dụng. Phần VI cung cấp các khuyến nghị cụ thể làm sao để Trung Quốc có thể trấn an thế giới về các dự định của họ trong các vấn đề mà luật biển điều chỉnh. Cuối cùng, bài viết này sẽ trả lời câu hỏi của Medeiros và kết luận liệu Trung Quốc sẽ chấp nhận phần luật quốc tế này hay không.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bài viết của tác giả Jonathan Odom được đăng lần đầu tiên trên Ocean and Coastal Law Journal: Volume 17, No.2 (2012)

 Dịch thuật (theo thứ tự ABC): Nguyễn Khoa Thái Anh, Lê Bảo, Nguyễn Trọng Bình, Lê Chính Duật, Giao Nguyễn, TVN Hào, Dương Danh Huy, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Lương Hải Khôi, Nhung Nguyễn, Nguyễn Trang Nhung, Phan Văn Song, Phạm Đoan Trang, Ngô Triết, Lê Vĩnh Trương, Phạm Thanh Vân.

Hiệu đính (theo thứ tự ABC): Dương Danh Huy, Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Kim Minh, Lê Minh Phiếu, Phan Văn Song, Hoàng Việt.

Tổ chức dịch: Phạm Thanh Vân



*(ND- Bản gốc tác giả đặt tiêu đề là “Bull in a china shop”. Thành ngữ tiếng Anh được sử dụng nhằm miêu tả “một người vụng về trong một tình huống nhạy cảm”. Tham khảo Bull in a China Shop Definition,

THE FREEDICTIONARY.COM, http://idioms.thefreedictionary.com/Bull+in+a+China+shop (tham khảo lần cuối ngày 31/1/2012). Hiện vẫn không rõ nguồn gốc của thành ngữ này, mặc dù có thể thấy lần đầu tiên thành ngữ này được sử dụng trong cuốn: FREDERICK MARRYAT, JACOB FAITHFUL 130 (1895) (ví dụ: “I’m like a bull in a china shop.”). Ngoài ra, định nghĩa trong tiếng Anh lóng của từ “bull” bao gồm nghĩa “một cuộc nói chuyện vô nghĩa rỗng tuếch”. Tham khảo “Bull,” MERRIAM-WEBSTER DICTIONARY,

http://www.merriam-webster.com/dictionary/bull..

**Sĩ quan chỉ huy Jonathan G.Odom là một cố vấn pháp lý trong Hải quân Mỹ. Sĩ quan chỉ huy Odom đã có Bằng Cử nhân (BA) chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Duke, là Tiến sỹ luật từ trường Luật của Đại học Wake Forest và là thành viên được cấp bằng hoạt động tại Đoàn luật sư North Carolina. Trước đây, ông là cố vấn pháp lý cho các đô đốc và các tướng lĩnh tại Lầu Năm góc, cố vấn cho các sĩ quan đánh thủy trong các chiến dịch tại Vịnh Ả rập và khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và cho các sĩ quan đánh bộ đa quốc gia tại Iraq và Kosovo. Đặc biệt, ông đã hoàn thành luận văn ba năm, trở thành giảng viên luật quốc tế tại Trường Tư pháp Hải quân Mỹ. Trước đố ông cũng đã giảng dạy tại trường Đại học Hải chiến Mỹ, Trường đào tạo chiến tranh, Trường Tàu ngầm Hải quân và Trường Giáo sĩ Hải quân. Hiện nay, ông là Phó tham mưu cố vấn (Phó cố vân pháp lý) cho Sĩ quan chỉ huy, Phái bộ Thái Bình Dương Mỹ, bản doanh đặt tại Hawaii. Ông tập trung vào mảng luật và chính sách đại dương, luật về xung đột vũ trang và các khía cạnh pháp lý về an ninh biển. Sĩ quan Odom đã từng phát biểu tại nhiều diễn đàn học thuật trên trường quốc tế và Mỹ và đã xuất bản nhiều bài viết về các vấn đề liên quan đến luật biển, luật về xung đột vũ trang, chiến lược an ninh quốc gia, chính sách biển và bảo vệ tổ quốc. Địa chỉ liên lạc: jonathan.odom@usa.com. Những quan điểm được đưa ra là quan điểm của các nhân tác giả, không đại diện cho chính sách hay quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ hay bất cứ cơ quan nào khác của Mỹ.

[1] Jamie P. Horsley, Rule of Law in China: Incremental Progress, in THE BALANCE SHEET IN 2007AND BEYOND94 (C. Fred Bergsten, N. Lardy, B. Gill & D. Mitchell, eds., 2007), https://www.law.stanford.edu/display/images/dynamic/events_media/Panel%202%20090212_05rule_of_law.pdf.

[2] Như trên trang 94-95.                                                

[3] Tham khảo ví dụ, AMNESTY INT’L, CHINA ANNUAL REPORT 2011 – THE STATE OF THE WORLDS HUMAN RIGHTS, đăng tải trên trang http://www.amnesty.org/en/region/china/report-2011.

[4] Tìm hiểu các thảo luận chi tiết về những phát triển pháp lý tại Trung Quốc, tham khảo CONG.EXEC. COMM’N ON CHINA, 112th CONG., ANNUAL REPORT (2011), đăng tải trên http://www.cecc.gov/; tham khảo tranh luận chi tiết về các tiến triển về nhân quyền tại Trung Quốc tại U.S. DEP’T OF STATE, ANNUAL HUMAN RIGHTS REPORTS, đăng tải trên http://www.state.gov/g/drl/rls/hrrpt/.

[5] STANLEY B. LUBMAN, BIRD IN A CAGE: LEGAL REFORM IN CHINA AFTER MAO 88 (1999) (“Học thuyết [pháp lý] Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông bắt nguồn từ những tiền đề khác nhau, khác với các học thuyết pháp lý Phương Tây]. Nước này coi pháp lý là công cụ của giai cấp cầm quyền để phục vụ chính trị, và nước này đã phản đối sự phân biệt biệt rõ rệt giữa các tiến trình lập pháp, hành pháp và tư pháp”); tham khảo BRIAN TAMANAHA, ON THE RULE OF LAW: HISTORY, THEORY, AND POLITICS 3 (2004).

Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn sử dụng luật pháp làm công cụ cai trị, chứ không phải cai trị dựa trên luật pháp… Sự khác biệt… là trong chế độ cai trị bằng luật pháp, luật là ưu việt, và có thể sử dụng để kiềm chế việc lạm dụng quyền lực. Còn trong chế độ dùng luật pháp để cai trị, luật chỉ được sử dụng như một công cụ để chính phủ để đàn áp một cách hợp pháp.

Như trên (trích lời Giáo sư luật Trung Quốc Li Shuguang).

[6] LUBMAN, trích dẫn 5, tr 5; Horsley, trích dẫn 1, tr 94 (“Không ai công nhận rằng đất nước Trung Quốc hiện nay là đất nước “pháp quyền”. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận rằng Trung Quốc đã đi được một đoạn đường dài từ cách tiếp cận “nhân trị” truyền thống của Trung Quốc và dưới thời Mao. Bài viết này cho rằng Trung Quốc cũng đang dần thoát khỏi mô hình “pháp trị” trong đó các quốc gia chủ yếu sử dụng luật pháp như một công cụ để kiểm soát xã hội. Thay vào đó, Trung Quốc cũng đang từ từ thiết lập các thành tố của hệ thống “pháp quyền”, tạo ra ngày càng nhiều các cơ chế để hạn chế việc sử dụng chuyên quyền của nhà nước và cá nhân, và đưa ra lời hứa hẹn, nếu không muốn nói là sự đảm bảo, rằng các công dân Trung Quốc và các chủ thể khác có thể khẳng định quyền và lợi ích của mình dựa trên luật.”).

[7] JEROME A. COHEN & HUNGDAH CHIU, 1 PEOPLE’S CHINA AND INTERNATIONAL LAW: A DOCUMENTARY STUDY 29 (1974).

[8] Wang Zonglai & Hu Bin, China’s Reform and Opening-Up and International Law, 9 CHINESE J.OF INT’L L. 193 (2010) (“Nhờ thông qua chính sách cải cách và mở cửa cách đây ba thập niên, quan hệ của Trung Quốc với thế giới đã trải qua những thay đổi lịch sử. Luật quốc tế đóng vai trò đặc biệt trong quá trình này. Bởi không một quốc gia nào có thể hoàn toàn cô lập với hệ thống quốc tế trong thế giới ngày nay, các quốc gia cần phải hiểu và chịu ràng buộc vào các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế.”).

[9] Chẳng hạn, Ông Đoàn Khiết Long, Vụ trưởng Vụ Điều ước và Luật pháp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đưa ra những tuyên bố rất rõ ràng tới cộng đồng quốc tế ủng hộ vai trò của luật pháp quốc tế và trật tự pháp lý quốc tế. Tham khảo Duan Jielong, Statement on the Rule of Law at the National and International Levels,

6 CHINESE J. INT’L L. 185 (2007).

[10] Như trên

[11] Như trên tr.86.

[12] Như trên.

[13] Như trên.

[14] Như trên tr.187.

[15] Như trên.

[16] Quy chế Tòa án Công lý quốc tế điều 38 (26/6/1945), đăng tải trên http://www.icj-cij.org/documents/index.php?p1=4&p2=2&p3=0.

[17] EVAN MEDEIROS, CHINA’S INTERNATIONAL BEHAVIOR 49 (2009), http://www.rand.org/pubs/monographs/2009/RAND_MG850.pdf (trích dẫn lời Hồ Cẩm Đào).

[18] Như trên tr.42 (trích dân Shen Guofeng).

[19] Wang & Hu, trích dẫn 8, tr.194-95. Tham khảo phân tích về cách hành xử của Trung Quốc trong thương mại quốc tế ở hệ thống WTO, tham khảo U.S. TRADE REPRESENTATIVE, REPORT TO CONGRESS ON CHINA’S WTO COMPLIANCE(2011), đăng tải trên http://www.ustr.gov/webfm_send/3189.

[20] MEDEIROS, trích dẫn 17, tr 204.

[21] Như trên tr 214.

[22] Như trên tr xxi.

[23] Như trên tr 223.

[24] Cần lưu ý rằng bài viết này chủ đích tập trung vào các biện ngôn về luật biển quốc tế của chính phủ Trung Quốc dựa trên các tuyên bố và ấn phẩm chính thức, bao gồm các bài báo và xã luận trên nhiều tờ báo chính thức của Trung Quốc. Một số tác giả Trung Quốc đã phê phán học giả Mỹ “định hướng sai” dư luận về lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề luật biển qua việc trích dẫn những bài báo không chính thức của học giả Trung Quốc. Tham khảo, vd., Zhang Haiwen, Is It Safeguarding the Freedom of Navigation or Maritime Hegemony of the United States?—Comments on Raul (Pete) Pedrozo’s Article on Military Activities in the EEZ, 9 CHINESE J. INT’L L. 31, 42 (2010). (“Để minh họa cho lập trường của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế, bài báo của Pedrozo (đoạn 13-15) đã viện dẫn tới hai bài báo của học giả Trung Quốc. Pedrozo không viện dẫn tới các văn bản chính thức của Trung Quốc, cũng không nghiên cứu lập trường do cơ quan quản lý đại dương có thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc hay các nhà chức trách hải quân. Việc giải thích lập trường của Trung Quốc dựa trên những nguồn không chính thức cho thấy nghiên cứu không thỏa đáng, và cố tình đánh lạc hướng độc giả.”). Tác giả của lời phê bình này, Zhang Haiwen, là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc (viết tắt CIMA). Tương tự tr. 31, trích dẫn 31. CIMA là “cánh tay nghiên cứu” của Cục Hải dương Quốc gia (Trung Quốc). Sponsors and Organizers, SECOND INST. OF OCEANOGRAPHY, http://www.sio.org.cn/english/symposium/Organizers_and_Sponsors.asp (tham khảo lần cuối ngày 11/2/2012). Tất nhiên, ông Zhang đã khẳng định trong phần chú thích giới thiệu của bài báo rằng: “Các ý kiến được trình bày trong bài báo này là ý kiến học thuật của riêng tác giả.”. Zhang, như trên, tr. 31 trích dẫn số 31. Mỉa mai thay, TS. Zhang đã để lỡ một cơ hội đóng góp mang tính xây dựng hoặc ông cố tình lẩn tránh việc xác định hay liệt kê các văn kiện chính thức của Trung Quốc giúp chỉ ra và giải thích lập trường của Trung Quốc về những vấn đề này. Chính vì thế, trong nhiều tình huống, các nhà quan sát bên ngoài như Giáo sư Pedrozo không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào những gì học giả Trung Quốc viết. Để tránh những phê bình tương tự, bài báo này chỉ tập trung vào phân tích những tuyên bố và ấn phẩm chính thức của Trung Quốc.