Hiện, hơi thở “Chiến tranh Lạnh” đang treo lơ lửng trên không, bị bao phủ bởi đám mây mang tên Ukraine, quan hệ giữa Nhật Bản và một số quốc gia láng giềng bị đóng băng. Trong bối cảnh như vậy, việc xích lại gần nhau về mặt chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ trở thành cái neo ổn định thế giới, ngăn cản sự tự hiện thực hóa dự đoán về sự tất yếu của “Chiến tranh Lạnh”, là bảo đảm chiến lược chống lại những sự kiện phát triển như thế.

Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đã buộc phương Tây phải hiểu rằng trong “Chiến tranh Lạnh” không có bất cứ ai giành chiến thắng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức chưa có tiền lệ đối với các quốc gia phương Tây.

Tổng thống Putin sẽ đi vào lịch sự quan hệ Nga – Trung với tư cách là nhà lãnh đạo đạt được thành tích chưa từng có trong việc cải thiện mối quan hệ song phương. Thậm chí, nếu chỉ tính những việc đã làm được đến ngày hôm nay có thể nói rằng đó là một sự đột phá thực sự. Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn nếu lưu ý đến chiến lược “Phát triển hướng Đông” do ông Putin hoạch định và sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào không gian sống còn của Nga ở phương Tây, có thể chờ đợi những bước tiến mới trên con đường xích lại gần nhau giữa Moskva và Bắc Kinh.

Khi còn chưa bước chân vào Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã bắt đầu nghiên cứu những công việc liên quan đến Trung Quốc. Trên bàn làm việc của ông có dự thảo Hiệp ước thân thiện, hữu nghị và hợp tác giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Không hài lòng với công việc giấy tờ, nhà lãnh đạo mới của Nga nhận định cần phải nâng cao mức độ mối quan hệ với cường quốc láng giềng trong thời gian diễn ra cuộc gặp với các đồng nghiệp Bắc Kinh. Ngày 17-19/7/2000 đã diễn ra chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Trung Quốc. Đúng một năm sau, đánh giá những điều khoản liên quan đến quan hệ song phương Nga-Trung gây ra những phản ứng khác nhau trên trường quốc tế. Không chỉ ở các thủ đô thế giới, mà còn ở ngay tại Điện Kremlin, Bộ Ngoại giao và “các hành lang chính quyền” khác có đủ những người phản đối việc xích lại gần với Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi nghiên cứu những văn kiện lớn do các nhà ngoại giao soạn thảo, ông Putin bị lôi kéo thực sự vào chủ đề Trung Quốc và đưa ra những ý tưởng riêng, coi trọng các đề xuất của đối tác.

Ba bước đột phá của Putin

Ông Putin đặc biệt chú ý tới ý tưởng đối tác chiến lược Nga – Trung. Những nét phác họa chiến lược này chỉ mới xuất hiện trong “Tuyên bố chung” được cựu Tổng thống Nga Boris Eltsin và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân ký năm 1996, trong đó tuyên bố kiên quyết “phát triển mối quan hệ đối tác bình đẳng, tin cậy nhằm phối hợp chiến lược trong thế kỷ XXI”. Thế nhưng, trong Hiệp ước được ông Putin và Giang Trạch Dân ký ngày 16/7/2001, thuật ngữ “đối tác chiến lược” mang ý nghĩa quan trọng hơn. Điều 9 văn kiện này nêu rõ: “Trong trường hợp xuất hiện tình huống mà theo ý một trong hai bên có thể tạo ra nguy cơ đối với thế giới, hủy hoại hòa bình hoặc động chạm đến lợi ích an ninh, cũng như trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa xâm lược chống lại một trong hai bên, hai bên ngay lập tức tiếp xúc với nhau và tiến hành tham vấn nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ”.

Cũng ngay trong năm 2001, ông Putin còn tạo được một bước tiến lớn trên con đường xây dựng quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Ngày 14-15/6/2001 tại thành phố Thượng Hải, hai bên đã ký văn kiện thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Thành viên tổ chức này ngoài Nga và Trung Quốc còn có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Đối với Trung Quốc đây là tổ chức quốc tế đầu tiên mà nước này tham gia thành lập. Khi sẵn sàng thành lập tổ chức khu vực với sự tham gia của cường quốc khu vực mạnh như Trung Quốc, ông Putin nhận thức sâu sắc được lỗ hỗng chiến lược đã hình thành trong khu vực do những hành động của những “nhà chính trị tự do” vây quanh ông Eltsin. Lực lượng này lúc đầu đuổi những nước cộng hòa ra khỏi Liên bang Xôviết với khẩu hiệu “Nuôi Trung Á thế là đủ rồi”, sau đó thể hiện sự coi thường những quốc gia mới này và kìm hãm nỗ lực của họ trong việc khôi phục lại mối quan hệ đã mất với Nga. Chưa chắc, lúc đó ông Putin đã hiểu được rằng SCO sẽ tạo thêm nhiều cơ hội gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc, vốn khi đó đã rất mạnh, tại khu vực Trung Á.

Song, ông Putin không thể không nhìn thấy tình hình thực tế là phương Tây ngày càng hành động kiên quyết không những vì lợi ích quốc gia của mình mà còn gây thiệt hại đối với lợi ích quốc gia Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc thúc đẩy lợi ích của mình chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, cố gắng tránh gây thiệt hại quan hệ toàn cầu với Moskva, vốn có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Bắc Kinh. Thiết nghĩ, ngay từ những năm đầu tiên xuất hiện, SCO kìm hãm được sự thâm nhập của phương Tây như mong muốn của Moskva và Bắc Kinh. “Sự phân chia lao động”, trong đó Nga chịu trách nhiệm ủng hộ các nước thành viên SCO trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, còn Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, cho phép kìm hãm sự tấn công của phương Tây. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng không thể vượt qua được sự cạnh tranh ngấm ngầm ngay trong SCO, cũng như trong quan hệ song phương với các quốc gia Trung Á.

Bước đột phá chiến lược thứ ba của Putin trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên là kết thúc công tác phân định biên giới quốc gia với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán về vấn đề này được tiến hành từ năm 1964, nhưng chỉ vào năm 2004 Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mới ký “Thỏa thuận bổ sung về biên giới Nga-Trung ở khu vực phía Đông”. Putin đề xuất giải quyết những bất đồng đang còn tồn tại sau khi Gorbachev ký Hiệp ước biên giới cơ bản năm 1991, theo nguyên tắc nhượng bộ bình đẳng. Cách tiếp cận như thế được phía Trung Quốc thừa nhận là hợp lý nên đã đồng ý. Tháng 5/2005, Hiệp ước được hai viện của Quốc hội thông qua, đồng thời được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn. Hiện, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, tất cả đường biên giới quốc gia đã được phân định rõ ràng. 

Tầm quan trọng của thành tích này không phải ngay lập tức mọi người ở Nga đều nhận thức được. Hiệp định được coi gần như là “món quà dành tặng Trung Quốc”. Tuy nhiên, tầm nhìn xa trông rộng của ông Putin ngày càng trở nên rõ ràng, người đã khỏa lấp những kẽ hở cuối cùng không để xuất hiện những tranh cãi về lãnh thổ giữa hai bên.

Do Trung Quốc và Nhật Bản không giải quyết được dứt điểm tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong các văn kiện bình thường hóa quan hệ song phương được ký năm 1972 nên hiện đã dẫn đến cuộc xung đột gay gắt nhất. Đề xuất của Đặng Tiểu Bình “để các thế hệ tương lai giải quyết” được Tokyo, khi đó đang ở thế thượng phong, bất cẩn thông qua. 40 năm sau, và “thế hệ tương lai” đang giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng máy bay và tàu chiến.

Cần phải nhớ rằng chính Đặng Tiểu Bình không bao giờ có thiện cảm với Moskva, trong bối cảnh không chính thức ông nói rằng “trong số những mãnh thú đế quốc dày xéo Trung Quốc thì Nhật Bản là dữ tợn nhất, nhưng Nga nhận được nhiều hơn bất cứ quốc gia nào”.

Khi Điện Kremlin được điều hành bởi những Neznayka

Giới chính trị của Trung Quốc, cũng như tất cả các quốc gia khác, tôn trọng những đối tác mạnh, song nhận thấy yếu kém xuất hiện thì bắt đầu tận dụng. Chính điều này đã xảy ra trong khi thực hiện các cam kết của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Một cách không chính thức, Bắc Kinh gọi vị tổng thống này là “Medvedev bé”, trong khi tiếp tục đặt cho ông Putin khi đó là Thủ tướng Nga cái tên “Putin đáng kính”. Các chuyên gia về Nga ngay lập tức nhấn mạnh tính nhu nhược của ông chủ Điện Kremlin trước các đối tác phương Tây, hạ thấp tính ưu tiên quan hệ Nga-Trung trong các văn kiện về chiến lược đối ngoại của Nga và trong thực tiễn. 

Việc đánh giá thấp mối quan hệ với Trung Quốc, không muốn tham vấn với các chuyên gia thể hiện rõ ràng trong thời gian chuẩn bị khai trương gian hàng của Nga tại triển lãm quốc tế EXPO năm 2010 diễn ra tại Thượng Hải. Để thể hiện sự quan tâm đặc biệt với Nga, trước giờ khai mạc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đến thăm gian hàng này. Ông Hồ Cẩm Đào rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trong gian hàng này nhân vật Neznayka (Mít Đặc) với tư cách là biểu tượng của nước Nga. Nhân vật trong chuyện cổ tích của nhà văn Nikolai Nosov này nhìn các vị khách từ các màn hình đa phương tiện và kể về những sản phẩm trưng bày, bởi vì đã được “chỉ định” làm đại diện cho nước Nga. Các phóng viên của tờ “Báo Nga” có mặt tại sự kiện này đã nhận xét nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bối rối pha lẫn chút khó hiểu hỏi rằng: “sự thực là Neznayka có nghĩa là người hơi ngu dốt phải không?”. Vào những năm 1950 – 1960 trên nhiều tờ báo và tạp chí của Trung Quốc rất thịnh hành truyện tranh có hình vẽ của Neznayka giải đáp những câu hỏi trong lĩnh vực khoa học. Khi đó, tên nhân vật trong chuyện cổ tích của Nosov được dịch với ý nghĩa “người hơi ngu dốt”. Người Trung Quốc ghi nhớ Neznayka như thế. Sự thực, những người hộ tống đã mách nhỏ với ông Hồ Cẩm Đào nên dịch thành “người đi tìm tri thức”. Với nỗ lực phi thường và những khoản tiền bổ sung lớn đã đẩy Neznayka đi sang nền sau gian hàng. 

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện thái độ của mình đối với ông Medvedev rõ ràng nhất trong chuyến thăm năm 2010 tới căn cứ hải quân Liên Xô và Nga Port – Arthur ở Đại Liên, nơi vẫn đang còn nhiều nghĩa trang chôn cất binh sĩ Nga. Chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Nga được chuẩn bị trong nhiều năm, tuy nhiên đến phút chót Trung Quốc đưa ra “khuyến cáo” Nga nên từ bỏ kế hoạch thăm nghĩa trang những người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1904 – 1905 và chỉ đặt vòng hoa tượng đài các chiến sĩ Xôviết ngã xuống trong cuộc giải phóng Đông – Bắc Trung Quốc năm 1945 và những phi công tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953. Giới chuyên gia liên hệ hành động ngoại giao này với việc vào mấy tháng trước chuyến thăm của ông Medvedev tới Trung Quốc các đại diện quân đội Trung Quốc vốn có đóng góp rất to lớn đánh bại Nhật Bản, đồng minh của phátxít Đức nhưng lại không được mời cùng với chiến sĩ của các quốc gia đồng minh khác tham gia lễ diễu binh tại Quảng trường Đỏ nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng.

Một cú đòn khá mạnh giáng vào sự phối hợp hành động giữa Moskva và Bắc Kinh trên trường quốc tế xảy ra năm 2011 trong thời gian diễn ra cuộc “khủng hoảng Libya”. Ngành ngoại giao Nga theo sắc lệnh của Điện Kremlin tránh phủ quyết dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Đại diện của Trung Quốc thể hiện sự đoàn kết với Nga bằng cách tán thành quan điểm của Moskva. Lập trường này của Moskva và Bắc Kinh đã mở đường cho phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Libya, dẫn đến việc lật đổ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Gaddafi, gây ra cuộc nội chiến đẫm máu và trên thực tế đất nước bị chia rẽ thành những khu vực bộ lạc. Trung Quốc và Nga không chỉ bị thiệt hại nghiêm trọng về mặt uy tín mà còn thiệt hại nặng nề về vật chất do các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD và các hợp đồng thương mại.

Mối quan hệ song phương Trung-Nga dưới thời Tổng thống Medvedev đã chuyển sang giai đoạn hợp tác không hiệu quả. Tiếp tục trao đổi các chuyến thăm, khối lượng thương mại tăng, không có nỗ lực thực sự, diễn ra Năm tiếng Nga và Năm tiếng Trung, nhiều văn kiện được ký kết. Trong đó văn kiện được coi là quan trọng nhất “Chương trình hợp tác giữa các vùng Viễn Đông của Nga và Đông-Bắc Trung Quốc giai đoạn 2009-2018” ngay từ đầu cũng được xem như văn kiện tham vọng, nhưng rất không thực tế.
Gần 13 năm đã trôi qua kể từ khi ký Hiệp ước năm 2001 chủ yếu tập trung vào các tham số về số lượng, hơn 200 văn kiện khác nhau về hợp tác song phương đã được ký kết. Khối lượng thương mại tăng từ 8 tỷ USD năm 2000 lên 88 tỷ USD năm 2013. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Nga. Trong khi đó, ngày càng thấy rõ hiện đã đến lúc chuyển từ số lượng sang chất lượng. Mối quan hệ Nga – Trung thiếu tính qui mô, triển vọng chiến lược.

Hướng Đông và “ngọn gió Trung Quốc

Mùa Thu năm 2011, ngay khi chưa trở lại Điện Kremlin, ông Putin đã công bố một loạt bài báo thể hiện tầm nhìn mới về những vấn đề và triển vọng của Nga. Ngay trong bài đầu tiên công bố ngày 4/10/2010, ông Putin tuyên bố cần phải hội nhập vào không gian Âu – Á, trong một ý tưởng gây sốc không “gắn kết” gã khổng lồ Âu – Á Trung Quốc với tiến trình chiến lược mới mà báo chí đặt tên là “Hướng Đông”. Tuy nhiên, ngay sau đó trong bài báo ra ngày 27/2/2012 đề cập đến việc xác định vị trí của Nga trong thế giới đang thay đổi, nói khá chi tiết về Trung Quốc.

Ông Putin đưa ra ba luận điểm chính. “Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn không phải là mối đe dọa, mà là một thách thức ẩn chứa tiềm năng to lớn hợp tác kinh doanh, cơ hội nắm bắt ‘ngọn gió Trung Quốc’ thổi vào ‘cánh buồm’ nền kinh tế Nga. Nga cần phải tích cực hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác mới, liên kết khả năng sản xuất và công nghệ của đất nước, tất nhiên phải hành động một cách thông minh để tiềm năng kinh tế Trung Quốc giúp các khu vực Siberia và Viễn Đông phát triển kinh tế”. 

Luận điểm thứ hai: “Bằng hành động của mình trên trường quốc tế, Trung Quốc đã khẳng định không có tham vọng bá quyền. Tiếng nói của Trung Quốc trên thực tế vang lên ngày càng tự tin hơn, và Moskva hoan nghênh điều này, bởi vì Bắc Kinh chia sẻ tầm nhìn về một trật tự thế giới bình đẳng đang hình thành”.

Luận điểm thứ ba: “Tất cả những vấn đề chính trị lớn trong mối quan hệ Nga – Trung đã được giải quyết triệt để, trong đó có vấn đề biên giới. Cơ chế mối quan hệ song phương được xây dựng vững chắc bằng các văn kiện pháp lý bắt buộc. Mức độ tin tưởng giữa lãnh đạo hai nước đạt mức cao chưa có tiền lệ. Xây dựng mô hình quan hệ Nga – Trung rất có triển vọng”.

Nga và Trung Quốc – hai hiệp sĩ Âu-Á

Không bằng lòng với sự bó hẹp Chiến lược “Hướng Đông”, trong những năm gần đây, Tổng thống Putin đã vạch ra những bức tranh cụ thể và đề ra những nhiệm vụ rõ ràng trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại để hiện thực hóa chiến lược này và đích thân kiểm soát việc thực hiện từng nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa chiến lược quốc gia dài hạn rõ ràng gặp không ít khó khăn chủ quan lẫn khách quan.
Hiện thực hóa chiến lược có thể đẩy mạnh “Ngọn gió Trung Quốc” đang lên mà Tổng thống Putin đã đề cập năm 2012. Vấn đề là ở chỗ tại quốc gia láng giềng Trung Quốc cũng thay đổi ban lãnh đạo và những người có tư duy chiến lược đã vào dinh thự Trung Nam Hải, nơi có chức năng giống như Điện Kremlin. Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đưa ra chiến lược “Giấc mộng Trung Hoa về sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”. Chiến lược này tính toán không chỉ trong vòng 10 năm, khoảng thời gian các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đại điều hành đất nước, mà tới năm 2049. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình mơ được nhìn thấy Trung Quốc nằm trong số những cường quốc hàng đầu thế giới sánh ngang với Mỹ, châu Âu và Nga.
Giới hoạch định chính sách ở Mỹ lại hoàn toàn không mong muốn điều này. Ngay vào cuối năm 2011, Mỹ đã tuyên bố chiến lược “Xoay trục sang châu Á” với ý đồ kìm hãm Trung Quốc. Dọc bờ biển Trung Quốc sẽ tập hợp 2/3 Hạm đội hải quân Mỹ. Do hiện đại hệ thống hiệp ước quân sự với các quốc gia lưu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, sẽ xuất hiện mối đe dọa phong tỏa các tuyến đường biển, vận chuyển gần 80% ngoại thương của Trung Quốc. Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á sẽ được tập trung xây dựng, sẽ khiến cho sức mạnh hạt nhân-tên lửa của Trung Quốc giảm mạnh. Đồng thời, Washington đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu vực thương mại tự do với tên gọi “Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương”, trong đó không xem xét đến tư cách thành viên của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Liệu có ngạc nhiên hay không khi các nhà chiến lược Trung Quốc sau khi Putin quay lại Điện Kremlin bắt đầu xem xét lại mối quan hệ với nước Nga “Medvedev” và đề cập đến việc củng cố toàn diện và thậm chí còn cả liên minh quân sự với Moskva? Đáng ngạc nhiên không khi Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên đến Nga, tham dự Olympic Sochi 2014?

Putin ngày càng có nhiều lý do để hướng về phía Trung Quốc. Trong con mắt Putin, việc “lấn ép” Nga ra khỏi khu vực ảnh hưởng truyền thống đang gia tăng mạnh mẽ. Sau khi nuốt chửng các quốc gia thuộc Hội đồng tương trợ kinh tế và Hiệp ước Vacsava, cũng như các nước Baltic thuộc Liên Xô trước đây, các cấu trúc châu Âu – Đại Tây Dương cũng không bỏ qua những khu vực có nhiều người Nga và người nói tiếng Nga sinh sống. Nhưng sau những sự kiện xảy ở Kiev trong tháng 2 mọi việc lại hoàn toàn khác đi. Nga đang tiến gần một thảm họa địa chính trị mới. Đó là sự lan rộng nhanh chóng các khuôn mẫu kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự của nền văn minh Tây – Âu sang không gian sống còn của nền văn minh Nga mà hàng thế kỷ nay đều có sự hiện diện của Ukraine. Bắc Kinh cũng không ủng hộ những kẻ dân tộc cực đoan tiếm quyền ở Kiev. Trung Quốc không chỉ lo sợ số phận khoản đầu tư của mình (khoảng 3 tỷ USD) và kế hoạch thuê những khu đất màu mỡ, mà còn nhìn thấy trong các hành động của phương Tây thể hiện cuộc đua giành quyền bá chủ thế giới. Việc hất cẳng Nga ra khỏi Ukraine rất giống với sự hất cẳng Trung Quốc ra khỏi Myanmar cách đấy mấy năm và những âm mưu ở quốc gia láng giềng Mông Cổ.

Việc Mỹ và đồng minh cùng lúc kìm hãm cả Nga lẫn Trung Quốc nhất định sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau. Tổng thống Putin đánh dấu bước ngoặt khi bước chân vào Điện Kremlin năm 2001 bằng việc ký Hiệp định láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc. Văn kiện này được chuẩn bị rất tốt trong nhiều năm và tạo nền tảng để củng cố đối tác chiến lược toàn diện đầy đủ. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, tính hợp lý không chỉ thể hiện ở chỗ tăng cường phối hợp hành động mà cần đưa nó lên một mức cao mới – mức độ liên minh quân sự - chính trị. 

Liên minh được thành lập phù hợp với luật pháp quốc tế không chỉ cho phép củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế mà còn chấm dứt những nghị kỵ cản trở việc đưa quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới. Bắc Kinh không còn lo ngại việc lặp lại “sự kìm hãm Medvedev” khi thay đổi ông chủ Kremlin, đưa Nga vào danh sách các quốc gia thân cận, công khai thừa nhận không chỉ các nhà báo mà còn cả các nghị sĩ Đuma quốc gia Nga. Hiệp ước mới thay thế “Thỏa thuận giải quyết những vấn đề tranh chấp biên giới” năm 2004 loại bỏ vĩnh viễn khả năng đưa ra các yêu sách về lãnh thổ.
Sau khi trở thành đồng minh, nhờ tiềm năng đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, kinh nghiệm phát triển nhanh các khu vực lạc hậu và các nguồn lao động dồi dào của nước này, Nga có thể nhanh chóng phát triển được khu vực phía Đông, chặn đứng được khả năng phương Tây “quốc tế hóa” nguồn tài nguyên phong phú tại khu vực này.

Việc soạn thảo Hiệp ước phối hợp hành động chính trị - quân sự với Bắc Kinh không chỉ giúp phát triển lôgích chiến lược “Trung Quốc” dài hạn của ông Putin, mà còn là một biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với phương Tây trong việc chèn ép các lợi ích quốc gia Nga./.

 Tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu”