Ngày 2/6/2015, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan bin Kassim đã tổ chức một cuộc họp báo nhằm tuyên bố về “sự xâm nhập” của một tàu nước ngoài tại Cụm bãi cạn Luconia phía Nam (gọi là Beting Patinggi Ali trong tiếng Malaysia). Bức ảnh về con tàu này, thân tàu mang số hiệu 1123 của Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), được chụp lại trong một chuyến bay giám sát phía trên khu vực mà vị bộ trưởng này đã bay qua và sau đó được đăng tải trên trang Facebook của ông. Ông tuyên bố rằng Malaysia đã ứng phó với sự cố này bằng cách đưa ra hành động phản kháng chính thức với Bắc Kinh và cử các tàu hải quân (RMN) và cảnh sát biển (MMEA) tới “giám sát con tàu này 24/7”. Theo một tuyên bố trên trang Facebook của ông cùng với những bức ảnh, các tàu của RMN và MMEA được neo đậu cách tàu CCG 1123 chưa đến 1 hải lý, con tàu này đã tự neo đậu gần cụm bãi cạn, dẫn tới điều mà trên thực tế là một cuộc đối đầu đang diễn ra trong khu vực.

Tin tức trên báo chí phương Tây đã miêu tả phản ứng của Malaysia là “cứng rắn hơn nhiều và công khai hơn nhiều”, thậm chí là “quyết đoán một cách bất thường”. Theo một phân tích, thực tế rằng hành động xâm nhập này sẽ được đề cập đến và bị phản đối ở cấp độ ngoại giao “có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng lập trường của Kuala Lumpur đối với hành vi của Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn”. Những phân tích khác đã lưu ý về “một sự chuyển hướng rõ ràng khỏi cách tiếp cận kiềm chế trước đây của Kuala Lumpur”. Nhưng liệu cách tiếp cận của Malaysia có thực sự thay đổi, và nếu có, thì như thế nào? Điều gây tranh cãi là nước này thực sự có lập trường cứng rắn về hành vi của Trung Quốc hoặc đã trở nên quyết đoán hơn trên Biển Đông đến chừng mức nào. Quả thực, tin tức báo chí xung quanh sự kiện này là vô cùng bất thường đối với Malaysia, nước trước đây từng sử dụng chính sách “ngoại giao thầm lặng” đối với những sự cố thuộc kiểu này, đó là lựa chọn không công bố chúng. Tuy nhiên, ngoài sự công khai này, phản ứng mà Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia vạch ra thực sự không khác mấy về thực chất so với những phản ứng trước đây của Malaysia đối với các hành động của Trung Quốc trong cùng khu vực, chủ yếu tập trung vào một sự kết hợp giữa phản kháng ngoại giao và giám sát chủ động trên biển.

Thay vì là một sự dịch chuyển thực sự về chính sách, phản ứng này có thể sẽ tượng trưng nhiều hơn cho sự trì trệ chính trị kéo dài từng gây cản trở cho việc đưa ra những quyết định khó khăn về chiến lược. Đòi hỏi về một tư duy chiến lược mới đã bị che khuất bởi điều mà nhiều người ở nước này tiếp tục coi là một “mối quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc trong một vài năm qua ở các vùng biển ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia đã thể hiện sự nghi ngờ về giá trị pháp lý của nhận thức này, và đã đặt Thủ tướng Najib Razak vào vị trí ngày càng khó xử và có khả năng dễ bị tổn thương ở trong nước. Những hành động như vậy đại diện cho những sự thay đổi địa chiến lược rộng lớn hơn đang xảy ra và sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc tiếp tục tiến sâu hơn vào phía Nam Biển Đông.

Sự trì trệ về chính trị đang dần bị suy yếu bởi một thực tế hoạt động mới, điều đã làm dấy lên mối quan ngại ngày một tăng bên trong chính phủ. Cùng xuất hiện với mối quan ngại này là những câu hỏi mới về mối quan hệ của Malaysia với Trung Quốc, nhưng những câu hỏi này sẽ không tự có câu trả lời. Chúng sẽ đòi hỏi những câu trả lời mới và khó khăn từ ban lãnh đạo Malaysia, điều có lẽ đòi hỏi phải đánh giá lại cách tiếp cận rộng lớn hơn của nước này đối với các cuộc tranh chấp và với ASEAN.

Một hòn đảo mới nổi lên

Cuộc đối đầu gần đây đã làm nổi bật một trong những cuộc tranh chấp ít được biết đến nhất, nhưng có lẽ ngày càng trở nên quan trọng, ở Biển Đông. Trong khi những sự cố giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines nhận được sự chú ý tương đối nhiều hơn của công chúng, thì một số lượng ngày càng tăng những sự cố xa hơn ở phía Nam có liên quan đến Malaysia cho đến gần đây đã nhận được sự chú ý ít hơn. Những sự cố nghiêm trọng nhất trong số này đã xảy ra ở khu vực xung quanh cụm bãi cạn Luconia phía Nam, địa điểm đang diễn ra cuộc đối đầu giữa các tàu của Malaysia và Trung Quốc. Cụm bãi cạn Luconia phía Nam là “một trong những tổ hợp bãi ngầm lớn nhất và ít được biết đến nhất” ở bất cứ đâu trên Biển Đông. Nó chỉ nằm cách bờ biển Sarawak của Malaysia 84 hải lý, về phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa, và gồm 6 bãi ngầm mà cùng với nhau bao phủ gần 1.000 km 2 . Ngoài việc là một trong những tổ hợp bãi ngầm lớn nhất, nó cũng có thể là một trong những khu vực giàu tài nguyên nhất của Biển Đông, với số lượng lớn cá cũng như những lớp trầm tích có tiềm năng đáng kể về cả dầu mỏ lẫn khí tự nhiên (một điểm mà Shahidan từng nêu bật). Tiềm năng này vốn đang được Malaysia khai thác, nước này vận hành các mỏ dầu và khí đốt đang hoạt động trong khu vực này, bao gồm Mỏ khí đốt Trung Luconia được kết nối với Sarawak thông qua một đường ống dẫn nằm cách rạn Sóng Vỡ Luconia (Luconia Breakers) chưa đến 30 km.
Gần như toàn bộ tổ hợp bãi ngầm này hoàn toàn chìm dưới nước, ở độ sâu từ 5 đến 40 mét. Ngoại lệ duy nhất là rạn Sóng vỡ Luconia (Hempasan Bentin), một phần của bãi cạn mà theo một cuộc khảo sát về địa lý được công bố vào giữa những năm 1990 là cấu trúc địa hình duy nhất “khô ráo”, nghĩa là nó lộ ra một phần khi thủy triều xuống. Cách miêu tả này được sử dụng trong các tài liệu đang lưu hành, đáng tin cậy khác. Một cấu trúc địa hình như vậy được đề cập đến theo luật pháp quốc tế là một “bãi cạn nửa chìm nửa nổi”.

Ngoài những bức ảnh về con tàu CCG 1123, ông Shahidan đã cung cấp những bức ảnh được chụp từ chuyến bay giám sát đó miêu tả cái hẳn phải là rạn Sóng vỡ Luconia (xét tới việc đó là cấu trúc duy nhất trong cụm bãi cạn Luconia phía Nam không chìm hoàn toàn dưới mặt nước). Cấu trúc địa hình này trong bức ảnh rõ ràng nằm trên mặt nước, và một lớp trầm tích cặn ở trên cùng giống như cát khô hoặc san hô bị nghiền nhỏ. Thật lạ kỳ, ông Shahidan đã tuyên bố tại buổi họp báo ngày 2/6 rằng rạn Sóng vỡ Luconia gần đây đã “trở thành một hòn đảo nhỏ”, điều mà ông cho rằng có thể giải thích cho ý định có thể có ẩn sau các cuộc xâm nhập này. Các quan chức khác của Malaysia cũng đưa ra những bình luận tương tự khi nói chuyện với tác giả trong suốt nghiên cứu thực địa gần đây, ám chỉ rằng đã có một sự thay đổi về tình trạng của cấu trúc địa hình này. Xét tới những hoạt động cải tạo trên quy mô lớn mà Trung Quốc đang tiến hành trên quần đảo Trường Sa, những bình luận như vậy đặc biệt gây chú ý.

Bằng chứng có được cho thấy rằng rạn Sóng vỡ Luconia có khả năng đã được cải tạo thành đảo nhân tạo vào một thời điểm nào đó trước năm 2009. Chuyến đi của một nhóm truyền thông Trung Quốc tới cấu trúc địa hình này hồi tháng 5/2009 cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng vào chính thời điểm đó cấu trúc địa hình này vốn đã được cải tạo, và hoàn toàn nổi trên mặt nước, kể cả khi thủy triều lên. Do không thể có khả năng có sự “trồi lên” nhanh chóng như vậy theo cách tự nhiên trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy, nên cấu trúc địa hình này hẳn là đã bị cải tạo. Theo một số chuyên gia, bề mặt phẳng bất thường và các gờ khá thẳng của lớp trầm tích khô có thể nhìn thấy trong những bức ảnh từ chuyến đi của nhóm truyền thông Trung Quốc cũng có thể cho thấy rằng việc cải tạo đã được thực hiện vào thời điểm nào đó trước ngày những bước ảnh này được chụp.

Do không có tin tức gì về bất kỳ sự hiện diện chính thức, thường xuyên của Trung Quốc xung quanh Cụm bãi cạn Luconia phía Nam trước năm 2012, dường như ít nhất là hoạt động cải tạo ban đầu này không có khả năng do Trung Quốc thực hiện. Malaysia trước đây đã tiến hành các hoạt động cải tạo tại những cấu trúc địa hình mà nước này tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, kể cả tại Đá Hoa Lau (có tên gọi Swallow Reef trong tiếng Anh, và Pulau Layang Layang trong tiếng Malaysia), và có lẽ đã quyết định tiến hành cải tạo ở quy mô nhỏ hơn tại rạn Sóng vỡ Luconia. Do ngay cả những tài liệu đáng tin cậy cũng không ghi lại sự thay đổi nào về tình trạng của cấu trúc địa hình này, nên bất kỳ hoạt động cải tạo nào hẳn là được tiến hành mà không có “thông báo thích đáng” được yêu cầu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Những tuyên bố khác của ông Shahidan cho thấy rằng Malaysia không coi cấu trúc địa hình này (hoặc bất kỳ phần nào của Cụm bãi cạn Luconia phía Nam) là đối tượng tranh chấp với Trung Quốc. Một lần nữa lên tiếng về hòn đảo này, trong một bài viết đăng trên Facebook cá nhân, vị bộ trưởng tuyên bố rằng “hòn đảo nhỏ này không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn”. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng tin rằng nước này có tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Cụm bãi cạn Luconia phía Nam, cụm bãi cạn được kể đến trong danh sách các cấu trúc địa hình ban đầu ở Biển Đông được Chính phủ Cộng hòa công bố vào năm 1935. Sự hiện diện được đưa lên của Trung Quốc tại bãi ngầm này rõ ràng ngụ ý rằng Trung Quốc tiếp tục duy trì tuyên bố chủ quyền này đối với Cụm bãi cạn Luconia phía Nam, bao gồm cả rạn Sóng vỡ Luconia, bất chấp việc tuyên bố chủ quyền như vậy có bất kỳ nền tảng nào trong luật pháp quốc tế hay không.

Đây là lý do tại sao tình trạng của cấu trúc địa hình này lại quan trọng đến vậy. Nếu ban đầu rạn Sóng vỡ Luconia là một bãi cạn nửa chìm nửa nổi, như phần lớn các tài liệu nhất trí, và sau đó bị cải tạo thành một đảo nhân tạo, thì khi đó Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền đối với cấu trúc địa hình này. Theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật pháp quốc tế được kể đến trong UNCLOS, một nhà nước không thể tuyên bố chủ quyền đối với một thực thể nửa chìm nửa nổi, và quyền cải tạo hoặc xây dựng các đảo nhân tạo bên ngoài những cấu trúc địa hình như vậy thuộc về nhà nước ven biển, nơi mà cấu trúc địa hình này nằm trên thềm lục địa của nước đó. Trong trường hợp này, quyền đó thuộc về Malaysia. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu gần đây do học giả nối tiếng về pháp lý của Mỹ, Ashley Roach, thực hiện, người đã lập luận rằng không có một cấu trúc địa hình nào trong Cụm bãi cạn Luconia phía Nam là chịu sự chiếm đoạt. Theo Roach, trên thực tế chúng là phần mở rộng của thềm lục địa Malaysia, và do đó, “Malaysia rõ ràng có quyền chủ quyền đối với chúng”. Điều này sẽ bao gồm quyền cải tạo cấu trúc địa hình đó thành một đảo nhân tạo nếu Malaysia quyết định làm vậy. Tuy nhiên, bất chấp cơ sở pháp lý khá rõ ràng để Malaysia lập luận rằng không có tranh chấp nào xung quanh cấu trúc địa hình này, những hành động của CCG ngụ ý rằng Trung Quốc rõ ràng là không nhất trí và coi cấu trúc này là lãnh thổ thuộc chủ quyền của chính họ.

“Những cuộc xâm nhập” của Trung Quốc và phản ứng trên biển của Malaysia

Trong khi buổi họp báo ngày 2/6 là buổi họp báo đầu tiên do một thành viên nội các tổ chức để phản ứng trước sự hiện diện ngày một tăng của Trung Quốc tại các khu vực bao gồm cả Cụm bãi cạn Luconia phía Nam, nhưng đây không phải là lần đầu tiên những cuộc xâm nhập như vậy được các quan chức Malaysia thảo luận công khai. Shahidan đã đôi lần điều trần trước Quốc hội Malaysia, kể cả vào ngày 20/3/2014 khi ông tuyên bố rằng kể từ năm 2013 đã có một sự gia tăng đáng kể “các cuộc xâm nhập” vào khu vực này, cũng như xung quanh Bãi cạn James. Theo ông Shahidan, chỉ riêng trong năm 2013 đã có 7 cuộc xâm nhập của 16 phương tiện của Hải quân PLA (PLAN) và CCG.

Sự gia tăng về số lượng phương tiện của Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, và đã diễn ra với số lượng tương tự xung quanh quần đảo Trường Sa kể từ năm 2008. Theo một nhà phân tích an ninh của Malaysia, điều này bao gồm cả sự hiện diện của tới 35 phương tiện từ CCG cũng như PLAN trong khu vực đó từ năm 2008 đến năm 2012. Điều mới mẻ là, bắt đầu từ khoảng năm 2012, các phương tiện bán quân sự trên biển của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động xa quần đảo Trường Sa hơn nữa và gần với bờ biển Sarawak hơn, kể cả trong những khu vực như Cụm bãi cạn Luconia phía Nam. Tháng 8/2012, 2 tàu của cái trước đây là Hải giám Trung Quốc (giờ đây là một phần của CCG) “đã chạm trán với các tàu khảo sát của chính Malaysia đang hoạt động ngoài khơi Bãi cạn James và Cụm bãi cạn Luconia”. Tới tháng 1/2013, những sự cố tương tự đã xảy ra “có liên quan đến các tàu của Trung Quốc và một tàu khảo sát theo hợp đồng của tập đoàn Shell” trong các khu vực gần Cụm bãi cạn Luconia phía Nam.

Trước năm 2012, sự hiện diện của Trung Quốc dường như vẫn chủ yếu tập trung xung quanh quần đảo Trường Sa; vào năm 2013, rõ ràng là CCG đã đặc biệt dịch chuyển mạnh mẽ sang phía Tây Nam. Mối quan ngại bắt đầu gia tăng khi Chính phủ Malaysia vật lộn để tìm ra một phản ứng thích đáng. Vào tháng 10 năm đó, các cuộc tuần tra của Trung Quốc đã “gióng lên hồi chuông cảnh báo trong số các quan chức cấp cao Malaysia”, và có tin là những đánh giá của tình báo Mỹ đã bắt đầu đề cập đến Cụm bãi cạn Luconia phía Nam như là một “thách thức khu vực mới”. Mối quan ngại được lưu ý đến trong những báo cáo này xuất hiện rõ ràng trong phát biểu trước quốc hội của các quan chức Malaysia, bao gồm cả Shahidan.
Trong cùng điều trần hồi tháng 3/2014, Shahidan đã vạch ra phản ứng ngày một tăng trước những cuộc xâm nhập mới đã diễn ra kể từ năm trước đó. Ông tuyên bố rằng các tàu hải quân, không quân và cảnh sát biển Malaysia đã thường xuyên tiến hành “các cuộc tuần tra” và “giám sát trên biển” trong những khu vực này của Biển Đông. Đây là phản ứng tác chiến nổi bất trước sự hiện diện ngày một tăng của Trung Quốc trong những vùng biển ngoài khơi Sabah và Sarawak – để theo dõi và giám sát chứ không trực tiếp đối đầu. Do đó, khó có thể nhìn ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể hoặc “sự quyết đoán” bất thường nào trong khuyến nghị của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia triển khai các tàu hải quân và cảnh sát biển tới giám sát hành động xâm nhập của Trung Quốc.

Tháng 3/2015, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Abdul Rahim Bakri đã điều trần rằng giám sát vẫn là phản ứng tác chiến chủ yếu, và lưu ý một sự thay đổi tư thế phòng thủ của Malaysia gần đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động như vậy. Ông nói rằng gần đây Malaysia đã tăng cường tư thế phòng thủ ở Sabah và Labuan vì “chúng tôi muốn tăng cường giám sát ở Biển Đông”. Sự thay đổi trong tư thế phòng thủ này được thực hiện để cung cấp các tàu cho cảnh sát biển và hải quân nhằm “giám sát liên tục” một vài “điểm nóng” quan trọng, điểm nóng mà ông đề cập cụ thể bao gồm Cụm bãi cạn Luconia phía Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia, mục tiêu chiến lược tối thượng của sự thay đổi tư thế phòng thủ này là nhằm “tạo ra một sự răn đe”. Tuy nhiên, việc giám sát liên tục “những điểm nóng” như Cụm bãi cạn Luconia phía Nam đã không ngăn chặn được hành động xâm phạm vào những khu vực này. Là kết quả của chính sách ủng hộ giám sát hơn là đối đầu, các cơ quan an ninh hàng hải của Malaysia đã chỉ có khả năng theo dõi trong suốt một vài năm qua khi cái có lẽ ở một thời điểm cùng lắm được gọi là “những cuộc xâm nhập” đã trở thành sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc.

Sự hiện diện thường xuyên này được nói bóng gió tới trong tin tức của địa phương về cuộc họp báo này, cuộc họp báo đưa tin rằng tàu của CCG bị phát hiện trong cuộc tuần tra “đã neo đậu trong khu vực này được khoảng 2 năm”. Bất kỳ hiểu biết cơ bản nào về các giai đoạn và hình thái triển khai của lực lượng cảnh sát biển sẽ cảnh báo trước một sự diễn giải theo nghĩa đen về hiểu biết này, nhưng nghiên cứu thực địa mà tác giả thực hiện tại Malaysia trong năm 2015 củng cố thêm sự xác minh gần đây về cái trên thực tế là sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc ở đó. Nhằm củng cố thực tế này, dữ liệu hình ảnh vệ tinh từ tháng 2/2015 cho thấy sự hiện diện không báo trước trước đây của một tàu CCG 4.000 tấn “lớp 3401” lớn hơn nhiều đóng cách rạn Sóng vỡ Luconia 3,5 km vào thời điểm đó. Như được tiên liệu dựa trên điều trần chính thức được thảo luận ở trên, được bố trí cách tàu của Trung Quốc 2,7 km về phía Tây Bắc là một tàu tuần tra ngoài khơi lớp Kedah của Hải quân Hoàng gia Malaysia.

Thực tế sự hiện diện của Trung Quốc hẳn là chẳng có gì gây ngạc nhiên đối với ban lãnh đạo Malaysia. Đối lập với cách tiếp cận âm thầm hơn của Malaysia, các quan chức Trung Quốc đã tỏ rõ ý định của họ không chỉ tuyên bố chủ quyền mà còn chủ động thực thi quyền tài phán của họ đối với Cụm bãi cạn Luconia phía Nam. Theo Lưu Tứ Quý, cựu Cục trưởng Cục Hải Dương Nhà nước Trung Quốc (SOA), các cuộc tuần tra thường xuyên ở Cụm bãi cạn Luconia phía Nam bắt đầu từ tháng 8/2013 và sau đó được “tăng cường” trong năm 2014. Vương Hồng, người thế chức Cục trưởng SOA của ông Lưu, đã tuyên bố hồi đầu năm 2015 rằng các kế hoạch này được thực hiện bởi cái mà tại thời điểm đó đã trở thành CCG. Hơn nữa, ông lưu ý rằng các kế hoạch tác chiến của SOA cho năm 2015 bao gồm ý định “tăng cường thực thi pháp lý đối với các hòn đảo không có người ở”.

Mặc dù ông không đề cập đích danh Cụm bãi cạn Luconia phía Nam, nhưng những tin tức gần đây trong các nguồn tin của truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng đã đạt được mục tiêu này từ tháng 4/2015, lập luận rằng cấu trúc địa hình này “trên thực tế đã nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc” kể từ thời điểm đó. Những tuyên bố như vậy là rất đáng ngờ, xét từ quan điểm của cả những hoạt động thực tế lẫn luật pháp quốc tế, và rõ ràng là vấp phải sự kháng cự của Malaysia. Tuy nhiên, chúng thực sự nắm bắt được một thực tế hoạt động mới – những nỗ lực dai dẳng và lâu dài của Trung Quốc nhằm củng cố quyền tài phán và thẩm quyền của nước này ở cái chẳng khác gì là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Malaysia mở rộng vào trong Biển Đông từ đảo Borneo.

Trong khi ban lãnh đạo dân sự đã chậm trễ trong việc thừa nhận thực tế hoạt động mới này ở ngoài biển, Malaysia đã âm thầm bước vào cuộc đối đầu theo kiểu “Bãi cạn Scarborough” của chính mình với Bắc Kinh ít nhất là kể từ tháng 2/2015, nếu không nói là sớm hơn. Malaysia chỉ từ chối thừa nhận như vậy. Tuy nhiên, như cự ly gần được Shahidan lưu ý tới cho thấy, một lần nữa, các tàu của Trung Quốc đang đối đầu với một nước láng giềng khác trên Biển Đông.

Một cuộc đối đầu mới

Để có nhận thức rõ hơn về việc cuộc đối đầu này trông có vẻ như thế nào ở cấp độ tác chiến, có khả năng phải hiểu được ẩn ý từ cuộc họp báo của ông Shahidan. Ngoài việc triển khai các cuộc tuần tra giám sát nhằm theo dõi sát sao tàu của CCG, ông đã triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia “về vấn đề an ninh của Biển Đông và động thái của các tàu đánh cá nước ngoài trái phép ở đó”. Phần sau của tuyên bố này đặc biệt quan trọng, vì theo vị bộ trưởng này, Malaysia sẽ “có hành động chống lại các tàu đánh cá nước ngoài trái phép xâm phạm vào các vùng biển của chúng ta”.

Như tình huống đã xảy ra với các nước khác như Indonesia trên Biển Đông, Bộ trưởng Shahidan đang tìm cách truyền đi quyết tâm của Malaysia bắt giữ các tàu cá nước ngoài bị coi là đang hoạt động trái phép trong những khu vực này. Như trường hợp của Indonesia, điều đó cho thấy rằng những nỗ lực như vậy có lẽ đã vấp phải sự can thiệp và khả năng sử dụng các biện pháp cưỡng ép của CCG. Những tin tức đưa từ báo chí Trung Quốc cho thấy đây là một khả năng rõ ràng, tuyên bố rằng một “cuộc chạm trán” với các tàu an ninh của Malaysia đã xảy ra gần đây ở khu vực xung quanh rạn Sóng vỡ Luconia. Điều này cho thấy rằng đã có những sự cố có liên quan đến việc CCG ngăn không cho các tàu của cảnh sát biển Malaysia thực thi quyền tài phán của họ đối với các tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép trong khu vực này. Các cuộc phỏng vấn cho thấy một cách riêng rẽ rằng những sự cố như vậy đã xảy ra tại cấu trúc địa hình này trong quá khứ, kể cả sự cố xảy ra vào nửa sau năm 2014. Nếu không nói là chính xác, thì bức tranh vẽ về cuộc đối đầu hiện tại gợi nhớ rất nhiều đến cuộc chạm trán vào năm 2012 tại bãi cạn Scarborough, cuộc đối đầu cũng nảy sinh từ việc các cơ quan Trung Quốc can thiệp vào những nỗ lực của Philippines thực thi quyền tài phán của họ đối với các tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép trong các khu vực tranh chấp, kết quả là dẫn đến một cuộc đối đầu trên biển.

Không trực tiếp tuyên bố điều này, nhưng Bộ trưởng Shahidan tìm cách cân bằng giữa việc phát đi tín hiệu về quyết tâm của Malaysia và việc bước đi quá xa vượt ra khỏi những giới hạn của “chính sách ngoại giao thầm lặng”. Tuy nhiên, những tuyên bố từ các quan chức Trung Quốc ẩn chứa ý định của chính họ cho thấy rằng những hoạt động như vậy sẽ còn tiếp tục. Trong khi các tàu của lực lượng cảnh sát biển Malaysia từ bộ chỉ huy Sabah đã và đang hỗ trợ những nỗ lực thực thi pháp luật trong các khu vực này, thì lực lượng này sẽ cần phải có nhiều phương tiện hơn để đáp ứng được thách thức này. Tuy nhiên, việc đáp ứng được thách thức này không chỉ là một vấn đề về nguồn lực. Nó cũng sẽ đòi hỏi phải có những quyết định chiến lược khó khăn hơn và việc lập kế hoạch tác chiến tăng cường xung quanh những tình huống bất trắc ở “khu vực chưa phân rõ trắng đen” với các lực lượng của Trung Quốc trong những khu vực này, một điều gì đó hiện gần như không tồn tại ở Malaysia.

Những bình luận của các quan chức Malaysia, kể cả điều trần mới đây hơn trước Quốc hội của ông Shahidan, cho thấy rằng họ không đánh giá thỏa đáng thách thức này và tin rằng những sự ứng phó trước hai vấn đề đánh bắt cá trái phép và “sự xâm nhập” quân sự hay bán quân sự có thể được phân chia một cách gọn gàng. Trong điều trần vào ngày 26/3/2015, ông Shahidan tuyên bố rằng “các phương tiên quân sự nước ngoài” hoạt động tại Cụm bãi cạn Luconia phía Nam sẽ được xử lý bằng biện pháp ngoại giao, trong khi những tàu cá trái phép sẽ không được dung thứ và sẽ bị bắt giữ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu CCG hay một “phương tiện quân sự nước ngoài” chủ động ngăn chặn việc bắt giữ các tàu cá? Bộ trưởng Shahidan không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Những bình luận cũng cho thấy mức độ tự tin ở thời điểm đó trong việc đối phó với “những sự xâm nhập” của Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. Sự chú trọng này vào việc chống lại các cuộc xâm nhập thông qua “chính sách ngoại giao thầm lặng” đã là một trụ cột trọng tâm trong sự ứng phó của Malaysia cho tới gần đây, và phần lớn là sản phẩm của một niềm tin chung rộng rãi vào sự tồn tại của “mối quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc.

Sự phản kháng và “mối quan hệ đặc biệt”

Nói đơn giản thì phản ứng hiện tại của Malaysia không có tác dụng. Không có dấu hiệu nào cho thấy rằng con tàu mang số hiệu 1123 của CCG đã rời khỏi khu vực đó hoặc nó có ý định rời đi vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai gần. Những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc cho thấy một ý định rõ ràng rằng họ vẫn sẽ ở đó một cách vô hạn định, hoặc là với một con tàu, hoặc là tuần tra thường xuyên hơn nữa khu vực này. Những sự phản kháng được thực hiện cho đến nay thông qua kênh ngoại giao không chính thức đã không có hiệu quả, và không dẫn tới một sự thay đổi trong hành vi của Trung Quốc. Sự tồn tại dai dẳng của cách tiếp cận này chủ yếu bắt nguồn từ một nhận thức trong số các nhà hoạch định chính sách rằng có tồn tại một “mối quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc, nơi mà Malaysia được đối xử khác với các nước láng giềng của họ.

Gạt sang một bên câu hỏi liệu nhận thức này trong quá khứ có phải là một nhận thức có giá trị hay không, thì những hoàn cảnh địa chiến lược đang thay đổi đang khiến điều đó ngày càng trở nên khó có thể đứng vững được. Ở nơi mà Trung Quốc một thời dường như cho phép Malaysia tiến hành các cuộc khảo sát thăm dò và thậm chí là các hoạt động khoan dầu và khí đốt ở ngoài khơi tại các khu vực tranh chấp, thì giờ đây các tàu của CCG lại thường xuyên can thiệp và quấy rối những công việc tương tự. Diễn biến này làm dấy lên một khả năng đáng lo ngại cho ban lãnh đạo Malaysia – điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc, trên thực tế, chưa bao giờ cho phép những hoạt động như vậy, mà chỉ là thiếu phương tiện để áp đặt ý chí của họ trên thực tế? Điều gì sẽ xảy ra nếu “mối quan hệ đặc biệt” chẳng hơn gì là một chức năng của khoảng cách địa lý và sự thiếu khả năng triển khai sức mạnh?

Malaysia không còn là bên hưởng lợi của vùng đệm chiến lược mà khoảng cách địa lý của nó với Trung Quốc đã mang lại trước đây. Shahriman Lockman, một nhà phân tích cấp cao thuộc một tổ chức tư vấn chiến lược nổi trội của Malaysia, gần đây đã nói về một “hiện thực mới” mà ở đó các hoạt động cải tạo hiện tại của Trung Quốc trên Biển Đông “chắc chắn sẽ đưa hoạt động của các lực lượng trên biển của Trung Quốc và Malaysia vào một cự ly gần hơn bao giờ hết”. “Thực tế mới” này đang tạo ra tình trạng căng thẳng lớn hơn bao giờ hết đối với mối quan hệ này và có khả năng làm xói mòn bất kỳ “mối quan hệ đặc biệt” nào mà Malaysia có lẽ đã có với Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều niềm tin vẫn được các nhà hoạch định chính sách đặt vào sự tồn tại của nó. Điều này là rõ ràng trong tuyên bố của Shahidan tại buổi họp báo rằng một phần của sự ứng phó này là có hành động phản kháng chính thức với Bắc Kinh. Malaysia đã và đang có những hành động phản kháng như vậy với Bắc Kinh trong suốt một vài năm qua mà không có kết quả.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông Shahidan chỉ rõ rằng Thủ tướng Malaysia Najib sẽ trực tiếp đưa ra hành động phản kháng này tới Tập Cận Bình. Như hành động này cho thấy, chính Thủ tướng Najib là một trong những người đề xướng đầu tiên cho mối quan hệ đặc biệt này, tin tưởng vào việc vẫn còn một nguồn thiện chí dồi dào sau khi cha của ông mở cửa các mối quan hệ với Trung Quốc vào năm 1974. Theo Najib, cá nhân ông Tập đã cảm ơn ông vì cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng” của Malaysia đối với vấn đề Biển Đông trong suốt chuyến thăm của ông Najib tới Trung Quốc hồi tháng 11/2014, lưu ý rằng đó là “biện pháp tốt nhất” vì nó “chú trọng vào thảo luận thay vì đối đầu”.

Điều không rõ ràng ngay tức thì là liệu những hành động phản kháng trước đây có xảy ra ở cấp độ này hay không, nhưng sự kỳ vọng về cách đối xử “đặc biệt” vẫn tiếp tục là cái giữ ổn định trong một mối quan hệ ngày càng rắc rối. Tuy nhiên, thực tế việc buổi họp báo được tổ chức cho thấy rằng sự nghi ngờ về bản chất của mối quan hệ này đang nổi lên, ít nhất là bên trong các bộ phận của nội các.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy rằng có lý do chính đáng cho sự nghi ngờ này, và rằng ngay cả sự phản kháng trực tiếp ở các cấp cao nhất của ban lãnh đạo cũng không có khả năng có được những kết quả mong đợi. Trên thực tế, cuối cùng có lẽ sẽ chẳng có sự phản kháng nào. Một vài ngày sau khi đưa ra tuyên bố về việc Thủ tướng Najib trực tiếp đưa ra sự phản kháng, Shahidan đã rút lại tuyên bố đó, nói rằng sẽ không có cuộc gặp gỡ nào giữa hai nhà lãnh đạo, chỉ nói rằng bất kỳ sự xâm nhập nào cũng sẽ dẫn đến những hành động phản kháng ngoại giao. Ngày 11/6, đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur Huang Huikang nói rằng ông đã không nhận được công hàm phản kháng nào thông qua các kênh ngoại giao. Ông đã coi nhẹ cuộc đối đầu này, tuyên bố rằng việc các tàu của CCG hoạt động trong những khu vực này là “thông lệ bình thường”. Xét tới những diễn biến này, MMEA và RMN đơn giản là chỉ còn biết đứng nhìn và theo dõi cái mà Trung Quốc coi là “thông lệ bình thường” của các tàu của họ đang hoạt động tại Cụm bãi cạn Luconia phía Nam. Với sự nổi lên của hiện tượng Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện lâu dài bên ngoài các bờ biển của Malaysia và một cuộc đối đầu gợi nhớ lại các cuộc đối đầu khác trên Biển Đông, như cuộc đối đầu tại Bãi cạn Scarborough, câu hỏi dấy lên là điều gì “đặc biệt” đến vậy về mối quan hệ của Malaysia với Trung Quốc ? Câu trả lời dường như là tất cả không còn nhiều đến vậy nữa.

ASEAN và phản ứng rộng rãi hơn của Malaysia

Không còn có khả năng dựa vào các kênh thông tin liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh nữa, Malaysia có khả năng ngày càng phải chuyển sang các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực. Những mối quan hệ này trước đây đã tạo nên một phần quan trọng trong phản ứng chiến lược rộng rãi hơn của Malaysia với một Trung Quốc đang trỗi dậy, tuy nhiên, cuối cùng vẫn là thứ yếu so với sự chú trọng hàng đầu vào phản kháng và giám sát trên biển. Công cụ đa phương hàng đầu đã đặt trọng tâm vào tư cách thành viên và sự can dự của Malaysia trong ASEAN. Theo một phân tích gần đây về phản ứng rộng rãi hơn của Malaysia trên Biển Đông, ngoài kênh ngoại giao không chính thức và cá nhân, Malaysia đã tiếp tục thông qua ASEAN, cả công khai lẫn với tư cách cá nhân, nhằm thúc đẩy những lợi ích của nước này ở đó. Tác giả của bài viết này đã lưu ý rằng kể từ sau năm 2012, một ý thức mới có được về sự cấp bách đã xuất hiện ở Malaysia đối với việc đem lại “một sự kết thúc nhanh chóng” các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc trên Biển Đông.

Ý thức về sự cấp bách này tiếp tục lan tỏa khắp những bình luận của Najib, cũng như của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein, lặp lại tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu này như là một phần của chiến lược ngoại giao rộng lớn hơn của Malaysia. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trên thực tế đã bị trì hoãn, và hầu như không có lý do gì để lạc quan rằng nếu một thỏa thuận như vậy cuối cùng sẽ đạt được, mà bản thân nó là một triển vọng không có khả năng, thì thực chất của thỏa thuận này sẽ thực sự kiềm chế được hành vi của Trung Quốc. Với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2015, Malaysia có lẽ được kỳ vọng “đóng một vai trò ngoại giao mạnh mẽ sau hậu trường trong việc khuyến khích Trung Quốc trở nên sẵn sàng trong các cuộc đàm phán”, nhưng cho đến nay hầu như không có dấu hiệu công khai nào cho thấy những nỗ lực như vậy đã đơm hoa kết trái. Việc tận dụng có hiệu quả hơn kênh ngoại giao không chính thức có thể tăng cường các cuộc thảo luận của Malaysia với các bên tuyên bố chủ quyền khác của ASEAN như Việt Nam và Philippines, điều sẽ cho phép họ đạt được nền tảng chung mà từ đó tiếp cận có hiệu quả hơn với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán. Những kiểu thảo luận này bắt đầu từ năm 2014 nhưng được đưa tin là đang trong “giai đoạn rất sơ khai”.

Việc Trung Quốc ưa thích xử lý những vấn đề này theo cách thức song phương vốn đang thách thức khả năng của ASEAN duy trì một mặt trận cố kết và thống nhất trên Biển Đông, một diễn biến từng có biểu hiện rõ ràng trong năm 2012 khi Campuchia giữ chức chủ tịch. Tương tự với những sự phản kháng hoặc giám sát trực tiếp trên biển, ASEAN không có khả năng chứng tỏ một sự răn đe hiệu quả trước hành vi của Trung Quốc. Kết quả là, có khả năng Malaysia phải chú trọng nhiều hơn vào các thỏa thuận an ninh và quốc phòng của họ bên ngoài ASEAN, bao gồm cả Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) với các nước như Úc và thông qua mối quan hệ song phương của nước này với Mỹ.

Những mối quan hệ này không cần thiết phải loại trừ nhau hoặc tách biệt khỏi ASEAN, và thậm chí có thể được thúc đẩy nhằm làm tăng cường tính đoàn kết của ASEAN, và cuối cùng là sức mạnh răn đe bên trong tổ chức này. Chúng vốn đang được đưa vào phối hợp hơn nữa với những sáng kiến rộng rãi của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) mở rộng và những sáng kiến khác. Sự chú trọng trong tương lai cần phải được đặt vào việc xây dựng hợp tác an ninh nghiêm túc hơn bên trong ASEAN, kể cả trong số những nhóm thành viên nhỏ hơn ngoài các hiệp ước chính thức mang tính tổ chức.

Điều này vốn đã diễn ra thông qua FPDA và các cuộc tập trận với các lực lượng của Malaysia do Mỹ dẫn dắt và trong tương lai có thể bao gồm cả các đối tác ASEAN như Indonesia, Việt Nam và Philippines, hoặc thậm chí là Nhật Bản (tất cả những nước đang phải đối mặt với những thách thức tương tự). Các cuộc tập trận này có lẽ bắt đầu mô phỏng những kịch bản tác chiến có liên quan đang tồn tại trong “khu vực chưa phân rõ trắng đen” giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển, đặc biệt là những kịch bản giải quyết vấn đề ngư trường và các vấn đề thực thi pháp luật. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, trong khi đó cũng cải thiện năng lực tác chiến của các tổ chức an ninh trên biển có liên quan của Malaysia, cũng như năng lực tác chiến của các đối tác ASEAN của họ.

Kết luận

Giữa mối quan ngại ngày một tăng về các hoạt động của Trung Quốc ở các phần của Biển Đông ngoài khơi bờ biển Sarawak, chúng ta có thể nhận thấy động thái đầu tiên hướng tới một phản ứng hiệu quả và thích đáng hơn từ Malaysia. Nhưng cùng lắm thì đó chỉ là một sự khởi đầu, và thậm chí vẫn chưa rõ ràng là liệu điều đó thực sự đã bắt đầu hay chưa. Riêng về phần mình, phản ứng gần đây của Malaysia không có khả năng tỏ ra đủ “cứng rắn” hoặc “quyết đoán” để làm thay đổi tính toán của Bắc Kinh. Phản ứng hiện nay quả thực khác biệt rất ít so với những phản ứng trước đây của Malaysia, và tượng trưng nhiều hơn cho một sự thiếu hụt tư duy chiến lược về các cách tiếp cận thay thế chứ không tượng trưng cho bất kỳ sự thay đổi nào rộng rãi hơn trong cách tiếp cận của nước này ở thời điểm hiện tại.

Dù ban lãnh đạo nước này có thừa nhận hay không thì Malaysia cũng vốn đã ở trong một cuộc đối đầu liên tục và dai dẳng với các lực lượng của Trung Quốc bên ngoài Cụm bãi cạn Luconia phía Nam. Những nét tương đồng giữa thực tế mới này và thực tế trước đây, mà Việt Nam và Philippines từ lâu đã trở nên quen thuộc với điều đó, làm dấy lên những mối nghi ngờ nghiêm trọng về sự tồn tại của một “mối quan hệ đặc biệt” giữa Malaysia và Trung Quốc, vẻ ngoài đang sụp đổ của cái chắc chắn phải được thay thế bằng một khuôn khổ chiến lược toàn diện mới. Khuôn khổ đó trông như thế nào sẽ do thủ tướng và nội các của ông quyết định, nhưng sự cần thiết phải có hành động quyết đoán giờ đây đã trở nên ngày càng rõ ràng.

Cuộc đối đầu tại Cụm bãi cạn Luconia phía Nam, kết hợp với những sự cố khác đang xảy ra tại khu vực này cũng như ngoài khơi bờ biển của đảo Natuna thuộc Indonesia, rõ ràng thể hiện quy mô đầy đủ của các tuyên bố chủ quyền mang tính bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Hơn nữa, giờ đây lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc không những rõ ràng là tuyên bố chủ quyền với toàn bộ “đường 9 đoạn”, mà còn tích cực tìm cách hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền mang tính bành trướng bên trong khu vực đó. Việc hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền này cho thấy một mối đe dọa rõ ràng và dai dẳng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực này, cũng như đe dọa tới trật tự quốc tế trên biển hiện nay. Giờ đây Malaysia có nguy cơ phải chịu số phận tương tự với số phận của Philippines ở bãi cạn Scarborough, và vấn đề này không phải là vấn đề của riêng Malaysia.

Trên thực tế, nếu Malaysia thực sự tiến hành các hoạt động cải tạo tại rạn Sóng vỡ Luconia, thì nước này hẳn sẽ tuyên bố công khai và khẳng định quyền làm vậy theo luật pháp quốc tế. Nước này cần nhắc lại nhiều hơn nữa rằng họ không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với cấu trúc địa hình này và nêu chi tiết cơ sở pháp lý cho lập trường này. Một cơ sở pháp lý như vậy có thể tính đến cả việc các nhà nước không có khả năng tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình chìm dưới mặt nước hoặc nửa chìm nửa nổi. Làm như vậy sẽ phù hợp với các cam kết của nước này theo UNCLOS và sẽ ngăn chặn Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền trong tương lai rằng rạn Sóng vỡ Luconia đã nổi lên theo cách tự nhiên; từ đó khiến nó trở thành đối tượng cho một cuộc tranh chấp về lãnh thổ.

Úc và Mỹ cần phải vừa khuyến khích vừa ủng hộ Malaysia hành động như vậy. Điều này cần phải được thực hiện để duy trì lập trường dựa trên nguyên tắc của hai nước về Biển Đông. Họ sẽ không đưa ra quan điểm về chủ quyền, nhưng làm rõ rằng các tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực trên biển phải bắt nguồn từ các cấu trúc địa hình hợp pháp có cơ sở trên mặt đất. Quan điểm này sẽ ủng hộ và củng cố lập trường của Malaysia, nhấn mạnh ranh giới vốn đã được vạch ra xung quanh các nguyên tắc pháp lý quốc tế và trật tự hàng hải trên biển. Đã đến lúc vẽ ra đường ranh giới rõ ràng hơn, không phải trên cát mà là trên mặt nước.

Scott Bentley, Học viện Quốc phòng Úc. Bài viết nằm trong loạt bài về mối quan hệ giữa ASEAN và vấn đề Biển Đông trên trang The Asan Institute for Policy Studies.

Văn Cường (gt)