Ngày 1, Phiên 4: Mô phỏng phản ứng của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Biển Đông .Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ.

Ernest Z. Bower: Chào mừng bạn đến với Nhà Trắng (cười – câu nói đùa). Phiên thảo luận chiều này sẽ mô phỏng một cuộc họp khẩn giữa các lãnh đạo chủ chốt của Hội đồng An ninh quốc gia nhằm ứng phó với một cuộc khủng hoảng tại Biển Đông. Hôm nay chúng ta có một nhóm các cựu quan chức chính phủ Mỹ sẽ vào vai các thành viên nội các. Chủ trì của phiên mô phỏng và đóng vai Cố vấn An ninh Quốc gia là Cựu Giám đốc an ninh quốc gia cao cấp về Châu Á, Micheal Green - Phó Chủ tịch CSIS phân ban Châu Á và Nhật. Bên cạnh ông Green là cựu Trợ lý Ngoại trưởng về Các vấn đề Chính trị - Quân sự, Andrew Shapiro, người sẽ đóng vai Ngoại trưởng. Andrew là sáng lập viên và người điều hành của Beacon Global Strategy. Bên cạnh ông là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề Châu Á Thái Bình Dương, Wallace Chip Gregson, người sẽ đóng vai Bộ trưởng Quốc phòng. Hiện này ông đang là lãnh đạo cấp cao của tờ National Interest. Và cuối cùng, cựu Nhân viên tình báo quốc gia về Đông Á của Hội đồng Tình báo quốc gia, Robert Suettinger sẽ đóng vai Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia – hiện ông đang làm việc tại Trung tâm Stimson. Và bên phải tôi là cố vấn cao cấp của về nghiên cứu Trung Quốc của CSIS, Christopher Johnson, người đã quen với việc tóm tắt các sự vụ trong suốt sự nghiệp của mình. Và giờ tôi sẽ rời khỏi sân khấu vì không phải là thành viên nội các, giờ tôi đã hết nhiệm vụ ở đây.

Christopher Johnson: Chào các anh. Tôi sẽ cung cấp một số thông tin về tình hình hiện nay. Trong vòng 72 giờ qua căng thẳng ngày càng leo thang tại Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Ba ngày trước, bộ đội biên phòng Philippines đã bắt giữ một nhóm ngư dân Trung Quốc vì đánh bắt trái phép ở vùng nước gần Bãi Trăng khuyết (Half Moon Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Bãi cạn này nằm gần bờ biển của đảo Palawan, Philippines và thuộc sự kiểm soát hữu hiệu của nước này. Như các anh đã biết, các cuộc truy đuổi giữa lực lượng chức năng Philippines và ngư dân Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng diễn ra. Trung Quốc đòi Philippines phải thả những ngư dân này ngay lập tức nhưng lần này Philippines từ chối. Và cách đây 48h, trong một động thái trả đũa, nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo với người đồng chức Philippines rằng Bắc Kinh đã triển khai một cuộc phong tỏa toàn diện cả đường biển và đường không đối với các binh sĩ Philippines đang chiếm đóng bãi Cỏ Mây. Bãi Cỏ Mây được gọi là Ayungin trong tiếng Philippines là một bãi đá có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, nằm cách Philippines khoảng 105 hải lý và nằm dưới sự kiểm soát của Philippines 15 năm qua.

Như các anh đã biết, vào năm 1999 Philippines đã cố ý lao một chiếc tàu đổ bộ BRP lên bãi cạn này, làm nó bị mắc cạn và coi đây là một biện pháp duy trì sự hiện diện quân sự và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc kể từ sau khi nước này chiếm đóng bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) năm 1995. Bắc Kinh đã phản đối hành động này nhưng Philippines từ chối di chuyển con tàu. Con tàu đổ bộ BRC hiện nay không khác gì một ngôi nhà hoen rỉ thủng lỗ chỗ nhưng hiện vẫn chứa được 8 binh sĩ hải quân Philippines luân phiên làm nhiệm vụ. Lực lượng biên phòng Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh việc tuần tra quanh khu vực bãi Cỏ Mây từ năm 2012 và duy trì sự hiện diện thường trực ở đây từ giữa năm 2013. Hải quân Philippines sử dụng các tàu cá dân sự để tiếp tế và đảo quân tại bãi Cỏ Mây và nhóm quân đóng tại đây phải sống kham khổ. Đầu tháng 3 năm nay, lực lượng biên phòng Trung Quốc đã chặn tàu tiếp tế và đảo quân của Philippines đến bãi Cỏ mây. Sau đấy 3 ngày, Philippines đã phải sử dụng cầu không vận thả hàng hóa tiếp tế xuống nhưng không thể đảo quân cho đến hết tháng. Ngày 29/3, một tàu tiếp tế dân sự kèm theo binh sĩ thay thế dự định tiếp cận bãi cạn này bất chấp bị biên phòng Trung Quốc truy đuổi. Biên phòng Trung Quốc liên tục tiếp cận ở cự ly rất gần, gây nguy hiểm và cắt ngang sát mũi tàu, suýt nữa xảy ra đâm va. Tàu Philippines chỉ chạy thoát khi đi vào vùng nước cạn nơi mà tàu Trung Quốc không thể đi vào. Sau đó mọi việc ở đây khá im hơi lặng tiếng cho đến ngày hôm qua khi tàu Trung Quốc chặn tàu tiếp tế dân sự của Philippines đang hướng đến bãi Cỏ Mây.

Có thể thấy Trung Quốc đang củng cố lực lượng tàu quanh bãi cạn và cho máy bay tuần tra phía trên. Phía Philippines gọi cuộc phong tỏa của Trung Quốc là “hành động hiếu chiến” và đang yêu cầu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đồng minh Mỹ hỗ trợ. Về phía khả năng quân sự của Mỹ, 2 tàu chiến nhỏ gần nhất của chúng ta đóng ở Changi, Singapore cùng với hệ thống đánh chặn tên lửa ở vịnh Subic. Chúng ta cũng có máy bay ném bom B52 và UAV ở căn cứ Guam. Xa hơn là lực lượng chiến lược tại Nhật và 4 căn cứ hải quân chủ chốt của Mỹ tại đảo Okinawa. Mỹ cũng có hàng không mẫu hạm George Washington cùng lực lượng chiến đấu đi kèm hiện đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương, cách bãi Cỏ Mây khoảng 3 ngày di chuyển. Đấy là tất cả những gì chúng ta có tính đến thời điểm này, khi có thêm thông tin tôi sẽ báo cho các anh.

Michael Green: Cám ơn Chris. Có vẻ như chúng ta đang đối mặt với hàng loạt căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và nước láng giềng trong vùng biển này, bao gồm các lực lượng của họ. Vấn đề này quan trọng vì một số lý do sau. Việc bắt giữ ngư dân sẽ tạo một áp lực rất lớn buộc Bắc Kinh phải hành động. Cuộc phong tỏa toàn diện đường không và đường biển này sẽ buộc phía Manila phải hành động cũng như kỳ vọng vào độ tin cậy của đồng minh Mỹ. Tôi vừa ở phòng Bầu dục ra, vấn đề này rất được Tổng thống quan tâm. Tổng thống hỏi tôi 3 câu hỏi. Thứ nhất, chuyện gì đang diễn ra? Thứ hai, chúng ta có lợi ích gì trong cuộc chiến này không? Và cuối cùng: “Nếu hành động, chúng ta sẽ làm gì?”. Tôi nói với Tổng thống là cuộc họp của chúng ta sẽ kéo dài đến 4 giờ và kết quả sẽ chuyển đến Tổng thống lúc 5 giờ chiều để chuẩn bị cho cuộc họp cao cấp với Tổng thống có thể diễn ra vào ngày mai. Vì thời gian có hạn, tôi muốn hỏi Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia là chuyện gì đang diễn ra? Chúng ta đã thấy được bức tranh. Theo anh, đâu là động cơ của Trung Quốc? Và Philippines đang cần gì ở khu vực này? Và tôi sẽ giành câu hỏi “Chúng ta có lợi ích gì ở đây không?” cho Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng trước hết hãy bắt đầu từ bức tranh chi tiết của Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia

Robert Suettinger: Tôi có một vài câu hỏi nhằm hiểu rõ hơn về tình hình. Khi anh nói về phong tỏa đường không và đường biển, ý anh là lực lượng hải quân, không quân nhân dân Trung Quốc hay ý anh là các tàu biên phòng và hải giám?

Christopher Johnson: Cho đến nay, đa số là các tàu dân sự.

Robert Suettinger: Kể cả máy bay cũng không phải quân sự?

Christopher Johnson: Đúng.

Robert Suettinger: Nếu các anh chú ý sẽ thấy đây là một bước đi trong cái mà một số nhà bình luận về Trung Quốc gọi là “chiến lược cải bắp” bao gồm từng bước từng bước leo thang trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền của nước này. Với góc nhìn đấy thì vụ việc lần này không nhất thiết thể hiện toàn bộ sự việc. Một câu hỏi khác là: “Các ngư dân Trung Quốc hiện đang ở đâu?”

Christopher Johnson: Chúng ta không có nhiều thông tin đến thế. Nhưng theo tôi là phần lớn họ đã rời khỏi khu vực này để dọn đường cho việc phong tỏa.

Robert Suettinger: Ok, chắc chắn ai cũng đặt câu hỏi “Vì sao Trung Quốc làm thế?”. Nhưng tôi nghĩ câu trả lời hiển nhiên là “vì Trung Quốc có thể.” Sự phối hợp giữa lực lượng quân sự và đánh cá của họ cũng như các biện pháp khác mà họ có thể tiến hành trong khu vực. Họ đã tranh cãi về vấn đề này nhiều lần suốt nhiều năm qua. Họ chỉ đơn giản là đang tiến thêm một bước trong số hàng loạt các bước đi (điều này đã từng có tiền lệ) hoặc tiến thêm một bước nhằm thực thi yêu sách chủ quyền và khiến thế giới phải công nhận yêu sách chủ quyền của họ đối với khu vực này. Và Philippines là một trong số những nước phản đối các yêu sách này mạnh mẽ nhất. Trung Quốc đang muốn củng cố quan điểm của mình với Philippines và muốn làm rõ rằng họ có thể làm nhiều điều khác khiến Philippines còn phải chịu nhiều tổn thất hơn nữa.

Tại sao Trung Quốc lại làm thế? Các anh có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi về bản chất của chế độ Trung Quốc hay các câu hỏi mang tính chiến lược về việc liệu đây có phải hành động nhằm vào Mỹ? Tôi nghĩ các đánh giá mang tính cơ sở đấy thể hiện cách hiểu về một kiểu hành động khá là đặc trưng cho cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề trong nước và quốc tế. Đó là quyền lực. Quyền lực là mấu chốt của vấn đề. Ông Tập Cận Bình đang ngày càng tích tụ được nhiều quyền lực. Ông ấy đã sử dụng quyền lực một cách khá thô bạo đối với những người trong nước tỏ vẻ đối đầu với chính quyền. Và tôi nghĩ chúng ta có thể nhận định rằng trong tương lai ông Tập vẫn sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực của mình, đơn giản vì điều đó nằm trong khả năng và phạm vi của ông ta. Tôi cho rằng điều này không chỉ thể hiện một thách thức cực lớn cho trật tự khu vực mà còn thể hiện một bước tiến nữa trong việc chứng minh cho mọi người thấy Trung Quốc là một nhân tố cần phải được tính đến và khu vực này sẽ phải được phân định lại một cách hợp pháp bằng rất nhiều thủ đoạn khác nhau, đơn giản vì nó nằm trong vùng ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc. Và Trung Quốc sẽ hành động trong vùng này theo cách họ muốn và tuân theo luật lệ của họ.

Về phản ứng của khu vực, tôi nghĩ các nước trong khu vực sẽ trở nên hoang mang, lo sợ hơn. Họ sẽ tìm kiếm sự đảm bảo từ phía Mỹ là các hành động kiểu như thế này sẽ không được để yên hay bị lờ đi. Tôi nghĩ sẽ có nhiều lời kêu gọi ASEAN phải hiểu thế nào là trách nhiệm đối với khu vực. Tuy nhiên luôn có những cách tiếp cận đối trọng lại từ các lực lượng kinh tế trong mỗi chính phủ, nói rằng “không, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì lợi ích của mình, chúng ta phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng này càng sớm càng tốt.”

Michael Green: Vâng, giờ chuyển sang anh Andrew.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Hội thảo Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 

Tiến Thực (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)