Từ năm 2009, cuộc tranh giành các quyền trên biển ở Biển Đông trở thành một vấn đề an ninh quan trọng nhất ở Đông Á. Thậm chí trên thực tế, một nhà phân tích gần đây đã tuyên bố rằng Biển Đông là “sân khấu mới của xung đột” trên thế giới.[1]

Tuy nhiên, dù tranh giành liên tục, song xung đột vũ trang ở Biển Đông rất khó xảy ra vì vài lý do như sau. Các quốc gia khu vực đang cạnh tranh nhau ở khía cạnh các quyền trên biển hơn là các vấn đề an ninh khác, đặc biệt là yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và bãi đá. Cuộc tranh giành các quyền trên biển ở Biển Đông chưa bị quân sự hóa, hoặc là chưa đạt tới mức độ bất ổn như cảnh tượng khu vực đã chứng kiến những năm 1988 và 1995. Thỏa thuận tháng 7 năm 2011 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về hướng dẫn thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông đã tạo ra không gian thở để có thể khai thác nhằm giảm căng thẳng. Các sáng kiến hợp tác có thể giúp giảm bớt sự cạnh tranh trong tương lai về các quyền trên biển song lại đòi hỏi quyết tâm chính trị và sự sáng tạo ngoại giao để tiếp tục được thực hiện.

Thêm nữa, dù Trung Quốc ngày càng tăng cường bảo vệ các yêu sách của mình ở Biển Đông, phạm vi và nội dung của các yêu sách này vẫn không thay đổi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rằng các quốc gia khác đang thách thức các yêu sách mà Trung Quốc đã theo đuổi lâu nay, và Trung Quốc đang phản ứng lại với năng lực thực thi các quyền dân sự trên biển đã lớn mạnh hơn trước. Trung Quốc cũng tránh các biện pháp khiêu khích, như sử dụng các lực lượng hải quân, để thực thi các yêu sách của mình.

Để phân tích và đánh giá nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông, chương này sẽ nhìn nhận lại các xu hướng trong an ninh biển ở khu vực trong những năm vừa qua, bao gồm cả chủ quyền lãnh thổ ở các nhóm đảo, quyền khai thác các tài nguyên trên biển ở vùng nước và đáy biển, và tự do hàng hải. Cuộc cạnh tranh trên từng vấn đề trên có thể tăng thêm sự bất ổn cho khu vực, hoặc thậm chí dẫn đến xung đột vũ trang. Tuy nhiên, cơ hội tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh vẫn tồn tại. Nhìn về phía trước, Mỹ phải có các nỗ lực cân bằng đề duy trì ổn định ở Biển Đông với các hành động dù có thể tình cờ gia tăng bất ổn, như tham gia hơn vào các nỗ lực giải quyết tranh chấp – một hành động mà rất nhiều quốc gia khu vực sẽ diễn giải như là một sự thay đổi chính sách truyền thống của Mỹ là trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ.

Các lợi ích an ninh biển ở Biển Đông

Rất nhiều quốc gia, trong khu vực và trên thế giới, có lợi ích an ninh biển ở khu vực Biển Đông. Những lợi ích này bao gồm các yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và các bãi đá san hô, yêu sách đối với những đặc quyền phát triển các tài nguyên biển, tự do hàng hải trên biển cả và hậu quả của các hoạt động hiện đại hóa quân sự đang diễn ra ở khu vực.[2] Cuộc cạnh tranh đối với bất kỳ hoặc tất cả các lợi ích trên có thể ảnh hưởng sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2006, vấn đề an ninh biển quan trọng ở Biển Đông là sự cạnh tranh đối với các yêu sách, áp dụng và thực thi các quyền trên biển đối với các vùng nước này.

CÁC YÊU SÁCH CHỦ QUYỀN VỚI CÁC ĐẢO VÀ BÃI ĐÁ SAN HÔ

Lĩnh vực đầu tiên mà an ninh biển bao gồm đó là các yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các bãi đá ngầm như các rạn san hô. Ở Biển Đông, có hai tranh chấp khác nhau liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Đầu tiên là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã kiểm soát hoàn toàn từ năm 1974.[3] Tranh chấp thứ hai là tranh chấp đa phương về quần đảo Trường Sa, nơi bao gồm khoảng 230 đảo và bãi đá, chủ yếu là các đảo nhỏ, các hòn đảo rất nhỏ và các bãi đá san hô. Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều yêu sách “chủ quyền không thể tranh cãi” ở trên những đảo trên. Philippines yêu sách chủ quyền của 53 đảo, trong khi Malaysia yêu sách 12 đảo.[4] Việt Nam hiện nay chiếm giữ 27 đảo, nhiều nhất trong số các bên yêu sách. Philippines chiếm 8 đảo, Trung Quốc 7, Malaysia 5, Đài Loan 1. Đảo đầu tiên được phía Đài Loan chiếm năm 1956 khi quân Quốc dân đảng từ Đài Loan đồn trú vĩnh viễn đảo Ba Bình (Itu Aba), đảo lớn nhất trong số các đảo tranh chấp. Các quốc gia yêu sách khác mãi đến đầu những năm 1970 mới bắt đầu hiện diện liên tục ở các đảo này. Trung Quốc bắt đầu thiết lập sự hiện diện cơ học vào tháng 1 năm 1988 khi giết 74 thủy thủ của Việt Nam. Đảo đất gần đây nhất được Malaysia và Việt Nam nắm giữ năm 1998 và 1999. Trung Quốc không chiếm một đảo tranh chấp nào từ cuối năm 1994 khi nước này chiếm được đảo Vành Khăn.[5]

CÁC YÊU SÁCH ĐỐI VỚI QUYỀN VÀ QUYỀN TÀI PHÁN TRÊN BIỂN

 

Lợi ích an ninh biển thứ hai liên quan đến các yêu sách đối với các quyền trên biển, đặc biệt là các yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZs) và thềm lục địa. Các quyền trên biển bao gồm các vấn đề không về chủ quyền mà về quyền tài phán – liệu là các quốc gia có quyền khai thác bất kể tài nguyên nào (đặc biệt là dầu khí cũng như nguồn lợi thủy sản và các khoáng sản khác) không. Các quyền trên biển chỉ bị tranh chấp trên một phần của Biển Đông, một vùng biển trải rộng từ cửa sông Chân Trâu (Pearl River) ở Trung Quốc đến đỉnh của đảo Natuna của Indonesia. Nói chung, vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc yêu sách từ bờ biển của nước này, bao gồm tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam, hầu hết là không bị tranh chấp.[6] Tuy nhiên, phần phía nam của biển này thì gây ra tranh cãi lớn giữa các nước có yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như Indonesia.

Các quốc gia khác nhau biện minh yêu sách đối với quyền trên biển của mình theo các cách khác nhau. Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei khẳng định quyền trên biển của mình từ bờ biển của họ. Indonesia yêu sách quyền trên biển của mình dựa trên đảo Natuna. Tuy nhiên, Trung Quốc, dựa trên quyền trên biển của mình đối với các yêu sách chủ quyền đối với nhóm đảo còn đang tranh chấp, như Trường Sa, thêm vào bờ biển của đại lục Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết (chứ không phải tất cả) các đảo ở quần đảo Trường Sa sẽ không được coi là đảo theo Điều 121(3) của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) và do đó không thể coi như là căn cứ để một quốc gia yêu sách đòi vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa mở rộng. Theo đó, các nhà quan sát coi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc như là sự bành trướng, bởi nó bao gồm một phần rộng lớn hơn về quyền trên biển so với các quốc gia ven biển khác và cũng coi yêu sách đó là không hợp pháp vì phần yêu sách dường như dựa trên các hình thái đất không đủ tiêu chuẩn được coi là đảo theo Điều 121(3).[7] Thêm vào đó, yêu sách “đường 9 đoạn” xuất hiện trên bản đồ khu vực của Trung Quốc còn tạo ra sự mập mờ lớn hơn, như Ian Storey đã chỉ ra trong tập báo cáo này, rằng chính phủ Trung Quốc cũng chưa bao giờ xác định đường này đại diện cho điều gì.

TỰ DO HÀNG HẢI

 

Khía cạnh thứ ba của an ninh biển bao gồm tự do hàng hải, gồm có an ninh của các tuyến đường vận tải biển chạy qua những vùng nước này. Một vài các tuyến đường tấp nập nhất trên thế giới chạy qua Biển Đông. Tự do hàng hải ảnh hưởng đến lợi ích của không chỉ các quốc gia yêu sách chủ quyền hoặc quyền trên biển như nói ở trên mà của tất các các quốc gia tham gia quá trình vận tải biển, bao gồm cả Mỹ. Các cuộc đối đầu bao gồm các chủ thể thương mại và các cơ quan thực thi pháp luật biển dân sự Trung Quốc từ năm 2009 đến 2011 gây ra các quan ngại về tự do hàng hải ở các vùng biển này. Thêm nữa, Trung Quốc (cùng với các cường quốc đang lên về hàng hải như Brazil và Ấn Độ) tiếp tục duy trì quan điểm rằng quyền bờ biển có thể hạn chế các hoạt động quân sự của nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế, mặc dù hầu hết các quốc gia khác không đồng tình với điều này.[8] Mặc dù từ trước tới nay Trung Quốc đã không cố gắng áp dụng sự viện dẫn này trong cuộc tranh giành quyền trên biển ở Biển Đông, nhưng nước này có thể làm như vậy trong tương lai. Đến nay, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực hiện các sự hạn chế về tự do hàng hải đã xuất hiện ở trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi nước này. Ví dụ, vụ đối đầu tháng 5 năm 2009 liên quan đến tàu Impeccable USNS xuất hiện cách đảo Hải Nam khoảng 75 dặm về phía đông nam.[9]

HIỆN ĐẠI HÓA HẢI QUÂN

 

Lợi ích thứ tư về an ninh biển liên quan đến hậu quả của quá trình hiện đại hóa hải quân của các quốc gia đang phát triển trong khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông tạo ra động lực để các quốc gia này thúc đẩy năng lực và sự hiện diện hải quân của nước mình, điều đó quay trở lại có thể tăng khả năng xung đột vũ trang có thể xảy ra. Thêm vào đó, khi các quốc gia duyên hải tăng cường phụ thuộc vào thương mại trên biển và các nguồn tài nguyên biển, lợi ích biển của họ cũng tăng lên. Ví dụ, Việt Nam có ý định tăng cường tỉ lệ mà kinh tế biển có thể đóng góp cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 48% năm 2005 đến 55% năm 2020.[10] Giống như vậy, phần lớn thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là ngành cung cấp năng lượng, được thực hiện trên biển. Để bảo vệ các lợi ích mới này, cũng như bảo vệ các yêu sách chủ quyền và các yêu sách khác, các quốc gia duyên hải rất tích cực hiện đại hóa hải quân và các lực lượng vũ trang khác. Những sự thay đổi kéo theo trong cán cân cân bằng lực lượng – và trong sự phát triển của các khẩu đại bác với tầm bắn xa hơn và sức chịu đựng dẻo dai hơn – có thể trở nên ngày càng cạnh tranh và gây bất ổn hơn.

Cạnh tranh các lợi ích biển khác nhau có thể tăng tính bất ổn của khu vực. Trong bốn khía cạnh trên, tranh chấp quyền chủ quyền lãnh thổ và quyền trên biển có thể dễ leo thang thành việc sử dụng quân sự nhất. Hai vụ va chạm hải quân quan trọng xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, một diễn ra vào năm 1974 đối với nhóm đảo Crescent ở Hoàng Sa và một vào năm 1988 đối với Bãi đá Johnson ở quần đảo Trường Sa. Khi cuộc cạnh tranh quyền trên biển tăng lên, các cuộc va chạm vũ trang giữa các lực lượng hải quân của các quốc gia yêu sách cũng tăng lên; các cuộc va chạm như vậy sẽ tăng tính bấn ổn và đặt ra nhiều vấn đề về tự do hàng hải ở các vùng biển này đối với tất cả các quốc gia tham gia giao thông trên biển.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

M. Taylor Fravel

Hằng Ngân (dịch)

Quang Hưng (hiệu đính)

Bản dịch chương II: Maritime Security in the South China Sea and the Competition over Maritime Rights trong báo cáo: Cooperation from Strenth: The United States, China and the South China Sea của Trung tâm An ninh mới (CNAS) của Mỹ.



[1] Robert D. Kaplan, “The South China Sea Is the Future of Conflict,” Foreign Policy (September/October 2011).

[2] Để kiểm tra chi tiết các loại lợi ích khác nhau, xem Peter Dutton, “Three Disputes and Three Objectives: China and the South China Sea,” Naval War College Review, 64 no. 4 (2011), 42-67.

[3] Trước trận đụng độ tháng 1 năm 1974 giữa Trung Quốc và Nam Việt Nam, Trung Quốc chỉ kiểm soát vài hòn đảo trong nhóm Amphitrite ở phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Sau trận giao tranh năm 1974, Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát ở nhóm Crescent. Xem thêm M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2008), 272-287.

[4] Greg Austin, China’s Ocean Frontier: International Law, Military Force, and National Development (Canberra, Australia: Allen & Unwin, 1998), 153-154.

[5] Một tóm tắt gần đây về những sự phát triển này, xem Fravel, Strong Borders, Secure Nation, 267-299.

[6] Xem thêm thảo luận chi tiết về yêu sách của Trung Quốc ở M. Taylor Fravel, “China’s Strategy in the South China Sea,” Contemporary Southeast Asia, 33 no. 3 (December 2011)

[7] Bằng việc nộp yêu sách quyền thềm lục địa mở rộng cho Liên hiệp quốc năm 2009, Việt Nam và Malaysia chỉ ra rằng hai nước này sẽ yêu sách quyền hàng hải ở các đảo đang tranh chấp, dù họ vẫn chưa nói điều này rõ ràng. Trong một công hàm sau đó, Philippines chỉ ra rằng quần đảo Trường Sa không đạt được tiêu chí theo như Điều 121(3) và do đó không thể được sử dụng để yêu cầu quyền hàng hải. Một nhân tố khác của yêu sách Trung Quốc là sự quả quyết rằng luật về vùng đặc quyền kinh tế năm 1998 của nước này sẽ không ảnh hưởng đến “quyền lịch sử” của Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung và phạm vi địa lý của những quyền lịch sử này vẫn chưa được xác định trong luật này.

[8] Ren Xiaofeng and Cheng Xizhong, “A Chinese Perspective,” Marine Policy, 29 no. 2 (March 2005), 139-146.

[9] Raul Pedrozo, “Close Encounters at Sea: The USNS Impeccable Incident,” Naval War College Review, 62 no. 3 (Summer 2009), 101-111.

[10]  “Vietnam Aims to Become Strong Maritime Nation,” Vietnam Seaports Association, May 26, 2010, http://www.vpa.org.vn/detail_temp.jsp?id=1652