Bài viết của Lý Quốc Cường, chuyên gia về vấn đề Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sử địa biên giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đăng trên trang Chiến lược Trung Quốc

 

Tuyên bố ngày 01/3 vừa qua của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi về vấn đề Biển Đông khiến dư luận quốc tế quan tâm cao độ, ông Hồng Lỗi nói “không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông”. Giới phân tích bên ngoài căn cứ vào phát biểu này cho rằng, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã “mềm hóa”.

Thực tế, lập trường và thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là nhất quán và rõ ràng, hoàn toàn không tồn tại cái gọi là “mềm hóa lập trường” hay “bắt đầu trở nên rõ ràng”. Dư luận phân tích như vậy thực chất là vô tình hiểu sai hoặc cố ý làm sai lệch lập trường của Chính phủ Trung Quốc.

Ngày 06/3, tại buổi họp báo bên lề Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa 11, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì một lần nữa phát biểu về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh “Trung Quốc nhất quán chủ trương lấy sự thực làm nền tảng, căn cứ vào chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, các nước liên quan trực tiếp đàm phán giải quyết thỏa đáng tranh chấp Biển Đông. Trong khi tranh chấp chưa được giải quyết, các bên có thể gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Lập trường của Trung Quốc đã hết sức rõ ràng, cái cớ “bảo vệ tự do hàng hải Biển Đông” của quốc gia liên quan là không đủ thuyết phục. Người phát ngôn Hồng Lỗi ngày 29/02 nói “sự thật chứng minh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông chưa bao giờ là vấn đề, và không bị bất kỳ ảnh hưởng nào do tranh chấp Biển Đông. Hy vọng các bên, kể cả bên không liên quan trực tiếp đến tranh chấp, sẽ làm những việc có lợi cho gìn giữ hòa bình và ổn định của khu vực”.

Nhưng có một hiện thực là, một số nước có yêu sách chủ quyền lôi kéo một số nước không có yêu sách chủ quyền nhúng tay vào vấn đề Biển Đông, hoặc luân phiên tổ chức diễn tập quân sự liên hợp, hoặc tìm cách mời thầu thăm dò khai thác dầu khí Biển Đông, cố ý tạo ra bầu không khí mất ổn định tại khu vực.  

Với phát biểu ngày 01/3 của Người phát ngôn Hồng Lỗi cho rằng “không có quốc gia nào kể cả Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông”, vậy thì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông rốt cục là gì? Khu vực tranh chấp Biển Đông rốt cục như thế nào?

Toàn bộ Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2, trong đó Trung Quốc chủ trương có chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển nằm trong khu vực “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò), với diện tích hơn 2 triệu km2. Nói cách khác, Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán không thể xâm phạm đối với vùng biển rộng hơn 2 triệu km2 thuộc Biển Đông cùng các đảo, bãi, bãi ngầm nằm trong phạm vi này.

Trung Quốc chưa công bố đường cơ sở lãnh hải Biển Đông

“Cương vực Nam Hải” của Trung Quốc đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử. Trải qua các triều đại từ Hán, Đường cho đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh... phạm vi sinh sống và hoạt động của người Trung Quốc đã phát triển mở rộng ra tới hầu hết các đảo ở Biển Đông, chính quyền qua các triều đại đã hình thành sự quản lý đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận. Kể từ thời kỳ cận đại, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường và thực hiện hiệu quả chủ quyền và quyền quản lý đối với các đảo thuộc Biển Đông; đến năm 1947 bằng việc quy phạm các tên gọi địa lý và vẽ bản đồ các đảo, một lần nữa xác định rõ điểm cực nam của Trung Quốc là bãi ngầm Tăng Mẫu (bãi James), đồng thời lấy đường đứt đoạn làm giới hạn, từ đó hình thành phạm vi thực chất về “cương vực Nam Hải” của Trung Quốc.   

Kể từ khi chính thức công bố bản đồ “đường đứt đoạn” năm 1948 đến nay, Trung Quốc luôn kiên trì chủ quyền đối với vùng biển và các đảo trong phạm vi “đường đứt đoạn”. Lập trường này không chỉ được phản ánh trong tuyên bố của chính quyền các thời kỳ, trong các bản đồ cũng như trong thực tiễn lâu dài Trung Quốc thực thi quyền quản lý của mình, mà còn được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong các văn bản pháp lý và nội luật của Trung Quốc, như “Tuyên bố về Lãnh hải 1958”, “Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp” năm 1992, “Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” năm 1998.   

Liên quan đến vấn đề thụ đắc lãnh thổ, luật pháp quốc tế hiện nay có các nguyên tắc cơ bản như “luật đương đại”, “phát hiện”, “chiếm trước”, “quản lý hữu hiệu” v.v.. Căn cứ vào nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, xét đến các chứng cứ lịch sử cho thấy Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai thác và quản lý đầu tiên, thực hiện quyền quản lý hành chính đầu tiên và liên tục không gián đoạn đối với Biển Đông... có thể xác định rõ ràng là, sự hình thành “biên giới Nam Hải” của Trung Quốc không chỉ là sự phát triển tất yếu của lịch sử, mà còn có tính duy nhất và liên tục, hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Về việc này, trong một thời kỳ dài, các nước trên thế giới không có nước nào đưa ra ý kiến bất đồng, ngược lại họ còn thừa nhận hoặc là mặc nhiên công nhận sự thực Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông.

Ngày 15/05/1996, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố về một phần đường cơ sở lãnh hải lục địa và đường cơ sở lãnh hải quần đảo Hoàng Sa, xác định rõ đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, từ đó xác định rõ phạm vi chiều rộng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa là bộ phận cấu thành của lãnh thổ Trung Quốc, chủ quyền của Trung Quốc bao gồm vùng biển, bầu trời, lòng biển và đáy biển trong phạm vi lãnh hải.

Mặc dù trong tuyên bố này đã bảo lưu quyền “sẽ tiếp tục tuyên bố đường cơ sở lãnh hải của các vùng biển khác của nước CHND Trung Hoa”, nhưng để gìn giữ hòa bình ổn định của Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc chưa công bố đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên một điều chắc chắn là, thứ nhất Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi lập trường của mình về chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận, thứ hai là chưa bao giờ mở rộng chủ trương “đường đứt đoạn”, luôn lấy “đường đứt đoạn” làm chủ trương phạm vi chủ quyền và quyền tài phán.   

Hiệu lực của “đường đứt đoạn” tối ưu hơn “Công ước luật Biển”

Công ước Luật biển LHQ được ký kết năm 1982, năm 1994 chính thức có hiệu lực. Công ước này đã xác định một loạt chế độ luật pháp quốc tế về biển, cho phép các nước ven biển chủ trương vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng. Các nước khu vực Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Bruney dựa vào đó lần lượt đưa ra yêu sách của mình về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đồng thời “xâm phạm” vào phạm vi đường đứt đoạn của Trung Quốc với các mức độ khác nhau, gây ra chồng lấn về chủ quyền và quyền tài phán, từ đó hình thành vấn đề phân định ranh giới trên Biển Đông.

Một điều dễ thấy là, lập trường Biển Đông của Trung Quốc có chứng cứ lịch sử và bằng chứng pháp lý đầy đủ và rõ ràng, “đường đứt đoạn” là một trong những cơ sở căn bản để xác lập chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Cơ sở để các nước ven Biển Đông nêu ra yêu sách chủ quyền là dựa trên Công ước luật Biển của LHQ, riêng Việt Nam còn đưa ra bằng chứng lịch sử, nhưng những bằng chứng này đều không thuyết phục, bất luận là từ góc độ lịch sử hay là từ lý luận và thực tiễn luật pháp quốc tế.

Cần phải nhấn mạnh là, trước hết, “đường đứt đoạn” ra đời từ rất sớm so với Công ước luật Biển 1982, là sự thực khách quan đã tồn tại gần 100 năm, công bố chính thức cũng đã hơn 60 năm, bởi vậy yêu cầu “đường đứt đoạn” phải phù hợp với Công ước luật Biển không chỉ là đảo ngược vấn đề, mà còn là không tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp. Mặt khác, Công ước luật biển chỉ là một bộ luật trong luật pháp quốc tế, không thể thay thế cho các luật quốc tế khác; bản thân Công ước không quy phạm và không ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền của các quốc gia, do đó không thể lấy Công ước này làm căn cứ chủ yếu hoặc duy nhất để phán xét tính hợp pháp của chủ trương chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ ba, bản thân Công ước không phủ nhận các chủ trương quyền lợi đã hình thành và kéo dài liên tục trước khi Công ước ra đời, càng không thể mang lại “tính hợp pháp” cho bất kỳ quốc gia nào xâm phạm và làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc./.

Bản gốc tiếng Trung “际先驱导报:中国的南海诉求究竟是什么

Quốc Trung, cộng tác viên tại Hồng Công (gt)