80117756-philippine-navy.jpg

Indonesia cho tới nay đã đưa ra một cách tiếp cận thận trọng đối với những tranh chấp tại Biển Đông. Nước này vẫn khẳng định rằng mình không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và cũng không có tham vọng lãnh thổ nào tại khu vực. Tuy nhiên, Indonesia vẫn có lợi ích và tiếp tục ủng hộ một ASEAN đoàn kết trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

Mặt khác, Indonesia đã khẳng định quyền chủ quyền đối với lãnh hải của mình, đặc biệt trong việc chấp pháp để đối phó với các hoạt động đánh bắt cá trái phép trên các vùng biển của Indonesia. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là một trọng tâm dứt khoát và rất nghiêm túc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo. Năm 2016, đã xảy ra 3 vụ tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Ngay sau đó, Tổng thống Widodo đã dẫn đầu một đoàn cấp cao tới quần đảo Natuna để gặp các bộ trưởng và các quan chức an ninh trên tàu chiến của Indonesia. Tuy vậy, hành động này đã không đưa đến bất kỳ một sự thay đổi nào trong chính sách của Indonesia.

Đề xuất tuần tra chung trên Biển Đông

Tháng 10/2016, sau cuộc đối thoại 2+2 bao gồm Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước Indonesia và Úc, Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết ông đã đề nghị 2 bên tiến hành tuần tra chung tại khu vực phía Đông Biển Đông để bảo vệ an toàn cho vùng biển này. Rất ít các chi tiết về bản chất của các cuộc tuần tra, liệu các cuộc tuần tra là chung hay phối hợp và các địa điểm cụ thể được công bố nằm ở đâu.

Vào thời điểm đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Julie Bishop đã lên tiếng khẳng định Canberra đang xem xét các cuộc tuần tra chung. Bà cho biết cả 2 bên sẽ tiến hành thảo luận các hoạt động phối hợp trên Biển Đông, và rằng điều này là phù hợp với việc cả hai nước thực hiện quyền tự do hàng hải.

Vài ngày trước khi thực hiện chuyến thăm Úc hôm 25/2/2017, khi trả lời các câu hỏi liên tục của giới truyền thông, Tổng thống Indonesia Widodo đã phát biểu rằng các cuộc tuần tra chung có thể được tiến hành “chỉ khi nào không có các căng thẳng tại khu vực". Câu trả lời của ông đã một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về mức độ nghiêm túc của kế hoạch tuần tra chung giữa hai nước. Hóa ra, sau cuộc gặp tại Canberra, vấn đề này đã không được đề cập trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo.

Không lâu sau đó, hai bên dường như đã bỏ rơi ý tưởng này. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) tại Jakarta ngày 7/3, Ngoại trưởng Úc cho biết Tổng thổng Indonesia Widodo chưa bao giờ đề nghị thực hiện các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, và các quan chức Indonesia cũng chưa bao giờ xác nhận kế hoạch về các cuộc tuần tra chung giữa hai nước.

Một ý tưởng mơ hồ

Ý tưởng về các cuộc tuần tra phối hợp thực sự không phải là mới đối với Indonesia và Úc, bởi hai nước đã có các hoạt động phối hợp dọc theo khu vực biên giới. Từ năm 2010, lực lượng quốc phòng Úc và lực lượng vũ trang Indonesia đã tiến hành các cuộc tuần tra an ninh biển, thường bắt đầu ở Kupang (miền Đông Indonesia) và kết thúc tại Darwin (Úc). Các cuộc tuần tra này nhằm vào các hoạt động trái phép tại khu vực lãnh hải của 2 nước.

Năm 2016, lực lượng biên giới Úc và Ban An ninh Biên giới Indonesia đã tiến hành một chiến dịch tuần tra an ninh biển mật danh “Chim Hải Âu” tại vùng biển Timor. Do vậy, các cuộc tuần tra chung tại vùng biển Đông Nam Á không phải là một ý tưởng gây tranh cãi. Tuy nhiên, đề xuất cụ thể này đã được truyền thông và công chúng quan tâm rộng rãi do những tranh chấp tại Biển Đông.

Bản thân đề xuất này đã không nhận được sự ủng hộ cả ở Indonesia và Úc bởi các chuyên gia của hai nước đã cảnh báo về khả năng gây ra những căng thẳng với Trung Quốc. Tương tự, các sự cố xảy ra tại vùng biển Natuna vào đầu năm 2016 đều là những tin tức thu hút sự chú ý của công luận. Cả Indonesia và Úc đều là những quốc gia có liên quan quan trọng tại Biển Đông. Sự liên quan của 2 nước này càng nhiều thì tác động mang lại đối với các tranh chấp ở Biển Đông càng lớn, làm ảnh hưởng tới tình hình tại đây.

Liệu Indonesia có đóng vai trò lớn hơn tại Biển Đông?

Đã có nhiều lời kêu gọi Indonesia phải đóng vai trò lớn hơn trong việc tạo dựng một giải pháp cho những tranh chấp tại Biển Đông. Thoạt nhìn thì đề xuất tuần tra chung này có vẻ là câu trả lời, song thực tế lại không phải như vậy. Từ năm 2016, Indonesia đã có những cơ hội để có thể thay đổi chính sách trong vấn đề Biển Đông, nhưng dường như có rất ít bằng chứng cho thấy Indonesia đã tận dụng điều đó. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi chủ đề hợp tác an ninh song phương, đặc biệt là liên quan tới Biển Đông, không nằm trong chương trình nghị sự tại chuyến thăm Úc của ông Widodo, bởi thương mại và đầu tư mới là ưu tiên chính của Indonesia.

Đề xuất này là một viễn cảnh xa vời bởi không có các yếu tố chính sách để hoạt động tuần tra chung này có thể thực hiện được:

Thứ nhất, có rất ít cơ hội để Indonesia thay đổi chính sách đối ngoại trong vấn đề Biển Đông. Quan điểm của Indonesia về Biển Đông vẫn còn khá mơ hồ.

Thứ hai, sự liên quan (nếu có) của Úc trong các tranh chấp tại Biển Đông tương đối ít. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay về vụ kiện của Philippines, Úc đã kêu gọi Trung Quốc chấp nhận và tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời nước này cũng tuyên bố trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ tại đây và đứng ngoài các tranh chấp.

Thứ ba, mặc dù Úc và Indonesia hợp tác trong các hoạt động an ninh biển nhưng hai bên vẫn thiếu lòng tin trong hợp tác quân sự. Ngay trong chuyến thăm Úc của Tổng thống Widodo, hai bên mới khôi phục hợp tác quân sự vốn bị đình trệ, liên quan tới các “lý do kỹ thuật”. Thực chất, nhiều người tin rằng nguyên nhân hợp tác này bị đình trệ là do liên quan tới các tài liệu gây khó chịu cho Indonesia được trưng bày tại căn cứ Úc.

Thực tế là Indonesia coi trọng việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ xung quanh quần đảo Natuna và Úc cũng có quan tâm lớn tới thương mại và vận tải tại Biển Đông, song dường như đề xuất về các cuộc tuần tra chung giữa hai bên tại Biển Đông khó có thể trở thành hiện thực.

Tác giả Shafiah F Mubibat là thành viên cao cấp của chương trình an ninh biển tại trường RSIS, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Indonesia). Bài viết đăng trên “RSIS”.

Hùng Sơn (gt)