Những thay đổi cơ cấu của PLA đã được tờ "Yomiuri" (Nhật Bản) tiết lộ hồi đầu năm nay và được báo "China Daily" xác nhận sau đó. Theo các tờ báo này, động thái trên đã được thực hiện với việc ba quân khu duyên hải là Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu được sáp nhập thành Bộ chỉ huy lực lượng chung (JFC) xử lí các vấn đề thực địa ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Dự kiến sẽ có hai JFC khác được thành lập từ các quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh, Lan Châu và Thành Đô hiện nay. Những thay đổi mới nhất dường như được thực hiện theo "Chỉ thị mùa Thu 2013" của ông Tập Cận Bình nhằm cải thiện tính cơ động và củng cố tính hiệp trợ chiến đấu của PLA. Với việc giảm quân số từ 2,3 triệu xuống còn 2 triệu, ngân sách của PLA được tái phân bổ cho việc trang bị khí tài và đáp ứng yêu cầu hoạt động của các JFC.

Việc tái tổ chức cấu trúc hoạt động của PLA là cần thiết bởi 4 lí do sau: Trước hết, các mối đe dọa mới cho thấy phương thức đưa ra phản ứng quân sự thích hợp hiện tại sẽ rất phức tạp và không rõ ràng, đặc biệt khi thực địa hoạt động đã mở rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc sang các vùng biển và không gian lân cận bao gồm cả các vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) và Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mới đầy tranh cãi. Trung Quốc coi tranh chấp lãnh hải với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei là vấn đề "lợi ích cốt lõi" và cũng đang đối đầu với Nhật Bản (có thể là cả Mỹ) trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. 

Thứ hai, PLA đến nay phần lớn chỉ quan tâm bảo vệ biên giới quốc gia. Để trở thành một lực lượng có khả năng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa bên ngoài, đặc biệt tại các vùng biển tranh chấp, PLA cần phải "bớt chịu" những yêu cầu mang tính ý thức hệ của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Thay vào đó, PLA tập trung vào công nghệ quốc phòng hiện đại để xây dựng quân đội chuyên nghiệp thực sự.

Thứ ba, khái niệm hoạt động trong tương lai của PLA nhiều khả năng sẽ chuyển thành chiến tranh hỗn hợp mang tính tấn công hơn là chiến thuật phòng thủ chống tiếp cận/chống xâm nhập (AA/AD) như hiện nay. 

Thứ tư, việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia hồi năm 2013 (cơ quan chỉ huy cấp cao nhất) đồng nghĩa với việc hình thành và phát triển một cấu trúc chỉ huy và kiểm soát mới. Kể từ năm 1920, PLA nằm dưới sự chỉ đạo của một cấu trúc chỉ huy lỏng lẻo giữa nhà nước và CCP. Là người đứng đầu Quân ủy Trung ương (trách nhiệm kép), Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách Tham mưu trưởng dân sự, có vai trò trung tâm trong việc hợp nhất các năng lực của JFC và hướng tới một khái niệm chiến tranh chung.

Thay đổi khái niệm hoạt động cũng đồng nghĩa với việc tái xác định nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của PLA. Điều này đòi hỏi các học thuyết mới, cấu trúc lực lượng và khí tài mới (tất cả đều kèm theo quá trình huấn luyện mới), và quan trọng nhất là năng lực chiến đấu mới. Tuy nhiên, hiện có những rào cản khó giải quyết như: mối quan hệ dân sự-quân đội phức tạp giữa CPP và PLA khiến khó thiết lập một quân đội chuyên nghiệp thực sự. Ngoài ra, một học thuyết mang tính chiến lược lớn, rõ ràng và súc tích nên xác định JFC sẽ được sử dụng thế nào, đặc biệt trong các chiến dịch tác chiến chung ngoài lãnh thổ. Đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra bất kỳ học thuyết lớn nào như vậy cho PLA, vốn rất ít kinh nghiệm hoạt động chiến dịch chung.

Có một số dấu hiệu cho thấy PLA đang tạo lập thành công các sứ mệnh và khái niệm hoạt động mới. Cuộc diễn tập hạm đội chung lớn nhất Jidong-5 đã được tiến hành vào 10/2013 ở Tây Thái Bình Dương được coi là một cuộc diễn tập cấp chiến dịch, với sự tham gia của các chiến hạm, máy bay và tàu ngầm thuộc Hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. PLA cũng tìm cách thay thế những kịch bản được dàn xếp kĩ lưỡng trước đây bằng những hoạt động thao diễn tự phát hơn, song cần thiết để phô diễn sức mạnh phản ứng nhanh.

Mối quan hệ đặc biệt giữa CCP và PLA thể hiện học thuyết quân sự "chiến tranh nhân dân" của Mao Trạch Đông có từ thập niên 1920. Học thuyết quân sự này với việc bố trí và triển khai các quân khu được quyết định chủ yếu bởi các cân nhắc chính trị hơn là quân sự đã tạo ra những cơ cấu chỉ huy và kiểm soát không đầy đủ hoặc chồng chéo. Do vậy, quyết định tái cơ cấu PLA của Tập Cận Bình được cho là nhằm chuyển dần PLA từ quân đội của đảng sang điều gì đó gần hơn với một quân đội nhà nước "thật sự", với các chỉ huy JFC tự chủ và ít bị CCP can thiệp. Tuy nhiên, bản thân trong quân đội, hầu hết các sĩ quan PLA vẫn phải "đội hai mũ" cho vai trò quân đội và đảng của mình, và sự căng thẳng giữa "hai trung ương" này đã tạo ra chuỗi mệnh lệnh không rõ ràng. 

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Yoon Suk-joon, ở Trung Quốc hiện có những rào cản rất lớn đối với việc thiết lập một cơ cấu chỉ huy và kiểm soát thống nhất duy nhất ở cấp quốc gia. Do đó, PLA cần tập trung nhiều hơn cho quá trình hình thành cấu trúc chỉ huy mới (với các JFC phối hợp hoạt động vì một mục đích chung) thay vì chỉ thuần túy tạo ra một cơ quan chỉ huy quốc gia mới. Đó chỉ là sự khởi đầu của một quá trình lâu dài và phức tạp cả trên khái niệm lẫn hoạt động thực tế. 

Tác giả Sukjoon Yoon, Đại tá Hải quân đã nghỉ hưu, là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Biển Hàn Quốc và giáo sư khách mời tại Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc. Bài viết đăng trên "RSIS".

Nhật Linh (gt)