Trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Tòa PCA đã ra phán quyết về vụ tranh chấp Biển Đông ngày 12/7. Phản ứng của chính phủ Indonesia đối với quyết định của Tòa trọng tài là kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, tự kiềm chế tránh bất kỳ hành động nào gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như sự ổn định khu vực là tinh thần bản tuyên bố của Chính phủ Indonesia, phản ánh sự quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, trách nhiệm tuân thủ hiến pháp cũng như vai trò duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Mối quan hệ giữa các nước được thiết lập bởi các quy chuẩn, quy định, pháp luật khác nhau, dựa trên sự đồng thuận giữa các nước. Nếu không có sự tuân thủ nhất quán với các quy chuẩn, quy định và pháp luật ấy, trật tự thế giới không bao giờ có được. Cộng đồng quốc tế là một xã hội tuân thủ luật pháp, căn cứ vào các nguyên tắc trong Tuyên bố của Liên Hợp Quốc. Nói đến đấu tranh quyền lực, có thể “chân lý thuộc về kẻ mạnh” nhưng khi nói đến luật pháp quốc tế “chân lý tạo nên sức mạnh”. Là một phần của cộng đồng quốc tế, mỗi nước dù lớn hay nhỏ đều không ngoại lệ, không có khác biệt gì về quyền và nghĩa vụ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Indonesia cho đây là điều cần thiết để chính phủ đưa ra một tuyên bố, khuyến khích tất cả bên, không có ngoại lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế. Khi tham gia UNCLOS 1982, Indonesia có lợi ích trong việc đảm bảo rằng những điều khoản cùng cơ chế của UNCLOS phải được tôn trọng hoàn toàn. Indonesia cùng với các nước cùng ý tưởng, đã đấu tranh bền bỉ để các nguyên tắc của quốc đảo được chấp nhận trong UNCLOS năm 1982. Sự tồn tại của quốc đảo Indonesia được bảo vệ bởi UNCLOS. UNCLOS là một phần của luật pháp Indonesia và đã được phê chuẩn theo luật định Indonesia (luật số 17 năm 1985). Vì vậy nghĩa vụ của Indonesia đảm bảo rằng các nguyên tắc của UNCLOS 1982 phải được tất cả các bên tôn trọng. Chỉ thông qua UNCLOS, Indonesia mới có thể giải quyết các tranh chấp biên giới biển với các nước láng giềng. Indonesia có đường biên giới biển với 10 quốc gia, bao gồm Úc, Phillipines, Ấn Độ, Malaysia, Papua New Guinea, Palau, Singapore, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam. Tất cả mười nước này đều là thành viên UNCLOS.

Indonesia ưu tiên giải quyết vấn đề biên giới với các nước này. Các đàm phán trước đây bị trì hoãn sẽ tiếp tục được Bộ Ngoại giao thúc đẩy và đang trở thành kế hoạch quan trọng hàng đầu của Bộ. Một điều cần phải xác định rõ ràng là các vùng biển phải được xuất phát từ đường cơ sở hợp pháp UNCLOS và không dựa trên bất kỳ đường cơ sở nào ngoài công ước UNCLOS 1982. Chiều rộng tối đa vùng biển từ đường cơ sở cũng phải tuân thủ theo quy định nêu trong UNCLOS.

Ngoài ra, trong tuyên bố chính phủ về phán quyết của tòa trọng tài, Indonesia đề nghị tất cả các quốc gia nằm trong khu vực kiềm chế vì lợi ích của hòa bình và ổn định. Khi một đất nước có phản ứng thái quá và phô diễn sức mạnh quân sự, một nước khác cũng sẽ phản ứng tương tự, dẫn tới “thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh”. Nếu chuyện như vậy xảy ra, rất có khả năng các xung đột sẽ leo thang. Indonesia tránh để xảy ra điều đó trong khu vực Đông Nam Á và lân cận. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh, các nước ASEAN đã cam kết duy trì hòa bình và ổn định lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao ASEAN đã ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) năm 1971 và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 1976. Các sáng kiến này đã được hoan nghênh không chỉ bởi các nước khu vực mà kể cả Mỹ, Trung Quốc và Nga. Tiếp theo, ASEAN và Trung Quốc đã đưa ra Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002 (DOC).

Thử thách để giữ cho Đông Nam Á và các khu vực xung quanh hòa bình và ổn định có thể đạt được nếu ASEAN có khả năng duy trì vai trò trung tâm và tính đoàn kết. Indonesia luôn ở tuyến đầu khi nói đến việc duy trì vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN. Indonesia đã từng công bố ủng hộ vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN và gần đây nhất tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, ngày 14/6.

Vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN là chìa khóa của ASEAN, được xem như nền tảng vững chắc cho các thành viên ASEAN để duy trì mối quan hệ tốt giữa các thành viên ASEAN với nhau cũng như với các đối tác của mình. Indonesia có quan điểm mạnh mẽ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Khi nhấn mạnh tầm trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, Indonesia hy vọng rằng hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á sẽ luôn được duy trì.

Retno L. P. Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia. Bài viết được đăng trên Kompas.

Văn Cường (gt)