Gregory J. Moore trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nottingham, Ninh Ba.

Hiện nay, Trung Quốc đứng trước lựa chọn áp dụng mô hình của Otto von Bismarck - dường như là mục tiêu Bắc Kinh tuyên bố - hoặc đi theo mô hình (chủ đích hoặc không chủ đích) của một lãnh đạo người Đức khác, Kaiser Wilhelm. Theo đó, nước này theo đuổi chính sách phát triển quân sự, tìm cách mở rộng lãnh thổ và/hoặc yêu sách biển, có phần xem nhẹ những quan ngại của các nước láng giềng. Biển Đông là phép thử quan trọng, bởi những lựa chọn của Trung Quốc ở khu vực sẽ tác động tới quan hệ của nước này với các nước láng giềng và những cường quốc khác như Mỹ.

Từ khóa: Trung Quốc, Mỹ, Biển Đông, sự trỗi dậy hòa bình, các cường quốc.

Câu hỏi đặt ra với Washington và các nước láng giềng của Trung Quốc khá đơn giản: Liệu Trung Quốc trỗi dậy sẽ đi theo mô hình của Otto von Bismarck hay của Kaiser Wilhelm II? Hai nhà lãnh đạo này chịu trách nhiệm xây dựng nước Đức phát triển nhanh chóng nhưng lựa chọn con đường rất khác nhau trong chính sách đối ngoại quốc gia. Sau khi thống nhất các bang tách rời theo thể chế liên bang thành một quốc gia dân tộc mạnh mẽ và hùng cường vào năm 1871, Bismarck quản lý sự trỗi dậy của Đức, quan trọng không tạo cớ để các nước xung quanh thành lập một liên minh chống đối, hoặc khơi mào cho một cuộc chiến. Mặc dù các nhà hiện thực hiện đại cho rằng một cường quốc trỗi dậy sẽ dẫn tới việc hình thành một liên minh đối trọng (ở mức tối thiểu) và/ hoặc khơi mào một cuộc chiến (trong trường hợp xấu nhất), chiến lược tổng thể của Bismarck đã không dẫn đến hai kịch bản trên (Allison 2015). Eric Hobsbawm (1987, 312) từng nhận xét rằng Otto von Bismarck "thực sự là nhà vô địch thế giới trong bàn cờ ngoại giao đa phương suốt hai mươi năm kể từ sau năm 1871, [và] cống hiến hết mình, và thành công trong việc duy trì môi trường hòa bình giữa các cường quốc." Ngược lại, sau khi Kaiser Wilhelm II miễn nhiệm vai trò chính khách cấp cao của Bismarck và chỉ đạo chính sách đối ngoại của Đức vào năm 1890, ông chèo lái Đức theo hướng mở rộng sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự. Điều này đã không xoa dịu các nước láng giềng, các đối thủ cạnh tranh của Đức hoặc giúp quản lý hiệu quả hệ thống đồng minh khu vực mà người tiền nhiệm Otto von Bismarck cố gắng giữ sự cân bằng. Ông Kaiser Wilhelm II dường như cũng không cân nhắc nghiêm túc về những bất an của các các nước láng giềng trước tự sự trỗi dậy nhanh chóng của Đức. Kết quả tất yếu là một cuộc chạy đua vũ trang nổ ra, đặc biệt là các nước Nga, Pháp, và Vương quốc Anh, để đối phó với chủ nghĩa đơn phương mới việc Đức tập trung xây dựng sức mạnh quân sự và phát triển kinh tế vào đầu thế kỷ XX. Tất cả điều này, cùng với vai trò quan trọng của các cường quốc nhỏ hơn như Serbia và những cá nhân như Princip cùng vụ ám sát Arch Duke Francis Ferdinand, làm bùng nổ Thế chiến thứ nhất vào năm 1914. Người ta có thể tự hỏi Đức, Châu Âu sẽ ra sao nếu ông Kaiser Wilhelm không điều hành chính sách đối ngoại của Đức, thay vào đó trao quyền cho một người có quan điểm giống với nhà chính khách dày dạn kinh nghiệm, Otto von Bismarck, để tiếp tục định hướng chính sách đối ngoại của Đức vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ XX.

Giống với nước Đức thời Bismarck và Wilhelm, Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, gây xáo trộn cán cân quyền lực khu vực. Như nước Đức thời kỳ đó, Trung Quốc phải đứng trước những lựa chọn về triển khai chính sách đối ngoại hiện tại và tương lai - những lựa chọn này có ảnh hưởng lớn đến hòa bình và an ninh khu vực. Biển Đông đang và sẽ là một trong những vũ đài chiến lược quan trọng nhất Trung Quốc phải quyết định triển khai sức mạnh trong những năm tới. Trên thực tế, giới truyền thông, và ngày càng nhiều người trong giới học giả, thảo luận về tầm quan trọng của Biển Đông trong quan hệ khu vực (Đông Á và Đông Nam Á) mối quan hệ quốc tế. Phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài ở The Hague trong vụ kiện của Philippines[1] chỉ rõ đây là vấn đề có tầm quan trọng quốc tế. Học giả Robert Kaplan nhận định Biển Đông đối với Trung Quốc hiện nay giống như Biển Caribê đối với Mỹ vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ XX, và Biển Đông đặt trong bối cảnh chiến lược Đông Á giống như Địa Trung Hải trong bối cảnh khu vực Cận Đông, Châu Phi, Châu Âu từ thời kỳ các thành bang Hy Lạp cho tới ngày nay, và “Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với tương lai địa chính trị của Trung Quốc” (2015, 20). những so sánh này có điểm phù hợp nhất định, Biển Đông và bối cảnh khu vực rất khác biệt về bản chất và thời điểm thế kỷ 21, như vậy trong khi học hỏi từ quá khứ, chúng ta cần nhìn nhận đúng về Biển Đông như một hiện tượng chiến lược của thế kỷ 21. Hàm ý ở đây là các nhân tố quan trọng như Chiến lược Chống Tiếp cận, Chống Xâm nhập của Trung Quốc (theo quan điểm của Mỹ) và chiến lược Không-Hải Chiến của Mỹ, đối chọi với nhau tạo ra nguy cơ leo thang rất đáng lo ngại (Moore 2014).

Về khía cạnh chiến lược, Biển Đông rất quan trọng bởi "người ta ước tính hơn một nửa hoạt động thương mại biển của thế giới, một nửa lượng khí đốt hóa lỏng và một phần ba lượng dầu thô toàn cầu vận chuyển qua Eo biển Malacca" (Hayton 2014, 101). Biển Đông cũng là khu vực Trung Quốc và Mỹ có lợi ích song trùng và trong một số trường hợp mang tính đối lập. Thực tế, Hải quân Mỹ cung cấp "dịch vụ công" ở Biển Đông kể từ Thế chiến II, giúp duy trì các tuyến đường biển và giao thương biển thông suốt, không bị cản trở. Việc Mỹ can dự vào khu vực được tất cả các quốc gia tiếp giáp Biển Đông, ngoại trừ Trung Quốc, hoan nghênh bởi họ coi Mỹ đóng vai trò đối trọng ngăn cản các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực.[2] Trong khi cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ có thể tương đối mới nhưng tầm quan trọng Eo biển Malacca và Biển Đông trong thế kỷ 21 không phải là điều mới mẻ, vì khu vực này là tuyến đường biển chiến lược và cơ sở cho hoạt động thương mại nội khối và liên khu vực trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Tuy nhiên điều khiến các nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại và các chuyên gia về quan hệ quốc tế (IR) đặc biệt quan tâm đến Biển Đông giai đoạn đầu thế kỷ 21 có lẽ bối cảnh chiến lược Biển Đông là trường hợp điển hình phù hợp nhất để kiểm nghiệm “sự trỗi dậy hòa bình (hoặc không hòa bình) của Trung Quốc”, đây là điều Bắc Kinh tuyên bố trong những năm qua. Phán quyết của Tòa Trọng tài Hague khiến điều này rõ ràng hơn. Vụ kiện nhấn mạnh tầm quan trọng cách thức Trung Quốc triển khai chính sách đối ngoại và chiến lược cũng như tác động đối với các nước láng giềng trước thực tế Trung Quốc một lần nữa trở nên hùng mạnh. Ở đây, vấn đề chiến lược và lãnh thổ rất quan trọng nhưng các quyết định của Tòa không rõ ràng như chúng ta kỳ vọng, Trung Quốc có khả năng thể hiện cách hành xử tích cực (cho thấy nước này có điều chỉnh) hoặc lối hành xử mà các nước láng giềng đánh giá quyết đoán và thực dụng thay vì dựa trên nguyên tắc. Diễn biến của tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và thế giới vì liên quan đến khả năng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, và sự trỗi dậy này có ý nghĩa lớn đối với khu vực và thế giới. Cuối cùng, chúng ta sẽ thảo luận một vấn đề lớn hơn đó là sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc.

Tuyên bố Trỗi dậy Hòa bình

Đối với các nhà hoạch định chính sách quốc tế và sinh viên ngành quan hệ quốc tế, một trong những sự kiện có nhiều ảnh hưởng vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Trung Quốc nổi lên là cường quốc kinh tế toàn cầu thật đáng kinh ngạc ở nhiều phương diện, đặc biệt xét đến tình trạng kiệt quệ về kinh tế sau khi kết thúc Cuộc Cách mạng Văn hóa vào giữa thập niên 1970, từ đó nước này đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cách thức các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lựa chọn để thể hiện sự trỗi dậy là gì?

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thúc đẩy chính sách “thế giới hài hòa” dựa trên chính sách “láng giềng thân thiện” của người tiền nhiệm, hướng tới củng cố và ổn định quan hệ với các nước láng giềng, từ đó Trung Quốc tập trung vào công cuộc phát triển đất nước. Trên thực tế, Trung Quốc chung biên giới với 14 quốc gia, và dưới thời Hồ Cẩm Đào, quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng có nền tảng khá vững chắc, theo một chuyên gia Trung Quốc đánh giá vào năm 2008 là “tốt nhất trong lịch sử”.[3] Chính sách “thế giới hài hòa” của Trung Quốc hướng tới xây dựng mối quan hệ hòa hợp, không chỉ với các nước láng giềng, mà với mọi quốc gia trên thế giới. Ông Hồ Cẩm Đào (năm 2008) tuyên bố như sau:

Trong một thế giới mà xu hướng đa cực là không thể đảo ngược, toàn cầu hoá kinh tế diễn ra sâu rộng cùng với cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ, tương lai của Trung Quốc gắn kết với tương lai của thế giới lớn hơn bao giờ hếtTrung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bìnhTrung Quốc cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tếTrung Quốc không bao giờ muốn trở thành bá quyền hoặc bành trướng.

Những tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc khi đó rất quan trọng, và chúng ta sẽ thảo luận về điều này sau.

Với sự nổi lên của ông Tập Cận Bình trong vai trò lãnh đạo Trung Quốc, các tuyên bố chính sách đối ngoại của nước này thay đổi không đáng kể, nhưng chính sách đối ngoại thực sự thay đổi. Ông Tập mang đến câu chuyện về “Giấc mơ Trung Hoa” mà chúng ta có thể coi là một phiên bản của chủ nghĩa tập thể về Giấc mơ Mỹ. Ông Tập (2014, 37–39) nhấn mạnh đây cơ bản là "quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa". Cùng với đó, ông Tập thúc đẩy “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” (NTGPR) dựa trên ba tiền đề: “không xung đột hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi” (Tập 2013, 306). Trong khi trước đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chưa chú trọng, ông Tập đã nắm lấy “câu thần chú” này và đề xuất với tổng thống Mỹ Barack Obama tại thượng đỉnh Sunnylands giữa hai nhà lãnh đạo vào năm 2013. Tuy nhiên đề xuất này có vẻ không được Mỹ đón nhận. Trong “Sách trắng về Hợp tác An ninh ở châu Á-Thái Bình Dương” của Trung Quốc năm 2017, dường như các khái niệm chung (và ba tiền đề trên) của NTGPR vẫn là một phần trong hệ thống chính sách đối ngoại mặc dù khái niệm NTGPR không được đề cập. Thay vào đó, sách trắng kêu gọi “một mô hình quan hệ quốc tế kiểu mới, trong đó tập trung vào hợp tác cùng có lợi” (mặc dù báo cáo không nêu chi tiết về điều kiện yêu cầu), và trong báo cáo này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục khẳng định ý muốn đi theo con đường "phát triển hòa bình" như nguyên tắc định hướng, một khái niệm được ông Tập nêu trong báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ XIX (Xi 2017).

Trung Quốc sử dụng cụm từ "Phát triển hòa bình" để thay thế cụm từ "Trỗi dậy hòa bình" (heping jueqi) trước đó. Năm 2002, Chủ tịch Diễn đàn Cải cách Trung Quốc Trịnh Tất Kiên (1995) đã đưa ra khái niệm "Trỗi dậy hòa bình", nhưng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và giới lãnh đạo Trung Quốc năm 2004 và sau này chủ yếu sử dụng cụm từ "phát triển hòa bình". Đây là kết quả của “khái niệm an ninh mới” (xin anquan guan) mà Trung Quốc xây dựng từ nhiều năm trước, trong đó khẳng định muốn tránh những sai lầm chính trị và quân sự mang tính bất ổn và bạo lực của các cường quốc trỗi dậy trước đó. Học giả Bonnie Glaser và Evan Medeiros cho rằng chính phủ Trung Quốc sau đó đã không sử dụng cụm từ “trỗi dậy hòa bình”, thay vào là khái niệm phổ biến hiện nay “phát triển hòa bình” (một cụm từ ông Tập sử dụng trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XIX) bởi khái niệm Trung Quốc trỗi dậy có thể khiến những người theo chủ nghĩa hiện thực lo ngại về một cường quốc mới trỗi dậy (Glaser Medeiros 2007). Dĩ nhiên, tất cả các tuyên bố về trỗi dậy hay phát triển được hiểu trong bối cảnh câu nói của Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư trưởng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, rằng Trung Quốc nên thao quang, dưỡng hối” (taoguang, yanghui), hay nghĩa đen là giấu mình chờ thời.” Điều này có thể được hiểu Trung Quốc muốn phát triển hòa bình và không tìm kiếm một vị thế trên vũ đài chính trị toàn cầu (nghĩa là muốn tránh trở thành tâm điểm chú ý) hoặc Trung Quốc thực sự có tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu nhưng phải giấu mình chờ thời (nghĩa là tới thời điểm nước này đạt sức mạnh "tối đa"). Dĩ nhiên, sự khác biệt giữa hai cách giải thích này rất lớn, và trong trường hợp đó, liên quan đến câu hỏi Trung Quốc cuối cùng sẽ đóng vai trò gì khu vực và quy mô toàn cầu.

Trong khi Trung Quốc dưới thời ông Tập tiếp tục tuyên bố về phát triển hòa bình (câu thần chú ông Tập đề cập trong báo báo tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ XIX), rõ ràng những lựa chọn chính sách đối ngoại hiện nay cho thấy ông Tập tạm gác lại phương châm cũ của Đặng Tiểu Bình về “taoguang, yanghui”. Các nhà phân tích Trung Quốc dường như thống nhất rằng ông Tập nhận định thời cơ của Trung Quốc đã tới, sức mạnh quốc gia hiện tại đủ mạnh, trong khi thận trọng nhưng không cần phải giấu mình chờ thời nữa. Thực tế những năm gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói trong giới truyền thông, học giả, các nhà phân tích chính sách kêu gọi chính phủ thực thi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Dường như ông Tập đã không làm họ thất vọng. Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã thể hiện rõ điều này.

Trung Quốc, Mỹ, và Biển Đông

Trong bối cảnh hiện nay, việc xem xét chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông là cách thức phù hợp để đánh giá các tuyên bố chính sách và thực tế triển khai của nước này. Theo quan điểm của một số nước láng giềng Trung Quốc và nhiều nhân vật ở Washington, chính sách cứng rắn hơn của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông những năm gần đây cho thấy những đồn đoán của các nhà hiện thực đã thành sự thật. Nói cách khác, như Thucydides đề cập trong nghiên cứu của ông về Cuộc chiến Peloponnesian, "kẻ mạnh làm những điều họ có thể, trong khi kẻ yếu phải chấp nhận thực tế của họ," có nghĩa Trung Quốc càng lớn mạnh, nước này ngày càng quyết đoán hơn (Moore 2017, 98). Nói cách khác, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, nước này sẽ phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho chi tiêu quân sự. Đặc biệt, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã tiếp nhận nhiều nguồn lực, phát triển năng lực trên biển và khả năng triển khai lực lượng từ Đông Bắc Á đến Biển Hoa Đông, Biển Đông và cái gọi là chuỗi ngọc trai gồm các cơ sở hải quân của Trung Quốc nằm rải rác từ Biển Đông qua Eo biển Malacca, Nam Á và đến tận Vịnh Ba Tư, khu vực Trung Quốc có nhiều hoạt động vận tải biển từ xuất khẩu hàng hóa sản xuất sang châu Âu, nhập khẩu dầu từ Trung Đông, và nhiều hoạt động trao đổi hàng hóa và thương mại khác. Những năm gần đây,  nhiệm vụ của PLAN được mở rộng và Trung Quốc tăng cường thúc đẩy đối với các yêu sách biển và chính sách biển của mình (Lee 2012).

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Gregory J. Moore là trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nottingham, Ninh Ba, Trung Quốc, giảng dạy các khóa học đại học và sau đại học về quan hệ quốc tế. Lĩnh vực nghiên cứu ông quan tâm bao gồm quan hệ quốc tế, lý thuyết IR, an ninh quốc tế, các phương pháp, chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Mỹ, quan hệ Trung-Mỹ, IR/ an ninh Đông Á, phân tích chính sách đối ngoại và vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông có nhiều bài báo trên các tạp chí như Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, An ninh Châu Á, Phân tích Chính sách Đối ngoại, Quan hệ quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương, Quan điểm châu Á, Tạp chí Trung Quốc đương đạiTạp chí Khoa học Chính trị Trung Quốc. Ông hiện đang viết một cuốn sách về quan hệ Trung-Mỹ và đã hoàn thành một cuốn sách có tựa đề Hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên: An ninh khu vực và việc không phổ biến vũ khí (2014) và một cuốn sách về tư duy quan hệ quốc tế của Reinhold Niebuhr (đang chờ duyệt). Ông Gregory J. Moore hiện là thành viên của Ủy ban Quốc gia Mỹ (US) về Quan hệ Mỹ-Trung và là thành viên cao cấp của Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham. Liên lạc với tác giả qua địa chỉ gregmoore0816@icloud.com.

Bài viết được đăng trên Góc nhìn Châu Á số 42 (2018), 265–283

Tuấn Đinh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)



[1] Bên cạnh những điều khác, Philippines cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp Bãi cạn Scarborough (Panatag, hay đảo Hoàng Nham), nằm trong vùng đặc quyết kinh tế của Philippines và cách Trung Quốc tới 500 dặm.

[2] Tôi cho rằng các nước bao gồm cả Philippines, thậm chí dưới chính quyền Duterte, một nhà lãnh đạo thường hay chỉ trích Mỹ. Ông Duterte không yêu cầu người Mỹ rời đi, hoặc các vị tướng quân đội của Philippines hiện nay không có xu hướng chống Mỹ như ông Duterte.

[3] Các thảo luận tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, Bắc Kinh (tháng 6 năm 2008)