“Có gì mới trong quan hệ hợp tác, cạnh tranh Trung - Mỹ” (Bài viết của Trần Nhất Tân - GS Sở nghiên cứu châu Mỹ, Đại học Đạm Giang đăng trên Trung Quốc thời báo - 10/6). Tại sao sau khi Tập Cận Bình nêu “quan hệ nước lớn kiểu mới”, Obama lại nêu “phương thức hợp tác mới”? Mục đích chính của “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Tập Cận Bình nêu là, không phải là một nước lớn mới trỗi dậy thách thức một nước vốn dĩ là nước lớn, mà là một nước vốn dĩ là nước lớn đánh bại một nước lớn mới trỗi dậy. Vì vậy, Bắc Kinh muốn dùng “quan hệ nước lớn kiểu mới” để quy phạm mối quan hệ của hai nước lớn này, nhằm tránh bi kịch chính trị của nước lớn. Ngoài việc nhắc lại “Thái Bình Dương đủ rộng để Trung - Mỹ cùng ngao du”, Tập Cận Bình còn đặc biệt nhấn mạnh, Trung - Mỹ cần phải đi một con đường mới chưa từng có trong lịch sử đối kháng giữa các nước lớn, cùng nhau thúc đẩy xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Trong khi đó, Obama lại 2 lần nhắc và hoan nghênh “ trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Tại sao Obama buộc phải nhắc đến “phương thức hợp tác mới ?” Thứ nhất, Mỹ cho rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” tuy có dụng ý tốt nhưng chỉ những người am hiểu quan hệ quốc tế mới rõ được ngọn ngành, số đông còn lại thì chỉ biết kết quả mà không biết nguyên nhân tại sao.

Thứ hai, hàm ý của “quan hệ nước lớn kiểu mới” dễ bị biến thành phù phiếm, nếu không được cụ thể hóa, và sẽ là chỉ nói mà không làm.

Thứ ba, “quan hệ nước lớn kiểu mới” liệt kê một số chủ đề, nội dung 2 bên Mỹ - Trung cần phải hợp tác, một khi hợp tác thành công thì “quan hệ nước lớn kiểu mới” mới thực sự là hiệu quả.

Chủ đề và nội dung mà hai bên Mỹ - Trung cần phải hợp tác là gì? Trước hết, Mỹ thúc đẩy việc cơ chế hóa và định kỳ hóa đối thoại quân sự - chính trị hai nước, từ đó mong muốn xây dựng được “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, Tập Cận Bình bày tỏ, hai bên cần phải cải thiện và tăng cường quan hệ quân sự, thúc đẩy xây dựng quan hệ quân sự kiểu mới giữa hai nước. Obama thì nêu: hiện tại hai nước chỉ kênh giao lưu cấp cao ngoại giao về chủ đề kinh tế và chiến lược, chưa có kênh giao lưu hữu hiệu về quân sự, hai bên cần có biện pháp để cơ chế hóa và định kỳ hóa cho các cuộc thảo luận kiểu này.

Vấn đề là “giao lưu giữa quân đội hai nước” luôn tồn tại trở ngại nghiêm trọng. Sau sự kiện 11/9, Bush con yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld tăng cường giao lưu giữa hai quân đội, nhưng Rumsfeld tìm mọi cách trì hoãn, mãi tới khi Bush phải ra văn bản Rumsfeld mới miễn cưỡng ứng phó, ngoài việc bản thân Bộ trưởng Quốc phòng không hề muốn giao lưu, văn hóa quân đội trong Lầu Năm góc cũng là một nhân tố quan trọng

Tiếp đến, an ninh mạng là một trong những chủ đề quan trọng của cuộc gặp lần này. Điều mỉa mai là, trước khi diễn ra cuộc gặp, nổ ra vụ scandal chính phủ Mỹ dùng Google và Facebook để theo dõi hoặc thâm nhập những thông tin riêng tư của tổ chức và cá nhân Mỹ, thêm với việc Obama tuyên bố ủng hộ những việc làm này nếu vì an ninh quốc gia, điều này đã dẫn tới việc hủy chỗ ở trang trại của đoàn Tập Cận Bình vào phút chót và chuyển sang ở khách sạn. Cuộc gặp vốn dĩ muốn đề cập đến việc làm thế nào để tăng cường lòng tin trên mạng giữa hai bên, nhưng sự kiện trên đã khiến việc xây dựng lòng tin trên mạng Trung - Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn. Hai nước Mỹ - Trung đã đồng ý lập nhóm công tác an ninh mạng, nhưng mới chỉ dừng ở việc tra tìm nguồn gốc tấn công của hacker, hai bên vẫn khó thoát khỏi sự nghi kỳ, lo ngại lừa gạt lẫn nhau.

Thứ ba, về kế hoạch thúc đẩy vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu…, so với những kết quả giao lưu tốt đẹp giữa hai bên trong thời gian qua, hai nước Mỹ - Trung cần có không gian giao lưu hợp tác rộng lớn hơn trước, thế nhưng, giao lưu hợp tác chưa chắc đã là giải quyết vấn đề, do Cố vấn an ninh quốc gia Rice quan tâm đến những chủ đề an ninh phi truyền thống nên biến đổi khí hậu là vấn đề được ưu tiên. Ngoài ra, từ nay về sau Obama sẽ không ngừng nêu vấn đề nhân quyền với Tập Cận Bình. Về mặt này, Obama cho rằng việc bảo vệ các giá trị phổ biến của nhân loại là mấu chốt quyết định sự thành công, thịnh vượng và công bằng cho tất cả các nước, mặc khác, là sự kiên trì của Rice. Vấn đề nhân quyền là vấn đề Mỹ không thể không nêu, phía Trung Quốc chỉ nêu ra được nhưng câu chuyện ứng phó qua loa.

Cuối cùng, về quan hệ kinh tế, hai bên Mỹ - Trung còn quá nhiều rắc rối, phức tạp và mâu thuẫn. Từ cuộc gặp có thể thấy được, về quan hệ kinh tế - thương mại của hai bên, cạnh tranh vấn lớn hơn hợp tác. Tập Cận Bình nói, đứng trước đòi hỏi khách quan của sự phát triển nhanh chóng toàn cầu hóa kinh tế và trong cảnh các nước cùng hội cùng thuyền, Trung - Mỹ cần phải cùng nhau thúc đẩy xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, Obama đáp lại bằng câu nói, hai nước vẫn đang đứng trước mối quan hệ cạnh tranh kinh tế. Nguyên nhân đằng sau của nó có lẽ là, tuy do Mỹ chủ động nêu cuộc gặp nhưng sau khi Bắc Kinh bày tỏ ý muốn tham gia “Thảo thuận quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), Mỹ đã được hưởng quyền lực quá lớn trong việc thiết lập chương trình nghị sự và chuẩn mực.

Từ đó có thể thấy, mặc dù “phương thức hợp tác mới” và “quan hệ nước lớn kiểu mới” không xung đột với nhau, nhưng Mỹ - Trung vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn, chỉ có tăng cường hợp tác, giảm bớt cọ xát thì mới duy trì được quan hệ đại thể là hợp tác cạnh tranh.

“Cuộc gặp đặc biệt Obama - Tập Cận Bình” (Liên hợp báo - 10/6). Cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình đã kết thúc, hai bên đều hy vọng qua cuộc gặp lần này để tìm ra một phương hướng mới cho quan hệ Mỹ - Trung đã được thiết lập hơn 40 năm, xây dựng quan hệ Mỹ - Trung kiểu mới trên cơ sở lấy hợp tác thay thế đối đầu, lấy đối thoại để hóa giải xung đột.

Khác với Tập Cận Bình còn 10 năm nhiệm kỳ, Obama chỉ còn lại hơn 3 năm, ngoài việc nội chính gặp phải vấn đề an ninh mạng, để lại dấu ấn lịch sử như thế nào? Thời gian là kẻ thù lớn nhất của ông ta, nhất là chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” do ông ta nêu ra đang phải đứng trước cảm giác vô cùng bất an và thách thức từ Trung Quốc. Vì vậy, Obama quyết định tranh thủ chuyến đi Mỹ la tinh của Tập Cận Bình lần này để bố trí cuộc gặp không chính thức và Tập Cận Bình cũng đã vui vẻ nhận lời. Như vậy đã làm cho cuộc gặp giữa hai người vốn dĩ bố trí bên lề thượng đỉnh G20 tháng 9 năm nay đã được tiến hành trước.

Nói về Tập Cận Bình, trong quá trình làm thế nào để dẫn dắt Trung Quốc hoàn toàn trở thành nước lớn, tránh rơi vào xung đột với các nước lớn là điều mà Tập Cận Bình phải đương đầu, có dịp để thế giới càng hiểu rõ “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” và cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” của ông ta, đương nhiên ông ta không bỏ lỡ cơ hội truyền đạt quan niệm của mình, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới cuộc gặp.

Điều đặc biệt của gặp này không phải về hình thức mà là nội dung. Việc hai bên đạt nhận thức chung về phí hạt nhân hóa trong vấn đề Bắc Triều Tiên, cũng là đá thử vàng cho mối quan hệ kiểu mới giữa hai nước, nếu hai bên Mỹ - Trung tới đây có thể hợp tác, hóa giải khủng hoảng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đó mới thực sự là phần mở đầu của mối quan hệ kiểu mới giữa hai nước và sẽ có ảnh hưởng tới tình hình quốc tế trong tương lai.

Mỹ cũng hiểu rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc không còn là “thời hiện tại tiếp diễn” nữa mà là “thời hiện tại hoàn thành”, không thể không thẳng thắn nhìn nhận quyền phát ngôn của Trung Quốc trong các sự vụ quốc tế; mặc dù hai bên tồn tại các bất đồng như an ninh mạng, kinh tế- thương mại, nhân quyền…nhưng ngoài việc tăng cường quan hệ với các đồng minh lâu nay, càng phải học cách làm thế nào để “khiêu vũ cùng với rồng”.

Chuyến thăm Trung Quốc của TTh Mỹ Nixon năm 1972 được hình dung là “tuần lễ thay đổi thế giới”. 41 năm sau, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Mỹ để cùng với TTh Mỹ Obama bàn về việc thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới và có thể trở “cuộc gặp làm thay đổi thế giới” hay không thì vẫn còn phải cần thời gian kiểm nghiệm.

Trong khi đó, theo Vượng báo ngày 10/6, ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã ra bản tin báo chí, tán đồng việc Mỹ bày tỏ thái độ rõ ràng về vấn đề Đài Loan trong cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình. Những năm gần đây, hai bên Đài - Mỹ có mối quan hệ tin cậy lẫn nhau mật thiết, kênh giao lưu thông suốt, và phía Mỹ cũng sẽ liên lạc, thông báo vắn tắt tình hình “cuộc gặp” như thông lệ.

NFN/BQP La Thiệu Hòa cho biết, BQP Đài Loan hy vọng Mỹ có thể tiếp tục căn cứ “Luật quan hệ với Đài Loan” và “6 đảm bảo” để bán trang thiết bị vũ khí tự vệ cho Đài Loan, giúp Đài Loan có đủ năng lực tự vệ, trở thành nhân tố quan trọng của hòa bình ổn định ở khu vực.

+ RFI - 10/6: Quan hệ Mỹ - Trung: Vỏ hòa dịu bọc những cái gai. Về cuộc gặp thượng đỉnh Obama - Tập Cận Bình ở Califorrnia, các báo Pháp ngày 10/6 đều nhấn mạnh trên không khí hòa dịu mà hai lãnh đạo cố tạo ra, trong lúc gai góc vẫn còn nhiều trong quan hệ song phương.

Báo Les Echos nhận thấy là Obama và Tập Cận Binh đi tìm sự tin tưởng lẫn nhau, tít bài phân tích trang ý kiến. Trong mắt tác giả bài báo, đây là cuộc gặp giữa một bên là Trung Quốc, cường quốc đang trở lại vị trí đã có trước đây, và một bên là nước Mỹ, cường quốc không còn hoàn toàn được như xưa.

Le Figaro cũng có cùng đánh giá. Trong hàng tựa trang quốc tế, tờ báo cho rằng "Barack Obama và Tập Cận Bình tạo không khí qua hình ảnh”, Bên dưới, tờ báo ghi nhận là trong một khung cảnh điền viên thơ mộng ở California, hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã dàn dựng bước đầu một quan hệ có thể cho phép vượt lên trên nhiều mối căng thẳng.

Le Figaro tỏ vẻ thán phục đánh giá là hình ảnh hoàn hảo, đúng theo ‘kế hoạch giao tế’, được lễ tân Trung Quốc và Mỹ chuẩn bị kỹ càng: Hai ông Obama và Tập Cận Bình mặc áo sơ mi, không vét, không cà vạt, đi dạo trong khung cảnh cây cỏ tươi mát của Sunnylands. Hình ảnh một Tập Cận Bình tươi cười với Obama là nhằm trấn an dư luận Mỹ.

Hai lãnh đạo đã thông báo dõng dạc ý định đầu tiên của họ là phá tan băng đá, và tìm hiểu nhau qua trao đổi không chính thức. Họ muốn cho dư luận hai bên thấy nền tảng của một trục Bắc Kinh - Washington hòa dịu, sau những năm căng thẳng không ngừng gia tăng trên mặt chính trị, kinh tế và quân sự giữa một siêu cường quốc đang khá suy yếu và bên kia là một siêu cường quốc đang trên đường hình thành.

Le Figaro nhận thấy là trục hòa dịu nói trên đang được phác họa trên những hồ sơ bấy lâu nay gây căng thẳng: Mậu dịch - mà các cuộc thương lượng song phương sẽ diễn ra vào tháng 7 tới đây tại Washington - hay hồ sơ Bắc Triều Tiên - ông Tập Cận Bình đã công khai không chấp nhận việc chế độ Bình Nhưỡng trang bị đầy hỏa tiễn đạn đạo và đầu đạn hạt nhân.

Điểm tích cực khác nữa mà Le Figaro thấy khá bất ngờ là trên hồ sơ khí thải gây ô nhiễm mà Trung Quốc có vẻ đồng ý với Mỹ.

Tuy nhiên, Le Figaro nhìn thấy sự hòa dịu này cũng có giới hạn. Tuy tươi cười thoải mái nhưng ông Obama đã không ngần ngại cảnh cáo trên vấn đề gián điệp trên mạng: Nếu không được giải quyết, hồ sơ có thể trở nên một vấn đề rất khó khăn trong quan hệ thương mại hai bên. Trung Quốc thì vẫn giữ nguyên lập trường.

Hồ sơ khác đầy gai góc mà Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm liên quan đến Đài Loan và các sự cố ở vùng biển Hoa Đông, giữa Nhật và Trung Quốc.

Le Figaro kết luận: “Mô hình mới quan hệ Mỹ - Trung được rao giảng, ca ngợi và đươc thoáng nhìn thấy ở California không phải là một ảo giác, nhưng con đường đến đó còn dài, còn cần phải rất nhiều nỗ lực.

+ VOA - 10/6: Vẫn còn những thách thức trong bang giao Trung - Mỹ. Các bài tường thuật ở Trung Quốc về cuộc họp thượng đỉnh Trung - Mỹ vừa qua, phần lớn tỏ ý lạc quan và tiếp tục đứng đầu các bản tin, tuy nhiên vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán sẽ tiến xa được bao nhiêu trong việc san bằng những cách biệt quan trọng và xoa dịu sự thiếu tin tưởng giữa hai đại cường trên thế giới.

Ngày 10/6, báo China Daily của nhà nước Trung Quốc đã cho đăng hàng tít lớn “Sẵn sàng Mở ra một Chương Mới” trên trang đầu. Bài báo nêu bật một lời trích của thành viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì vào lúc kết thúc cuộc họp, mô tả 8 giờ đàm luận là chưa từng có từ trước tới nay về mặt thời lượng, chất lượng và chiều sâu. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon, người cùng với ông Dương tường trình với giới truyền thông vào cuối cuộc họp, đã gọi các cuộc đàm luận là xây dựng, tích cực và bao gồm nhiều đề tài.

Ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà khoa học chính trị tại trường Ðại học Baptist của Hong Kong, nói cả hai bên đều muốn đem lại cho cuộc họp một nền tảng tốt đẹp. Theo ông, họ muốn nói với thế giới rằng họ sẽ hợp tác với nhau ít nhất là để giảm thiểu các xích mích, nếu như không giải quyết được. Ông Cabestan nói: “Nhưng một lần nữa, còn phải chờ xem liệu cuộc họp thượng đỉnh này có đem lại ý nghĩa nào cho bang giao Trung-Mỹ trong tương lai hay không, hoặc liệu nay mai nó có được coi như một cố gắng bất thành nhằm hàn gắn một mối quan hệ mà các lãnh vực xung đột ngày càng to lớn hơn so với các lĩnh vực hợp tác.”

Ngay lúc này, đối với tất cả các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác, cũng vẫn có những thách thức. Hai bên đã cùng làm việc, tuy một cách chậm chạp, từ nhiều năm để xây dựng quan hệ giữa hai quân đội.

Trong các cuộc đàm luận, Trung Quốc đồng ý tham gia một cuộc thao diễn chung với Hải quân Mỹ lần đầu tiên vào mùa hè sang năm. Tăng cường liên lạc giữa quân đội hai nước là điều mà các chuyên gia cho rằng có thể góp phần rất nhiều trong việc tránh các xung đột vào một thời điểm mà nguy cơ tính toán sai lầm đang gia tăng.

Hoạt động ngày càng nhiều của Trung Quốc nhằm bênh vực điều họ nói là các khẳng định chủ quyền ở Biển Ðông đang gây quan ngại trong khu vực. Về phần mình, Bắc Kinh đang rất nghi ngờ về các nỗ lực của Mỹ tái tập trung vào vùng châu Á, không những về mặt kinh tế, mà còn cả về mặt quân sự nữa.

Theo dự kiến, đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ chuyển 60% các phương tiện của mình qua Thái Bình Dương, trong một hành động mà một số sách lược gia ở Trung Quốc tin là nằm trong nỗ lực bao vây Trung Quốc và chống lại sự trỗi dậy của nước này.

Ông Tạ Ðào, một giáo sư tại trường Ngoại giao Bắc Kinh cho biết: “Ta hãy nhìn vào các hành động của Mỹ trên thực địa và nhiều hành động mang tính tượng trưng. Chẳng hạn như việc bố trí 1,200 binh sĩ Mỹ ở Darwin, Australia, và cuộc tập trận chung với Philippines. Các hành động này mang tính tượng trưng hơn là thực tiễn. Nhưng đối với quan điểm của Trung Quốc, họ đặt câu hỏi, tại sao họ trở lại khu vực này.”

Mỹ nói một vấn đề chủ chốt cho tương lại của bang giao song phương là an ninh mạng. Từ nhiều tháng nay, hai bên đã tố cáo qua lại về nguồn gốc những vụ tấn công đã gây ảnh hưởng tai hại về kinh tế và an ninh quốc gia.

Hai nhà lãnh đạo đã không dự trù họp cho đến cuối năm nay, và các chuyên gia phân tích nói quan ngại về những vụ tấn công vừa kể cùng với sự chuyển hướng chú ý của Mỹ trở lại khu vực nằm trong lý do vì sao họ họ gặp nhau sớm hơn.

Tại cuộc Ðối thoại Kinh tế và Sách lược vào tháng 7, một vòng đàm phán thường niên giữa hai nước về nhiều vấn đề, Mỹ và Trung Quốc sẽ mở một uỷ ban đặc biệt về an ninh mạng.

Nhưng ông Arthur Ding, một chuyên gia nghiên cứu tại trường Ðại Học Chính trị Quốc gia ở Ðài Loan, nói rằng khó mà thấy họ đạt được tiến bộ về vấn đề này. Theo ông, Mỹ và Trung Quốc vốn đã mở các cuộc đàm phán không chính thức từ 5 hay 6 năm nay. Ông Ding cho biết: “Họ đều bàn về các vấn đề nguyên tắc nhưng không đạt được thành quả nào, bởi vì mạng là một vấn đề rất ảo, không có sinh hoạt cụ thể có thể phát hiện được, tuy rằng nói về nguyên tắc thì họ có thể đồng ý về một vấn đề gì đó, nhưng hợp tác cụ thể theo tôi rất khó khăn.”

Ông Cabestan thuộc trường Ðại học Baptist của Hong Kong nói rằng người ta không nên trông đợi quá nhiều vào giới hữu trách Trung Quốc về các vụ tấn công mạng. Ông nói thông điệp mà chính quyền Mỹ tìm cách chuyển tải là các công ty cần phải thận trọng hơn và được bảo vệ tốt hơn.

Ông Cabestan nói: “Trước hết tầm với của nhà nước ở Trung Quốc không mạnh và nhiều thế lực như mọi người có thể tưởng, và thứ nhì, sự phát triển về khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc đi sau Mỹ rất nhiều, do đó Trung Quốc cần phải đánh cắp nhiều hơn của Mỹ hơn là ngược lại, vì thế mà bất cứ thế lực nào gia tăng cần đến kỹ thuật, nếu không mua được kỹ thuật thì sẽ tìm cách đánh cắp nó.”

Tuy nhiên, bất kể các thách thức này, theo một cuộc thăm dò mới đây của Viện Gallup, công bố hồi tuần trước, 55% người Mỹ được thăm dò nói rằng họ coi Trung Quốc như một nước đồng minh (11%) hay một nước thân thiện với Mỹ (44%). Cuộc thăm dò nói 40% coi Trung Quốc là thiếu thân thiện (26%) hoặc là kẻ thù (14%).

Các chuyên gia phân tích nói một phần của thách thức trong việc ứng phó với một loạt nhiều vấn đề như vậy là cả hai quốc gia đều có các lợi ích riêng và đạt được sự quân bình thường rất khó khăn.

Một bài xã luận trên tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc ngày 10/6 lập luận rằng thực là điều bất công khi cho rằng Trung Quốc không muốn giải quyết các vấn đề cụ thể. Nhưng tờ báo nói thêm rằng các đòi hỏi của Mỹ thường không thể tuân hành được.

Tổng hợp