Tham luận của Jerome Cohen - Đại học New York về Thói quen hợp tác/ Việc xây dựng lòng tin ở Biển Đông

Xin chào tất cả quý vị. Tôi muốn bắt đầu bằng việc tiếp nối những gì mà James Manicom vừa đúc kết. Vấn đề mấu chốt ở đây, theo tôi không phải là sự tin tưởng hay sự cảm thông, đó là mục tiêu và chiến lược – như những gì mà Đô đốc Koda đã đề cập. Tuy nhiên, ở đây có nhiều điều đáng để nói đến hơn, đó là việc Trung Quốc luôn thể hiện sự hai mặt trong các mối quan hệ quốc tế đương đại của mình, bạn có thể coi đó là cá tính hay thái độ của người Trung Quốc.

Tôi tiếp xúc với người Trung Quốc lần đầu vào ngày 20/5/1972 – một vài tuần trước đó tôi đã tới Nhật Bản và biết đôi điều về tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Khoảng ngày thứ 3 ở Trung Quốc, tôi nói chuyện với một anh bạn Trung Quốc rất thông minh. Chúng tôi ngồi trên đỉnh đồi, ngắm nhìn khu di tích Thập Tam Lăng bên ngoài Bắc Kinh. Tôi nghĩ anh ấy là một người biết lý lẽ, do đó đã đưa ra câu hỏi “anh thực sự nghĩ gì về vấn đề quần đảo Điếu Ngư?” Ngay lập tức, anh ấy bỗng trở thành một người khác hẳn, với ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc rực cháy bên trong. Anh ấy nói, “Trung Quốc sẽ không bao giờ để cho những kẻ xâm lược Nhật Bản cướp đi bất cứ tấc đất thiêng liêng nào của mình”, và anh ấy tỏ ra hết sức tức giận. Lúc đó tôi mới nói với anh ấy rằng “1 tuần trước, Nhật vừa tái chiếm đóng và kiểm soát khu vực quần đảo này”, và anh ấy lập tức đổi giọng. Anh ấy nói rằng “À, thế thì đây sẽ lại là một câu chuyện khác. Chúng ta không cần vội vàng gì cả, vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý vào bất cứ thời điểm nào trong 500 năm tới.” (tiếng cười) Tôi đã thấy được sự pha trộn giữa chủ nghĩa dân tộc và suy nghĩ thực tế của người Trung Quốc.

Và bây giờ, về các biện pháp xây dựng lòng tin mà chúng ta đang trao đổi ngày hôm nay. Thực ra thì tôi không muốn nói nhiều về các biện pháp xây dựng lòng tin, tôi muốn được tham gia vào phiên luật quốc tế, nhưng do sự xuất hiện của anh Odom mà tôi không có được cơ hội này (tiếng cười). Thực tế là vấn đề xây dựng lòng tin khiến tôi nhớ lại cuộc họp đầu tiên trong khoa tại trường đại học của mình. Khi đó, tôi được một vị giáo sư đáng kính (một người Úc tị nạn) dẫn tới cuộc họp, và với việc ông biết rõ tôi định làm gì, ông nói rằng “tôi biết là ở đây cậu thật sự muốn thể hiện mình, muốn làm điều gì đó, cậu có rất nhiều ý tưởng. Nhưng lời khuyên của tôi dành cho cậu đó là cứ giữ im lặng đi, những điều mà cậu muốn nói người ta đã nói hết rồi.” Và đó cũng là điều mà tôi nhận thấy ở việc xây dựng lòng tin.

Nhiều năm qua, chúng ta đã nghe rất nhiều ý kiến hay được đề xuất bởi những chuyên gia của CSIS hay của các tổ chức khác. Tôi thấy ở đây có sự xuất hiện của người đồng nghiệp David Denoon cùng trường Đại học New York với tôi và rất nhiều nhân vật khác. Năm 1997, David đã xuất bản một bài báo đầy tính gợi mở với nhan đề “Phân chia công bằng: một cách tiếp cận mới cho tranh chấp Trường Sa”, và trong đó David nêu lại những biện pháp xây dựng lòng tin có hiệu quả được đúc kết từ hội thảo tại Indonesia và những hội thảo khác. Điều chúng ta cần nhớ ở đây đó là nếu không có ý chí, thì không có con đường nào cả và câu hỏi được đặt ra là: Ở đây có ý chí hay không? Liệu có cách nào, hay chúng ta có thể - như những gì mà anh Cronin đã đề cập ngày hôm qua và được nhắc trong đầu phiên – nâng cao cái giá phải trả để buộc Trung Quốc thay đổi lập trường hay không?

Như tôi đã nói ngày hôm qua, sẽ là vô ích nếu chúng ta cứ lắng nghe những tuyên bố cứng rắn từ phía Trung Quốc, cụ thể đó là tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng “Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ”. Trung Quốc, trong nhiều bước đi sáng suốt của mình đã thường xuyên chấp nhận nhượng bộ, ngay cả trong vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tôi xin đưa lại ví dụ vào ngày hôm qua về mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh vấn đề Đài Loan và việc bán vũ khí cho Đài Loan đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tôi cũng muốn nói về việc tái sáp nhập Hồng Kông với Đại lục thông qua cơ chế khá kỳ lạ: 1 đất nước, 2 chế độ - mà vẫn đảm bảo được chủ quyền toàn bộ của Trung Quốc. Đó là một mối quan hệ rất đặc biệt, một tư duy rất sáng tạo, giúp chúng ta vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở thập kỷ 1980 – vấn đề tương lai của Hồng Kông. Tôi không nói đến vấn đề WTO hay nhiều vấn đề khác bởi chúng không liên quan gì đến chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói gì về 21 thỏa thuận giữa Trung Quốc và Đài Loan, những bước tiến đáng kinh ngạc trong quan hệ hai bờ? Đó là gì nếu không phải là sự nhượng bộ? Đây rõ ràng là những sự nhượng bộ đầy sáng tạo của Bắc Kinh.

Vậy, câu hỏi ở đây đó là: đã có ý chí thực sự hay chưa? Tôi muốn kể với các bạn ở CSIS về việc phân xử vụ kiện giữa Bangladesh và Ấn Độ mới chỉ kết thúc cách đây ít ngày. Lý do tôi muốn kể với các bạn câu chuyện này đó là bởi đây là một minh chứng sinh động cho những gì mà anh Peter Dutton và nhiều người trong tại đây đã đề xuất: xây dựng lòng tin có thể bao gồm việc sử dụng đến một cơ quan phân xử quốc tế, cơ quan này có thể không đưa ra được cách giải quyết cuối cùng cho tranh chấp, tuy nhiên phán quyết của họ chắc chắn sẽ phần nào giúp giải quyết tranh chấp. Đó có thể là một phán quyết có lợi cho cả đôi bên chứ không phải nhất định tôi thua 100% hay là anh thắng 100%. Và ở đây, chúng ta có một minh chứng sinh động, đáng để đào sâu tìm hiểu. Những người bạn Ấn Độ của tôi đều lo sợ, chính xác hơn là ghét ông Modi (Thủ tướng Ấn Độ - ND) - một người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp này ông Modi đã có một chính sách đúng đắn. Ông Modi nói rằng “Chúng tôi muốn cải thiện quan hệ với Bangladesh và Pakistan cũng như các nước láng giềng khác.” Ông ấy yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra tuyên bố rằng Ấn Độ không khuyến khích các phương tiện truyền thông phản đối những gì đã diễn ra. Thay vào đó, ông nói rằng “đó là một phán quyết đúng đắn mà chúng ta nên chấp nhận. Đương nhiên, chúng ta chỉ đạt được 20% những gì ta muốn, nhưng chúng ta phải nghĩ đến khả năng phát triển kinh tế và hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực.” Còn có thể có tuyên bố nào hay hơn thế được không? Vì thế tôi nghĩ khẩu hiệu ở Bắc Kinh nên đổi thành: Hãy học hỏi Modi, bởi chúng ta nói rất nhiều về hợp tác Trung - Ấn… và luôn là các nước khác học hỏi Trung Quốc. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ có lúc tôi nói với người khác rằng Modi đã tạo ra một tiền lệ tốt đến như vậy bởi đây (Ấn Độ - ND) là một nước dân chủ, và việc kiểm soát công luận so với một quốc gia như Trung Quốc là khó khăn hơn nhiều. Trung Quốc có thừa khả năng kiểm soát dư luận nếu họ muốn. Tôi đã chuẩn bị một bài phát biểu nên tôi sẽ dừng câu chuyện này ở đây, tôi chỉ đơn giản là muốn nói một vấn đề chưa ai đề cập đến.

Chúng ta có bàn về khả năng ASEAN sẽ đảm nhiệm vai trò đầu tàu tại khu vực. Tuy nhiên, khi đọc bài của David Denoon 17 năm trước, tôi có ấn tượng rằng ASEAN những năm 1980, 1990 có vai trò rõ ràng hơn đối với việc giải quyết tranh chấp. Tôi muốn nói một chút về Liên Hợp Quốc. Các bạn còn nhớ là tháng 5 Việt Nam đã gửi vài bức thư đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc yêu cầu ông cho tất cả thành viên Liên Hợp Quốc được biết về các phản đối của Việt Nam trong vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại quần đảo Hoàng Sa. Và Trung Quốc sau đó đã đưa ra phản ứng của mình, cụ thể đó là những văn bản pháp lý chi tiết hơn so với những gì họ đưa ra trước đây. Tuy nhiên, chúng ta có thể trông chờ vào các biện pháp xây dựng lòng tin từ Liên Hợp Quốc hay không? Tôi không nghĩ là Liên Hợp Quốc sẽ hành động trong thời điểm này, ngay cả Hội đồng Bảo an hay Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng vậy. Việt Nam biết Trung Quốc có thể kiểm soát những cơ chế này, bởi đây là diễn đàn chính trị, không phải diễn đàn luật pháp – nơi sự công bằng, không thiên vị là các tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể biết rằng họ sẽ gặp nhiều vấn đề nếu tiếp tục chối bỏ trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Do đó, chúng ta không nên đánh giá quá thấp việc đưa vấn đề lên Liên Hợp Quốc.

Tôi muốn kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc nhắc lại những gì đã nói hôm qua: Nếu chính sách mới của Trung Quốc là sự pha trộn giữa hành động đe dọa và đàm phán, cùng với đó là loại trừ các phán quyết phân xử công bằng, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ khó khăn. Tôi cho rằng các bên có yêu sách khác, bao gồm cả Mỹ và Nhật có thể hành động nhiều hơn nữa để thay đổi tình hình tại khu vực, thông qua rất nhiều biện pháp như những gì mà Phó trợ lý Ngoại trưởng đã chỉ ra rất chi tiết trong ngày hôm nay. Nhưng câu hỏi thật sự đó là liệu Trung Quốc có tiếp tục chiếm đóng thêm các đảo, xây dựng thêm các công trình trên đó vì những mục tiêu chính trị, chiến lược và ngoại giao hay không? Và tôi hy vọng rằng hội thảo này và những diễn đàn khác sẽ góp phần nào vào việc khiến giới lãnh đạo Trung Quốc nhớ lại rằng Đặng Tiểu Bình là một chính khách xuất chúng của Trung Quốc về mặt đối ngoại, và ông Giang Trạch Dân cũng không phải là một người kém cỏi. Vậy liệu ông Tập Cận Bình muốn được nhớ đến như thế nào trong lịch sử?

Giáo sư Jerome Cohen, Đại học New York, Mỹ. Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ.

Người dịch: Tiệp Vũ

Hiệu đính: Minh Ngọc