Từ những năm 1950 đến nay, lực lượng tàu ngầm đáng gờm của Nga ở Đại Tây Dương luôn là mối đe dọa đối với ưu thế công nghệ của hải quân Mỹ về chiến tranh ngầm. Tuy nhiên, xu hướng này đang từ từ thay đổi. Không phải Đại Tây Dương, Thái Bình Dương mới là khu vực mà Mỹ gặp phải thách thức lớn nhất. Trong buổi điều trần năm 2016 của mình, Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đã cảnh báo rằng, số lượng tàu ngầm của Bắc Triều Tiên, Nga và Trung Quốc chiếm 150 chiếc trong tổng số 200 tàu ngầm hoạt động ở Thái Bình Dương. Con số này chỉ nói lên một phần về điềm báo thách thức đang ngày càng gia tăng. Xu hướng mà các quốc gia này đầu tư vào phát triển tàu ngầm - cùng với 10 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác – sẽ tạo ra những mối nguy hiểm lớn hơn nhiều trong hoạt động chiến tranh ngầm ở châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2030. Mỹ cần phải bắt tay vào xây dựng những chính sách và khuôn khổ phù hợp nhằm định hình môi trường này trước khi khủng hoảng xảy ra.

Phán quyết với sự nhất trí tuyệt đối mới đây của Tòa Quốc tế về Luật biển cùng với việc Trung Quốc lớn tiếng phản đối, chủ động bác bỏ tính hợp pháp của phán quyết đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cần thiết phải sở hữu lực lượng tàu ngầm đủ khả năng răn đe. Không hề ngạc nhiên khi gần đây, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường lực lượng tàu ngầm của mình và một số các quốc gia khác đang cân nhắc thiết lập năng lực này. Cả hai xu hướng trên đều được thể hiện bằng những con số dưới đây, tính từ hiện tại và đến năm 2030 về tổng số hạm đội tàu ngầm chạy diesel (SSK) và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN). Các quốc gia Châu Á đang tìm cách phát triển lực lượng tàu ngầm đủ khả năng răn đe bởi họ mất dần niềm tin vào sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc cũng như vào cam kết duy trì ổn định của Mỹ.

 

 

Tàu ngầm tấn công năm 2016

Tổng số lượng tàu ngầm tấn công năm 2016

Tàu ngầm mới đưa vào hoạt động, đến năm 2030

Tàu ngầm tấn công mới năm 2030

 

SSK

SSN

SSK+SSN

SSK

SSN

SSK+SSN

Úc

6

0

6

1

0

1

Trung Quốc

51

7

58

24

8

32

Ấn Độ

13

1

14

8

2

10

Indonesia

2

0

2

5

0

5

Nhật Bản

18

0

18

4

0

4

Malaysia

2

0

2

2

0

2

Bắc Triều Tiên

20

0

20

5

0

5

Pakistan

5

0

5

8

0

8

Philippines

0

0

0

1

0

1

Nga

22

27

49

6

5

11

Singapore

4

0

4

2

0

2

Hàn Quốc

12

0

12

9

0

9

Đài Loan

4

0

4

4

0

4

Thái Lan

0

0

0

3

0

3

Mỹ

0

52

52

0

21

21

Việt Nam

5

0

5

1

0

1

Tổng

164

100

264

83

36

119

Bảng 1: Lực lượng tàu ngầm tấn công hiện tại cũng như dự đoán trong tương lai của các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương

Những tác động về chính sách

Đối với Mỹ và các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, tàu ngầm thể hiện một thông điệp quan trọng về ý định của một quốc gia – cụ thể là răn đe và nếu cần thiết là buộc đối thủ chấm dứt các hành động không mong muốn. Sự phát triển các hạm đội tàu ngầm trên khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy các quốc gia khu vực đang muốn phòng ngừa  một môi trường còn cạnh tranh hơn trong tương lai.

Dù cho giờ đây Mỹ đang tập trung đối phó với lực lượng tàu ngầm của Nga, nhưng những bước phát triển vượt bậc của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc và sự suy giảm về số lượng của hạm đội tàu ngầm Mỹ vẫn sẽ là những nhân tố gây phức tạp nhất đối với các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách của Hải quân Mỹ. Không dừng ở đó, những tiến bộ trong công nghệ đã cho phép tàu ngầm tăng cường đảm nhận những hoạt động đa nhiệm vụ. Hiện nay, tàu ngầm tấn công không chỉ thực hiện mỗi nhiệm vụ theo dõi hạm đội tàu nổi hay tàu ngầm tên lửa đạn đạo của đối phương. Tàu SSN hiện đại của Mỹ đang được sử dụng nhiều hơn vào mục đích thu thập tình báo, hoạt động đặc nhiệm, đối phó với khủng hoảng và răn đe thông thường. Việc ghép nhiều nhiệm vụ cho một số ít các khí tài quân sự sẽ buộc các nhà lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự phải chấp nhận những đánh đổi phức tạp giữa khả năng tác chiến và thông tin chính trị.

Theo thời gian, sự cạnh tranh giữa các chỉ huy chiến đấu khu vực của Mỹ ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông nhằm giành quyền sở hữu những thiết bị quan trọng này sẽ ngày càng trở nên khốc liệt. Việc thiếu những đột phá quan trọng trong lĩnh vực UUV – kể cả về năng lực chỉ huy và kiểm soát, độ bền bỉ và khả năng sinh tồn – sẽ vẫn là những rào cản không dễ để vượt qua.

Tăng cường hợp tác, nhất là với các đồng minh có năng lực như Nhật Bản và Úc, có thể góp phần vào nỗ lực giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực giảm thiểu rủi ro đều sẽ tương đồng với phân tích, tính toán của Lầu Năm góc, do đó đòi hỏi phải có một luồng tư duy mới của những người có trách nhiệm trong việc giám sát quá trình lập kế hoạch của Bộ Quốc Phòng.

Hải quân Mỹ không nên nghĩ rằng chỉ cần ngân sách đóng tàu được gia tăng thì sẽ giải quyết được thiếu hụt trong thời gian tới. Việc chi phí cho nguồn nhân lực gia tăng và áp lực cắt giảm sâu rộng về lượng quân số cuối cùng (tổng số lượng nhân sự trong quân đội) sẽ khiến cho việc tuyển dụng và duy trì lượng nhân sự cần thiết đối với thủy thủ đoàn cũng như việc duy tu số lượng tàu ngầm bổ sung mới sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí ngay cả khi được bổ sung thêm nguồn ngân sách đóng tàu. Tương tự, dù có đạt được năng lực tuyệt đối từ các thiết bị UUV thì điều đó dường như cũng không bù đắp được vấn đề số lượng tàu ngầm bị cắt giảm trong trung và ngắn hạn, do sự phức tạp trong việc vận hành những nền tảng mới và tinh vi như vậy trong điều kiện đủ số lượng.

Những khoản đầu tư của hải quân tại Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với tàu ngầm, đang tạo tiền đề cho một tương lai đầy nguy hiểm ở cả trên mặt nước cũng như ở dưới đáy biển. Việc ngày càng có nhiều quốc gia vận hành tàu ngầm sẽ khiến vùng không gian dưới đáy biển ngày càng trở nên chật chội và cạnh tranh. Nếu như Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư như hiện tại, bốn xu hướng lớn sau đây sẽ làm xói mòn vị thế thống trị của Washington trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, việc ngày càng có nhiều quốc gia sở hữu nhiều tàu ngầm sẽ làm gia tăng rủi ro va chạm dưới biển và đi cùng với đó là các động lực leo thang căng thẳng không rõ ràng. Thứ hai, sự phổ biến tương đối nhanh của tàu ngầm diesel hiện đại đang trực tiếp thách thức đến ưu thế vượt trội về năng lực dưới biển của Mỹ. Các quốc gia không cần thiết phải đạt được ưu thế như Hải quân Liên Xô trước đây từng theo đuổi. Thay vào đó, họ chỉ cần đạt được sự thống trị cục bộ mà môi trường địa lý dưới biển tạo điều kiện và hỗ trợ họ. Thứ ba, việc Mỹ cắt giảm số lượng tàu ngầm (kéo theo cắt giảm về số lượng thủy thủ đoàn) sẽ làm giảm đi cơ hội để Mỹ tham gia và định hình xu hướng tổng thể về phát triển lực lượng tàu ngầm, đặc biệt là ở Châu Á – Thái Bình Dương nơi mà các lực lượng tàu ngầm vẫn còn “non trẻ”. Thứ tư, việc Mỹ giảm quy mô hạm đội tàu ngầm sẽ cản trở việc hình thành một khuôn khổ chiến tranh chống ngầm chiến trường mà có khả năng liên kết năng lực đa quốc gia nhằm đối phó với những thách thức chung.

Mỗi lĩnh vực trên đều cần sự đánh giá kỹ càng hơn, không chỉ trong nội bộ Hải quân mà còn phải từ cả ở các kênh công khai. Với xu hướng về năng lực tàu ngầm tương lai ở Châu Á – Thái Bình Dương và sự hiểu biết ban đầu trong việc xây dựng năng lực, giờ là thời điểm để thực hiện những phân tích thực sự nghiêm túc về những thách thức đang đặt ra cho Hải quân Mỹ trong không gian dưới đáy biển và nghiên cứu cách thức để hóa giải những thách thức này thông qua hoạt động đầu tư và xây dựng đối tác.

John Schaus là nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS). Tại đây ông tập trung nghiên cứu về các thách thức an ninh châu Á. Lauren Dickey là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Trường King’s College London và Đại học Quốc gia Singapore. Andrew Metrick là nhà nghiên cứu liên kết tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại CSIS.

Lưu chú về nguồn: Các bảng được sử dụng trong bài viết này được biên soạn dựa trên một số nguồn: tài liệu Hải quân Mỹ; “The PLA Navy: New Capabilities and Missions for the 21st Century”, Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ; các báo cáo được xuất bản từ những phân tích chính phủ Mỹ; The Military Balance, CSIS; các bài viết công khai từ các cơ quan nghiên cứu và báo chí khu vực; phân tích của các tác giả bài viết về những mô hình sở hữu tàu ngầm ở Mỹ, Nga/Liên Xô và Trung Quốc; phân tích của các tác giả bài viết về cơ sở hạ tầng chế tạo tàu ngầm ở Mỹ và Trung Quốc.

Bài viết được đăng trên War On the Rocks.

Đọc toàn bộ bài dịch tại đây.

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.