515974-china-tiananmen-square.jpg

Ông Lý Khắc Cường sẽ tham dự một loạt hội nghị liên quan đến ASEAN, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur, nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Malaysia. Tuy nhiên, trước khi ông Lý Khắc Cường tới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Manila - nơi hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Ông Tập Cận Bình khẳng định với ông Najib rằng Trung Quốc coi việc thúc đẩy quan hệ với Malaysia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại với các nước láng giềng, trong bối cảnh hai nước có mối “quan hệ đặc biệt”. Ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc và Malaysia là các nước láng giềng và bạn bè tốt có sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau”.

Ông Tập Cận Bình cũng cam kết tăng cường đầu tư vào Malaysia và nhắc đến sự phát triển của Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21 như một cơ hội để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Về phần mình, ông Najib phát biểu với phóng viên rằng ông và ông Tập Cận Bình đều nhất trí rằng “quan hệ song phương đang ở cấp độ cao nhất dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và hợp tác thân thiện giữa hai quốc gia như hai đối tác thân cận”.

Tuy nhiên, những lời nói khoa trương thân mật này che giấu những quan ngại của Malaysia về những hành động hung hăng của Trung Quốc nhằm củng cố các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông - trong đó có chủ quyền Bãi cạn Luconia mà Malaysia cho là nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này. Nhà bình luận Prashanth Parameswaran từng nhấn mạnh với tờ “The Diplomat” rằng Malaysia gần đây trở nên lớn tiếng hơn trong việc phản ứng với sự xâm nhập của các tàu hải giám thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc.

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi đã lên tiếng phản đối các tuyên bố chủ quyền và hành động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông (mặc dù ông tránh nhắc cụ thể đến Trung Quốc). Ông Zahid nói: “Hiện có một quốc gia đang xây dựng các đường băng dài 3 km và các cơ sở hải cảng, được cho là phục vụ lực lượng bảo vệ bờ biển. Liệu việc này có hợp lý không khi bờ biển của quốc gia đó cách khu vực này hơn 3000 km?”. Ông Zahid cũng nhấn mạnh đến tuyên bố chủ quyền của Malaysia đối với Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý và nói rằng “Malaysia nên đứng lên để bảo vệ đất nước” nếu họ bị “đe dọa hoặc xâm phạm chủ quyền”.

Tuy nhiên, những lời nói hùng hồn của ông Zahid chỉ là ngoại lệ ở Malaysia. Kuala Lumpur thường tỏ ra “kín kẽ” hơn trong việc đưa ra các phản ứng, nếu so sánh với các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, như Việt Nam và Philipines. Malaysia thay vào đó lựa chọn bày tỏ quan ngại trong các cuộc gặp song phương bí mật (một phương thức được Trung Quốc ưu tiên trong việc giải quyết tranh chấp). Malaysia rõ ràng rất coi trọng “quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc - hiện cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Kuala Lumpur - đến mức họ không muốn mạo hiểm phá vỡ quan hệ bằng những lời lẽ lớn tiếng phản đối về vấn đề Biển Đông. Điều này đồng nghĩa rằng “cuộc tấn công” ngoại giao của Trung Quốc vào ASEAN có cơ hội thành công lớn nhất ở Malaysia.

Thực tế đó không bị Trung Quốc bỏ qua khi nước này muốn nhân chuyến thăm Malaysia của ông Lý Khắc Cường và việc tham dự các cuộc họp của ASEAN là cách thức để tái khởi động quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Trong cuộc họp báo về chuyến công du của ông Lý Khắc Cường, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân đã nói rằng quan hệ Trung Quốc-ASEAN đang ở "điểm xuất phát mới" với "những cơ hội mới". Đặc biệt, Trung Quốc hy vọng rằng trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay, nước này có thể thông qua quan hệ kinh tế và thương mại để giải quyết êm xuôi những căng thẳng trong những lĩnh vực khác.

Cũng trong cuộc họp báo này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Yến nói: "Quan hệ kinh tế, thương mại gần gũi hơn giữa các nước Đông Á sẽ giúp khu vực này đối phó với những thách thức và thúc đẩy sự phát triển ổn định và vững chắc của nền kinh tế thế giới.

Để đạt được điều đó, Trung Quốc muốn chuyển trọng tâm rời xa những tranh chấp lãnh hải và quay trở lại với kế hoạch thiết lập Con đường Tơ lụa Trên biển của nước này, kết nối Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á và xa hơn nữa - tới tận châu Âu nếu kế hoạch này có kết quả. Với Con đường Tơ lụa Trên biển, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ khu vực củng cố hệ thống hạ tầng thiết yếu, bao gồm việc cung cấp tài chính thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á mới được thành lập. Song kế hoạch này đã mất đi ít nhiều động lực bởi các đối tác tiềm năng bắt đầu cân nhắc lại khả năng cho phép Trung Quốc đầu tư vào hạ tầng trên biển do những hành động của nước này ở Biển Đông.

Thứ trưởng Cao Yến cho biết chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thúc đẩy sự hợp tác thực hiện sáng kiến "Con đường Tơ ụa Trên biển", bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như đẩy mạnh đầu tư và thương mại song phương nói chung. Ông Gao cũng nói rằng Trung Quốc đặc biệt muốn hợp tác với Malaysia trong các dự án đường sắt cao tốc. Bắc Kinh đã có các hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc ở Lào và Indonesia cũng như tuyến đường sắt chính ở Thái Lan.

Trong chuyến thăm này, Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải đàm phán xong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để thành lập một khu vực thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng các nước Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zeland. Việc đạt được RCEP sẽ là một thông tin tích cực rất cần thiết cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các nước láng giềng - và sẽ giúp bù lại bất kỳ tác động kinh tế tiêu cực nào từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa mới kết thúc đàm phán, trong đó không có sự tham gia của Trung Quốc.

Theo “The Diplomat 

Nhật Linh (gt)