Trong một bài viết gần đây, nhà khoa học chính trị nổi tiếng Graham Allison đã đưa ra lời bình luận về việc Trung Quốc từ chối phán quyết pháp lý không thuận lợi cho mình từ Tòa Trọng tài, bằng cách chỉ ra những hành vi trái pháp luật của các cường quốc khác, cho ấn tượng sai lầm rằng việc Trung Quốc không tuân thủ quyết định của tòa án quốc tế về cơ bản là bình thường: Ông Allison lập luận: "Trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chẳng có thành viên nào chấp nhận phán quyết của Tòa án quốc tế khi (theo quan điểm của họ) quyết định đó đã vi phạm chủ quyền hoặc lợi ích an ninh quốc gia. Như vậy, khi bác bỏ quyết định của Tòa án quốc tế trong trường hợp này, Trung Quốc chỉ làm những gì các cường quốc khác đã nhiều lần thực hiện trong nhiều thập kỷ". Ông Allison cũng đã đề cập đến một số sự kiện quan trọng về việc các cường quốc tuân thủ quyết định của Tòa Trọng tài quốc tế. Ví dụ, Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ việc Phillipine kiện Trung Quốc không phải là tòa trọng tài quốc tế, mà thực chất chỉ là một Tòa Trọng tài được thành lập theo Điều 287, Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Tòa Trọng tài chỉ phục vụ như một cơ quan đăng kiểm mà thôi. Điều quan trọng là ông Allison đã không đề cập đến việc các cường quốc bác bỏ tính hợp pháp của Tòa Trọng tài, nhưng sau đó khi tòa đưa ra một phán quyết bất lợi cho các cường quốc đó thì họ vẫn buộc tuân thủ các phán quyết của các tòa án quốc tế hợp pháp. Như vậy, ngay cả đối với các cường quốc mong muốn giành quyền lãnh đạo và tìm kiếm sự tôn trọng trong hệ thống quốc tế, bỏ qua tính hợp pháp của Tòa Trọng tài quốc tế thì cuối cùng đều phải trả giá đắt.

Trong một bài viết chính thức cho tạp chí Luật pháp châu Âu mới đây, học giả pháp lý Aloysius P. Llamzon (Pháp) đã viết "thông qua các cơ chế phức tạp về thẩm quyền và quán tính chính trị, ảnh hưởng từ phán quyết của tòa án quốc tế, hầu như tất cả các phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đều đạt được kết quả đáng kể, mặc dù chưa hoàn hảo". Hãy nhớ rằng Tòa án Công lý Quốc tế luôn quan sát cực kỳ tinh tế, kỹ lưỡng nếu không khó có thể đưa ra lời phán quyết, trường hợp chủ quyền lãnh thổ là một ví dụ. Năm 1986, vụ kiện của Nicaragua với Mỹ được trình lên Tòa án Quốc tế. Lúc đầu, Mỹ ngoan cố, kiêu ngạo từ chối tham gia vụ kiện. Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng bác bỏ phán quyết bất lợi cho mình. Tuy nhiên, Nicaragua không ngừng gia tăng áp lực quốc tế về phía Mỹ bằng sự hỗ trợ của các nước đang phát triển. Mỹ đã từ chối trả khoản đền bù 370 triệu USD, nhưng sau nhiều năm, áp lực ngoại giao của các nhà lãnh đạo Nicaragua đã đem lại thành công, Washington đã phải đền bù cho người láng giềng Mỹ Latinh này bằng cách cung cấp một gói viện trợ phát triển thậm chí lớn hơn khoản đền bù trên vào thời Tổng thống Nicaragua Victoria Chamorro.

Tuy nhiên, Mỹ đang tiếp tục "xa lánh" các đồng minh và làm suy yếu uy tín của mình do không ký UNCLOS. Và đó là thời cơ cho các thành phần hiếu chiến trong Thượng viện nước này tiến hành thay đổi tình thế. Thế nhưng Chính phủ Mỹ thực sự đã tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS giống như tuân thủ luật pháp quốc tế thông thường. Điều này đã được chứng minh rõ ràng hơn khi Washington cho phép tàu chiến Trung Quốc đi qua 200 hải lý thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ (EEZ) ở Thái Bình Dương và cho phép tàu chiến Trung Quốc có quyền "qua lại không gây hại" trong lãnh hải của Mỹ ở bờ biển Alaska. Ngược lại, Trung Quốc, quốc gia đã ký UNCLOS, lại luôn không đồng ý với các hoạt động phổ biến luật pháp quốc tế của Mỹ trên Biển Đông, ngoài ra còn đặt ra các giới hạn và rào cản về việc di chuyển các tài sản quân sự nước ngoài qua lãnh hải và vùng tiếp giáp. Sự quấy rối của Trung Quốc đối với các nhiệm vụ trinh sát hợp pháp của Mỹ và tàu chiến hoạt động ở vùng biển quốc tế đã tăng lên trong nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây. Trung Quốc cũng đang khiến hầu hết các nước láng giềng quan ngại sâu sắc do nước này tuyên bố "quyền lịch sử" trên các vùng biển lân cận như Biển Đông. Trên thực tế, như phán quyết của Tòa Trọng tài đã chỉ ra rất rõ ràng: "Trung Quốc đã vi phạm các quyền của các nước như Philippines, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Số lượng các hoạt động cải tạo khổng lồ của Trung Quốc còn nhiều hơn gấp 20 lần so với tất cả các nước có tranh chấp gộp lại, các hoạt động này cũng đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái tại Biển Đông".

Một nhân tố khiến các quốc gia, bao gồm cả các cường quốc, cần tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài là do quan ngại về cái giá phải trả và hậu quả lâu dài do tai tiếng của việc phớt lờ luật pháp quốc tế, đây là nhân tố quan trọng đảm bảo trật tự toàn cầu. Điều này có thể giải thích tại sao ngay cả nước Nga "hung hăng" ban đầu một mực bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài nhưng cuối cùng cũng phải tuân thủ. Ví dụ, trong vụ "Arctic Sunrise", Vương quốc Hà Lan đã đệ đơn kiện thành công vụ án lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), với cáo buộc rằng Nga đã bắt giữ trái phép các nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức Greenpeace. Cuối cùng, cơ quan lập pháp Nga chấp thuận phóng thích thuyền viên và tàu của Hà Lan, mặc dù vẫn nói rằng Moskva bác bỏ bản án này. Tóm lại, Nga vẫn phải chính thức tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế. Tại Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh có tranh chấp về lãnh hải, sau đó Bangladesh đã đưa vụ kiện lên tòa án quốc tế bất chấp sự phản đối của New Delhi. Tòa Trọng tài tại La Hay đã đem chiến thắng về cho Bangladesh, theo đó Bangladesh được trao gần như toàn bộ khu vực vịnh Bengal và Ấn Độ đã buộc phải tuân thủ phán quyết này. Chìa khóa để đảm bảo sự tuân thủ là sự kết hợp dư luận với áp lực của cộng đồng quốc tế. Đây chính là lý do tại sao các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần liên tục thúc đẩy sự tuân thủ trên và vận động Trung Quốc xem xét lại tuyên bố của mình theo đúng pháp luật quốc tế hiện hành, không nên tự nhận lãnh thổ dựa trên "quyền lịch sử" cùng với các bản đồ và sử ký tiền hiện đại không chính xác và không có cơ sở pháp lý.

Căn cứ vào phán quyết của Tòa Trọng tài, các cường quốc hải quân có liên quan có thể thực hiện các hoạt động tự do hàng hải để thách thức tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, nơi đã được cải tạo thành các đảo nhân tạo. Nếu Trung Quốc tiếp tục không tuân thủ, Philippines và các nước khu vực khác có thể yêu cầu Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế thành lập theo UNCLOS, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên dưới đáy biển ở vùng biển quốc tế của Trung Quốc. Do phán quyết Tòa Trọng tài tuyên bố rõ ràng rằng không có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa Trung Quốc và Philippines, Manila cũng có quyền lựa chọn nộp đơn khiếu nại pháp lý bổ sung nếu các công ty năng lượng của Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan trong EEZ của nước này. Chưa kể, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Indonesia cũng có thể gửi đơn kiện lên Tòa Trọng tài tương tự như Phillipine về vấn đề này. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu không xem xét lại một cách nghiêm túc thái độ trên biển của họ.

Đến nay, có vẻ như Trung Quốc đã "thuần hóa" thành công các nước láng giềng nhỏ hơn và bị chia rẽ trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Philippines, nhưng các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ sắp tới sẽ có nhiều hành động phù hợp với pháp luật quốc tế và củng cố về mặt pháp lý các phán quyết của Tòa Trọng tài. Khi nói về trật tự châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không nên chỉ phê chuẩn UNCLOS, để lấy lại uy tín mà còn nên dẫn đầu một liên minh gồm các quốc gia tuân thủ pháp luật để buộc Trung Quốc phải hành động trong phạm vi pháp luật quốc tế hiện hành. Không chỉ tương lai của châu Á và trật tự tự do hàng hải toàn cầu bị đe dọa nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết pháp lý của Tòa Trọng tài ngày 12/7 vừa qua.

Richard Javad Heydarian là giảng viên khoa học chính trị tại trường Đại học De La Salle, Philippines. Ông từng làm cố vấn chính sách tại Hạ nghị Viện Philippines (2009-2015). Ông được The Manila Bulletin, tờ nhật báo hàng đầu Philippines, mô tả là “nhà phân tích về kinh tế và chính sách đối ngoại xuất sắc nhất”. Ông cũng là tác giả của cuốn Asia’s New Battlefield: The US, China, and the Struggle for Western Pacific (Zed, London). Bài viết được đăng trên The National Interest.

Trần Quang (gt)