Xem xét một chuỗi những bất ngờ chúng ta đã được chứng kiến tại Biển Đông trong một vài năm trở lại đây, việc đưa ra những dự đoán tổng thể về những gì có thể xảy ra vào năm 2015 sẽ là vô ích. Tuy vậy, trong vài tháng qua, đã có một loạt các cuộc tranh luận trong tầng lớp trí thức về việc liệu Trung Quốc có thay đổi cách tiếp cận của mình đối với vấn đề Biển Đông trong năm 2015 hay không. Do vậy, nhu cầu xem xét ngắn gọn liệu khả năng này liệu có xảy ra hay không và nó sẽ báo hiệu điều gì là cần thiết.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, chúng ta đã được chứng kiến việc Trung Quốc sử dụng chiến lược mà tôi gọi là “sự quyết đoán tiệm tiến” trên Biển Đông. Cách tiếp cận “quyết đoán tiệm tiến” này gồm hai phần, thường được triển khai đồng thời một cách có tính toán.

Phần đầu tiên là thay đổi thực trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc ở bất cứ nơi nào có thể nhằm thúc đẩy yêu sách của Trung Quốc như đã vạch ra trong đường lưỡi bò đầy tai tiếng. Các hoạt động được tiến hành rất đa dạng, từ cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa cho đến ngang nhiên chiếm lấy các thực thể, giống như Trung Quốc đã từng làm với Bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham).

Thế nhưng, trọng tâm thực sự của phần tiếp cận này nằm ở chỗ Trung Quốc hành động theo từng bước một, không để bất kì một động thái đơn lẻ nào đủ mạnh đến mức kéo Mỹ vào xung đột hay khiến các nước tranh chấp trong ASEAN phải bắt tay với Washington hoặc các chủ thể khác nhằm chống lại Bắc Kinh. Và, những hành động ấy, tựu chung lại, vẫn củng cố được cho lập trường của Trung Quốc về lâu về dài.

Phần thứ hai được tiến hành đồng thời đó là tiếp tục thắt chặt mối quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á, kéo các nước này lại gần hơn trong quỹ đạo của Trung Quốc. Biện pháp này không chỉ thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường vai trò lãnh đạo khu vực của Trung Quốc mà còn khiến các nước ASEAN phải suy nghĩ kĩ về việc thách thức Bắc Kinh trên Biển Đông.

Chiến lược này góp phần duy trì sự chia rẽ trong nội khối ASEAN, giữa các nước dễ ngả theo mong muốn của Trung Quốc, điển hình là Campuchia, với những nước khác có phần cứng rắn hơn. Duy trì sự chia rẽ trong ASEAN là đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc để có thể tiếp tục thúc đẩy phương án giải quyết tranh chấp song phương mà Trung Quốc ưa thích, thay vì phải giải quyết với cả khối ASEAN. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh từng cô lập Philippines trong quá khứ khi nước này công khai nộp đơn kiện lên tòa trọng tài tại La-Hay, trong khi lại ca ngợi phương pháp tiếp cận “ngoại giao kín đáo” của Malaysia.

Giả định của chiến lược “quyết đoán tiệm tiến” hai phần này là dần dần theo thời gian (theo hướng có lợi cho Trung Quốc), một Trung Quốc mạnh mẽ hơn nữa sẽ thay đổi hiện trạng theo hướng rất có lợi cho mình và giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng của các nước ASEAN, khiến các nước này không thể làm gì để xoay chuyển tình huống nữa. Nói cách khác, không như nhận định của một số nhà quan sát rằng đang tồn tại mâu thuẫn giữa việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ yêu sách chủ quyền chống lại các nước yêu sách trong ASEAN và tìm kiếm hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với Đông Nam Á, Bắc Kinh lại nhìn nhận hai chính sách này như hai mặt của một đồng xu.

Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng trong giai đoạn đầu năm 2015, Trung Quốc có thể thay đổi chiến lược hoặc ít nhất là làm dịu đi tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tại phiên bế mạc gần đây của Hội nghị Trung ương về Quan hệ Đối ngoại vào tháng 12/2014, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định quyết tâm rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng hơn là với các cường quốc khác. Trong khi ý nghĩa thực sự của kết luận này còn chưa rõ ràng, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc Bonnie Glaser đã chia sẻ với các khán giả tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) rằng có thể Bắc Kinh đã nhận ra những hành vi khiêu khích của mình trên Biển Đông đã làm rạn nứt quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Trước tình hình đó, Trung Quốc có thể đang “điều chỉnh” chính sách đối ngoại của mình để cải thiện các mối quan hệ này, và nhờ đó căng thẳng tại Biển Đông có thể được giảm thiểu trong năm 2015. Điều này cho phép Trung Quốc cải thiện quan hệ với một số nước ASEAN cũng như dành thời gian cho các sáng kiến kinh tế “cùng có lợi” của họ như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á hay Con đường Tơ lụa trên Biển trong thế kỷ 21.

Nếu ai mong muốn tìm kiếm các dấu hiệu của sự thay đổi chính sách này thì cũng đã có một số. Trung Quốc – vốn nổi tiếng với lối nói văn hoa – đã tuyên bố năm 2015 là “năm của hợp tác biển giữa ASEAN và Trung Quốc”. Cụ thể hơn, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định vào tháng 11/2014 rằng, trong năm 2015, Trung Quốc sẽ triển khai các dự án thuộc Quỹ Hợp tác Biển Trung Quốc – ASEAN mà nước này đứng ra thiết lập vào năm 2012. Điều này mang ý nghĩa quan trọng bởi những dự án này có liên quan tới Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Thúc đẩy các dự án cho phép Bắc Kinh khẳng định rằng, trên thực tế, Trung Quốc vẫn nghiêm chỉnh tuân thủ DOC kể cả khi nước này tiếp tục trì hoãn đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn (COC). Tuy các nước ASEAN muốn kí kết COC sớm nhất có thể, một vài nước như Malaysia đã hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực hiện DOC thông qua các dự án cụ thể, kể cả khi những tiến độ của nó còn rất chậm chạp.

Trên bình diện song phương, Bắc Kinh đã đầu tư thời gian hàn gắn quan hệ với Việt Nam vào cuối năm 2014 sau khi triển khai một giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa – động thái gây căng thẳng xảy ra vào đầu năm. Quan hệ với Philippines cũng đang theo chiều hướng bớt thù địch hơn trong thời gian gần đây, nhất là khi Trung Quốc công khai giải thích rằng không loại bỏ Manila ra ngoài sáng kiến Con đường Tơ lụa trên Biển thế kỷ 21 như nhiều người khẳng định. Nhìn chung, bất chấp một số hạn chế cố hữu mà Trung Quốc phải đối mặt ở vài quốc gia, ngoại giao quyền lực mềm của Trung Quốc trong thời gian trước và sau kì họp cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm 2014 tỏ ra khá ấn tượng: từ động thái chiến lược của các quan chức cao cấp Trung Quốc đăng các bài xã luận về quan hệ ASEAN - Trung Quốc trên một số báo của Đông Nam Á cho đến việc đạt được các thỏa thuận kinh tế với Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Rõ ràng, Trung Quốc đã nhận ra rằng năm 2015 sẽ là một năm then chốt đối với hội nhập kinh tế khu vực – năm mà hai hiệp định “khổng lồ” là Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) và Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt được kì vọng sẽ kí kết xong – và chính vì vậy, Trung Quốc đang điều chỉnh chính sách ngoại giao phù hợp với bối cảnh.

Mặc dù vậy, với cái cách mà Trung Quốc đã hành xử trong quá khứ, người ta có lý do để nghi ngờ rằng mọi động thái trên không gì khác cũng chỉ là một sự thay đổi tạm thời về chiến thuật của Bắc Kinh. Vào tháng 10/2013, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 10 của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, Trung Quốc đã tiết lộ, một cách khá ồn ào, về cái mà Trung Quốc gọi là chiến lược mới cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo: một “khuôn khổ hợp tác hai cộng bảy” tương đối cồng kềnh. Lời kêu gọi công khai này là một phần của chuyến công du khu vực Đông Nam Á của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường được giới truyền thông đặc biệt chú ý. Vào thời điểm đó, đây được coi là một thắng lợi lớn đối với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, đặc biệt là với sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama do phải giải quyết vấn đề chính phủ Mỹ đóng cửa. Báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực để viết về Hội nghị Chính sách Đối ngoại kéo dài 2 ngày do Trung Quốc tổ chức cũng trong tháng 10, trong đó lần đầu tiên hướng sự tập trung vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các nước lân cận. Một số người vào thời điểm đó cho rằng đây có thể là dấu hiệu về một chiến lược tấn công quyến rũ mới của dàn lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đối với Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chỉ bảy tháng sau cái gọi là “chiến lược tấn công quyến rũ” này, trong đó bao gồm việc đề xuất thành lập một nhóm làm việc mới nhằm tham vấn về khả năng khai thác chung trên biển với Việt Nam, Trung Quốc lại điều một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hà Nội. Theo nhận định của Nguyễn Vũ Tùng, một nhà nghiên cứu của Học viện Ngoại giao Việt Nam danh tiếng, thì việc Trung Quốc thay đổi từ “một nhánh ô liu” (biểu tượng của hòa bình) sang cách hành xử đâm sau lưng đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về mức độ tin tưởng của các nước ASEAN đối với các tuyên bố của Trung Quốc cũng như những dự tính lâu dài của Bắc Kinh. Nói rộng hơn, những động thái của Trung Quốc ở Đông Nam Á từ cuối năm 2013 đến nửa đầu năm 2014 là một sự cảnh báo cho những người đang tìm kiếm sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Điều này còn cho thấy với việc thực thi chiến lược gia tăng sự quyết đoán, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, như đã được nhấn mạnh ở phần trên, tỏ ra hoàn toàn thoải mái khi tiếp tục đưa ra những miếng mồi về kinh tế đồng thời tiếp tục, thậm chí còn đẩy mạnh hơn nữa sự quyết đoán của mình ở Biển Đông sau một khoảng thời gian nhất định.

Ngay cả khi chúng ta muốn tin vào khả năng Trung Quốc sẽ tỏ ra thực sự nghiêm túc về việc bước đầu cố gắng xoa dịu tình hình ở Biển Đông vào năm 2015, thì những diễn biến trên biển trong năm nay cũng có thể đẩy Bắc Kinh vào thế quyết đoán hơn, nếu không phản ứng mạnh mẽ hơn thì cũng chủ động hơn. Nhiều người sẽ rất háo hức chờ xem liệu Bắc Kinh và các nước có yêu sách Biển Đông khác sẽ phản ứng thế nào với phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, có thể sẽ được công bố vào cuối năm 2015.

Ngoài ra, các vụ xâm nhập của tàu thuyền và ngư dân Trung Quốc vào vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng như đã từng có nguy cơ xảy ra trong quá khứ. Điều này không chỉ có thể xảy ra đối với Việt Nam và Philippines, những nước hiện đang tăng cường năng lực biển của mình, mà còn có thể xảy ra với Malaysia và Indonesia bởi sự cứng rắn của Bắc Kinh thời gian gần đây đã mở rộng ra  đến những phần ngoài cùng nhất của đường lưỡi bò. Malaysia và Indonesia có truyền thống cố gắng giảm nhẹ các vụ việc này bằng cách xử lý riêng với Bắc Kinh, Malaysia đặc biệt mong muốn rằng chức Chủ tịch ASEAN do nước này đảm nhận trong năm nay tập trung chủ yếu vào vấn đề xây dựng cộng đồng ASEAN, theo dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hai nước này cũng rất chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền, và có một điều rõ ràng là cả hai đang ngày càng tỏ ra khó chịu với hành vi của Bắc Kinh. Phản ứng của chính quyền Tổng thống Indonesia Jokowi trước các hành động xâm phạm của Trung Quốc sẽ rất đáng theo dõi bởi một số cố vấn của ông trong thời gian gần đây đã có những tuyên bố khá táo bạo về chính sách đối ngoại của Indonesia.

Và mặc dù Trung Quốc có thể quyết định tập trung hơn vào các nước láng giềng của mình thay vì các cường quốc lớn, thì nước này cũng không thể xem nhẹ vai trò của Mỹ ở Biển Đông và những ảnh hưởng tiềm tàng của Washington đối với hành vi của Bắc Kinh. Chính quyền Obama đã và vẫn đang cam kết hợp tác với Trung Quốc ở bất cứ lĩnh vực nào có thể, như đã thể hiện trong các thỏa thuận về khí hậu và quân sự vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, năm 2014 cũng cho thấy rằng Washington đang can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông, qua các động thái như kí kết Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Philippines, nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện với Malaysia trong đó bao gồm hợp tác về an ninh hàng hải và việc Bộ Ngoại giao Mỹ xuất bản một nghiên cứu về đường lưỡi bò. Các biện pháp âm thầm khác cũng đang được tiến hành hoặc đang được xem xét cho năm 2015 và xa hơn nữa. Với việc Mỹ tham gia nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 đang tới gần, thì khả năng Bắc Kinh phản ứng tiêu cực với những động thái của Mỹ hoặc chủ động thách thức ý chí của chính quyền Obama sẽ gia tăng rất nhiều.

Tất cả những điều này cho thấy dù Trung Quốc có điều chỉnh cách tiếp cận của mình đi nữa, thì nhiều khả năng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục được chứng kiến một năm đầy biến động về vấn đề Biển Đông.

Prashanth Parameswaran là Phó Tổng biên tập của tờ The Diplomat có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ. Ông là cây bút chuyên viết về Đông Nam Á và các vấn đề an ninh Châu Á. Bài này được đăng lần đầu tiên trên trang The Diplomat.

Người dịch: Hoàng Sơn

Hiệu đính: Minh Ngọc