03/01/2013
Chiến thắng mới đây của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, với việc ông Shinzo Abe sẽ trở lại cương vị thủ tướng sau 5 năm, rất có thể sẽ dẫn đến sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Trung Quốc. Cả hai quốc gia láng giềng ở khu vực châu Á này đều đang lao vào một vòng xoáy ngày càng lớn của chủ nghĩa dân tộc, nhưng bắt nguồn từ những lý do khác nhau.
Nhật Bản đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế. Nền kinh tế nước này đang đình trệ và ông Shinzo Abe trở thành người đứng đầu của chính phủ thứ sáu chỉ trong vòng 5 năm. Đảng LDP của ông Abe hầu như đã nắm quyền tại Nhật Bản trong hầu hết khoảng thời gian kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, cho đến khi ông này bất ngờ từ chức thủ tướng hồi năm 2007 vì lý do sức khỏe.
Người Nhật Bản đã cố gắng thay đổi, và năm 2009 Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền, với 3 vị thủ tướng thay nhau chỉ trong vòng 3 năm. DPJ đã bị coi là một đảng cầm quyền tồi tệ và cách mà đảng này xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản là điều hoàn toàn không thể hiểu nổi.
Người dân sống tại một khu lều trại lớn tại miền Bắc Nhật Bản cho biết chính phủ đã không cử quan chức nào đến đó trong vòng 18 tháng. Trong lúc đó, ông Shinzo Abe đã tìm thấy một phương thuốc hữu hiệu để quay lại, chủ yếu là nhờ vào sự thất bại của DPJ. Tuy nhiên không có điều gì thay đổi - Nhật Bản có một vị thủ tướng cũ với một phương thuốc mới, nhưng không có ý tưởng mới hay nhà lãnh đạo mới nào.
Điều mới xuất hiện tại Nhật Bản là sự thay đổi dòng thủy triều của chủ nghĩa dân tộc. Ông Shinzo Abe không chỉ có quan điểm diều hâu khi luôn luôn xem nhẹ lịch sử về sự xâm lược của Nhật Bản tại các nước châu Á, mà thậm chí còn bác bỏ sự thật về việc quân đội Nhật Bản bắt phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục. Nghiêm trọng hơn, ông Shinzo Abe muốn bỏ Điều số 19 trong Hiến pháp Nhật Bản, điều khoản ngăn cấm Nhật Bản thành lập lực lượng quân đội vì mục đích tấn công và duy trì đất nước ở tình trạng hòa bình. Điều này chỉ có thể có được qua một cuộc trưng cầu ý dân và sau cùng, người dân tại ba thành phố lớn nhất Nhật Bản đã lựa chọn các thị trưởng cánh hữu.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đang mang đến những cuộc trốn chạy thường gặp thoát khỏi thực tại, với việc các chính trị gia Nhật Bản tuyên bố họ sẽ đưa đất nước Mặt Trời mọc trở lại những ngày tươi đẹp và người dân muốn tin điều đó là có thể. Họ nói: "Tất cả những gì chúng tôi muốn là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, làm chúng tôi quên đi những vấn đề về nền kinh tế, toàn cầu hóa và các vấn đề khác về cơ cấu”.
Sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc lại có những căn nguyên hoàn toàn khác. Tân Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, người sẽ trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào tháng 3/2013, có nhiều quyền lực hơn so với thời kỳ chuyển giao quyền lực trước kia nhưng ông Tập Cận Bình hiểu rõ rằng ý tưởng về chủ nghĩa Cộng sản không còn là sự sống còn và ông phải nghĩ về những ý tưởng phổ biến và thực dụng cho việc tập hợp những con người đứng đằng sau mình. Vì vậy ông Tập Cận Bình tuyên bố về “phục hưng”, ý tưởng của "sự đổi mới", một yếu tố luôn chiếm phần quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, và ông đã gắn liền nó với "Giấc mộng Trung Hoa".
Những phát biểu của ông Tập Cận Bình đã pha trộn các biện pháp chống tham nhũng với việc tăng cường các chính sách kinh tế, xây dựng năng lực quân sự hùng mạnh và một chính sách ngoại giao cứng rắn. Người Trung Quốc vẫn chưa quên sự nhục nhã từ hai cuộc chiến tranh nha phiến (thuốc phiện) hồi thế kỷ 19, khi các cường quốc phương Tây sử dụng sức mạnh của họ để áp đặt quyền được bán thuốc phiện tự do tại Trung Quốc trong suốt triều đại nhà Thanh.
Bên cạnh việc sử dụng từ “phục hưng” trong các bài phát biểu, đáng chú ý là hai tháng trước khi được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm người đứng đầu một nhóm quyền lực trong Chính phủ Trung Quốc chuyên theo dõi các tranh chấp trên biển. Và trong suốt thời gian ông Tập Cận Bình nắm giữ cương vị này, mâu thuẫn về tranh chấp quần đảo Điều Ngư/Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông đã bùng lên mạnh mẽ.
Quần đảo này ban đầu thuộc về Trung Quốc, nhưng năm 1895 đã bị sáp nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất (một sự nhục nhã nữa của Trung Quốc) trong sự thờ ơ. Nhưng vài năm trước, một cuộc nghiên cứu và khảo sát địa chất quy mô đã cho thấy quần đảo này có thể có các mỏ dầu khí với trữ lượng dồi dào. Ông Shintaro Ishihara – Thị trưởng Tôkyô, một người có quan điểm cực kỳ dân tộc chủ nghĩa, muốn mua ba hòn đảo cằn cỗi và quần đảo hoang này từ những người dân Nhật Bản đang sở hữu, như một tín hiệu về sức mạnh của Nhật Bản. Vượt mặt Thị trưởng Shintaro Ishihara, Thủ tướng Nhật Bản sắp mãn nhiệm Yoshihiko Noda, đã quốc hữu hóa các hòn đảo này. Động thái này đương nhiên vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc và làm nổ ra những hành động phải đối, biểu tình rầm rộ của người dân nước này chống Nhật Bản - về cơ bản là tự phát nhưng lại được Chính phủ Trung Quốc cho phép. Kể từ đó, tàu thuyền của hai nước vẫn lui tới khu vực quần đảo tranh chấp này như một sự thể hiện chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.
Rồi ngày 13/12/2012, và trong đêm bầu cử tại Nhật Bản, máy bay Trung Quốc đã bay trên bầu trời quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku và 5 máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản đã được lệnh xuất kích để ngăn chặn máy bay Trung Quốc.
Giống như câu nói nổi tiếng của ông Tarzi Vittachi, một quan chức cấp cao quá cố nổi tiếng của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), “mọi thứ luôn luôn là vì những thứ khác”. Trong trường hợp này, đó là vì hệ quả của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, theo đó cho các quốc gia có đặc quyền kinh tế đối với khu vực biển nằm trong bán kính 200 hải lý từ đường bờ biển. Vì rất nhiều hòn đảo (Minami, Ogasawara, Izu) nằm cách thủ đô Tôkyô 2.000 km, Nhật Bản do vậy có một khu vực đặc quyền trên biển rộng 4,5 triệu km2, lớn thứ 9 thế giới.
Trung Quốc với đường bờ biển dài hơn Nhật Bản, chỉ có 880.000 km2, đứng thứ 31 trên thế giới, xếp giữa Manđivơ và Xômali. Hơn thế nữa, Trung Quốc bị ngăn trở bởi các vùng biển của Mỹ (các quần đảo như Guam , Palau , Caroline…), Philíppin và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố tới năm 2016, đội tàu hải quân của Mỹ sẽ tới vùng biển xung quanh Trung Quốc. Đội tàu hải quân này sẽ bao gồm 6 tàu sân bay và hầu hết các vũ khí hiện đại, từ tàu ngầm hạt nhân cho đến lá chắn điện tử, về mặt danh nghĩa là được triển khai chống lại Bắc Triều Tiên (nhưng thực tế lại chống lại Trung Quốc).
Và, về tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi kêu gọi hòa bình và ngoại giao, Oasinhtơn cũng cho thấy rõ rằng nếu có xung đột, Mỹ sẽ buộc phải can thiệp và đứng về phía Nhật Bản, theo hiệu lực của bản hiệp ước phòng thủ chung (Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ) mà hai nước đã ký kết vào năm 1960.
Xung đột kiểu này giữa Trung Quốc và Nhật Bản nên được giải quyết bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Mỹ đóng vai trò là quan sát viên. Nhưng ASEAN lại bị chia rẽ trong đối đầu với Trung Quốc, do một số nước như Campuchia quá phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc, do vậy họ ngăn cản mọi nỗ lực của ASEAN tác động đến Trung Quốc.
Tranh chấp trên biển xảy ra giữa hầu như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực này: Philíppin, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Brunây và Nga, tất cả các vấn đề chưa được giải quyết về chủ quyền đối với các quần đảo. Nhưng rõ ràng là Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với các nước khác.
Trong tấm hộ chiếu mới ban hành, Trung Quốc đã cho in bản đồ châu Á trong đó thể hiện chủ quyền của nước này đối với toàn bộ Biển Đông thông qua hình đường “lưỡi bò” (hay còn gọi là đường 9 đoạn) in chìm trong hộ chiếu. Philíppin đã từ chối đóng dấu lên hộ chiếu “lưỡi bò.” Trong đêm bầu cử tại Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Philíppin đã tuyên bố Manila “rất vui mừng chào đón” một sự thay đổi trong Hiến pháp Nhật Bản, cho phép Tôkyô một lần nữa trở thành một cường quốc quân sự, và đây là tuyên bố từ một nạn nhân của sự xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tất cả các tín hiệu chỉ ra xu hướng tranh chấp xung quanh những hòn đảo cằn cỗi đang trở thành một yếu tố chính điều chỉnh địa lý trong tương lai. Đến khi nào loài người mới thoát hẳn khỏi bóng ma của đối đầu và chiến tranh?
Theo Asia Times Online
Trần Quang (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...