us-navy-pic.jpg

Hiệp ước hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Nhật Bản tại Philippines, Kazuhide Ishikawa, ký kết hôm 29/2 vừa qua nhằm thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước, cho phép Nhật Bản cung cấp cho Philippines công nghệ và thiết bị quốc phòng cũng như việc hai bên cùng thực hiện nghiên cứu và phát triển các dự án quốc phòng. Đây cũng là tín hiệu của sự xuất hiện "một cấu trúc an ninh cơ bản" đang nổi lên ở khu vực Biển Đông: tam giác kết nối các đồng minh hiệp ước giữa Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Thỏa thuận Manila có thể được thực hiện dựa trên chính sách phòng vệ chủ động hơn của Nhật Bản và mong muốn của Đông Nam Á cân đối các yếu tố để đối phó với quyết tâm thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các cuộc thăm dò gần đây về quan điểm của Đông Nam Á đối với Nhật Bản và các nước khác đã gây ngạc nhiên thú vị. Cả hai Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đều nhận thấy rằng các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản ở châu Á, trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhật Bản đứng đầu danh sách các nước lớn được ủng hộ, tiếp đến mới là Mỹ và Ấn Độ.

Quan điểm ủng hộ của ASEAN đối với vai trò quân sự mới của Nhật Bản trùng với nhu cầu ngày càng tăng về việc Mỹ tiếp tục can dự trong khu vực. Rõ ràng, Philippines, cùng Việt Nam, là những nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu này, thậm chí ngay cả những nước dễ bị ảnh hưởng bởi các đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc như Campuchia và Lào, cũng ủng hộ nhu cầu cân bằng với Bắc Kinh. Tuyên bố chung trong Hội nghị Cấp cao đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và 10 nhà lãnh đạo ASEAN tại khu nghĩ dưỡng Sunnylands (Mỹ) vào tháng 2/2016 đã minh chứng cho điều này.

Thực tế, Hiệp ước Quốc phòng Nhật Bản - Philippines chỉ được ký kết (vào tháng 2/2016) sau khi Tòa án tối cao Philippines đồng ý thông qua Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (EDCA), nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh giữa Washington và Manila. Ngoài ra, thời điểm Nhật Bản và Philippines ký kết hiệp ước quốc phòng không phải là ngẫu nhiên. Tokyo đang hợp tác chặt chẽ với Washington và Canberra trong một nỗ lực phối hợp để tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh cho các nước ASEAN. Úc đã tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với Philippines, và sẽ tích cực hỗ trợ các nền tảng của Mỹ và Nhật Bản để đóng góp vào việc nâng cao năng lực phòng thủ của Philippines.

Từ thực tế này, hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Úc sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới và mức độ can dự ở Philippines sẽ được điều chỉnh một cách thận trọng để phù hợp với các nước ASEAN khác. Đây là một mô hình sẽ được lặp đi lặp lại với các hình thức khác nhau trong khu vực. Ngoài ra, sự hợp tác này cũng sẽ có tác động quan trọng đến chính sách an ninh. Ba đồng minh hiệp ước này không chỉ đầu tư vào hợp tác dựa trên liên minh của họ, mà còn cùng nhau hợp tác để xây dựng một cấu trúc an ninh lấy ASEAN làm trung tâm trong kênh "Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng" (ADMM+) nhằm thuyết phục Bắc Kinh rằng các lợi ích an ninh quốc gia của nước này sẽ được phát huy tốt nhất khi tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc trong khu vực, tuân thủ các quy định quốc tế, đồng thời sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực.

Ấn Độ là đối tác quan trọng trong sự thành công cuối cùng của chiến lược dài hạn này. Ấn Độ là thành viên của cấu trúc ADMM+. Mỹ, Nhật Bản và Úc cũng đều thừa nhận vai trò quan trọng của New Delhi, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Mỹ, Nhật Bản và Úc đang có mối quan hệ song phương tích cực với Ấn Độ và tiếp tục khai thác mục đích cốt lõi của Đối thoại An ninh Tứ giác (QSD) vốn được Nhật Bản khởi xướng năm 2007.

Kinh tế sẽ củng cố an ninh ở châu Á và hiệp ước quốc phòng giữa Nhật Bản với Philippines cần phải đi kèm với tăng cường hợp tác kinh tế. Tổng thống Philippines Aquino đã nhận thấy điều này và cam kết Manila sẽ sớm tìm kiếm cơ hội để tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Bước nhảy vọt của Nhật Bản trong quan hệ an ninh với Philippines sẽ được tiếp tục với các nước ASEAN khác trong những năm tới. Những thỏa thuận này vốn dĩ nằm trong xu hướng địa chính trị vì sự cân bằng trong khu vực Đông Nam Á, cho thấy một tam giác an ninh đang nổi lên ở khu vực Biển Đông: một cam kết lâu dài của Nhật Bản, Úc và Mỹ để thúc đẩy an ninh khu vực. Cả Washington, Tokyo và Canberra đều biết rằng châu Á là động cơ của tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ 21 và rằng không nước nào an toàn trừ khi tất cả các nước lớn ở châu Á đồng ý thực hiện và tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Tác giả Ernest Bower là Chủ tịch và CEO của Bower Group Asia. Bài viết đăng trên "Diễn đàn chính sách" (ngày 11/4).

Mỹ Anh (gt)