Những nguyên nhân xung đột và lịch sử 

Nguyên nhân thứ nhất

Những tuyến đường thương mại chính từ Đông Á đến châu Âu đều đi qua Biển Đông, và việc kiểm soát không gian biển này chính là một phần của học thuyết quân sự được Chính phủ Trung Quốc thông qua năm 2014 nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc biển vĩ đại. Ngoài ra còn có lợi ích thương mại - lợi nhuận từ việc trung chuyển tất cả các tàu biển từ châu Á sang châu Âu. 

Nguyên nhân thứ hai

Trong khu vực tranh chấp của quần đảo Trường Sa có chứa một trữ lượng lớn dầu khí. 

Trung Quốc đã ấp ủ ý đồ thiết lập sự thống trị hoàn toàn trên Biển Đông từ năm 1956. Sau khi quân đội Pháp rời khỏi Đông Dương vào năm 1956, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã đổ bộ lên các đảo thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite) quần đảo Hoàng Sa, quân đội Việt Nam Cộng hòa của Chính quyền Ngô Đình Diệm giữ chủ quyền nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Tháng 2/1959, Trung Quốc đã tấn công để chiếm nhóm đảo Nguyệt Thiềm nhưng thất bại, và ngày 5/4/1959 Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong công hàm của mình đã tuyên bố Nguyệt Thiềm là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc. 

Từ thời điểm đó đến năm 1974 tình hình tạm lắng xuống: chiến tranh vẫn khốc liệt tại Việt Nam, Trung Quốc chìm trong “Cách mạng văn hóa”. Bước ngoặt diễn ra sau khi Hiệp định Paris về Đông Dương được ký kết, theo đó Mỹ buộc phải rút quân khỏi Nam Việt Nam. Trong khi đó với những thắng lợi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam, chế độ Viêt Nam Cộng hòa bị tan rã và tiến dần đến sụp đổ hoàn toàn. 

Cùng lúc này, nhìn thấy trước được khả năng thống nhất toàn bộ Việt Nam thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã vội vã củng cố vị thế những khu vực đã chiếm đóng trước đó. 

Năm 1971, trên đảo Woody (Phú Lâm), đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo Trung Quốc chiếm được, họ đã xây dựng cảng cho tàu hải quân Trung Quốc ghé vào. Và cái cớ để Trung Quốc tiếp tục mưu đồ thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy tháng 9/1973. Trung Quốc đã phủ nhận sắc lệnh này khi họ tuyên bố: “Những đảo trên biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc và họ không cho phép Chính quyền Sài Gòn xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. 

Tình hình sau đó tiến triển rất nhanh. Ngày 15/1/1974, các tàu cá Trung Quốc đã đổ bộ lên nhóm đảo Nguyệt Thiềm và cắm cờ Trung Quốc trên đó, nhưng họ bị lực lượng hải quân của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa truy đuổi khỏi đảo. 

Từ 16-18/1/1974, sau những đụng độ rất nhỏ giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa, ngày 19/1/1974 một lực lượng hải quân PLA đã nã pháo vào các đảo Robert (Hữu Nhật), Money (Quang Ảnh), Pattle (Hoàng Sa) thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm, quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/1 quân đội Trung Quốc đổ bộ lên các đảo này cũng như đảo Duncan (Quang Hòa). 

Lực lượng Việt Nam Cộng hòa bảo vệ đảo đã phải nhanh chóng rút dưới sự yểm trợ của hạm đội 7 Mỹ, đồng thời toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lúc này đã đặt dưới quyền kiểm soát của hải quân PLA. 

Chính quyền Bắc Kinh đã giải thích về những sự kiện ngày 19/1/1974 là do Chính quyền Sài Gòn khiêu khích, rằng phía Trung Quốc chỉ bảo vệ “lãnh thổ lâu đời” của mình. 

Các nhà sử học Nga khi đánh giá nguyên nhân Trung Quốc đánh chiếm rất nhanh quần đảo Hoàng Sa đã gắn với bối cảnh lịch sử thời điểm những năm 70 thế kỷ trước. Theo kết luận của ông E. Kanaev trong bối cảnh đã hình thành hệ thống quan hệ quốc tế gồm 3 cực tại Đông Á (Mỹ-Xô-Trung), Bắc Kinh không lo ngại bất kỳ sự phản kháng nào từ phía Moskva cũng như Wahsington. 

Đối với Liên Xô, những tính toán này dựa trên cơ sở sau xung đột biên giới Xô-Trung năm 1969, Moskva đã gửi đến Bắc Kinh tín hiệu không mong muốn leo thang căng thẳng quan hệ hai nước trong tương lai. Minh chứng cho điều này là việc Liên Xô đề nghị Trung Quốc ký hiệp ước không sử dụng vũ lực (năm 1971) và không tấn công lẫn nhau (năm 1973). Xuất phát từ điều này, mong chờ những hành động thực tế của Liên Xô tại vùng biển Hoàng Sa rất ít khả năng xảy ra, nhưng điều này chỉ tiếp tục khi nhóm đảo Nguyệt Thiềm trên Biển Đông còn thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên thực tế Moskva đã chỉ dừng ở những tuyên bố lấy lệ chống Bắc Kinh qua sự kiện này. 

Đối thủ địa chính trị thứ hai của Trung Quốc trong khu vực là Mỹ - cũng không ngăn cản Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề ở đây không phải chỉ là quan hệ Trung-Mỹ đã được bình thường hóa và việc Mỹ muốn sử dụng “lá bài Trung Quốc” trong cuộc đối đầu toàn cầu với Liên Xô. Nguyên nhân chính thứ nhất là do sau khi Hiệp định Paris được ký kết Mỹ đã gặp những rào cản lớn hơn khi can dự vào khu vực Đông Nam Á. Thứ hai là Chính phủ Mỹ bị lưỡng viện tước đi quyền tự đưa ra các quyết định trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam . 

Vị thế pháp lý của các đảo trên Biển Đông vẫn còn chưa rõ ràng cho đến nay, vẫn tồn tại những tranh cãi pháp lý bao gồm 3 hướng: chủ quyền các đảo; phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; tự do hàng hải trên các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vịnh quốc tế và các quần đảo. 

Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trong Công ước này tại khoản 123 (3) đã không đưa ra được định nghĩa rõ ràng thế nào là đảo, bãi đá ngầm hay chỉ là khối đá. Thiếu sót này khiến cho mỗi nước hiểu một khác về vị thế pháp lý của các đảo tại Biển Đông. Trong Công ước cũng không xác định vị thế pháp lý của các vùng biển được gọi là nửa kín, mà Biển Đông được xếp vào loại này. 

Trong bối cảnh vẫn duy trì sự không rõ ràng như vậy, các bên tranh chấp đã cụ thể hóa (vật chất hóa) quyền của mình tại một số đảo, xây dựng tại đó những sân bay nhỏ (đường băng cất và hạ cánh), cảng biển, doanh trại và lập chính quyền địa phương tại đó và những đảo này được đưa vào trong thành phần lãnh thổ của nước mình. 

Vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ các đảo trên Biển Đông đã được ủy ban của Liên hợp quốc (LHQ) về công ước luật biển xem xét năm 2009. 

Ngày 6/5/2009, LHQ nhận được báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, Malaysia. Ngày 7/5/2009, Trung Quốc đã gửi cho ủy ban của LHQ công hàm phản đối từ Bộ Ngoại giao, kèm theo là bản đồ chủ quyền biển của nước mình, ranh giới được mô tả bằng đường đứt đoạn hình chữ “U”, theo đó vùng biển của Trung Quốc chiếm tới 80% khu vực Biển Đông, bao gồm hầu hết các đảo ở trong đó. Về hình thức bên ngoài “đường chữ U” giống như hình “lưỡi bò” vì thế các nước ven biển Đông Nam Á đã gọi tên như vậy. 

"Đường lưỡi bò" lần đầu tiên xuất hiện năm 1947 khi đó đang là thời của Trung Hoa Dân Quốc, muộn hơn một chút nó được đưa vào bản đồ biển Trung Quốc. Trong công hàm gửi LHQ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “đường chữ U” - đó là biên giới “biển lịch sử” của Trung Quốc, được xác lập trước công nguyên. 

Cho đến năm 2012, Biển Đông trên thực tế đã được phân chia giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc. Việt Nam đã nắm quyền kiểm soát 25 đảo, bãi đá ngầm và đảo san hô, trong đó chỉ có 7 đảo. Trung Quốc nắm những phần ở phía đông quần đảo Trường Sa gồm có 12 đảo, bãi đá ngầm, đảo san hô, nơi huyết mạch giao thông chính đi qua. Tại đây họ đã xây dựng những điểm đỗ trực thăng, củng cố phương tiện vũ khí hạng nặng, kho bãi chứa thuốc nổ và lương thực. Philippines nắm 9 đảo với một đường băng dài nhất 1300 m, Malaysia 5 đảo, Đài Loan 1 đảo nhưng lớn nhất đó là đảo Ba Bình. 

Như vậy có trên 50 đảo trên Biển Đông cho đến nay trên thực tế đã được các nước kiểm soát. 

Mưu đồ của Trung Quốc chiếm các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông 

Việt Nam kiên quyết chống lại những âm mưu của Trung Quốc thôn tính những vùng biển lâu đời của mình. 

Ngày 26/5/2011, tàu tuần tra Trung Quốc cắt đứt cáp của tàu Việt Nam thực hiện nghiên cứu khoa học và thăm dò dầu khí trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố “bằng hành động này Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm công ước của LHQ về luật biển, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002”. Những yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc với Việt Nam lại tiếp tục được đưa ra sau khi ngày 21/6/2012 Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển. Theo luật này, Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (phía Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải nhanh chóng “sửa sai” còn lãnh đạo cơ quan quốc phòng Trung Quốc mà đại diện là đô đốc hải quân của quân đội nhân dân Trung Hoa Doãn Trác tuyên bố Trung Quốc có khả năng tự vệ trước mọi trường hợp khiêu khích: “Hải quân của chúng ta mang sức mạnh tuyệt đối, quyết tâm cao nhất bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển của đất nước. Chúng tôi chỉ chờ chỉ thị của lãnh đạo”. 

Việt Nam tuyên bố “Luật biển vừa được quốc hội thông qua là một hoạt động pháp lý thông thường nhằm hoàn thiện cơ sở luật pháp của nhà nước, tiến hành công việc sử dụng và bảo vệ lãnh hải, đảo và phát triển kinh tế biển…”. 

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 thuộc Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Theo UNCLOS, chiều dài của khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giàn khoan Hải Dương-981 được bảo vệ bởi các tàu quân sự Trung Quốc, nhằm không cho phép các tàu nước ngoài được vào gần hơn khu vực khoan 4,8 km (3 hải lý). Điều này được Cục hải sự Trung Quốc thông báo chính thức trên trang web của mình ngày 3/5/2014. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố chính thức phản đối, khẳng định vị trí hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đáp lại Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “việc khoan thăm dò diễn ra trong lãnh hải của Trung Quốc”. Người đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã gửi thư tới lãnh đạo CNOOC (Chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành) trong đó kiên quyết yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 và rút giàn khoan này ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Năm 2014 bắt đầu giai đoạn leo thang mới của Trung Quốc với những hành động nhằm chiếm những vùng lãnh thổ không phải của mình (đảo và đá) trên Biển Đông. 

Cộng đồng những người làm báo chí và khoa học các nước ngày càng chú ý nhiều hơn đến âm mưu mới của Trung Quốc nhằm sáp nhập những vùng lãnh thổ mới vào lãnh thổ mình. Những vùng lãnh thổ này trên Biển Đông hiện vẫn là những vùng lãnh thổ tranh chấp với các quốc gia Đông Á khác. 

Chuyên gia Melor Sturua từ Minneapolis (Mỹ) đã viết trong bài báo “Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên những vùng biển tranh chấp”. Trung Quốc đã bồi đắp một lượng cát khổng lồ lên các bãi đá ngầm và rạn san hô, tăng số lượng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. Những đối thủ châu Á của Trung Quốc coi hoạt động này như mưu toan chiếm cả Biển Đông. Những đảo mới xây này có thể chịu được sức nặng của những tòa nhà lớn, các khu định cư, các hệ thống thăm dò, bao gồm cả radar. Vì thế việc Trung Quốc “xây đảo” đã gây nên sự lo ngại cho Việt Nam, Philippines và những nước Đông Nam Á khác, những nước này cũng có tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. 

Bắt đầu từ tháng 4/2014 Philippines đã đưa ra những phản đối với Trung Quốc, cáo buộc nước này đã biến hai rạn san hô thành đảo. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã chỉ trích các tàu chiến Trung Quốc được điều động đến để xây thêm hai đảo nhân tạo trên cơ sở của những rạn san hô. 

Nhà nghiên cứu lâu năm của Trung tâm nghiên cứu Đông Á và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) thuộc Học viện quan hệ quốc tế (MGIMO) - Bộ Ngoại giao Nga Igor Denisov đã đưa ra cách nhìn nhận của mình về âm mưu mới của Bắc Kinh về quyền của họ đối với những vùng lãnh thổ tranh chấp trong bài viết "Chỉ cần thêm đất. Trong tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc đã sẵn sàng để thử nghiệm một 'vũ khí' mới - Đảo nhân tạo". 

Trong bối cảnh tranh chấp với Việt Nam lên đến mức đỉnh điểm, khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan dầu ở Biển Đông, thì chúng ta biết rõ Bắc Kinh đã lên một kế hoạch để đòi quyền lãnh thổ tranh chấp bằng một biện pháp không như bình thường. Những hòn đảo nhân tạo Trung Quốc cố tình tự tạo ra sẽ trở thành những tàu tàu sân bay bất khả xâm phạm của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đã và đang phát triển dự án xây dựng đảo nhân tạo nhằm mục đích đặt trên đó một cơ sở quân sự lớn. Ngoài ra, các vệ tinh cũng ghi lại hoạt động của Trung Quốc mở rộng đảo nhỏ hiện có. 

Ông Vasily Kashin, chuyên gia khoa học cao cấp tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, đánh giá: "Tất nhiên, động lực chính của các dự án đầy tham vọng của Trung Quốc được gắn với những kế hoạch tăng cường chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Với việc xây dựng đảo đá Fiery Cross (đảo Chữ Thập), Trung Quốc sẽ nhận được một căn cứ thường xuyên và tin cậy cho máy bay và tàu chiến loại nhẹ của mình trong khu vực cách xa bờ". Ngoài ra, kích thước các đảo nhân tạo sẽ giúp triển khai lực lượng đáng kể bảo vệ cho quân đội ở đó. Ví dụ như, khẩu đội tên lửa phòng không tầm xa (HQ-9 hoặc S-400), cũng như tên lửa đối hạm hạng nặng YJ-62. 

Đảo nhân tạo xét trên quan điểm của Luật biển hiện nay như một thứ hàng giả. Trong UNCLOS mà Trung Quốc cũng là một thành viên có nêu rõ là tất cả những “thực thể mới hình thành” không có quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. 

Khoản 8 điều 60 của UNCLOS nói rằng những đảo nhân tạo, những công trình xây dựng, lắp đặt trên đó không mang quy chế như những đảo thông thường. Những đảo nhân tạo không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Có thể viện dẫn điều khoản của UNCLOS về đảo nhân tạo “không được tạo ra những cản trở cho việc sử dụng những tuyến đường biển đã được công nhận và có giá trị đáng kể với tự do hàng hải quốc tế”.

Sau khi tiến hành các công việc bồi đắp các đảo, Trung Quốc đã cho xây những đường băng mà máy bay quân sự có thể hạ cánh trên quần đảo Trường Sa. Thực hiện dự án này sẽ cho phép Trung Quốc đưa Biển Đông vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) điều mà họ đã làm tại biển Hoa Đông (tháng 11/2013). 

Đầu năm 2016 Trung Quốc lại tiếp tục có những hành động khiêu khích với Việt Nam trên Biển Đông. 

Theo hãng thông tấn Reuters ngày 2/1/2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối đến Đại sứ Trung Quốc sau khi Trung Quốc điều máy bay ra sân bay do Trung Quốc xây dựng tại đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo tranh chấp tại Biển Đông và cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam... 

Theo tuyên bố của Hà Nội, hành động này của Trung Quốc là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc". 

Như vậy bằng việc thực hiện chuyến bay thử nghiệm trái phép đến một sân bay trên đảo đá Chữ Thập, Trung Quốc đã lại tiếp tục khiêu khích Việt Nam trên Biển Đông. 

Ngày 8/1/2016, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã khẳng định việc Trung Quốc liên tiếp cho máy bay bay vào trong và cắt ngang vùng thông báo bay Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý mà không liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu là việc làm gây nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay của Việt Nam cũng như khu vực. Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, kể từ 1/1 đến 8/1, Trung Quốc đã liên tiếp thực hiện 46 chuyến bay vào trong và cắt ngang vùng thông báo bay thành phố Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý để xâm phạm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó, ngày 6/1, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), khi máy bay bay vào vùng trời có kiểm soát phải nộp thông báo bay, kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan và thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thực hiện các quy định này của ICAO. Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết, đây là vụ việc mới được phát hiện và chưa từng xảy ra trong những năm gần đây. Sau khi nhận được các thông tin về máy bay của Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo cho ICAO để có các giải pháp đối với các máy bay gây uy hiếp an toàn bay, đồng thời thông báo cho các nước trong khu vực để phối hợp khuyến cáo và phản đối việc xâm phạm an toàn hàng không của Trung Quốc. 

Xung đột trên biển ngày càng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra mà gần như không được các phương tiện thông tin đại chúng thế giới để ý đến, bởi họ quan tâm nhiều hơn đến những sự kiện tại Ukraine và Syria. Điều này không phải ngẫu nhiên, Giáo sư Vladimir Kolotov, Tiến sỹ khoa học lịch sử Đại học Tổng hợp St. Petersburg nói: "Trong quá khứ Trung Quốc đã sử dụng một chiến thuật tương tự, khi xã hội đang tập trung chú ý vào các sự kiện khác trên thế giới". Ông Kolotov dẫn ví dụ vào năm 1988, không lâu trước khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, các tàu Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa đã "âm thầm" chiếm một nhóm đảo và rạn san hô, những đảo mà theo nhà khoa học này khẳng định thì Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền. Tàu Trung Quốc đã bắn vào tàu tuần tra Việt Nam. Mặc dù hơn 60 lính hải quân Việt Nam đã thiệt mạng, nhưng báo chí thế giới thực tế đã bỏ qua sự kiện này. Theo quan điểm của ông Kolotov, "Đây là chiến thuật truyền thống của Trung Quốc – 'ăn đất hàng xóm như tằm ăn dâu' (một câu ngạn ngữ Trung Quốc)”. Trung Quốc "âm thầm" mở rộng vùng kiểm soát của mình. 

Nỗ lực của Việt Nam giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình 

Từ trước đến nay trong các vấn đề liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, lập trường của Việt Nam luôn nhất quán. Việt Nam có tất cả các cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình. Việt Nam luôn theo đuổi đường lối giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. 

Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Kết quả chuyến thăm này, Việt Nam và Trung Quốc đạt được thỏa thuận ban đầu cho giải pháp các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Ngày 11/10/2011, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa (gọi tắt là Thỏa thuận) trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. 

Thỏa thuận đã xác định được một số nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. 

Một là, Thỏa thuận đã xác định căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng vì nó sẽ là cơ sở pháp lý để hai bên đi vào trao đổi giải quyết vấn đề trên biển. Nếu hai bên tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này thì nhất định sẽ tìm ra được giải pháp công bằng hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. 

Điều 2 của Thỏa thuận nêu rõ "cần tôn trọng đầy đủ các chứng cứ pháp lý" nghĩa là những bằng chứng, tài liệu mang tính pháp lý sẽ được lấy làm cơ sở chính để giải quyết các tranh chấp, còn các yếu tố khác như lịch sử, địa hình... sẽ được xem xét như một yếu tố bổ trợ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên thế giới. 

Hai là, Điều 3 của Thỏa thuận nêu rõ trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC. Nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. 

Ba là, một nội dung hết sức quan trọng thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về phương thức giải quyết vấn đề trên biển là cả song phương lẫn đa phương đã được ghi nhận trong Điều 3 của Thỏa thuận là "đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác". Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ký kết một văn bản chính thức trong đó nói rõ tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì phải trao đổi ý kiến với các bên đó. Điều này là phù hợp với quan điểm chung của các nước trong và ngoài khu vực, phù hợp với thực tế tranh chấp ở Biển Đông và phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong quan hệ quốc tế hiện đại. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok tháng 9/2012 trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu quan điểm của mình là Trung Quốc và Việt Nam cần phải bình tĩnh, thể hiện sự kiềm chế trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, gác tranh chấp và bắt đầu cùng nhau khai thác. 

Nhưng đồng thời Trung Quốc đã triển khai những âm mưu mới. Trên hộ chiếu của công dân Trung Quốc năm 2012 những thông số cá nhân được thể hiện trên nền của Bản đồ Trung Quốc tại tất cả các vùng trên Biển Đông nằm trong “đường chữ U”. 

Năm 2013 xuất hiện những dấu hiệu tiếp tục đối thoại giữa Trung Quốc và Việt Nam về giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trong thời gian chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 19/6/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố về mong muốn tìm kiếm giải pháp tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông “bằng con đường chính trị và không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ song phương”. 

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Brunei mùa Hè năm 2013, Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu công việc chung nhằm dự thảo Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và biến vùng biển này thành khu vực hữu nghị và hợp tác. 

Nhưng Trung Quốc đã vi phạm lời hứa của mình, ngày 23/11/2013 Trung Quốc đã có hành động khiêu khích mới khi công bố Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Khu vực này Trung Quốc có xung đột với Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tất cả những máy bay nước ngoài vi phạm khu vực này sẽ bị tiêu diệt. Trong Vùng nhận dạng phòng không này có đảo Senkaku đang do Nhật Bản kiểm soát. Trung Quốc tuyên bố là họ muốn đưa vào vùng nhận dạng phòng không tại những khu vực khác, trong số đó có Biển Đông và Hoàng Hải- khu vực có đảo tranh chấp với Hàn Quốc. 

Những cố gắng hòa giải và giải quyết tranh chấp biển đảo tiếp tục trong năm 2014. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Naypyidaw (Myanmar) tháng 5/2014. Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Myanmar, Thein Sein đã khẳng định đoàn kết và thống nhất là ưu thế cơ bản trong quá trình tạo dựng cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng đến năm 2015. Tại Hội nghị Naypyidaw, lãnh đạo các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc đến tình hình Biển Đông.

Lãnh đạo các nước ASEAN ra tuyên bố rằng tình hình Biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trong khu vực này. Những nước tham gia hội nghị thượng đỉnh đã yêu cầu phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử các bên tại Biển Đông (DOC). Các nước đã khẳng định sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hành động làm bất ổn tình hình trong khu vực. Các nước ASEAN đã ủng hộ trong thời gian sớm nhất thông qua COC. 

Tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, tất cả Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam đã ra tuyên bố chung “Về tình hình tại Biển Đông”. Tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đến tình hình tại Biển Đông, đã dẫn đến gia tăng căng thẳng trong toàn bộ khu vực Đông Á, yêu cầu các bên xung đột phải kiềm chế và tránh các hành động đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình trên cơ sở những nguyên tắc chung được công nhận của luật pháp quốc tế và UNCLOS, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các bộ trưởng đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ “Tuyên bố ASEAN gồm 6 điểm về Biển Đông” và tuyên bố chung của kỳ họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thông qua DOC. Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng các nước ASEAN đã khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng thông qua COC. 

Nga, đối tác chiến lược và kinh tế-thương mại của Việt Nam, không tham gia trực tiếp việc giải quyết tranh chấp đảo với Trung Quốc. Trong số những dự án đầu tư chung có giá trị lớn, thực hiện với Việt Nam có những dự án về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, trong đó có một số dự án mà các mỏ khai thác nằm gần với vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông. Tập đoàn dầu khí Việt nam (PetroVietnam) và doanh nghiệp nhà nước Nga Gazprom kết hợp dưới hình thức liên doanh từ năm 2007 tiến hành khai thác tại 4 lô số 129-132 trên Biển Đông. Tháng 4/2012 công ty liên doanh này tham gia dự án mới khai thác dầu khí tại lô số 15.2 và 05.3 với tỷ lệ của Nga trong liên doanh là 49%. Trữ lượng khí tự nhiên trong khu vực này được đánh giá là 55 tỷ m3. Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC tháng 6/2012 đã tuyên bố đấu thầu mời các công ty nước ngoài tham gia 9 lô mới tại Biển Đông. Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc phải ngay lập tức bãi bỏ gói thầu này bởi những đoạn mà phía Trung Quốc mời thầu nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Trong số những đoạn mà CNOOC gọi thầu có những đoạn Gazprom đã nhận được giấy phép khai thác từ phía Việt Nam. 

Mục đích hợp tác của Gazprom với PetroVietnam là vì lợi nhuận. Trong tuyên bố chính thức của phía Trung Quốc về việc công ty Nga khai thác chung với Việt Nam, Trung Quốc xem việc Gazprom tham gia như thể hiện quan điểm của Chính phủ Nga. 

Trong thời gian thăm chính thức Việt Nam ngày 13/11/2013, Tổng thống Nga V.V Putin đã ký “Tuyên bố chung về tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. 

Trong tuyên bố chung, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã khẳng định rằng những tranh chấp lãnh thổ và những tranh chấp khác trong không gian châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương LHQ và UNCLOS. Hai vị lãnh đạo ủng hộ việc thực hiện DOC và nhanh chóng thông qua văn kiện có tính ràng buộc pháp lý COC. 

Trong chuyến thăm chính thức LB Nga tháng 11/2014 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga V.V Putin và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra tuyên bố chung. Trong tuyên bố này, liên quan đến tình hình tại Biển Đông, lãnh đạo hai nước một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS, Nga và Việt Nam ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC năm 2002 và sớm đạt được COC. 

Các chuyên gia Nga đã trích dẫn các phản ứng của Mỹ về Biển Đông. Washington gọi kế hoạch xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là khiêu khích và đe dọa sự ổn định trong khu vực, bởi vì họ lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có thể thiết lập toàn quyền kiểm soát các vùng biển xung quanh phía Tây Thái Bình Dương. 

Tại Washington, việc mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực không được chào đón. Mỗi hòn đảo được xây dựng sẽ kèm theo những cuộc tranh luận. Cần nhớ rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay đang ở giai đoạn khó chịu nhất. Vì vậy, Chuyên gia Nga Maslov dự đoán: "Không loại trừ trong tương lai gần có thể Mỹ sẽ tăng cường chỉ trích Trung Quốc trên tất cả các mặt trận". 

Một bài báo gây sự quan tâm được công bố trên The New York Times có tiêu đề "Trung Quốc đang xây dựng đảo trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông". Bài báo chỉ ra rằng, theo hình ảnh vệ tinh và dữ liệu tình báo mà The New York Times cho là tin cậy, các tàu Trung Quốc đang hoạt động tích cực tại quần đảo Trường Sa, tạo ra đảo nhân tạo xung quanh rạn san hô. Trong trường hợp xuất hiện trong khu vực này một hòn đảo lớn, Trung Quốc sẽ có thể tạo ra trên đó một căn cứ quân sự và làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng trong khu vực. 

Hành động của Trung Quốc trên thực tế đã khởi đầu cho việc phân chia Biển Đông, gây ra phản ứng mạnh mẽ tại Nhà Trắng. Trong bài phát biểu trong chuyến thăm Jamaica, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại ngày càng tăng của mình về những hành động của Trung Quốc và kêu gọi giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao: "Chúng tôi lo ngại một thực tế rằng Trung Quốc không phải luôn luôn tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc ứng xử quốc tế, sử dụng ưu thế lãnh thổ của mình và thể hiện sức mạnh buộc nước khác phải phục tùng. Và nếu Philippines và Việt Nam là nước nhỏ hơn so với Trung Quốc về diện tích, điều đó không có nghĩa Trung Quốc có thể dùng 'khuỷu tay để thúc' họ". 

Liên quan đến những khiêu khích mới của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ quan ngại về việc Trung Quốc bay thử nghiệm ra sân bay trên đảo tranh chấp tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi quan ngại việc Trung Quốc đưa máy bay hạ cánh tại đảo Chữ Thập trên Biển Đông. Việc bắt đầu những chuyến bay trên đường băng mới tại đảo tranh chấp này sẽ gia tăng khác biệt và đe dọa ổn định khu vực. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên có yêu sách lãnh thổ ngừng việc chiếm đất, xây dựng những thực thể mới và quân sự hóa những nơi đồn trú của mình. Thay vào đó chúng tôi kêu gọi tập trung vào những thỏa thuận đã đạt được về cách ứng xử chấp nhận được tại những khu vực tranh chấp”.

Marina E. Trigubenko M.E - Phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên viên cao cấp Trung tâm chiến lược Nga về châu Á, Viện Kinh tế - Viện hàn lâm khoa học Nga. Bài tham luận được trình bày tại Hội thảo về Biển Đông tổ chức tại Học viện Tư pháp thuộc Tòa án tối cao Liên bang Nga ngày 21/3.

Thúy Bình (gt)