2012-07-24_153031.jpg

 

Hôm 12/7/2016, Tòa Trọng tài tại La-Hay đã ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện chống lại các yêu sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Những tuần sau đó, thế giới đã được chứng kiến xu hướng leo thang căng thẳng đáng ngạc nhiên với hàng loạt hành động triển khai quân sự, các hoạt động và tuyên bố chính trị từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khá thú vị là từ cả Việt Nam. Tuy nhiên, riêng Philippines lại có những nỗ lực làm giảm căng thẳng sau khi được đẩy lên cao trào với phán quyết pháp lý của Tòa Trọng tài. Trung Quốc đã thiết lập các cuộc tuần tra chiến đấu thường xuyên trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, bắt đầu ngay từ ngày 18/7. Ngoài ra, nước này cũng điều hàng loạt tàu hải giám và tàu đánh cá dân sự tới các vùng biển quanh bãi cạn Scarborough. Các cuộc tuần tra chiến đấu trên không cũng được nối lại trong tương lai gần và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển năng lực quân sự trên các đảo nhân tạo, bên cạnh việc đẩy nhanh triển khai các tàu hải quân hiện đại với tốc độ chóng mặt.

Về phía Mỹ, nước này đã loan báo phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính quyết định về cuộc tranh chấp, kêu gọi Trung Quốc chấp nhận ý muốn của cộng đồng quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này khá giả tạo, bởi nó được đưa ra từ một quốc gia nằm trong nhóm ít quốc gia từ chối phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mỹ đã tiến hành một bước đi vô tiền khoáng hậu là lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc với lý do công khai là để bảo vệ đồng minh trước hệ thống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, điều mà Trung Quốc coi là hành động nhằm thay đổi thế trận chiến lược ở khu vực và là điều bất lợi nữa đối với nước này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thông báo kế hoạch triển khai các máy bay ném bom B-52 Stratofortress tới đảo Guam hôm 12/8 và sẽ triển khai tiếp các phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-2 tới vùng lãnh thổ ngoài Mỹ này. Đây là lần đầu tiên Mỹ điều các phương tiện ném bom chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới đảo Guam. Trong khi đó, Việt Nam lặng lẽ triển khai các hệ thống pháo phòng thủ tới một số đảo chiếm giữ thuộc quần đảo Trường Sa. Gần như ngay lập tức, Trung Quốc đã ra thông báo coi các hành động của Việt Nam là một “sai lầm nghiêm trọng”. Có những luồng tin cho biết hệ thống pháo của Việt Nam chĩa thẳng vào các sân bay được Trung Quốc xây dựng trên các đảo chiếm đóng ở Trường Sa.

Phán quyết của Tòa Trọng tài

Cuộc tranh chấp ở Biển Đông vừa trải qua một bước ngoặt quyết định khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện do nước này khởi động từ ngày 22/1/2012. Trước đó, Tòa Trọng tài đã khẳng định có đủ thẩm quyền tài phán đối với vụ kiện và rằng Trung Quốc không tham gia tiến trình trọng tài thì phán quyết của tòa vẫn mang tính pháp lý và ràng buộc. Tòa Trọng tài cũng tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không hợp lệ, vì không phù hợp với UNCLOS. Cũng theo cơ quan này, Trung Quốc đã có những hành động làm gia tăng chứ không giảm bớt căng thẳng với Philippines và rằng không có cơ sở cho việc thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa từ các đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp từ những thực thể trước đây chỉ nổi lên trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp. Phán quyết của Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh bãi đá Vành Khăn là thuộc EEZ của Philippines. Đúng như dự đoán từ trước, Trung Quốc kiên quyết từ chối công nhận tính hợp lệ của phán quyết do Tòa Trọng tài đưa ra. Ngay từ đầu, nước này cũng đã bác bỏ thẩm quyền tài phán của Tòa Trọng tài này. Bắc Kinh dẫn lại tuyên bố đưa ra từ năm 2006, tức 6 năm trước khi Philippines chính thức đệ đơn kiện, nhấn mạnh rằng theo Điều 298 của UNCLOS, “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ quy trình thủ tục nào quy định tại Mục 2, Phần XV của Công ước đối với tất cả các loại hình tranh chấp nêu tại khoản 1 (a), (b) và (c) của Điều 298 trong Công ước”.

Nước Mỹ đã lãng phí thời gian khi tìm kiếm sự ủng hộ chính thức đối với phán quyết và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ “hy vọng và mong muốn” cả hai bên tuân thủ phán quyết. Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thẳng thừng tuyên bố: “Các đảo ở Biển Đông thuộc lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hay hành động nào dựa trên những thực thể này”. Nhiều hãng truyền thông chính thức đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài, cho rằng phán quyết đã giáng đòn chí mạng vào tính hợp pháp trong các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều ý kiến và các bài viết bình luận cho rằng giờ đây Trung Quốc sẽ phải từ bỏ tuyên bố về “đường 9 đoạn”, hạn chế các nỗ lực bồi lấp đảo và trao lại bãi đá Vành Khăn cũng như bãi cạn Scarborough đã chiếm giữ của Philippines. Phần lớn các ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc không thực thi các bước đi trên, nước này sẽ phải đối mặt với áp lực pháp lý và ngoại giao quốc tế ngày càng lớn. Tuy nhiên họ đã quên, đã không ý thức hay nhận ra một điều hiển nhiên rằng chưa bao giờ Trung Quốc coi yêu sách về “đường 9 đoạn” là một tuyên bố chủ quyền nghiêm túc, mà thực tế đây chỉ là chính sách “câu giờ” trong “chiến lược mơ hồ” được Bắc Kinh theo đuổi ngay từ đầu nhằm có đủ thời gian và không gian ngoại giao cho việc triển khai và tăng cường hiện diện quân sự tại những điểm quan trọng trong khu vực. Sau khi đưa vào thực thi chiến lược hải quân, Trung Quốc bận rộn chiếm giữ “vị trí trung tâm” trong khu vực và củng cố vị trí này để tận dụng lợi thế kết nối liên lạc, triển khai quân, hậu cần và thiết lập hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) trên toàn bộ Biển Đông. Đối với Trung Quốc, “tranh chấp ở Biển Đông” là lớp vỏ bọc tuyệt vời giúp phân tán sự chú ý đối với các hoạt động xây dựng năng lực chiến lược thực tế ở vùng biển này. Trung Quốc đang chơi một ván cờ rất khác so với Mỹ và Philippines và đã dành hàng thập kỷ củng cố vị trí chiến lược ở Biển Đông, vùng biển giàu dầu mỏ, khí đốt, hải sản và các nguồn lợi biển khác với tổng giá trị giao thương hàng năm lên tới 5.000 tỷ USD.

Những hành động gây hấn của Trung Quốc

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết vào trung tuần tháng 7, Trung Quốc đã tiến hành một số bước đi mà nhìn bề ngoài thì dường như là để trả đũa. Truyền thông phương Tây cũng lập tức miêu tả những hành động của Trung Quốc theo hướng như vậy, nhưng kỳ thực, rất nhiều bước đi trong số này đã được Trung Quốc thực hiện từ nhiều năm nay và không liên quan trực tiếp tới phán quyết của tòa.

Bước đi đầu tiên là Trung Quốc khởi động các cuộc tuần tra chiến đấu trên không ở các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông từ ngày 18/7, tức chỉ 6 ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết. Các cuộc tuần tra này có sự tham gia của cả các máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiếp dầu trên không và siêu máy bay chiến đấu. Trong số này, các máy bay chiến đấu H-6K (dựa trên phiên bản Tu-16 của Liên Xô) có khả năng mang bom hạt nhân và các tên lửa hành trình. Những chiếc H-6K được lệnh xuất phát cùng với siêu máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay tiếp liệu trên không (chủ yếu dòng HY-6 hoặc IL-78). Có một điều đáng chú ý, các máy bay H-6K có 6 điểm dưới cánh có thể mang Tên lửa hành trình tấn công trên bộ (LACM) hạt nhân DF-10 hoặc Tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) YJ-12.

Tiếp đó, Trung Quốc trình làng các tàu khu trục Type 052D và một tàu cảnh sát biển mới theo mô hình tàu khu trục cỡ nhỏ Type 054. Mặc dù việc ra mắt các tàu này trùng với thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết, song ý nghĩa thực sự đằng sau nó là khả năng phát triển tiềm lực chiến đấu hải quân nhanh chóng của Trung Quốc. Kể từ tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã giới thiệu ít nhất 9 tàu hải quân có kích thước và năng lực chiến đấu đáng nể. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc cũng không ngừng phát triển. Có thể điểm sơ qua như việc ra mắt 3 tàu LST Type 072A ngày 7/3, cùng được phiên chế về hạm đội biển Hoa Đông; 3 tàu chiến đấu mặt nước hiện đại FFG Type 054A và Corvette Type 056A được giới thiệu lần lượt hôm 30/5 và 6/8; trong khi đó tàu khu trục cỡ nhỏ Type 054A và các tàu hỗ trợ hậu cần Type 903A được cấp bổ sung cho các đơn vị hải quân khác nhau. Các tàu hỗ trợ hậu cần này có khả năng duy trì tiếp vận cho các đội tàu chiến đấu trong các chiến dịch tấn công dài ngày khi cần tiêu tốn lượng vũ khí và đạn ở mức cao hơn bình thường. Ngoài ra, các tàu này cũng sẽ hỗ trợ cho hoạt động triển khai nhóm tàu sân bay tấn công (CSG) trong tương lai. Tuy nhiên, hoạt động nổi bật nhất chính là việc đưa vào vận hành tàu khu trục Type 052D thứ tư (Ngân Xuyên 175) hôm 12/7, đúng ngày PCA ra phán quyết. Dự kiến, tàu khu trục Tây Ninh 117 cũng sẽ sớm đi vào hoạt động chính thức sau khi hoàn thành đợt chạy thử nghiệm hiện nay. Được biết, hiện Trung Quốc cũng đang đóng thêm 6 tàu Type 052D tại các xưởng đóng tàu Đại Liên và Giang Nam. Đây đều là những tàu đại diện cho lớp tàu tiên tiến nhất và mạnh nhất trong phiên chế của lực lượng hải quân Trung Quốc.

Trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, Nhật Bản đã ra công hàm gửi tới Chính phủ Trung Quốc về phản đối những hành động xâm nhập của các tàu khảo sát, bảo vệ bờ biển và hàng chục tàu đánh cá vào các vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (theo cách gọi của hai bên). Công hàm được trao thông qua Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa, người đã bị triệu lên để nghe những quan ngại của Tokyo. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau đó, Đại sứ Trình Vĩnh Hoa cho biết: “Tôi đã nói với ông ấy rằng… việc tàu Trung Quốc tiến hành các hoạt động trong các vùng nước trên là hoàn toàn tự nhiên. Tôi cũng đã nói với ông ấy là cả hai nước cần phải đối thoại thông qua các kênh ngoại giao để không đẩy tình hình leo thang và làm mọi việc thêm căng thẳng”.

Những hành động gia tăng sức ép của Trung Quốc lên Nhật Bản ở biển Hoa Đông có liên quan chặt chẽ tới phán quyết của Tòa Trọng tài và việc truyền thông chính thức của Nhật Bản ủng hộ phán quyết có lợi cho Philippines. Trước đó, Tokyo cũng thể hiện rõ quan điểm đứng về phía Manila khi gửi tàu ngầm tấn công JS Oyashio và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường JS Ariake DDG 109 và JS Setogiri DDG 156 tới Vịnh Subic tham gia cuộc tập trận đa quốc gia Balikatan 2016 hồi tháng Tư. Tất nhiên, tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản đã có không ít lần chạm trán với tài hải giám của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku. Số lần đối đầu ngày càng tăng trong những tuần gần đây.

Như đã đề cập trước đó về hoạt động đẩy mạnh điều tàu của Trung Quốc thời gian qua, việc Bắc Kinh phiên chế tàu chiến Type 054A cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) là hành động đáng lưu ý. Những hình ảnh về con tàu này đã xuất hiện trên báo chí truyền thông Trung Quốc từ hồi tháng 6, mang số hiệu 46301. Đây là tàu có lắp đặt dàn súng trên boong và được thiết kế đặt hệ thống vũ khí phòng thủ giống với tàu khu trục nhỏ. Các không gian được thiết kế thêm ở phần mũi tàu sẽ được sử dụng chứa các thiết bị hoặc đồ cứu trợ hải quân, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ bờ biển của CCG. Theo các nguồn tin, hiện Trung Quốc đang vận hành lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất trong khu vực với khoảng 200 tàu các loại. Trong số này có 2 tàu tuần tra có kích thước lớn hơn tàu của bất kỳ lực lượng bảo vệ bờ biển nào trong khu vực, đó là tàu CCG 2901 và CCG 3901 có lượng giãn nước 12.000 và 15.000 tấn. Hai tàu này có một chiếc lớn gần gấp đôi và một chiếc lớn hơn gấp đôi so với tàu chiến lớp Shikishima của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản với lượng giãn nước 6.500 tấn. Trong khi đó, với việc thay thế tàu chiến mới nhỏ hơn, chỉ khoảng 4.000 tấn, Trung Quốc muốn cải thiện phạm vi, tốc độ và khả năng tác chiến dẻo dai của lực lượng CCG. Với vận tốc 18 hải lý, phạm vi hoạt động của tàu Type 054A số hiệu 46301 lên tới gần 8.000 hải lý mà không cần tiếp tế.

Leo thang căng thẳng của Mỹ

Mỹ ngay từ đầu đã thể hiện rõ lập trường phản đối các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông và tiến hành hàng loạt hoạt động tự do an toàn hàng không và hàng hải thông qua việc điều các tàu chiến Hải quân cùng các máy bay do thám, thậm chí cả máy bay ném bom B-52, tới Biển Đông từ tháng 12 năm ngoái. Mỹ cũng công khai ủng hộ Philippines và Việt Nam về mặt chính trị, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ khác thông qua việc bán vũ khí và viện trợ quân sự. Trong động thái gần đây, Mỹ đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam từ ngày 23/5 vừa qua, cử 2 cụm tàu sân bay chiến đấu tham gia tập trận chung với Philippines hồi mùa Hè và đưa ra một loạt tuyên bố chính thức yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA. Có một điều rất thú vị cần lưu ý là hầu như các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ không bao giờ đề cập đến việc nước này đã không phê chuẩn UNCLOS, yếu điểm lớn nhất của Mỹ hiện nay nếu nói đến những vấn đề liên quan đến quyền chủ quyền. Trong khi bề ngoài Mỹ lớn tiếng nhấn mạnh về tính ưu việt của luật pháp quốc tế, thì chính họ lại từ chối ép mình vào những yêu cầu và quy định của UNCLOS.

Trong một bước đi khác, hôm 7/7, Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức nhất trí triển khai lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Mặc dù lý do đưa ra là để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc trước một Triều Tiên ngày càng hiếu chiến đang sở hữu kho tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng Trung Quốc lại “đọc vị” động thái này là nhằm đe dọa an ninh của họ và thay đổi tương quan cân bằng sức mạnh hạt nhân trong khu vực. Các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ được lắp hướng thẳng tới bán đảo Triều Tiên trên thực tế đang gây ra quan ngại lớn cho Bắc Kinh, vì các hệ thống này không chỉ hạ gục những tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên bắn sang nước láng giềng Hàn Quốc ở phía Nam, mà còn có khả năng bắn hạ mọi tên lửa đạn đạo tầm xa bắn đi từ phía Trung Quốc. Hiện chưa biết Trung Quốc sẽ chọn cách thức phản ứng nào trong số các bước đi sau: Cử hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới (SSBN) tuần tra sát các vùng lãnh hải của Mỹ, hành động đơn phương hay sẽ phối hợp với Hàn Quốc khống chế các hành động quân sự thù địch của Triều Tiên.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cũng đã thông báo lần đầu tiên cử toàn bộ các máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1 và B-2 tới đóng tại Căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam. Trong số này, những chiếc B-52 Stratofortresses đã được triển khai luân phiên đến Guam từ nhiều năm nay, nhưng riêng với máy bay ném bom siêu âm B-1 Lancer và máy bay ném bom tàng hình B-2 Freedom thì đây là lần đầu tiên. Cách duy nhất để giải thích cho quyết định triển khai này là Mỹ đang tăng cường đưa các phương tiện chiến đấu hiện đại tới khu vực Thái Bình Dương. Cả hai loại máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-2 đều được thiết kế có thể thâm nhập vào sâu bên trong khu vực phòng không tân tiến của đối phương để thực hiện mệnh lệnh thả bom hạt nhân và các vũ khí thông thường dẫn đường chính xác. Việc triển khai các thiết bị quân sự như vậy chỉ càng gây leo thang căng thẳng ở khu vực vốn đã không ổn định.

Hành động của Nhật Bản

Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản đã ra một loạt tuyên bố mạnh mẽ kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết. Có lẽ một phần muốn đáp trả những hành động của Trung Quốc ở Hoa Đông, phần khác muốn phối hợp với Mỹ trong chiến lược phòng thủ lớn hơn, nên những tuyên bố của Tokyo đã cố ý nhấn mạnh hình ảnh một Chính phủ Trung Quốc đang bị chỉ trích, trong nỗ lực phối hợp nhằm phong tỏa và cản đường Bắc Kinh. Có vẻ như Nhật Bản đang tăng cường phối hợp với cả Mỹ và Philippines trong thiết lập thế trận quốc phòng đối với Trung Quốc. Trong một bản tin thông báo trên Đài quốc gia NHK hôm 9/8, Chính phủ Nhật Bản còn cho biết đang xem xét kế hoạch mua và triển khai hệ thống THAAD của Mỹ để tăng cường khả năng cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) của mình. Thông báo được đưa ra ngay sau khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong vào vùng biển Nhật Bản, với một trong hai quả rơi vào bên trong EEZ của Nhật Bản. Hiện chưa rõ mục đích của thông báo này là nhằm vào Triều Tiên hay Trung Quốc, hay cũng có thể là cả hai, vì trước đó Nhật Bản bắn tin có ý định phát triển hệ thống tên lửa đất đối hạm, đất đối đất tầm ngắn để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Trong bài viết đăng tải hôm 14/8, nhật báo Yomiuri Shimbun dẫn nguồn từ một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hệ thống tên lửa này có tầm bắn xấp xỉ 300 km và sẽ sẵn sàng được lắp đặt vào năm 2023. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào thừa nhận hay bác bỏ thông tin trên. Nếu như những thông tin của Yomiuri Shimbun là đúng, đây không chỉ là bước đi thể hiện quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, mà còn hướng tới việc sẽ triển khai lắp đặt các hệ thống này trên các đảo của mình về sau. Hiện tại, Nhật Bản có đủ khả năng bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng lực lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu của mình, nhưng với kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa tới các đảo, Nhật Bản đang tính toán một hướng đi khác liên quan đến kế hoạch tiếp theo là đưa quân ra đồn trú trên các đảo, điều không cho phép theo Hiến pháp cũ. Rất có thể các thành viên của Trung đoàn Bộ binh phía Tây thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, vốn được đào tạo rất bài bản cả kỹ năng đổ bộ lẫn không chiến, sẽ được đưa đến đồn trú tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tương lai gần. Ngoài ra, Nhật Bản còn dự định thành lập một lữ đoàn đổ bộ làm lực lượng hạt nhân cho Trung đoàn Bộ binh phía Tây, đồng thời cấp cho lực lượng này máy bay cánh quạt dòng 52 AAV và 17 V-22 Osprey.

Các bước đi của Việt Nam

Khác với ba nước trên, các lực lượng vũ trang của Việt Nam tương đối án binh khi đối mặt với những căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Cần lưu ý rằng Việt Nam đã trải qua ít nhất hai cuộc hải chiến với Trung Quốc, ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau trận hải chiến Trường Sa năm 1988, Việt Nam đã củng cố các đảo nắm quyền kiểm soát ở Biển Đông, duy trì các đơn vị phòng thủ đồn trú trên các đảo và tiến hành một số dự án cải tạo đất đai quy mô nhỏ của riêng mình. Nhưng sau sự kiện PCA ra phán quyết hôm 12/7, Việt Nam đã tranh thủ tiến hành một số hoạt động tăng cường vũ trang cho các pháo đài trên một vài hòn đảo. Một trong số đó là việc triển khai các hệ thống pháo tới quần đảo Trường Sa. Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam kiên quyết phủ nhận thông tin này, nhưng một bài báo của hãng tin Reuters đăng ngày 11/8 đã nêu chi tiết từng vị trí lắp đặt dàn pháo di động trên các đảo do Việt Nam chiếm giữ thuộc quần đảo Trường Sa. Dẫn một số “nguồn tin chính thức của phương Tây”, bài báo cho rằng các dàn pháo của Việt Nam được lắp theo hướng nhằm thẳng vào các điểm chốt phòng thủ của nước láng giềng Trung Quốc, nhất là các đường băng sân bay và các điểm tiếp tế máy bay. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản pháo bằng một bài viết khơi lại các cuộc đụng độ quân sự trong quá khứ giữa hai nước ở Biển Đông. Một bài viết đăng trên tạp chí Global Times còn thẳng thừng tuyên bố: “Nếu hành động triển khai mới nhất của Việt Nam là nhằm vào Trung Quốc, đây sẽ là một sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ ghi nhớ và rút ra những bài học từ lịch sử”.

Tóm lại, trong suốt nhiều tuần kể từ khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, cho dù đây là kết quả vụ kiện do Philippines khởi xướng chống lại Trung Quốc, tình hình căng thẳng không chỉ leo thang ở Biển Đông mà cả Hoa Đông, nơi có tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Một cuộc khủng hoảng rộng hơn thậm chí cũng đã ảnh hưởng tới Nhật Bản và hai miền Triều Tiên, liên quan đến thay đổi thế trận quốc phòng chiến lược của mỗi bên. Một điều thú vị cần lưu ý là tất cả các bên liên quan, ngoại trừ Philippines, đều đã tiến hành các bước đi làm gia tăng căng thẳng và khủng hoảng trong khu vực. Nhưng Phillipines đã chọn hướng hành động ngược lại. Từ một nước có lẽ là hiếu chiến nhất trong các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, giờ đây Manila lại đang cố gắng hành động để hạ nhiệt tình hình, thậm chí còn bắn tín hiệu cho giới chức Trung Quốc về khả năng thảo luận song phương để tìm kiếm thỏa thuận giải quyết tình hình. Đây thực sự là một diễn biến bất ngờ, cho dù không ai xa lạ với lối hành xử đồng bóng của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trong khu vực cho đến khi tất cả các bên liên quan trong các cuộc tranh chấp khác nhau có thể cùng đi đến một giải pháp danh dự và công bằng, hoặc sẽ có những lằn ranh bị xâm phạm. Những lằn ranh đó có thể là Trung Quốc sẽ tiến hành cải tạo đất trên bãi cạn Scarborough đang chiếm giữ của Philippines; quân đội Trung Quốc hoặc Nhật Bản sẽ lên chiếm giữ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư; hoặc Việt Nam đe dọa các vị trí phòng thủ quan trọng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa bằng việc tăng cường các hệ thống vũ khí phòng thủ. Với mức độ gia tăng căng thẳng hiện nay, thế giới sẽ không còn phải chờ lâu, có lẽ chỉ vài tuần hoặc vài tháng, để biết liệu có bất kỳ bên liên quan nào sẵn sàng khơi mào cho một cuộc đối đầu quân sự mở để đẩy mạnh các yêu sách và lợi ích của họ trong cuộc khủng hoảng nóng nhất hiện nay hay không./.

Tác giả Brian Kalman là quản lý chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp vận tải biển, đồng thời từng phục vụ trong Hải quân Mỹ 11 năm. Bài viết đăng trên “Global research”.

Anh Thư (gt)