Quan trọng hơn, Trung Quốc cũng là cường quốc ngoài khu vực đầu tiên ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc tiến tới thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc với Brunêi, Indonexia, Malaixia, Philippin, Xingapo và Thái Lan vào năm 2010 và với  Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam vào năm 2015. Những thoả thuận và liên kết này của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á chắc chắn đã có những tác động rõ rệt thúc đẩy các cường quốc làm theo như vậy.


     Trong khi quan hệ Trung Quốc-ASEAN đạt được những bước tiến lớn, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất, nếu không nói là gai góc nhất, đến mức một số nhà nghiên cứu đã gọi đây là “quả bom hẹn giờ” của an ninh khu vực Đông Nam Á. Kể cả khi các bên ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, vẫn chưa có giải pháp nào đối với tranh chấp này. Là quốc gia lớn nhất và là cường quốc duy nhất có yêu sách chủ quyền “không tranh cãi ” ở Biển Đông, Trung Quốc có vai trò quyết định trong việc tìm kiếm cách thức quản lý và giải quyết xung đột. Bài tham luận này sẽ xem xét các nỗ lực hoặc sáng kiến của Trung Quốc nhằm xử lý xung đột Biển Đông. Theo đó, bài tham luận này cũng gợi ý cho Trung Quốc nên làm gì để giảm căng thẳng và giữ gìn hoà bình và ổn định ở Biển Đông.

 

     Những gợi ý của Đặng Tiểu Bình

 

     Trong khi không thiếu những gợi ý về cách giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt ở kênh 2 và các cuộc gặp không chính thức những năm gần đây, một trong những quan chức lãnh đạo đầu tiên, nếu không phải là đầu tiên, đã cố gắng đề xuất cách xử lý vấn đề này - đó là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình. Theo như tài liệu mà tác giả thu thập được, ông Đặng đã thực sự nghĩ tới các cách giải quyết khác nhau đối với tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các quốc gia khác, đáng chú ý là những tranh chấp với Nhật Bản ở Đông Hải và những tranh chấp phức tạp hơn với một số nước ASEAN ở Biển Đông.[1] Về cơ bản ông Đặng gợi ý nên gác lại tranh chấp vì hòa bình, ổn định và tình hữu nghị như đã tuyên bố với thế giới tại một cuộc họp báo ở Tôkyô cuối năm 1978. Sau đó, vào năm 1984, ông Đặng còn chỉ rõ rằng các bên yêu sách trong tranh chấp này có thể tham gia phát triển chung những khu vực có tranh chấp trước khi bàn đến vấn đề chủ quyền. Tiếp đó, ông Đặng đã chính thức đề xuất với Hội Đồng Cố vấn trung ương của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc tháng 10/1984 về việc áp dụng chính sách “một nước, hai chế độ” trong một số trường hợp và chính sách “phát triển chung” trong những trường hợp khác nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế của Trung Quốc. Cụ thể, chính sách “một nước, hai chế độ” sẽ được áp dụng cho Hồng Kông và Đài Loan trong khi chính sách phát triển chung áp dụng cho quần đảo Trường Sa trong Biển Đông. Đáng chú ý, khi nói tới Biển Đông, ông Đặng muốn nói tới quần đảo Trường Sa chứ không phải quần đảo Hoàng Sa và các nhóm đảo khác. Hai là, ông Đặng khẳng định rõ quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc nhưng cũng lưu ý rằng Đài Loan hiện đang chiếm đóng một đảo và các nước khác như Philippin, Việt Nam và Malaixia cũng đang chiếm đóng một số đảo khác. Ông Đặng cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để đòi lại tất cả các đảo này, nhưng ông cũng nghĩ rằng Trung Quốc nên sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp và tốt hơn là nên gác lại tranh chấp và tham gia phát triển chung khu vực này. Cũng giống như các đề xuất chính sách quan trọng khác của các lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, sáng kiến của ông Đặng về “gác tranh chấp, cùng phát triển chung” ở Biển Đông đã được các lãnh đạo kế tục ông Đặng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào triệt để tôn trọng và làm theo.

 

     Những thách thức đối với đề xuất của ông Đặng    

 

     Đáng lưu ý là trong nội bộ Trung Quốc luôn có những ý kiến bảo lưu đối với sáng kiến thúc đẩy phát triển chung với các bên có yêu sách khác. Trong bối cảnh trào lưu chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc tăng cao, một bộ phận người Trung Quốc “cực kỳ yêu nước” cảm thấy rằng các bên yêu sách khác đang lợi dụng chính sách thân thiện của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á. Một quan điểm phổ biến trong nhóm này cho rằng trong khi Trung Quốc không hề khai thác được một giọt dầu nào từ lãnh thổ của mình ở quần đảo Trường Sa, các nước Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục “ăn cướp” các nguồn tài nguyên năng lượng từ các khu vực khác nhau của vùng biển này.[2] Trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có một số người tạm gọi là phái diều hâu ủng hộ việc sử dụng vũ lực để đòi lại những gì hợp pháp thuộc về Trung Quốc. Đáng chú ý trong số hàng ngũ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có một số người không thể chịu được việc các nước khác đang khai thác nguồn dầu khí từ những khu vực mà họ cho là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Thực tế, khi Lưu Hoa Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương của ĐCS Trung Quốc, ông Lưu đã mong muốn phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc. Cụ thể, vào đầu những năm 1990, ông Lưu tuyên bố rằng nơi dễ xảy ra chiến tranh với Trung Quốc nhất chính là Biển Đông trong vòng 10 năm tới, và nếu như vậy, Trung Quốc cần thiết phải có lực lượng chiến đấu được trang bị tàu sân bay. Ông Lưu nhấn mạnh việc Trung Quốc có tàu sân bay không phải nhằm cạnh tranh với Mỹ hay Nga mà là để thực thi sứ mệnh bảo vệ Trung Quốc trong cuộc chiến với Đài Loan, và để hỗ trợ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như để bảo đảm các quyền và lợi ích hải dương của Trung Quốc.[3]  Trình độ hiện đại hoá quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thể hiện nổi bật qua sự phô diễn quân sự trong cuộc diễu binh nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc 2009 vừa qua cũng như những thông tin công khai về việc Trung Quốc thực sự đã xây dựng được lực lượng chiến đấu được trang bị tàu sân bay, rõ ràng Trung Quốc đang có nhiều thuận lợi hơn để triển khai sức mạnh quân sự của mình ở Biển Đông và các khu vực duyên hải khác. Do đó, cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực, một phương án lựa chọn mà ông Đặng đề cập trước đây, trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.

 

     Những động lực chính của phát triển chung

 

     Mặc dù những người theo chủ nghĩa dân tộc muốn yêu sách toàn bộ quần đảo Trường Sa, có lý do để tin rằng một số bộ phận trong giới chính trị Trung Quốc muốn tham gia phát triển chung với các bên yêu sách khác miễn là điều đó không đe dọa yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Một trong những “nhóm lợi ích” chủ chốt trong vấn đề phát triển chung là các công ty dầu khí Trung Quốc. Do đó Công ty dầu mỏ ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và gần đây là Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty Hoá dầu Trung Quốc (Sinopec) rất quan tâm đến việc khai thác và sản xuất dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi ở Biển Đông. Trên thực tế, công ty dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc là CNOOC đã quyết định nâng cấp công nghệ khoan ở vùng biển sâu.[4] 

 

     Những báo cáo sinh động của Trung Quốc về tiềm năng dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông cho thấy các công ty dầu khí Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn mở rộng hơn nữa hoạt động của họ ra vùng nước sâu hơn ở quần đảo Trường Sa. Nhiều khả năng những công ty dầu khí của Trung Quốc sẽ hợp tác với các công ty khác trong dự án kinh doanh mạo hiểm này. Thứ nhất, tại thời điểm hiện nay, các công ty dầu khí Trung Quốc vẫn chưa có được công nghệ khai thác ở vùng biển sâu. Họ sẽ tiếp tục dựa vào các công ty nước ngoài nếu muốn khai thác và sản xuất ở vùng biển sâu. Vấn đề là ở chỗ không một nhà đầu tư nào muốn đầu tư ở quần đảo Trường Sa nếu như không có một thoả thuận giữa các bên yêu sách về việc cùng phát triển khu vực biển này. Quan trọng hơn, khả năng hợp tác với các công ty dầu khí của các bên yêu sách khác nhằm giảm bớt rủi ro về đầu tư và tài chính trong quá trình khai thác và sản xuất cũng không phải là một ý tồi. Cuối cùng, vì Trung Quốc vẫn chưa khai thác được một giọt dầu nào ở quần đảo Trường Sa, bất kỳ dự án phát triển chung nào cũng đều tạo cơ hội cho Trung Quốc được chia sẻ các nguồn năng lượng.  

 

     Một lực lượng quan trọng khác ủng hộ ý tưởng phát triển chung là các tỉnh xung quanh Biển Đông, đặc biệt là tỉnh Hải Nam và khu tự trị Quảng Tây. Cũng giống như khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), chính quyền các địa phương được hưởng lợi từ đề xuất “phát triển chung” chắc chắn sẽ ủng hộ ý tưởng này. Do đó, cả Hải Nam và khu tự trị Quảng Tây, hai tỉnh nằm gần Biển Đông đều có lợi ích trong việc giữ gìn hoà bình và ổn định ở Biển Đông, hoặc cụ thể hơn là Vịnh Bắc Bộ, bởi vì bất cứ căng thẳng hoặc tranh chấp nào trong những vùng biển này sẽ không những cản trở Bắc Kinh thực hiện những dự án phát triển đầy tham vọng mà còn làm cho các nhà đầu tư lo ngại không dám đầu tư vào khu vực đó. Hải Nam và khu tự trị Quảng Tây đều đang cố gắng tận dụng nguồn dầu mỏ và khí đốt để nâng cấp tỉnh mình trong bảng xếp hạng kinh tế các vùng miền của Trung Quốc. Là tỉnh được Bắc Kinh giao nhiệm vụ quản lý phần lớn các vùng trong Biển Đông, Hải Nam sẽ là khu vực được lợi lớn nhất nếu các dự án phát triển chung khởi động trong khu vực này. Cũng tương tự như vậy, khu tự trị Quảng Tây cũng tích cực thúc đẩy hoạt động phát triển chung ở Biển Đông vì Quảng Tây có vị trí địa lý gần gũi với khu vực Đông Nam Á. Quảng Tây đang thúc đẩy việc hình thành Khu vực hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng bao gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaixia, Xingapo, Indonexia, Philippin, và Brunei. Đề xuất của Quảng Tây là một phần trong nỗ lực phát triển nhằm biến vùng duyên hải của tỉnh này thành một trung tâm kinh tế mới của Trung Quốc. Quảng Tây kỳ vọng sẽ xây dựng được mối quan hệ hợp tác với ASEAN, đặc biệt với các nước xung quanh Biển Đông.

 

     Cam kết phát triển chung của Trung Quốc

 

     Nhìn tổng thể, Trung Quốc hay là ASEAN đều đủ từng trải để hiểu rằng có rất nhiều cơ hội cho hợp tác và mỗi bên không nên để cho tranh chấp ở Biển Đông làm chệch hướng quan hệ thân thiện đã được xây đắp hơn một thập kỷ qua. Trong khi vẫn có những bộ phận trong nước muốn thúc đẩy việc đòi lại “những lãnh thổ đã mất” và thiết lập “chủ quyền không tranh cãi” của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa như đã đề cập ở trên, các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh không muốn sử dụng vũ lực để hỗ trợ yêu sách của mình, ít nhất là trong thời gian tới, vì họ không muốn làm căng thẳng quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN và có thể lôi kéo các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ, vào “bãi lầy Trường Sa”. Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ không phải là Biển Đông mà là thống nhất Đài Loan. Do đó, quan điểm chính thức của Trung Quốc sẽ không cho phép vấn đề Biển Đông làm tổn hại tới chương trình nghị sự nhằm vun đắp và duy trì quan hệ hợp tác với ASEAN. Trung Quốc muốn tìm kiếm một giải pháp có lợi cho tất cả các bên và kiên định chính sách “cầu đồng, tồn dị” (chủ trương tìm điểm chung, chấp nhận những khác biệt). Như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc hy vọng hợp tác với các nước ASEAN để biến Biển Đông trở thành một “biển hữu nghị” hoặc “biển hợp tác”.[5] Trong khi tiếp tục ủng hộ phát triển chung với các bên yêu sách khác, cần lưu ý rằng Trung Quốc cơ bản chỉ nói tới những dự án khai thác ở những khu vực có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, và không nói nhiều tới những khu vực biển gần bờ biển Trung Quốc hay những vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc giống như những vùng gần quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, phát triển chung sẽ được thực hiện thông qua chính sách gác lại tranh chấp chủ quyền như đã đề cập ở trên. Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ gợi ý hoặc mô hình nào nhằm tìm cách xác định chủ quyền ở Biển Đông giữa các bên tranh chấp. Trên thực tế, bất cứ khi nào vấn đề chủ quyền được đặt ra, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhắc lại quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông

 

     Cần phải tích cực trong việc đưa ý tưởng phát triển chung thành hiện thực

 

     Trong khi đề xướng ý tưởng phát triển chung, Trung Quốc lại không mấy thành công trong việc triển khai ý tưởng này. Điều này chắc chắn không phải chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng biết rằng sẽ có hiệu quả hơn nếu Trung Quốc đầu tư nhiều công sức hơn để đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển chung. Là bên tranh chấp lớn nhất và là một cường quốc đang trỗi dậy ở Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, Trung Quốc sẽ có thể gây được nhiều ảnh hưởng hơn nếu các nước khác nhìn nhận Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy phát triển chung ở Biển Đông. Người ta nhớ lại thời điểm Trung Quốc có động thái chiến lược và chính trị muốn hợp tác với ASEAN đế thiết lập ACFTA, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ được hậu thuẫn của Chủ tịch Giang Trạch Dân đã quyết tâm vượt qua một loạt các rào cản chính trị và quan liêu trong nội bộ Trung Quốc để đảm bảo rằng Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện sẽ được ký kết năm 2002.[6] Như đã nói ở trên, điều đó đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc đầu tiên ký kết một hiệp định như vậy với ASEAN vào thời điểm hiệp hội này vẫn đang phải vật lộn để khôi phục vị trí cũ của mình trong quan hệ quốc tế và khu vực sau khủng hoảng tài chính Châu Á. Tầm nhìn, sự dũng cảm, và tốc độ của Thủ tướng Chu trong việc thúc đẩy một dự án hợp tác với ASEAN chính là yếu tố quan trọng góp phần triển khai FTA với ASEAN từ năm 2010. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cần có tầm nhìn và ý chí chính trị giống như Thủ tướng Chu trong vấn đề phát triển chung ở quần đảo Trường Sa, hoặc Biển Đông. Không nên xem phát triển chung giống như trò chơi kẻ được người mất, mà cần phải có tinh thần biết cho và biết nhận. Trung Quốc đã từng hành động rất đáng khen ngợi trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc hoàn toàn có thể giúp đỡ các nước láng giềng hiệu quả hơn nữa và chứng minh thiện chí của mình với các nước láng giềng nhỏ hơn. Sau cùng, vẫn còn sự cách biệt giữa một nước Trung Quốc trỗi dậy và một nước Trung Quốc hài hoà xét từ các lý do về lịch sử, địa chính trị, sắc tộc và nhiều lý do khác. Các quốc gia nhỏ hơn vẫn còn đôi chút quan ngại, cấn cá của mình, dù nói ra hay chưa nói ra, về “chú rồng” Trung Quốc này, thể hiện qua chính sách hai mang trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Nếu như vậy, Trung Quốc vẫn còn phải làm nhiều hơn để giảm bớt sự lo ngại và xây dựng thiện chí của Trung Quốc trong các vấn đề với ASEAN, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông nhằm tăng cường lòng tin của các nước này đối với Bắc Kinh.  Do đó, việc Trung Quốc đi đầu trong việc tìm kiếm một dự án chấp nhận được và một khu vực chấp nhận được để cùng chia sẻ lợi ích chung với một hoặc nhiều bên tranh chấp sẽ mang lại cả lợi ích kinh tế lẫn chính trị cho Trung Quốc. Dĩ nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm. Tuy nhiên, cần có sự lạc quan thận trọng khi cho rằng nếu có một hoặc hai dự án khởi động được, thì phát triển chung sẽ đem lại phát triển chung, hợp tác lại đưa đến hợp tác bởi vì kết quả của thuyết minh và kết quả thực tiễn có thể khác nhau. Là một cường quốc khu vực và đang khao khát vươn lên thành một cường quốc thế giới,  sẽ có lợi nếu Trung Quốc được đánh giá là không chỉ nói về thương mại và đầu tư, mà còn đang cố gắng chinh phục trái tim và lòng tin của các quốc gia khác, đặc biệt là những nước ở Châu Á. Còn phải nói thêm rằng vỗ tay cần có hai bàn tay. Nếu Trung Quốc thực sự muốn thúc đẩy phát triển chung ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cần phải lôi kéo và thuyết phục các bên tranh chấp khác cùng tham gia vì lợi ích chung./.    

Lee Lai To, Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Xin-ga-po

 Download bản PDF

 


[1] Trích từ bài viết của Lee Lai To và Chen Shaofeng, “Trung Quốc và vấn đề phát triển chung ở Biển Đông: Khía cạnh an ninh năng lượng.” trong cuốn “ An ninh và Chính trị Quốc tế ở Biển Đông, Tiến tới xây dựng một thể chế quản lý hợp tác,” do Sam Bateman và Ralf Emmers chủ biên, Nxb Routledge, New York, 2009, trang 155-157.

 

[2] Xem Cheng Bizhong,  “Dong Meng mei nian dao cai nan sha shi you 5000 wan dun, Zhongguo reng wei kai fa (Hàng năm ASEAN đánh cắp 50 tấn dầu từ quần đảo Trường Sa, trong khi Trung Quốc vấn chưa bắt đầu thăm dò) từ  http://finance.sina.com.cn/chanjing/b/20060224/17592371401.shtml. 

 

[3]Lee Lai To and Chen Shaofeng, sđd, tr. 162.

 

[4]Beijing Zaobao (Beijing Morning Daily), 20/8/ 2007.

 

[5] Lee Lai To and Chen Shaofeng, sđd, tr.. 166.

 

[6] Đối với vấn đề “Ảnh hưởng của nền chính trị quốc tế đến quyết định của Trung Quốc ký kết Hiệp định Khung ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác Kinh tế toàn diện năm 2002”, đọc Du Ding Ding, Nền tảng kinh tế đối ngoại và việc thực hiện ở Trung Quốc: Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – ASEAN, Luận án Tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Xingapo, 2007, trang 141-261.