Thông qua lời cảnh báo của tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump, tuyên bố rằng ông sẽ không để bị ràng buộc bởi chính sách “một Trung Quốc” và với cuộc điện đàm trước đó của ông Donald Trump với người đứng đầu Chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn, ông Trump đã phá vỡ một giao hẹn có lịch sử 40 năm với Trung Quốc. Vì vậy, đã đến lúc những cuộc thảo luận không chính thức kéo dài giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực Biển Đông sẽ được công bố chính thức và biến thành hành động. 

Cuộc thảo luận này sẽ không giải quyết được vấn đề lớn hơn liên quan đến chủ quyền và cán cân quyền lực. Tuy nhiên, trao đổi trực tiếp sẽ ngăn không cho tranh cãi nhỏ trở thành mâu thuẫn nghiêm trọng trong bối cảnh vị tổng thống đắc cử khó đoán trước của Mỹ lên nắm quyền. Trong vài tuần gần đây, các cuộc thảo luận không chính thức giữa các quan chức an ninh cấp cao hai nước đã gợi lên khả năng về việc hai bên sẵn sàng cho một cuộc đảm phán về vấn đề Biển Đông. 

Trong những năm trước, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ gia tăng mạnh mẽ các hoạt động của hải quân và không quân tại khu vực Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng thừng cảnh báo Mỹ tránh xa khu vực này bằng tuyên bố: “Châu Á là của người châu Á”. Về phần mình, ông Trump tố cáo Bắc Kinh xây dựng tổ hợp quân sự khổng lồ tại các vùng biển quốc tế, với 7 tiền đồn, đe dọa đến hoạt động của tàu thuyền quốc tế và khu vực Đông Nam Á. 

Không có thỏa thuận nào giữa Mỹ với Trung Quốc về việc ai sẽ sở hữu cái gì, ai sẽ có thể đi đến đâu hoặc luật pháp quốc tế sẽ được áp dụng như thế nào. Bất cứ sự đối đầu nào cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến các lộ trình thương mại toàn cầu và ngăn chặn sự hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như đối phó với chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề kinh tế và biến đổi khí hậu. 

Cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, ông Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), hiện là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc gia về các vấn đề Biển Đông đặt tại Hải Khẩu, đảo Hải Nam nói rằng: “Hai quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình và ổn định cho cộng đồng quốc tế”. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nikkei Asian Review, ông Wu một lần nữa khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông, nhắc lại quan điểm của Trung Quốc phản đối phán quyết hồi tháng 7 của Tòa Trọng tài bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Wu gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ không can thiệp hoạt động của các tàu dân sự và sẽ tiếp tục tôn trọng quyền tự do đi lại của tàu thuyền. 

Ông lưu ý rằng Trung Quốc cũng sẽ kiềm chế tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại các vùng biển tranh chấp, như nước này từng tuyên bố trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013. Lập ADIZ ở Biển Hoa Đông đòi hỏi các phi hành đoàn không phải của Trung Quốc phải thông báo với các cơ quan kiểm soát không lưu của Trung Quốc trong khi vẫn ở hải phận quốc tế bất chấp thực tế các máy bay Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không chấp nhận thực hiện yêu cầu này. 

Tin tưởng lẫn nhau 

Sau phán quyết hồi tháng 7 của Tòa Trọng tài, trong đó nhấn mạnh rằng các tiền đồn của Trung Quốc mới xây dựng tại Biển Đông là bất hợp pháp, Bắc Kinh đe dọa tuyên bố ADIZ tại các vùng biển đang xảy ra tranh chấp. Mỹ sẽ có hành động nếu như Trung Quốc ra một tuyên bố như vậy bằng việc điều máy bay chiến đấu bay qua các khu vực này, làm tăng khả năng xảy ra đối đầu và làm trầm trọng thêm các căng thẳng ngoại giao. 

Ông Wu thừa nhận: “Một tuyên bố ADIZ tại Biển Đông sẽ làm phương hại đến sự tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc giờ đây cảm thấy không có mối đe dọa an ninh nào, vì vậy Trung Quốc không cần tuyên bố ADIZ”. 

Một gợi ý khác là các tiền đồn mới xây của Trung Quốc nên được trang bị chỉ để phục vụ cho nhu cầu phòng thủ, ông Wu nói thêm. Các chuyên gia phân tích quốc phòng nói rằng các bức ảnh vệ tinh và hoạt động do thám tình báo khác đã phát hiện hệ thống radar tấn công tinh vi và các nhà chứa máy bay chiến đấu tại ít nhất ba bãi đá gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm góc giấu tên nói: “Mỹ sẽ cân nhắc việc triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa để tấn công”. Quan chức này cũng đặt câu hỏi về sự xuất hiện của thiết bị radar tại các đảo trên. Ông cho rằng: “Điều này phụ thuộc vào mục đích của việc sử dụng radar. Nếu radar được lắp đặt để hỗ trợ bắn hạ các tên lửa đang bay tới, thì đó là hệ thống radar phục vụ mục đích phòng thủ. Nếu được sử dụng để đánh chìm tàu, đó là hệ thống radar phục vụ mục đích tấn công và như vậy cần phải có biện pháp để đối phó với điều này”. 

Ông Wu đã chỉ ra những động thái mà Trung Quốc muốn Mỹ thực thi trước. Ông nói Mỹ nên tôn trọng cam kết không đứng về phe nào trong vấn đề chủ quyền. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ đã gia tăng sự can thiệp tại khu vực Biển Đông kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vấn đề này. 

Ông Wu nói: “Mỹ cần phải thuyết phục nhân dân Trung Quốc tin rằng họ không có ý định sử dụng tranh chấp tại Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc và Mỹ nên kiềm chế việc thực hiện các hoạt động thu thập tình báo gần bờ biển của chúng tôi vì điều này đe dọa đến an ninh quốc gia Trung Quốc”. 

Trong khi đó, về phía Mỹ, các quan chức cấp cao của nước này cũng đưa ra lời đề nghị tương tự. 

Đô đốc Dennis Blair, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và từng là Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ nói: “Hoạt động của tàu thuyền sẽ nằm ngoài phạm vi hoạt động. Sẽ không có việc cắt giảm các chuyến tàu chở dầu đến Trung Quốc hay ngăn cản các chuyến tàu đến Đài Loan. Chúng tôi sẽ chính thức hoặc không chính thức đồng ý rằng đây sẽ là điều mà cả hai quốc gia phải thực thi kể cả trong trường hợp xảy ra xung đột”. 

Tại một diễn đàn mới đây của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Mỹ, Đô đốc Blair nói rằng Mỹ sẽ giảm mạnh, nếu không nói là xóa bỏ, các hoạt động do thám của mình, mặt đất và trên không, ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và sẽ thông báo trước với Trung Quốc về các cuộc tập trận sẽ diễn ra tại khu vực này. 

Ông nói: “Trung Quốc, về phần mình, sẽ không được tăng cường quân sự hóa bất cứ thực thể nào mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông. Trung Quốc phải thông báo với Mỹ các cuộc tập trận quân sự của nước này và cả hai quốc gia cần tiếp tục có biện pháp để giải quyết khủng hoảng. Bất cứ điều gì nằm ngoài phạm vi này sẽ mang ý nghĩa là vấn đề nghiêm trọng và phía còn lại có thể sẽ trả đũa”. 

Các thông điệp lẫn lộn 

Rất đáng chú ý khi các chuyên gia quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc đang đưa ra các đề nghị này sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Điều này làm nổi rõ cảm giác cấp thiết của cả hai phía trong tình hình hiện nay. 

Chính quyền Mỹ sắp tới đang gửi đi những thông điệp lẫn lộn đến Trung Quốc. Đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Bắc Kinh, Thống đốc bang Iwoa, ông Terry Branstad nói rằng về mặt cá nhân, ông là bạn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gợi ý rằng điều này có thể đem lại lợi ích cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, dấu hiệu căng thẳng mới đây đã xuất hiện với việc thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio trình Quốc hội Mỹ dự luật kêu gọi trừng phạt Trung Quốc vì nước này xây dựng các chốt quân sự tại Biển Đông. Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng bổ nhiệm một bộ máy an ninh diều hâu trong khi cuộc điện đàm của ông này với người đứng đầu Chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn đã cho thấy rằng chính sách châu Á của tổng thống Mỹ tương lai sẽ nhằm vào Trung Quốc và mang tính có qua có lại hơn là vấn đề ý thức hệ. 

Tổng thống tương lai của Mỹ dự kiến sẽ từ bỏ cách tiếp cận của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, theo đó Mỹ đã để cho các nước châu Á tự tiến hành giải quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền khác nhau trong khi vẫn khẳng định các quyền tự do hàng hải và hàng không quốc tế thông qua các hoạt động tự do hàng hải. Quan điểm của ông Trump dường như là tranh chấp này có tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ vì vậy phải được giải quyết trực tiếp giữa hai cường quốc. 

Nhưng những gợi ý của ông Wu và Đô đốc Blair cho thấy giọng điệu của các cuộc thảo luận sau hậu trường trong khuôn khổ chính sách của Mỹ và Trung Quốc có thể hình thành cơ sở cho các cuộc đàm phán chính thức Mỹ-Trung. Mục tiêu là ngăn chặn một vấn đề khu vực trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các hoạt động do thám của Mỹ và tình hình quân sự tại các đảo có thể là điểm mấu chốt nhưng quan điểm loại các tàu thuyền đi lại vì mục đích dân sự ra khỏi các hành động trả đũa có thể nhanh chóng nhận được sự đồng tình. Các tuyên bố chủ quyền sẽ cần phải bị xóa bỏ. 

Một thỏa thuận như vậy có thể chấm dứt xung đột ở Biển Đông, tương tự với hàng chục cuộc tranh chấp lãnh thổ khác. Đô đốc Blair nói: “Nếu bạn đứng ở quan điểm tìm cách để giải quyết vấn đề, một thỏa thuận có thể là một điều hấp dẫn để hai bên cân nhắc”. 

Và một cuộc xung đột được chấm dứt rõ ràng được ủng hộ hơn một cuộc xung đột nghiêm trọng đang diễn ra.

Humphrey Hawksley nguyên là trưởng bộ phận BBC tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông sẽ có cuốn sách sắp được xuất bản trong năm 2017: “Asian Waters: America, China and the Global Paradox”. Bài viết được đăng trên Nikkei Asian Review.

Văn Cường (gt)