Trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN của Philippines, Bắc Kinh đã lần đầu tổ chức cuộc đối thoại song phương ở cấp Thứ trưởng về vấn đề Biển Đông với Manila vào ngày 19/5/2017 tại Quý Châu, Trung Quốc.[1] Sau đối thoại, Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền cho hình thức “tham vấn song phương” này, cho rằng đây là “nền tảng cơ sở” để thảo luận, duy trì quan hệ song phương, tình hình Biển Đông “phát triển lâu dài” và “hòa bình, ổn định”.[2] Tạm thời chưa đề cập đến tác động của tham vấn song phương giữa Trung Quốc và Philippines tới tính đồng thuận của ASEAN, giới quan sát đặt nhiều câu hỏi về ý đồ và phương thức Bắc Kinh sử dụng để “buộc” Manila đồng ý với lá bài “tham vấn song phương”, nội dung hai bên đã trao đổi và kết quả đạt được. Bài viết sẽ đi sâu phân tích và tìm lời giải đáp cho những câu hỏi nêu trên.

Chiến thuật của Trung Quốc để có “tham vấn song phương”

Để kéo Manila vào “tham vấn song phương” về vấn đề Biển Đông nhằm hóa giải tồn tại và căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ, Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật gồm nhiều hướng tiếp cận có tính hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, Trung Quốc đã tận dụng công cụ cơ chế giao lưu chính trị cấp cao kết hợp việc tỏ ra “hào phóng” cung cấp lợi ích kinh tế và quân sự để tích cực tranh thủ xu hướng thực dụng trong chính sách của Tổng thống Duterte. Mặt khác, Bắc Kinh cũng gây sức ép mạnh mẽ về trong lĩnh vực an ninh với Manila, và cuối cùng là để ngỏ khả năng đối thoại như lối thoát duy nhất cho việc giải toả căng thẳng.  

Giao lưu cấp cao và tranh thủ nhân vật lãnh đạo: Sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough vào giữa năm 2012, ngăn cản Philippines tiếp tế cho binh lính trên tàu BRP Sierre Madre tại đá Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) vào tháng 03/2014, Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Phán quyết được Tòa Trọng tài công bố tháng 07/2016 với chiến thắng giành cho Philippines đã khiến quan hệ kinh tế, chính trị giữa Bắc Kinh và Manila càng trở nên phức tạp, thu hẹp phạm vi mà hai bên có thể thoả hiệp.

Philippines đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2017 và sẽ chủ trì các hội nghị lớn của khu vực trong năm. Diễn biến này có thể đặt Bắc Kinh trước các tình huống khó khăn liên quan tới vấn đề Biển Đông, đặc biệt khi Bắc Kinh vẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát trên biển, dự kiến tiến hành cải tạo bãi cạn Scaborough, đồng thời tiếp tục “quân sự hóa” các thực thể tại Trường Sa dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, một trong các mục tiêu trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc là hóa giải các “nút thắt” tồn tại trong quan hệ với Philippines trong nhiều năm qua, gồm cả hiệu ứng tác động từ vụ kiện khi Philippines đảm nhiệm năm Chủ tịch ASEAN.

Bắc Kinh đã tranh thủ tận dụng bối cảnh chính quyền Duterte đang phải đối mặt với các nhân tố như sức ép tăng trưởng kinh tế, quan hệ Philippines - Mỹ trở nên lạnh nhạt vì vấn đề nhân quyền, cá nhân Tổng thống Duterte khôgn thiện cảm với Mỹ để mở ra định hướng mới cho quan hệ hai bên, bao gồm cả trong vấn đề Biển Đông.

Đón tiếp ông Duterte trong chuyến thăm chính thức lần thứ nhất vào tháng 10/2016, Bắc Kinh khẳng định sẽ đầu tư 15 tỷ USD vào Philippines, và “ủng hộ Tổng thống Duterte dẫn dắt nền kinh tế Philippines phát triển”.[3] Hai bên cũng ký nhiều thỏa thuận và ghi nhớ quan trọng, đồng ý khôi phục hoạt động Tham vấn Ngoại giao, hoạt động của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Thương mại, và hoạt động của Uỷ ban Hỗn hợp Khoa học Công nghệ. Tuyên bố chung của hai bên khẳng định “tầm quan trọng của các cơ chế đối thoại song phương hiện có”, và “mở rộng hợp tác, phấn đấu cho một mối quan hệ chặt chẽ hơn”.[4] Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ hai của ông Duterte và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” vào tháng 05/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi những chuyến thăm này như là “cột mốc” trong quan hệ giữa hai nước “láng giềng anh em”.[5]

Trên cơ sở tiến triển của tình hình và nhằm “hiện thực hóa đồng thuận đạt được bởi lãnh đạo hai bên”, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã có chuyến thăm Manila vào tháng 03/2017, và đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 28 của Uỷ ban Hỗn hợp Hợp tác Kinh tế Thương mại song phương Trung Quốc-Philippines (JCETC). Kết quả từ việc tái khởi động lại cơ chế hợp tác vốn đã bị ngưng trệ suốt 6 năm dưới thời Tổng thống Aquino là Bắc Kinh và Manila được cho là đã “đối thoại một cách thẳng thắn và thực tiễn, đạt được đồng thuận mở rộng với các kết quả đa dạng”,[6] bao gồm cả việc kết nối sáng kiến “Vành đai, Con đường” và Kế hoạch “Ước vọng 2040” của Philippines.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng có chuyến thăm Manila trong 03/2017 để ký thỏa thuận “Chương trình Hợp tác Thương mại và Kinh tế Trung Quốc - Philippines trong 6 năm (SYDP)”. Phát biểu tại chuyến đi, Phó Thủ tướng Uông Dương khẳng định quan hệ hai bên “đã quay về đúng quỹ đạo”, và Trung Quốc “sẵn sàng giúp đỡ hết mình” với nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ASEAN của Philippines, cũng như muốn làm việc với Philippines nhằm đẩy sâu quan hệ Trung Quốc - ASEAN, “xử lý đúng cách” vấn đề Biển Đông, và “chung tay bảo vệ” ổn định tại Biển Đông.[7]

Về phía Philippines, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương ngày 17/3/2017 tại Manila, ông Duterte đã khẳng định, “…tin tưởng sâu sắc rằng quan hệ Philippines - Trung Quốc sẽ đạt những tầm cao mới”, và Manila không muốn đối đầu với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, ngược lại, “mong muốn có sự tin tưởng và bạn hữu” giữa hai bên.[8]  

Có thể thấy rằng, trên cơ sở tác động từ kết quả đối thoại thượng đỉnh và các hoạt động giao lưu chính trị cấp cao, Trung Quốc đã hối thúc Philippines đồng ý tổ chức “Hội nghị Tham vấn Ngoại giao Cấp cao lần thứ 20” tại Manila vào tháng 01/2017. Các đối thoại tại Hội nghị này giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A.Manalo đã chấm dứt tình trạng gián đoạn tham vấn ngoại giao trong suốt 5 năm giữa hai bên, tạo ra tiền đề để Bắc Kinh thuyết phục Manila chấp nhận “tham vấn song phương” về vấn đề Biển Đông sau này.   

Cung cấp lợi ích kinh tế và quân sự: Tiếp sau giao lưu chính trị cấp cao, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng với Manila, đồng thời đưa ra nhiều gói cam kết lợi ích khác nhau để hấp dẫn chính quyền mới của Philippines.

Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Du khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines, vấn đề từng bị đình chỉ dưới thời Tổng thống Aquino.

Sau khi ký thỏa thuận “Chương trình Hợp tác Kinh tế Toàn diện Trung Quốc - Philippines” từ năm 2017 tới năm 2022 vào tháng 03/2017, Bắc Kinh đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines. Một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư kết hợp (PPP), như tại dự án đường cao tốc Davao Express của Philippines.[9] Các thỏa thuận đạt được đã giúp trao đổi thương mại song phương Trung Quốc - Philippines trong 5 tháng đầu năm 2017 đã đạt 100 triệu USD.[10]

Trước các cam kết đầu tư của Trung Quốc, Thứ trưởng Thương mại Philippines Ceferino Rodofo khẳng định ngày 07/3/2017, “chúng tôi hoan nghênh tất cả các sáng kiến có thể phù hợp với nghị trình kinh tế xã hội (của ông Duterte)”.[11] Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho rằng, “các dự án hạ tầng được Trung Quốc tài trợ đang được triển khai và tiến triển nhanh”, và “… chúng tôi đã đồng ý tăng cường hơn nữa quan hệ vượt trên phạm trù thương mại”.[12]

Bên cạnh các hợp tác kinh tế và thương mại, Bắc Kinh đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Theo đó, Bắc Kinh đã đồng ý cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Manila mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố,[13] và bàn giao cho Manila 23.000 khẩu súng trường M4.

Gây sức ép an ninh, trong khi để ngỏ khả năng đối thoại song phương như là một giải pháp khả dĩ: Bất chấp những tiến triển gần đây giữa hai bên trong hợp tác kinh tế và quốc phòng, Bắc Kinh đã tiếp tục ứng xử cứng rắn với Philippines, duy trì sức ép an ninh lên Manila trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông.

Dựa trên cách tiếp cận này, ngoài việc bác bỏ phán quyết của Tòa PCA bằng nguyên tắc “ba không”, Trung Quốc cũng tiếp tục khẳng định các đảo tại Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu”, và việc Bắc Kinh làm gì với Scaborough “đều là vấn đề nằm trong phạm vi chủ quyền” của mình.[14] Trên thực địa, Trung Quốc đã triển khai Cảnh sát biển thay thế cho Hải giám và Ngư chính để kiểm soát bãi cạn Scaborough, kể cả qua hình thức “cưỡng bức áp đặt Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc với tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng nước thuộc quyền tài phán” của nước này.[15] Trước đó, trong tháng 08/2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom H-6 và tiêm kích SU-30 để tiến hành “bình thường hóa hoạt động tuần tra chiến đấu, thao luyện chiến thuật … bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích trên biển ...” tại toàn bộ khu vực Trường Sa, trong đó có bãi cạn Scaborough.[16]

Trong một thông tin có hàm ý đe dọa, lãnh đạo Trung Quốc còn đề cập trực tiếp với Tổng thống Philippines Duterte tại đối thoại bên lề Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường”, rằng sẽ có “khả năng xung đột và chiến tranh” nếu Philippines nhất quyết thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, hoặc đơn phương khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.[17]

Sau khi sử dụng chiến thuật gây sức ép trên phương diện an ninh, Trung Quốc cũng khéo léo để ngỏ trước Philippines khả năng trao đổi, đối thoại để giảm thiểu nghi ngờ chính trị, tiến tới tăng cường hợp tác giữa hai bên. Do đó, cùng với việc thuyết phục Philippines tổ chức “tham vấn song phương” về vấn đề trên biển, Bắc Kinh đã tuyên bố mời lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thăm Trung Quốc nhằm thể hiện thiện chí, xây dựng lòng tin giữa các lực lượng chấp pháp hàng hải của hai bên.[18] Biên đội tàu của Hải quân PLA (gồm 03 tàu Trường Xuân, Kinh Châu, và Sào Hồ) trên hành trình thăm 20 quốc gia đã chọn ghé thăm Philippines vào tháng 05/2017 vừa qua. Theo dự kiến, tàu của cảnh sát biển Trung Quốc cũng sẽ lần đầu thăm Philippines trong tháng 08/2017. 

Đứng trước các tác động từ nhiều hướng bởi Trung Quốc, phía Philippines dần thể hiện nhượng bộ, chấp nhận các gợi ý đề xuất về định hướng quan hệ và phương thức xử lý vấn đề Biển Đông do Bắc Kinh đưa ra.

Phát biểu khi thăm Bắc Kinh trong tháng 01/2017, Bộ trưởng Tài chính Philippines Dominguez tuyên bố, “tôi không chắc chắn chính xác về chính sách với Mỹ như thế nào, nhưng tin rằng sự tái định hướng của Tổng thống Duterte đối với các quốc gia láng giềng là thực sự rất khôn ngoan”.[19] Ngoại trưởng Philippines Cayetano tại tuyên bố trong tháng 05/2017 đã cho rằng, “tranh chấp sẽ vẫn luôn còn” nếu hai bên không tiến hành đối thoại”.[20] Riêng Tổng thống Duterte trong bài phát biểu khi lên thăm chiến hạm của Hải quân Trung Quốc tại Thành phố Davao của Philippines đã để ngỏ khả năng tập trận chung giữa hải quân hai bên, địa điểm có thể là tại vùng biển Sulu của Philippines.[21]  

Nội dung thảo luận và kết quả “tham vấn song phương”

Trước khi đối thoại diễn ra, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong phát biểu ngày 16/5/2017 đã khẳng định, phán quyết của Tòa Trọng tài tuy còn nguyên giá trị nhưng sẽ được hai bên đề cập “tại một thời điểm thích hợp khác”.[22] Trong khi đó Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh Romana cho rằng, Manila muốn “xử lý riêng biệt” giữa chủ quyền lãnh thổ và hợp tác kinh tế thương mại, và vấn đề chủ quyền vẫn được ưu tiên đặt lên hàng đầu, nhưng không dễ giải quyết một sớm một chiều.[23]

Sau khi đã loại hai vấn đề có tính cốt yếu là phán quyết vụ kiện và yêu sách của mỗi bên ở Biển Đông, nội dung còn lại được Bắc Kinh và Manila thảo luận tại đối thoại này chỉ tập trung vào một số vấn đề như: “giải pháp thực chất” cho mối quan hệ căng thẳng và xung đột kéo dài tại Biển Đông,[24] việc Trung Quốc lắp đặt các thiết bị quân sự ở Trường Sa,[25] khả năng cùng thăm dò khai thác tài nguyên Biển Đông theo cơ chế song phương hoặc đa phương,[26] và việc thiết lập “nền tảng cơ sở” để thảo luận vấn đề Biển Đông, duy trì quan hệ song phương phát triển lâu dài.[27]

Sau đối thoại, Bắc Kinh và Manila đưa ra tuyên bố chung về kết quả “tham vấn song phương” cho rằng, hai bên đã tái khẳng định nhận thức chung từ chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10/2016 của Tổng thống Duterte, cũng như cam kết kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng. Hai bên cũng coi “cơ chế tham vấn” này là bước tiến trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại có liên quan.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, cuộc đối thoại này có “ý nghĩa lịch sử”, đánh dấu việc Trung Quốc và Philippines đã quay trở lại “quỹ đạo đàm phán song phương” về vấn đề Biển Đông.[28] Trong khi đó đại diện của Philippines, Đại sứ Romana lại nhấn mạnh, mặc dù “vẫn còn những khác biệt”, nhưng hai bên đã tìm ra cách thức và lĩnh vực khả thi để tiến hành hợp tác ở Biển Đông mà không “làm phương hại đến yêu sách” của mỗi bên.[29]

Nhìn vào nội dung phát biểu thiếu nhất quán từ Trưởng đoàn mỗi bên, có thể thấy rằng với tham vấn song phương trong nửa ngày 19/5 giữa Bắc Kinh và Manila đạt được kết quả hạn chế. Hai bên vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề đàm phán, và chỉ coi đây như một trong các biện pháp xây dựng lòng tin, tạo nền tảng cơ sở thúc đẩy các hợp tác trên biển sau thời kỳ dài căng thẳng.

Truyền thông quốc tế cũng cho rằng, do bản chất tranh chấp Biển Đông liên quan đến nhiều bên, nên cơ chế tham vấn này giữa Bắc Kinh và Manila khó có thể mang lại kết quả thực chất.

Trên thực tế, kết quả duy nhất đạt được là việc Trung Quốc và Philippines đã ký kết văn bản quy định về “vai trò, phạm vi, và chức năng” của cơ chế tham vấn song phương. Đây được coi là tiền đề để quan chức của cơ quan ngoại giao, cơ quan phụ trách an toàn hàng hải hai bên tiếp tục gặp gỡ, đối thoại. Văn bản được ký kết cũng xác định, “cơ chế” này sẽ nhóm họp luân phiên hai lần trong năm, dù hiện Bắc Kinh và Manila chưa ấn định được nội dung cho cuộc đối thoại tiếp theo vào cuối năm 2017 tại Manila.

Mục tiêu của Bắc Kinh với “tham vấn song phương”

Sau “tham vấn song phương” lần thứ nhất, truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và Manila đã xây dựng cơ sở đối thoại “mang tính cơ chế” nhằm giải quyết tốt hơn vấn đề Biển Đông, xử lý các khác biệt giữa hai bên, đưa đối thoại “quay về quỹ đạo”. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang cố tạo ra cảm giác đã kéo được Philippines đi cùng một hướng trong vấn đề Biển Đông khi Manila thể hiện “thuận theo” theo các đề xuất lợi ích kinh tế do Bắc Kinh đưa ra. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập được “tham vấn song phương” có tính cơ chế với một bên tranh chấp cũng nhằm tạo áp lực với các bên yêu sách còn lại. Khiến Bắc Kinh dễ thuyết phục các bên chấp nhận hình thức đối thoại song phương do Trung Quốc làm chủ đạo.

Trên một phương diện khác, cuộc “Tham vấn song phương Trung Quốc- Philippines” lần thứ nhất được Bắc Kinh tổ chức vào ngày 19/5, cùng ngày và cùng địa điểm với “Tham vấn cấp cao ASEAN - Trung Quốc” lần thứ 23 về Bộ khung Quy tắc ứng xử giữa các bên trong vấn đề Biển Đông (COC). Việc lựa chọn tổ chức hai sự kiện về một vấn đề có tính tương đồng (vấn đề Biển Đông), nhưng với hai đối tác khác nhau (ASEAN và Philippines) tại cùng thời điểm cũng cho thấy những ẩn ý riêng của Bắc Kinh.

Có thể đánh giá đây là chiến thuật trì hoàn của Bắc Kinh trong vấn để Biển Đông, cố tình né tránh các tiến triển cụ thể trong việc giải quyết và quản lý tranh chấp. Lý do là các nội dung thảo luận với Manila, Bắc Kinh hoàn toàn có thể thảo luận ngay trong khuôn khổ với ASEAN. Do đó, mục tiêu đằng sau sự lựa chọn này của Bắc Kinh thực chất chỉ nhằm tiếp tục củng cố chiến thuật chia rẽ các bên yêu sách, hạ thấp vai trò của ASEAN.

Ngoài ra, lựa chọn này cũng giúp Bắc Kinh giảm thiểu rủi ro chính trị và ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài, cũng như ngăn chặn can dự của các bên có lợi ích liên quan với lập luận rằng Trung Quốc và ASEAN, hoặc Trung Quốc với quốc gia riêng lẻ trong ASEAN có thể xử lý được vấn đề. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục dùng lợi thế kinh tế, chính trị, ngoại giao, và cả sức mạnh trên thực địa gạt bỏ ý kiến quan ngại của các bên, tạo thành cục diện mà các bên buộc phải chấp nhận “nguyên trạng” do Trung Quốc thiết lập, bất chấp luật pháp quốc tế. 

Kết luận

Căn cứ trên bản chất thực dụng của ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh thực chất không coi hình thức “tham vấn song phương” với Philippines là “nền tảng cho các thảo luận tiếp theo” để tình hình Biển Đông “đi vào ổn định lâu dài” như tuyên bố.

Trong cuộc chơi với Philippines hiện nay, lá bài cơ chế “tham vấn song phương” chỉ là công cụ câu giờ khi Trung Quốc tiếp tục chiếm bãi cạn Scaborough. Các thảo luận vừa qua giữa hai bên đã không đề cập tới việc xử lý vấn đề này. Bắc Kinh cũng tiếp tục bỏ ngỏ khả năng cải tạo bãi cạn Scarborough để hoàn thiện hình thái chiếm đóng chiến lược nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự lâu dài tại Biển Đông.

Nếu điều này xảy ra, phía Manila sẽ buộc có phản ứng chính thức thay vì im lặng tìm kiếm lợi ích kinh tế, bỏ qua vấn đề chủ quyền và lãnh thổ. Kết quả tất yếu là Bắc Kinh và Manila khó duy trì được cơ chế đối thoại có tính hình thức này khi căng thẳng và tranh chấp vẫn tồn tại.

Trên một phương diện khác, khi nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ASEAN của Philippines kết thúc vào cuối năm 2017, vai trò chính trị mà Bắc Kinh có thể lợi dụng từ Manila giảm đi. Theo đó, Bắc Kinh ít có khả năng chấp nhận đánh đổi quá nhiều “củ cà rốt” chỉ để lấy một cơ chế “tham vấn song phương” thiếu thực chất như hiện nay.

Sau 2017, Bắc Kinh sẽ phải vận động, lôi kéo với quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN tiếp theo. Kèm theo đó là các đề suất của Bắc Kinh với đối tác về một cách chơi mới, có thể là một phiên bản “tham vấn song phương 2.0” tiếp theo nhằm dẫn dắt quan hệ với đối tác, qua đó gây ảnh hưởng tới các nghị trình của ASEAN nhằm giữ vấn để Biển Đông trong tầm kiểm soát.

Cuối cùng, việc Trung Quốc thiết lập cơ chế “tham vấn song phương” với Philippines còn nhằm phá đồng thuận ASEAN, khoét sâu khác biệt giữa các bên có yêu sách, khiến ASEAN “lãng quên” thực tiễn tranh chấp. Tiến trình có tính “hợp tác” hình thức này giúp Trung Quốc thể hiện bộ mặt “hòa bình”, che giấu “cây gậy” răn đe sau khi đã tiến hành thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa. Tuy nhiên, khi các vấn đề nội của Trung Quốc đã được thu xếp ổn thỏa sau Đại hội 19, sự “lắng dịu” tạm thời này có thể chấm dứt. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cứng rắn đòi hỏi các “quyền và lợi ích” hàng hải, gia tăng các hành động gây sức ép với từng bên yêu sách, buộc họ đồng ý với các hợp tác bất lợi.

Đồng thời, Bắc Kinh sẽ dùng các “hợp tác song phương" để minh họa tình hình Biển Đông “đang tốt hơn”, vấn đề tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông “chưa bao giờ bị ảnh hưởng”. Trên thực tế, ASEAN tiếp tục bị gây sức ép, và không có tác dụng vì thiếu vắng một cơ chế hợp tác thực chất với sự tham dự của tất cả các bên liên quan./.

Dương Linh là nghiên cứu viên Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.

 



[1] Đối thoại “Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc - Philippines về vấn đề Biển Đông” lần thứ nhất, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh Jose Santiago L. Sta. Romana đồng chủ trì.

[2] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại http://www.fmprc.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/t1462257.shtml (truy cập ngày 03/7/2017).

[3] CNBN, “China, Philippines agree to cooperate on 30 projects worth $3.7 billion”, tại

 http://www.cnbc.com/2017/01/23/china-philippines-agree-to-cooperate-on-30-projects-worth-37-billion.html (truy cập ngày 02/7/2017).

[4] Philstar, “Infographic: Signed cooperation agreements between Philippines and China”, tại http://www.philstar.com/news-feature/2016/10/24/1636881/infographic-signed-cooperation-agreements-between-philippines-and (truy cập ngày 02/7/2017).

[5] South China Morning Post, “‘We’re neighbours and blood brothers’: Xi tells Duterte as firebrand leader announces ‘separation’ from US” tại http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2038577/philippines-president-rodrigo-duterte-gets-red-carpet (truy cập ngày 02/7/2017).

[6] Mạng Bộ Thương mại Trung Quốc, tại http://www.english.mofcom.gov.cn/article/newsrelease/significantnews/201703/20170302531525.shtml (truy cập ngày 02/7/2017).

[7] Tân Hoa Xã, tại http://news.xinhuanet.com/english/2017-03/17/c136137660.html (truy cập ngày 02/7/2017).

[8] Tân Hoa Xã, tại http://news.xinhuanet.com/english/2-017-03/17/c_136137667.html (truy cập ngày 03/7/2017).

[9]Bbworldonline, “Philippines, China sign accord to enhance, enlarge economic cooperation”, tại https://www.ppp.gov.ph/?in_the_news=philippines-china-sign-accord-to-enhance-enlarge--economic-cooperation (truy cập ngày 03/7/2017).

[10] Tân Hoa Xã, “China, Philippines sign 1.7-bln-USD purchase agreements”, tại http://news.xinhuanet.com/english/2017-03/15/c_136131360.htm (truy cập ngày 03/7/2017).

[11] Tân Hoa Xã, “Philippines hails China’s Belt and Road Initiative”, tại http://news.xinhuanet.com/english/2017-03/07/c_136109856.htm (truy cập ngày 05/7/2017).

[12]  Tân Hoa Xã, tại http://news.xinhuanet.com/english/2017-03/15/c_13613160.html (truy cập ngày 03/7/2017).

[13]Philstar, “Phl makes formal request for Chinese military equipment”, tại http://www.philstar.com/headlines/2017/02/08/1670184/phl-makes-formal-request-chinese-military-equipment (truy cập ngày 03/7/2017).

[14] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc các ngày 17/01, ngày 10/4, và ngày 17/5/2017, tại http://www.fmprc.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/default.shtml (truy cập ngày 03/7/2017).

[15] Ryan D.Martinson, “Vũ trang hóa ranh giới hàng hải của Trung Quốc”, tại https://www.usnwc.edu/Publications/Publications.aspx (truy cập ngày 05/7/2017).

[16] Phát biểu của Người phát ngôn Không quân Trung Quốc, tại BBC tiếng Việt, http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160806_scs_china_patrol_over_disputed_islands (truy cập ngày 06/8/2017).

[17] Đề cập của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau khi tham dự Hội nghị “Một vành đai, một con đường”, được tổ chức ngày 15/5/2017. Truy cập tại https://www.nytimes.com/2017/05/19/world/asia/philippines-south-china-sea-duterte-war.html

[18] Phát biểu của Nguời phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại http://www.fmprc.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/t1449431.shtml (truy cập ngày 05/7/2017).

[19] CNBN, “China, Philippines agree to cooperate on 30 projects worth $3.7 billion”, tại

 http://www.cnbc.com/2017/01/23/china-philippines-agree-to-cooperate-on-30-projects-worth-37-billion.html (truy cập ngày 02/7/2017).

[20] Reuters, “Philippines minister starts damage control after Duterte’s China war remark”, tại http://in.reuters.com/article/southchinasea-philippines-china-idINKBN18I0D5 (truy cập ngày 05/7/2017).

[21] Tân Hoa Xã, phát biểu khi  Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khi thăm biên đội tàu của Hải quân Trung Quốc (PLA) đang giao lưu hữu nghị ở Thành phố Davao, Philippines, tại http://news.xinhuanet.com/english/2017-05-01/c_136248970.htm (truy cập ngày 09/8/2017).

[22] Myxinchew, “Duterte open to South China Sea deals”, tại http://www.mysinchew.com/node/117632 (truy cập ngày 09/7/2017).

[23] ABS-CBN, “PH-China first meeting on West PH Sea set Friday”, tại http://news.abs-cbn.com/news/05/17/17/ph-china-first-meeting-on-west-ph-sea-set-friday (truy cập ngày 05/7/2017).

[24] Philippines News Agency, “China, PHL tackle contentious South China Sea issues in friendly dialogue”,

tại http://www.pna.gov.ph/articles/989433  (truy cập ngày 09/7/2017).

[25] Christina Mendez và Jaime Laude, “Chinese rocket launchers to be discussed at bilateral meet”, tại https://www.pressreader.com/philippines/the-philippine-star/20170519/281513636086756 (truy cập ngày 09/7/2017).

[26] Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong phát biểu ngày 16/5/2017 đã khẳng định, Philippines sẵn sàng cùng thăm dò khai thác tài nguyên Biển Đông với Trung Quốc và Việt Nam.

[27] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại http://www.fmprc.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/t1462257.shtml (truy cập ngày 09/7/2017).

[28] Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399 (truy cập ngày 97/7/2017).

[29]Christof Lehman, “China and Philippines launched dialouge over South China Sea controversies”, tại https://nsnbc.me/2017/05/20/china-philippines-launched-dialog-over-south-china-sea-controversies/ (truy cập ngày 09/7/2017).