Kỷ niệm 6 năm ngày ra Phán quyết Trọng tài Biển Đông
12/7/2016 là ngày Toà Trọng tài (được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) ra Phán quyết về tranh chấp tại Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đối với các vấn đề tranh chấp trên biển với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Philippines. Phán quyết của Toà Trọng tài đã đưa ra các nội dung chính được cộng đồng quốc tế quan tâm gồm: (i) Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị pháp lý, các quốc gia chỉ được đưa ra yêu sách biển phù hợp với quy định của UNCLO ; (ii) các thực thể nổi ở Trường Sa chỉ có 12 hải lý vùng biển và các thực thể nửa nổi nửa chìm không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền lãnh thổvà không có các vùng biển riêng; (iii) áp dụng đường cơ sở thẳng đối với các đảo ở Trường Sa là trái với quy định của UNCLOS, từ đó không thể xác định vùng biển chung chotoàn bộ các thực thể ở Trường Sa.

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 6 năm ngày Toà Trọng tài ra Phán quyết, nhiều quốc gia đã ra tuyên bố ngoại giao thể hiên lập trường và quan điểm về phán quyết nói riêng và Biển Đông nói chung.

Philippines. Là một bên trong tranh chấp và là nước đơn phương đưa vụ kiện ra Toà Trọng tài dựa trên các Điều khoản của Phụ lục VII của Công ước. Kỷ niệm ngày Toà Trọng tài ra Phán quyết, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố đăng trên website của tân Ngoại trưởng Enrique Manalo nêu các nội dung chính gồm: (i) Phán quyết là "hai mỏ neo" trong chính sách đối ngoại của Philippines. Chính sách hiện nay của Philippines là coi Phán quyết và UNCLOS 1982 là hai cơ sở để Philippines vận dụng trong việc đấu tranh đòi quyền chủ quyền đối với các vùng biển mà Philippines yêu sách. Ngoại trưởng Manalo nhấn mạnh, "hai văn kiện quan trọng là kỷ niệm 6 năm Phán quyết và kỷ niệm 40 năm ngày phê chuẩn UNCLOS mà Philippines tổ chức năm nay là cơ sở để thực hiện đảm bảo hoà bình ở trên Biển Đông"; khẳng định Phán quyết đã bác bỏ giá trị của các yêu sách về quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở trong đường chín đoạn; (ii) khẳng định Phán quyết ủng hộ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế. Ngoại trưởng Manalao nhấn mạnh, "một số hành động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines và do vậy là bất hợp pháp", như "cải tạo và xây dựng đảo với quy mô lớn gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và vi phạm các Công ước quốc tế; đánh bắt quy mô lớn các loại hải sản cần được bảo vệ gây tổn hại đến hệ sinh thái; các hành động sau khi đã có Phán quyết làm tăng thêm căng thẳng đối với các tranh chấp ở trên biển"; (iii) cuối cùng tuyên bố nhấn mạnh, Phán quyết không thể huỷ bỏ hay sửa đổi, có giá trị chung thẩm và không thể tranh cãi; chúng tôi bác bỏ mọi nỗ lực muốn làm suy yếu Phán quyết, thậm chí xoá bỏ Phán quyết ra khỏi luật pháp, lịch sử và trong trí nhớ của tất cả; hoan nghênh sự ủng hộ ngày càng nhiều của các nước đối với Phán quyết.

Như vậy, về nội dung, so với Tuyên bố kỷ niệm 5 năm ngày ra Phán quyết vào năm 2021 của cựu Ngoại trưởng Teodoro Locsin , tuyên bố năm nay của tân Ngoại trưởng Enrique Manalo cũng nhấn mạnh các điểm quan trọng của Phán quyết như đã nêu trước đây nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Toà Trọng tài ra Phán quyết là bác các yêu sách của Trung Quốc trong đường 9 đoạn; nhấn mạnh quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế; và Phán quyết có giá trị chung thẩm không thể huỷ bỏ hay sửa đổi. Tuy nhiên, về mặt chính sách đối với Biển Đông, chính quyền mới của Tổng thống Bong Bong Marcos, trong hơn một tháng đầu nhậm chức đã thể hiện sự coi trọng giá trị của Phán quyết, tiếp tục thúc đẩy thực thi Phán quyết tại trên Biển Đông. Điều này thể hiện, Chính quyền của Tổng thống Marcos hiện đang tiếp tục duy trì lập trường coi trọng giá trị và thúc đẩy thực thi Phán quyết mà Chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Duterte đã thực hiện quyết liệt vào nửa cuối nhiệm kỳ của mình (khác với trước đây, trong giai đoạn tranh cử, ứng viên Tổng thống Marcos đã từng thể hiện quan điểm không coi trọng giá trị của Phán quyết khi trả lời phỏng vấn báo chí rằng vào tháng 01/2022 "Phán quyết sẽ không còn là Phán quyết nếu chỉ có một bên (công nhận); và Phán quyết không còn phù hợp cho Philippines ). Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Marcos vẫn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc để giảm căng thẳng trên biển, tiếp tục tranh thủ viện trợ, đầu tư, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại ... Nếu Chính quyền của Tổng thống Marcos tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại và các cách ứng xử trong quan hệ với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông như dưới thời của Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã làm thì những phát biểu, tuyên bố của Philippines liên quan đến Phán quyết và các tranh chấp trên biển giữa Philippines và Trung Quốc vẫn không làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước, Philippines giữ lập trường về Phán quyết và yêu sách trên biển trong khi vẫn thúc đẩy được quan hệ hợp tác về kinh tế, viện trợ, đầu tư từ Trung Quốc. Trong buổi nhậm chức của Tổng thống Marcos ngày 30/6/2022, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã đến dự và mới đây Tổng thống Marcos cũng đã nhận lời sẽ đi thăm Trung Quốc mặc dù chưa có lịch chắc chắn.

Qua tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Manalo cần chú ý trong chính sách Biển Đông của Philippines hiện nay, Philippines coi hai trụ cột chính của chính sách đó là Công ước Luật biển 1982 và Phán quyết. Đây là hai văn kiện để Philippines sử dụng làm cơ sở thực thi chấp pháp biển nhằm bảo vệ chủ quyền các vùng biển. Lập trường chính sách này thường được Philippines đề cập trong nhiều tuyên bố, phát biểu ngoại giao của các lãnh đạo Philippines cả ở các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN... và là cơ sở để cho các lực lượng chấp pháp trên biển của Philippines tăng cường tuần tra khu vực Biển Đông và Bộ Ngoại giao Philippines có hàng trăm công hàm phản đối ngoại giao đối với tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực vùng biển Philippines yêu sách chủ quyền trong những năm qua.
 
Mỹ. Ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày ra Phán quyết của Toà Trọng tài với các nội dung chính gồm: (i) 06 năm trước đây, Toà Trọng tài đã đưa ra phán quyết mang tính cuối cùng và ràng buộc đối Philippines và Trung Quốc; (ii) "Phán quyết đã bác bỏ yêu sách biển quá rộng của Trung Quốc không dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế" và "Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách các khu vực mà Toà đã tuyên thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines"; (iii) nhắc báo cáo Các giới hạn trên biển số 150, trong đó có đánh giá về các yêu sách biển của Trung Quốc sau khi Toà ra Phán quyết là hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế; (iv) nhắc lại chính sách của Mỹ về các yêu sách tại Biển Đông ra ngày 13/7/2020 và tái khẳng định bất cứ tấn công vũ trang nào vào các lực lượng vũ trang của Philippines, tàu công vụ hay máy bay ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết về phòng thủ song phương của Mỹ tại Điều IV, Hiệp ước phòng thủ song phương Mỹ - Philippines; (v) kêu gọi Trung Quốc tuân theo luật pháp quốc tế.
 
Qua phát biểu của Ngoai trưởng Mỹ Blinken, có thể thấy Mỹ tiếp tục duy trì lập trường đối với Phán quyết từ trước đến nay là “Phán quyết là cuối cùng và ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc; bác yêu sách của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn“ và nhắc lại lập trường đầy đủ rõ ràng của Mỹ về các yêu sách biển của Trung Quốc tại báo cáo Các giới hạn trên biển số 150, công bố vào tháng 01/2022. Đây là báo cáo chi tiết và đầy đủ về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách trên biển của Trung Quốc nhất từ trước tới nay.
 
Điểm đáng chú ý trong các tuyên bố ngoại giao quan trọng của Mỹ (có thể tính từ năm 2019 ) bao gồm tuyên bố nhân dịp kỷ niệm ngày Toà ra Phán quyết lần này, luôn đưa nội dung sẽ kích hoạt Hiệp định phòng thủ song phương (MDT) giữa hai nước ký năm 1951 trong trường hợp các lực lượng vũ trang, tàu công vụ và máy bay của Philippines bị tấn công ở Biển Đông. Lập trường bảo vệ đồng minh Philippines của Mỹ đã giúp trấn an đồng minh Philippines trong bối cảnh Philippines bị đơn độc trong việc muốn thực thi Phán quyết, bảo vệ chủ quyền vùng biển trước lo sợ bị tấn công. Cùng với sự hỗ trợ của các nước Phương Tây, đây có thể là 1 cơ sở quan trọng khiến từ năm 2020 đến nay, Philippines mạnh mẽ thúc đẩy thực thi Phán quyết, tăng cường phản đối ngoại giao và thực thi dầy đặc hoạt động tuần tra biển…
 
Nhật Bản. Ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố về kỷ niệm Phán quyết với các nội dung chính gồm: (i) Phán quyết có giá trị chung thẩm và ràng buộc với các bên trong tranh chấp là Philippines và Trung Quốc; Trung Quốc không công nhận Phán quyết là không tuân theo các quy định về giải quyết tranh chấp một cách hoà bình của Công ước; (ii) Nhật Bản đánh giá cao Chính quyền Philippines nhất quán tuân theo Phán quyết thể hiện cam kết giải quyết tranh chấp một cách hoà bình ở trên Biển Đông; (iii) Nhật Bản phản đối các yêu sách biển không phù hợp với Công ước; phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay cưỡng ép.
 
Qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 6 năm Toà ra Phán quyết so với Tuyên bố kỷ niệm 5 năm Toà ra Phán quyết (2021) và các tuyên bố lập trường của Nhật Bản về Phán quyết trước đây có thể thấy lập trường cơ bản xuyên suốt của Nhật Bản vẫn coi Phán quyết có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên Philippines và Trung Quốc, hối thúc các bên phải tuân theo Phán quyết. Nhật Bản là nước muốn thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, duy trì hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành thông qua việc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước luật biển 1982 do vậy, các tuyên bố ngoại giao của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông và Phán quyết của Toà trọng tài nhất quán trong việc kêu gọi tôn trọng Phán quyết và Công ước. Điểm mới thêm trong tuyên bố năm nay của Nhật Bản nêu đánh giá cao việc Philippines nhất quán trong việc tuân theo Phán quyết, thể hiện cam kết giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thể hiện sự khích lệ đối với Philippines trong việc thực thi Phán quyết, nhất là trong bối cảnh trong các năm 2020 , và 2021 Philippines luôn có các tuyên bố mạnh mẽ về giá trị của Phán quyết tại Liên hợp quốc và tuyên bố của Bộ Ngoại giao . Quan điểm ủng hộ thực thi Phán quyết của Nhật Bản, cùng có sự phối hợp với Mỹ và các nước Phương tây khác như Úc, Anh, Pháp, Canada...thể hiện trong những năm gần đây đối với Phán quyết.
 
So với năm 2021, năm nay chỉ có hai nước là Mỹ, Nhật Bản cùng ra tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ủng hộ Philippines về Phán quyết của Toà trọng tài (năm 2021, có thêm các nước Châu Âu như Úc, Canada...), các nước như Canada, Pháp, Thuỵ điển chỉ có tuyên bố về Phán quyết đăng trên Twitter của các Đại sứ quán tại Philippines mà không có tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao. Việc ít nước công khai ra tuyên bố ngoại giao hơn có thể lý giải do: (i) năm 2021 là 5 năm đầu tiên kỷ niệm ngày Toà Trọng tài ra Phán quyết nên các nước Phương Tây và Úc quan tâm, tập trung ra tuyên bố ngoại giao vào dịp này; (ii) trước đó, trong các năm 2020 -2021, nhiều nước Phương Tây, Úc và một số nước trong khu vực đã thể hiện lập trường ngoại giao của mình về Phán quyết trong các công hàm gửi lên Liên hợp quốc (cuộc chiến công hàm); (iii) sự kiện cuộc chiến tại Ukraine có thể làm phân tán quan tâm ngoại giao của các nước Phương tây đối với kỷ niệm Phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông trong năm nay. Tuy nhiên, tổng hợp từ các tuyên bố ngoại giao đơn phương và đa phương tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, G7 và các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt cho thấy quan điểm thắng thế hiện nay là đề cao giá trị của phán quyết trọng tài Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS, qua đó, kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, tôn trọng UNCLOS và DOC, không quân sự hoá và làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông./.
 
Nguyễn Hà Đông