15581578981_2716ba1af6_o.jpg

Tháng 12/2016, khi tờ Thời báo châu Á tìm cách làm rõ vấn đề này từ Đại sứ quán Anh ở Washington, Đại sứ quán đã khẳng định rằng “Anh không tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, mặc dù nước này sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình đi qua các vùng biển và vùng trời quốc tế khi cần thiết”. Việc Anh phủ nhận tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) “tương thích” với những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Michael Falon, những người đã không trực tiếp nhắc đến FONOP. Khi đề cập về hai tàu sân bay mới của nước này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2023, ông Boris Johnson nói rằng “một trong những nhiệm vụ đầu tiên của hai tàu hàng không mẫu hạm khổng lồ mới của chúng tôi là sẽ đi qua eo biển Malacca”. Còn ông Michael Fallon cho biết: “Chúng tôi đã không vạch ra những triển khai ban đầu nhưng các bạn sẽ mong đợi nhìn thấy những chiếc tàu này hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Năm 2020 có lẽ là thời điểm sớm nhất để có thể nhìn thấy một trong những chiếc tàu sân bay mới của Anh hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung - và Biển Đông nói riêng - và đến lúc đó biết đâu một thỏa thuận lớn có thể xảy ra. Về vấn đề này, các mối quan hệ luật quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ hay giữa Trung Quốc và Anh, cần phải được làm rõ.

Cả Trung Quốc và Anh, cùng với 164 quốc gia khác, là các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, có hiệu lực vào năm 1994. Đáng chú ý, Mỹ không phải là một bên tham gia UNCLOS và điều này ngay lập tức làm giảm khả năng của Washington khi tranh luận với Bắc Kinh về việc tuân thủ công ước và luật biển. Do đó, Anh và Trung Quốc sẽ được đặt ở vị trí tốt hơn để giải quyết vấn đề pháp lý về biển thông qua khuôn khổ UNCLOS. Điều này đưa chúng ta đến trường hợp của FONOP, liệu đây có phải là một phần thách thức đối với các tuyên bố hàng hải quá mức hay chỉ như một phần của sự khẳng định quyền đi lại bình thường. Việc các tàu chiến nước ngoài di chuyển từ lâu đã gây tranh cãi. Quyết định đầu tiên của Tòa án Công lý Quốc tế năm 1949, trong trường hợp Anh chống lại Albania, đã khẳng định rằng quyền đi lại vô hại qua lãnh hải được áp dụng như nhau đối với cả các tàu chiến và tàu buôn. Quyền này sau đó đã được ghi nhận trong Điều 14 của Công ước Geneva về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958. UNCLOS có một loạt điều khoản công nhận quyền hàng hải của tất cả tàu thuyền - bao gồm tàu chiến - trong lãnh hải, các eo biển quốc tế, các tuyến đường biển quanh các quần đảo và trong vùng đặc quyền kinh tế và các đại dương. Và Biển Đông cũng phù hợp với các điều khoản này. Theo đó, bất kỳ sự chuyển động của tàu chiến nước ngoài thông qua những vùng biển này đều là việc thực hiện quyền tự do hàng hải.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một tàu chiến nước ngoài càng đến sát bờ biển thì quốc gia ven biển càng muốn thực hiện quyền kiểm soát nhất định hoặc tìm kiếm những bảo đảm an ninh của họ. Quyền đi lại vô hại phản ánh mối quan tâm này và theo UNCLOS, tất cả các tàu nước ngoài trong vùng lãnh hải không được tham gia vào các hoạt động đe dọa. Tuy nhiên, Trung Quốc tìm cách áp đặt các điều kiện bổ sung đối với các tàu chiến nước ngoài trong phạm vi lãnh hải của nước này. Sau khi phê chuẩn UNCLOS năm 1996, Trung Quốc đã chỉ ra rằng những điều khoản “liên quan đến qua lại vô hại qua lãnh hải sẽ không được làm phương hại đến quyền của một quốc gia ven biển và yêu cầu tuân thủ pháp luật và các quy định của nước đó, một chiếc thuyền nước ngoài phải được sự chấp thuận từ trước hoặc đưa ra thông báo trước cho các quốc gia ven biển về sự di chuyển của các tàu chiến của họ đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển”. Anh đã bác bỏ lời tuyên bố này của Trung Quốc và một số nước khác và vào năm 1997, Anh khẳng định rằng họ không chấp nhận các tuyên bố của UNCLOS “nhằm mục đích đòi hỏi bất kỳ loại hình thông báo hay xin phép nào trước khi các tàu chiến hay các tàu khác thực thi quyền đi lại vô hại hay tự do hàng hải”. Những quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Anh về UNCLOS liên quan đến thông báo trước và cho phép sự di chuyển của tàu chiến - điều cũng gây tranh cãi giữa Hà Lan, Đức, Italy và Mỹ - tạo điều kiện cho việc Anh điều động tàu hàng không mẫu hạm đi qua Biển Đông vào năm 2020 và xa hơn nữa.

Tác giả Donald R. Rothwell là Giáo sư luật quốc tế, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á.”

Mỹ Anh (gt)