Tóm tắt

Phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thúc đẩy các luật sư xem xét lại những bằng chứng lịch sử do các bên tranh chấp Biển Đông đưa ra. Mặc dù Tòa Trọng tài không giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền hay ranh giới lãnh thổ, nhưng Tòa vẫn có quyền đặt nghi vấn về quyền lịch sử Trung Quốc tuyên bố để củng cố yêu sách của nước này. Các bằng chứng mới từ những nguồn khác cũng cho thấy thảo luận về vấn đề này không nên chỉ giới hạn trong những lập luận được đưa ra trong một số bài viết cách đây 30 năm. Xem xét kỹ các tài liệu được sử dụng trong các bài viết này cho thấy chúng chủ yếu dựa vào các nguồn của Trung Quốc. Các nghiên cứu lịch sử gần đây đưa ra những tư liệu mới về quá trình phát triển của các yêu sách chủ quyền đối lập tại Biển Đông. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận pháp lý quốc tế vẫn chưa xem xét những tư liệu này. Bài viết sẽ điểm một số tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực này và kêu gọi các bên đánh giá lại những tài liệu này. Theo đó, các bên có thể thảo luận về tranh chấp dựa trên cơ sở của các bằng chứng có thể xác minh được, đồng thời được phạm vi hóa thay vì chỉ dựa vào sự khẳng định mang tính dân tộc chủ nghĩa.

Giới thiệu

Tranh chấp Biển Đông bắt nguồn từ một số lập luận về chủ quyền lãnh thổ gây nhiều tranh cãi nhất vào đầu thế kỷ 21. Có năm nước, sáu bên tranh chấp các đảo, đá ở Biển Đông bao gồm Trung Quốc (Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc), Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. Những yêu sách này ngày càng phức tạp bởi tranh chấp về quyền đối với vùng biển được xác định từ các thực thể cụ thể; việc phân định các vùng biển; và khả năng các quốc gia có thể ngăn cản hoạt động của các tàu quân sự trong vùng biển của mình.

Các tranh chấp này có ảnh hưởng rất lớn bởi tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác. Một vài nhà quan ước tính giá trị thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm là hơn 5 nghìn tỷ USD.[1] Khu vực này cũng là tuyến đường biển quan trọng để các tàu quân sự trung chuyển giữa Châu Á, Trung Đông và Châu Âu. Theo góc nhìn của các nhà phân tích phương Tây, Biển Đông cũng là phép thử chiến lược cho việc trỗi dậy thành cường quốc của Trung Quốc. Các học giả này đánh giá quan điểm của Trung Quốc đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)[2] sẽ phản ảnh việc giới lãnh đạo nước này trong tương lai sẽ tuân thủ những quy tắc của hệ thống quốc tế hiện hành hay thách thức trật tự này.[3]

Nhằm làm rõ các tranh chấp, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Mặc dù Tòa không thể giải quyết vấn đề liên quan đến chủ quyền hay phân định biển, nhưng Tòa đã làm rõ liệu Trung Quốc có thể khẳng định “quyền lịch sử” ở Biển Đông hay không. Theo phán quyết ngày 12/7/2016: “Sau khi xem xét nội dung và bối cảnh của Công ước, Tòa Trọng tài khẳng định bác bỏ mọi quyền lịch sử một quốc gia có thể từng có ở khu vực hiện nay là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia khác.”[4] Nói cách khác, Trung Quốc không thể yêu sách quyền đối với tài nguyên biển vượt quá các quyền được quy định trong UNCLOS. Việc phủ định trực tiếp quyền lịch sử này, mà Trung Quốc dựa vào để củng cố yêu sách biển mơ hồ của nước này, có thể là một động lực cho việc xem xét một cách nghiêm túc hơn về câu chuyện này.

Tranh chấp Biển Đông chỉ bắt đầu hình thành từ những năm 1900. Mặc dù các bên yêu sách hiện nay đưa ra các bằng chứng sớm hơn để củng cố yêu sách của mình, nhưng rõ ràng giữa các bên không có tranh chấp bất kỳ hòn đảo nào trước thế kỷ 20. Bài viết này chỉ ra rằng tranh chấp đầu tiên diễn ra giữa Trung Quốc (nhà Thanh) và Nhật Bản đối với đảo Pratas, bắt nguồn từ việc phát hiện một thương nhân Nhật Bản tiến hành hoạt động khai thác phân chim. Sự kiện trên dẫn đến việc Trung Quốc bồi thường cho thương nhân này và Nhật Bản công nhận yêu sách của Trung Quốc vào cuối năm 1909. Điều này cũng dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với một số thực thể tại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1909.[5] Tranh chấp mở rộng trong những năm 1920 và 1930, với việc Pháp, các chính quyền khác nhau của Trung Quốc, và Nhật Bản theo đuổi các yêu sách tranh chấp ban đầu là Hoàng Sa và sau đó là Trường Sa.

Việc các bên tranh chãi gay gắt về lịch sử của tranh chấp ảnh hưởng lớn đến các nghiên cứu về yêu sách. Mục tiêu tìm kiếm một câu chuyện rõ ràng đã bị cản trở bởi những bí mật của chính quyền, tiếp cận hạn chế đối với các nguồn dữ liệu và rào cản ngôn ngữ. Tranh cãi trong giới luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế bị hạn chế do thiếu gắn kết với các lĩnh vực nghiên cứu khác; đặc biệt việc xem xét các nghiên cứu lịch sử đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, việc số hóa tài liệu khiến các dữ liệu vốn không thể tiếp cận lần đầu tiên được tiếp cận một cách dễ dàng. Hiện nay các nhà nghiên cứu dễ dàng hơn trong việc tìm tài liệu phản biện các câu chuyện được khẳng định trước đó.

Trong nỗ lực nắm bắt nguồn gốc của tranh chấp, nhiều người viết về pháp lý đã coi các bài viết của một bên này hay bên khác trong tranh chấp là bằng chứng của sự thật. Tác giả cho rằng nhiều văn bản trong số này là nhằm tạo ra yêu sách thay vì là bằng chứng cho các yêu sách sẵn có. Để hiểu được toàn bộ nguồn gốc của tranh chấp, cần có quan điểm phản biện trước mọi bằng chứng các bên đưa ra. Bài viết chỉ ra rằng, thông qua các nghiên cứu chi tiết về các nguồn tham khảo được sử dụng trong một số bài nghiên cứu nổi bật và so sánh với kết quả từ những nghiên cứu lịch sử gần đây, các nguồn tham khảo cơ bản cho việc thảo luận về Biển Đông trong cộng đồng luật quốc tế phạm phải những sai lầm nghiêm trọng. Những sai lầm này dẫn đến việc “các luật sư giỏi” đã viết “sai lịch sử”  - hoàn toàn khác biệt với các bằng chứng đã được xác minh. Những tác giả này sử dụng những lập luận không có cơ sở, dựa vào tư duy chủ nghĩa dân tộc, hơn là đánh giá một cách trung lập. Việc viết “sai lịch sử” khiến các tác giả này đưa ra hàng loạt kết luận sai lệch.

Những phân tích đầu tiên bằng tiếng Anh

Có rất ít hoặc hầu như không có các phân tích bằng tiếng Anh về tranh chấp Biển Đông trước năm 1974. Những bài viết đầu tiên chỉ xuất hiện sau “Trận chiến Hoàng Sa” vào tháng Giêng năm 1974, khi Trung Quốc chiếm nửa phía Tây Hoàng Sa do Việt Nam kiểm soát. Các bài viết pháp lý đầu tiên là của học giả người Trung Quốc làm việc tại Mỹ Đào Thành (Tao Cheng) trong tạp chí Luật Quốc tế Texas (Texas International Law Journal) do sinh viên biên tập vào năm 1975[6] và Khâu Hoành Đạt (Hungdah Chiu), cùng đồng nghiệp người Hàn Quốc Choon-Ho Park, trong bài viết được đăng cùng tạp chí trên năm 1975.[7] Cho tới  nay, các bài viết này vẫn có ảnh hưởng lớn. Hầu hết các phân tích pháp lý về tranh chấp Biển Đông sau này đều trực tiếp trích dẫn hai công trình trên hoặc tham khảo các nghiên cứu dựa trên hai công trình này. Điều này được chứng minh thực tế là một nghiên cứu năm 2014 về tranh chấp Biển Đông, do Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Mỹ (U.S. Center for Naval Analyses) thực hiện, đã trích dẫn nghiên cứu của Đào Thành 26 lần và của Khâu Hoành Đạt- Choon-ho Park 60 lần.[8]

Những năm sau này, các nhà nghiên cứu khác đã tham gia vào cuộc tranh luận - đáng chú ý có nhà Hán học Dieter Heinzig[9] và nhà địa lý người Mỹ Marwyn Samuels.[10] Các bài viết của hai tác giả này ảnh hưởng lớn tới các bài viết sau này về tranh chấp Biển Đông dưới góc độ của khoa học chính trị, quan hệ quốc tế và luật quốc tế. Google Scholar thống kê rằng các bài viết của Khâu Hoành Đạt- Choon-ho Park đã được trích dẫn bởi 79 bài viết khác, trong khi cuốn sách của Samuels được trích dẫn 143 lần. Loạt các bài viết lần thứ hai vào những năm 1990s - sau sự kiện Trung Quốc chiếm 6 đảo ở Trường Sa năm 1988 và Bãi Vành Khăn năm 1994[11]  - đã sử dụng các bài viết trước đó như nguồn chính để cung cấp bối cảnh lịch sử. Các tác giả có bài viết được trích dẫn có thể kể đến như Brian Murphy 1994 và Thẩm Kiến Minh (Jianming Shen) vào năm 1997[12]  và 2002[13]  với lần lượt là 34 và 35 lượt trích dẫn; Chi-kin Lo với cuốn sách xuất bản năm 1989[14]  được trích dẫn 111 lần. Các trích dẫn này có lẽ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì các bài viết của thế hệ sau còn trích lại hàng trăm lần nữa. Ví dụ như cuốn sách năm 2014 của Stefan Talmon và Giả Bình Bình (Jia Bing Bing) về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc[15] cũng dẫn các bằng chứng lịch sử từ những bài viết đã liệt kê bên trên.

Điểm chung của tất cả các tài liệu này là sử dụng các bài báo bằng Tiếng Trung làm nguồn tham khảo chính. Các tài liệu tham khảo Tiếng Trung được công khai vào thời điểm khi các thảo luận về Biển Đông đang được quan tâm. Đây không phải là các công trình nghiên cứu của các chuyên gia lịch sử nhưng lại khẳng định yêu sách có phần thiên lệch với những dẫn chứng khá hạn chế. Bài viết năm 1975 của Đào Thành[16] chủ yếu dựa vào các nguồn của Trung Quốc với các thông tin bổ sung từ báo chí Mỹ. Tài liệu tham khảo quan trọng nhất là ấn phẩm Bình luận Ngoại giao (Wai Jiao Ping lun/Foreign Affairs Review) tại Thượng Hải từ năm 1933 và 1934 và Tân Á Hàng Tháng (Xin Ya Xiya yue kan/New Asia Monthly) từ năm 1935. Các tài liệu này được bổ sung thêm các nguồn từ phiên bản 1974 của Minh Báo hàng tháng (Ming Pao Monthly) ở Hồng Kông. Các báo khác được trích dẫn lại bao gồm ấn phẩm 1933 của Tin tức Quốc gia Hàng tuần (Guo Wen Zhou Bao/National News Weekly) xuất bản ở Thượng Hải, Nhật báo Nhân dân (Renmin Ribao/People’s Daily) và Thời báo New York (The New York Times). Đào Thành đã không trích dẫn bất cứ nguồn tài liệu tiếng Pháp, tiếng Việt, và tiếng Philippines, ngoại trừ bài báo năm 1933 trên La Geographie được dịch và in lại trên ấn phẩm Bình luận Ngoại giao.

Bài báo 1975 của Khâu Hoành Đạt và Choon-Ho Park[17] chủ yếu dựa vào các nguồn tương tự. Trong các phần quan trọng, bài báo trích dẫn các bằng chứng dựa trên một bài báo công bố vào năm 1933 trên ấn phẩm Bình luận Ngoại giao[18]Tờ Ngoại giao Hàng tháng (Wai Jiao Yue Bao/Diplomacy Monthly),[19] Địa lý Hàng tháng (Fan Zhi yue Kan/Geographic Monthly) từ năm 1934,[20] cũng như Tin tức Quốc gia Hàng tuần Công báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Wai Jiao Bu Gong Bao/Gazette of the Ministry of Foreign Affairs).[21] Bài báo bổ sung thông tin từ các nguồn tài liệu thu thập của nhà địa lý Trịnh Tứ Viết (Zheng Ziyeu), làm việc cho Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc, và công bố trên Thông tin địa lý chung về các đảo trên Biển Nam Hải (Nanhai Zhudao Dili Zhilue/General Records on the Geography of Southern Islands) năm 1947[22] và các tuyên bố của Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1956[23] và 1974.[24]

Khâu Hoành Đạt và Choon-ho Park sử dụng một số tài liệu tiếng Việt, chủ yếu từ các thông cáo báo chí hay tờ thông tin do Đại sứ quán Việt Nam tại Washington cung cấp. Hai tác giả này cũng trích dẫn  một số “tài liệu chưa được công bố mà họ sở hữu”. Tuy nhiên, phần lớn nguồn của họ là từ báo chí Trung Quốc.

Trong một nghiên cứu một năm sau đó, Heinzig[25] đặc biệt dựa vào các ấn phẩm xuất bản của Hồng Kông được công bố sau sự kiện Hoàng Sa và nhằm mục đích ủng hộ yêu sách của Trung Quốc, bao gồm Niên đại 70 Hàng tháng (Qishi Niandai/Seventies Monthly) và Minh báo hàng tháng,[26] được công bố lần lượt vào tháng 3 và tháng 5/1974. Khuôn mẫu do Đào Thành, Khâu Hoành Đạt và Choon-ho Park, và Heinzig đặt ra được lặp lại trong cuốn sách của Marwyn Samuel trong khoảng thời gian đó. Trong phần giới thiệu sách, Samuel tự thừa nhận các nguồn tham khảo nghiêng về phía Trung Quốc, khi khẳng định:

Đây không phải một nghiên cứu chủ yếu về lịch sử biển, chính sách biển hay các lợi ích của Philippines hay Việt Nam. Ngay cả khi các yêu sách và các yêu sách phản biện được đề cập chi tiết, nghiên cứu đúng hơn hướng tới đặc điểm thay đổi trong chính sách biển Trung Quốc.[27]

Nhìn chung, Samuel thừa nhận rằng nghiên cứu Châu Á của ông chủ yếu tập trung vào các nguồn tài liệu tham khảo của Đài Loan. Tuy nhiên, các dữ liệu quan trọng liên quan đến hoạt động của Trung Hoa Dân Quốc ở Biển Đông đầu thế kỷ 20 chỉ được giải mật vào khoảng năm 2008/2009, rất lâu sau khi công trình của ông được công bố.[28]

Bối cảnh của các nguồn tài liệu này rất quan trọng. Năm 1933 là thời điểm Pháp chính thức thôn tính nhiều thực thể ở Trường Sa - gây ra làn sóng giận dữ khắp Trung Quốc. Khoảng thời gian sau tuyên bố của Pháp, vào ngày 14/7/1933,[29] là thời điểm các học giả và quan chức chính phủ Trung Quốc bắt đầu nỗ lực chung nhằm cố gắng xác định và thiết lập các bằng chứng cho yêu sách các thực thể ở Biển Đông. Vào năm 1956, một doanh nhân Philippines Tomas Cloma đã yêu sách hầu hết Trường Sa cho đất nước độc lập của ông với tên gọi “Vùng đất tự do” - vấp phải sự phản đối của Trung Hoa Dân Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và Việt Nam Cộng hòa; và năm 1974 là năm xảy ra sự kiện Hoàng Sa. Các bài báo công khai trong ba giai đoạn này không thể coi là nguồn chứng cứ trung lập và công bằng. Hơn nữa, các bài báo này nhiều khả năng sẽ thiên vị quan điểm của một quốc gia cụ thể. Điều này không có nghĩa rằng các bài báo trên không chính xác, nhưng cần thận trọng thẩm tra lập luận trong các bài báo này với những nguồn chính. Không phải được các tác giả trích dẫn là đã được chứng thực.

Trong suốt bốn thập kỷ qua, các nguồn thông tin mới về lịch sử của Biển Đông được khai thác và các bằng chứng mới đã được công khai rộng rãi. Kết quả là, chúng ta nhận thấy tất cả các nghiên cứu trước đây đều mắc phải những vấn đề lớn. Mặc dù là những nhà luật pháp xuất sắc, các tác giả này không phải là những nhà lịch sử giỏi. Họ chủ yếu dựa vào các nguồn không đáng tin cậy, không xem xét bối cảnh và ngôn ngữ cụ thể khi đi đến kết luận. Lịch sử sai hay không hoàn thiện dẫn đến nhưng nghiên cứu kém chất lượng. Các vấn đề này sau đó tiếp tục lặp lại và phổ biến trong nhiều nghiên cứu khác. Đến một mức độ nào đó, nó sẽ trở thành một nguồn tham khảo chính thống đối với các diễn biến của tranh chấp. Đã đến lúc các nghiên cứu này cần được đánh giá lại.

Các bằng chứng trước thế kỷ 19

Trong khuôn khổ bài viết không thể đề cập mọi yêu sách các tác giả đã đưa ra trong các sự kiện trước thế kỷ 19. Tóm lại, các tác phẩm của Đào Thành, Khâu Hoành Đạt và Choon-ho Park, và Samuels có nhận định chung rằng Trung Quốc là cường quốc về hải quân, thương mại, nghề cá ở Biển Đông. Ví dụ, Đào Thành đã viết: “Biển Đông là một phần quan trọng trong tuyến đường biển từ Châu Âu sang phía Đông từ thế kỷ 16. Đây là thiên đường cho các ngư dân từ Đảo Hải Nam, và cửa ngõ cho thương nhân Trung Quốc từ phía nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á từ những ngày đầu.”[30]

...

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bill Hayton, nhà nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu Châu Á, Viện Nghiên cứu Chatham House, London, Vương quốc Anh. Bài viết được đăng trên Ocean Development & International Law, Vol. 48, 2017.

Thùy Anh (dịch)

Tuấn Đinh (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.

 



[1]B. S. Glaser, “Armed Clash in the South China Sea: Contingency Planning Memorandum Update” (2015), Council on Foreign Relations, www.cfr.org/sasia-and-pacific/conflict-south-china-sea/p36377.

[2] Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, 1833 U.N.T.S.397

[3]A. S. Erickson, “America’s Security Role In The South China Sea,” Naval War College Review, 69 (2016): 7–20.

[4]In the Matter of the South China Arbitration (the Philippines and China), Award, 12/7/2016, đoạn 247, trang web của Tòa Trọng tài Thường trực, www.pca-cpa.org.

[5]B. Hayton, The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (New Haven, CT: Yale University Press, 2014), 65.

[6]Cheng Tao, “Dispute over the South China Sea Islands,” Texas International Law Journal 10 (1975): 265–277.

[7]H. Chiu và C. H. Park, “Legal Status of the Paracel and Spratly Islands,” Ocean Development & International Law 3 (1975): 1–28.

[8]Pete Pedrozo, “China Versus Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea,” Center for Naval Analyses, tháng 8/2014, www.cna.org/sites/default/files/research/IOP-2014-U-008433.pdf.

[9]D. Heinzig, Disputed islands in the South China Sea: Paracels, Spratlys, Pratas, Macclesfield Bank, (Hamburg: Institut fur€ Asienkunde, 1976).

[10]Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea (New York, NY: Methuen, 1982).

[11]Brian K. Murphy, “Dangerous Ground: the Spratly Islands and International Law,” Ocean and Coastal Law Journal 1 (1994): 187–212.

[12]Jianming Shen, “International Law Rules and Historical Evidence Supporting China’s Title to the South China Sea Islands,” Hastings International and Comparative Law Review 21 (1997–1998): 1–75.

[13]Jianming Shen, “China’s Sovereignty over the South China Sea Islands: A Historical Perspective,” Chinese Journal of International Law 1 (2002): 94–157.

[14]Chi-kin Lo, China’s Policy Towards Territorial Disputes: The Case of the South China Sea Islands (London: Routledge, 1989).

[15]S. Talmon and B. B. Jia, The South China Sea Arbitration: A Chinese Perspective (London: Bloomsbury Publishing, 2014).

[16] Cheng, xem chú thích số 6.

[17] Chiu và Park, xem chú thích số 7.

[18]Wai Jiao Ping Lun [Wai-chiao p’ing-lun/The Foreign Affairs Review], Shanghai, vol. 2, no. 10 (tháng 10/1933): 64–65.

[19]Wai Jiao Yue Bao [ Wai-chiao yueh€-pao/Diplomacy Monthly], quyển 3, số. 3 (Peiping [Peking], 15/9/1933): 78.

[20]Fanzhi Yuekan [Fan-chih yueh€-k’an/Geography Monthly], quyển 7, số. 4 (Nanking, 1/4/1934): 2.

[21]Wai Jiao Bu Gongbao [Wai-chiao-pu kung-pao/Gazette of the Ministry of Foreign Affairs] quyển 6, số 3 (July–September 1933), 208.

[22]Zheng Ziyue [Cheng Tzu-yueh],€ Nanhai Zhudao Dili Zhilue [Nan-hai chu-tao ti-li chih-lueh€] (A Brief Geography of the South Sea Islands) (Shanghai: Shang wu yin shu guan [Shang-wu ying-shu-kuan], 1947).

[23]Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc, được tóm tắt trong “Vietnamese Claim of Sovereignty Refuted,” Free China Weekly, June 26, 1956, tr. 3; Chung-yang jih-pao, 11/6/1956, p. 6; và Shao Hsun-cheng, “Chinese Islands in the South China Sea,” People’s China, no. 13 (Peking, 1956), Foreign Languages Press.

[24]Lien-ho-pao [United Daily News], ấn phẩm nước ngoài, 25/2/1974, tr. 3; “Memorandum on Four Large Archipelagoes” Bộ Ngoại giao Trung hoa Dân quốc (tháng 2/1974).

[25]Heinzig, xem chú thích số 9.

[26]Ming Pao Yueh€-k’an, no. 101, tháng 5/1974.

[27]M. Samuels, xem chú thích số 10, tr. xii.

[28]C. P. C. Chung, “Since Time Immemorial”: China’s Historical Claim in the South China Sea, MA Thesis (University of Calgary, 2013), 8.

[29]Thông báo công khai sau khi công bố các lưu ý trên the Journal Officiel de la Republi-que Francaise vào ngày 15/7/1933, tr. 7794, and 26/7/1933, tr. 7837.

[30]Cheng, xem chú thích số 6, tr. 266.