Hôm thứ Ba, Tòa Trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc ngay lập tức phản bác phán quyết, coi đó như một "trò hề chính trị" và coi bản án "không hơn gì một tờ giấy lộn". Giữa điệp khúc chỉ trích Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế, có thể sẽ rất kỳ quặc nếu hỏi rằng liệu hành vi của Trung Quốc trong trường hợp đều bắt nguồn từ những thực tiễn của các cường quốc khác trước đó, hay nói một cách khác, Trung Quốc về cơ bản chỉ là theo chân kẻ khác.

Trước khi đi đến kết luận về vấn đề đó, chúng tôi sẽ trả lời hai câu hỏi kì lạ hơn: Thứ nhất, đã có thành viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã từng tuân thủ phán quyết của một tòa án của Liên hợp quốc về một vấn đề liên quan đến Luật Biển hay chưa?

Thứ hai, có cường quốc nào đã từng chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế khi (theo quan điểm của họ) khi nó xâm phạm chủ quyền hoặc lợi ích an ninh quốc gia của mình hay chưa? Đơn giản mà nói, câu trả lời là không và không.

Từ ngày Philippines khởi kiện, Trung Quốc đã lập luận rằng Tòa Trọng tài không có thẩm quyền hợp pháp về vấn đề này vì nó liên quan đến "chủ quyền" – vấn đề các Tòa không được phép giải quyết theo quy định của UNCLOS.

Khi Tòa Trọng tài bác bỏ phản đối của Trung Quốc, Bắc Kinh đã từ chối tham gia tranh tụng và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa. Mỹ và các nước khác đã chỉ trích Bắc Kinh vì lập trường này. Nhưng một lần nữa, nếu chúng ta đặt câu hỏi rằng các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an đã hành động như thế nào trong trường hợp tương tự, thì câu trả lời sẽ không phải là điều mà chúng ta muốn nghe.

Khi Hà Lan kiện Nga sau khi hải quân Nga lên tàu và bắt giữ toàn bộ thủy thủ trên tàu của Hà Lan tại vùng biển ngoài khơi của Nga vào năm 2013, Moscow khẳng định rằng tòa, trong trường hợp này là Tòa án quốc tế về Luật Biển, không có thẩm quyền trong vấn đề này và từ chối tham gia tranh tụng. Nga cũng phớt lờ phán quyết của tòa rằng các thủy thủ phải được thả trong khi tranh chấp đang được giải quyết.

Sau này, khi Tòa Trọng tài được thành lập theo cách tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết rằng Nga đã vi phạm luật biển và yêu cầu Moscow trả tiền bồi thường cho Hà Lan, Nga đã từ chối. Dự đoán phán quyết của tòa trong vụ kiện của Philippines, sau đó Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: "Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc là một phần của thế giới dựa trên luật pháp. Chúng tôi muốn khuyến khích tất cả mọi người tuân thủ những phân xử này".

Có lẽ Anh đã quên mất rằng chỉ trong năm ngoái, Tòa Trọng tài ra phán quyết ủng hộ Mauritius và chống lại Anh vì Tòa cho rằng Anh đã vi phạm Luật biển bằng cách đơn phương thành lập một khu bảo tồn biển ở quần đảo Chagos. Chính phủ Anh đã phớt lờ phán quyết, và khu bảo tồn biển vẫn còn ở đó đến ngày hôm nay.

Mỹ chưa bao giờ bị kiện theo Luật Biển vì không giống như Trung Quốc, Washington chưa phê chuẩn UNCLOS, và do đó không bị ràng buộc bởi các điều khoản của công ước này. Chắc chắn các nhà bình luận Trung Quốc sẽ khai thác thêm điểm này trong những lời chỉ trích lẫn nhau mà chúng ta đang chứng kiến sau phán quyết của tòa.

Vụ việc gần nhất liên quan đến Mỹ tương tự như vụ kiện của Philippines xảy ra trong những năm 1980, khi Nicaragua kiện Washington tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vì đặt mìn phong toả bến cảng của Nicargua. Mỹ đã lập luận tương tự như Trung Quốc và nói ICJ không có thẩm quyền để xem xét vụ kiện của Nicaragua. Khi tòa án bác bỏ lập luận đó, Mỹ không chỉ từ chối tham gia các phiên tố tụng tiếp theo, mà từ chối luôn thẩm quyền của Toà đối với bất cứ vụ việc nào trong tương lai có liên quan đến Mỹ, trừ khi Washington đưa ra ngoại lệ một cách rõ ràng và yêu cầu tòa án xét xử vụ kiện.

Nếu đi theo tiền lệ đó, Trung Quốc có thể sẽ hoàn toàn rút khỏi Công ước Luật biển – cùng với Mỹ như là một trong số it những quốc gia không tham gia Công ước.

Trong vụ kiện của Nicaragua, khi tòa án ra phán quyết có lợi cho Nicaragua và yêu cầu Mỹ trả bồi thường, Mỹ đã từ chối. Khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tìm cách thông qua các nghị quyết yêu cầu Mỹ tuân thủ phán quyết của tòa án, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ sáu nghị quyết liên tiếp. Sau đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Jeane Kirkpatrick đã khéo léo tổng kết quan điểm của Washington về vấn đề này khi bà phê phán tòa như một "thể chế bán hợp pháp, bán pháp lý, bán chính trị mà các quốc gia đôi khi chấp nhận và lúc khác thì không".

Quan sát những gì các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an làm trong so sánh với những gì họ nói, thì thật khó để không đồng ý với quan điểm của nhà tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực rằng các toà án Luật Biển, Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ dành cho các quốc gia nhỏ. Các cường quốc không công nhận thẩm quyền của các tòa án này - ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt khi họ thấy lợi ích từ đó.

Kết luận của Thucydides về bài học Melian - "kẻ mạnh làm những gì họ muốn làm, kẻ yếu chấp nhận những gì họ phải chấp nhận" - có thể cường điệu. Nhưng với phán quyết của tòa chống lại Trung Quốc vào tuần này thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh lựa chọn đáp trả như cách mà các cường quốc khác đã từng làm.

Graham Allison là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Các vấn đề quốc tế Belfer của Trường Harvard Kennedy và tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Destined For War: America, China And Thucydides' Trap”. Bài viết lần đầu được đăng trên trang The Diplomat.

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.