Nội dung dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết bằng tiếng Trung Quốc của học giả người Trung Quốc Kang Lin và Luo Chuanyu được đăng trên tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, số 5 năm 2018, xuất bản ngày 8/10/2018. Bản dịch dưới đây nhằm phục vụ mục tiêu cung cấp tư liệu nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu và độc giả quan tâm, do đó không thể hiện quan điểm của website nghiencuubiendong hay quan điểm của Việt Nam.

Tóm tắt: Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, song việc đẩy mạnh khai thác chung giữa các quốc gia trong lĩnh vực này rất khó thực hiện do tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về quyền và lợi ích hàng hải giữa các bên trên Biển Đông. Từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc và Philippines đã triển khai nhiều cuộc tham vấn song phương về vấn đề khai thác chung tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, nhưng chưa đi đến kết quả. Vài năm trở lại đây, vấn đề khai thác chung tài nguyên dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines được dự đoán sẽ có bước đột phá mới nhờ sự xu thế ổn định ở Biển Đông và sự chuyển dịch trong quan hệ Trung Quốc – Philippines do đã thiết lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh và Manila nên cố gắng loại bỏ sự can thiệp từ biên ngoài, thận trọng lựa chọn các địa điểm, phát huy vai trò của cơ chế thoả thuận và áp dụng mô hình hợp tác kinh doanh linh hoạt để cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở các vùng biển liên quan trên Biển Đông một cách ổn định và hiệu quả.

Từ khoá: Biển Đông, nguồn tài nguyên dầu khí, khai thác chung, quan hệ Trung Quốc – Philippines.

Giới thiệu tác giả:

  • + Kang Lin, Phó trưởng khoa Du lịch, Đại học Hải Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Công tác Xã hội và Pháp lý, Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Hải Nam
  • + Luo Chuanyu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc – ASEAN thuộc Đại học Quảng Tây, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Kinh tế Ứng dụng.

Mã số phân loại: D822.334.1

Nội dung:

Khai thác chung là một nội dung quan trọng trong chủ trương và chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Vấn đề khai thác chung chịu tác động tích cực từ sự phát triển và duy trì tình hình ổn định trên Biển Đông, đặc biệt là thỏa thuận gần đây giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về dự thảo văn bản tham vấn duy nhất của “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC), cũng như sự chuyển dịch theo hướng tốt đẹp trong quan hệ Trung - Philippines kể từ cuối năm 2016 và qua đó, hai bên thành lập được cơ chế tham vấn song phương trên Biển Đông. Hiện nay là thời điểm thuận lợi cho việc thúc đẩy khai thác chung tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Nếu có những đột phá mang tính thực chất, điều này không chỉ đánh một dấu mốc cho việc củng cố sự phát triển hơn nữa của quan hệ Trung Quốc - Philppines, mà còn giảm các tác động bất lợi của vụ kiện trọng tài ở Biển Đông, đồng thời có khả năng dẫn dắt các quốc gia có liên quan khác. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm thúc đẩy tính khả thi và các thách thức trước mắt trong việc khai thác chung giữa hai nước mang một ý nghĩa thiết thực.

1.    Tình hình hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines

Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên dầu khí. Theo thống kê, trữ lượng tài nguyên dầu mỏ ở Biển Đông nằm trong khoảng 20 tỷ đến 30 tỷ tấn dầu, và trữ lượng khí gas tự nhiên khoảng 200 tỷ mét khối. Đây là một trong những bồn trũng chứa dầu và khí đốt lớn nhất trên thế giới. Vì tài nguyên dầu khí là nguồn tài nguyên chiến lược, nên việc khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển tranh chấp của Biển Đông luôn là mối quan tâm đặc biệt của tất cả các nước liên quan.

Đối với hai nước Trung Quốc và Philippines, hai bên chủ yếu có các tranh chấp liên quan đến quyền khai thác tài nguyên dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong và lưu vực Tây Bắc Palawan. Trong số đó, khu vực Bãi Cỏ Rong nằm hoàn toàn trong phạm vi đường đứt đoạn ở Biển Đông [Chú thích của người dịch: đường đứt đoạn hay còn gọi là đường chín đoạn/ đường lưỡi bò là yêu sách phi lý của Trung Quốc, bị các bên trong đó có Việt Nam phản đối kịch liệt]. Kết quả thăm dò gần đây cho thấy khu vực phía nam của Bãi Cỏ Rong có triển vọng tốt về phát triển dầu khí. Lưu vực Tây Bắc Palawan nằm ở phía Tây Nam của Philippines, do hai lưu vực Tây Palawan và Bắc Palawan tạo thành. Tổng diện tích của khu vực này là khoảng 30.000 km vuông. [2] Một phần của lưu vực Tây Bắc Palawan nằm trong phạm vi đường đứt đoạn, phần còn lại nằm ngoài đường đứt đoạn. Năm 1979, Philippines phát hiện ra mỏ dầu Nido ở khu vực này, và sau đó tiếp tục tìm thấy một số mỏ dầu và khí đốt vừa và nhỏ. Hiện tại, trữ lượng dầu tích lũy tương đương 141 triệu tấn dầu, và trữ lượng địa chất của khí tự nhiên là 129,9 triệu mét khối. [3]

Philippines là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu. Trong năm 2016, Philippines đã nhập 78,77 triệu thùng dầu thô, trong khi nước này chỉ sản xuất được 135.000 thùng dầu thô. [4] Để giảm bớt áp lực nhập khẩu năng lượng và loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào thị trường năng lượng quốc tế, chính phủ Philippines đã đẩy mạnh thăm dò tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, đồng thời tích cực tìm kiếm sự hợp tác khai thác dầu khí với phương Tây để cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. [5] Philippines luôn coi vùng Tây Bắc Palawan là khu vực thăm dò và khai thác ngoài khơi then chốt, và đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho khu vực này, nhưng kết quả thực tế không như mong đợi với rất ít trường hợp thành công. Ví dụ, mỏ khí Malapaya cách 80 km về phía Tây Bắc đảo Palawan thuộc khu vực SC38, do Công ty thăm dò Shell Petroleum Philippines, Công ty Chevron Malapaya và Tổng công ty dầu khí quốc gia Philippines cùng khai thác. Mỏ khí này có trữ lượng khí tiềm năng là 76,5 tỷ mét khối (khoảng 550 triệu tấn dầu tương đương), và chính thức được khai thác vào tháng 10 năm 2001 với thời gian khai thác là 25 năm. Đây là dự án khai thác khí đốt thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử của Philippines. Theo kế hoạch, mỏ khí Malapaya dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2025 do vậy, Philippines đang gấp rút triển khai việc tìm kiếm các mỏ dầu và khí đốt mới. Ngoại trưởng Philippines Kayatano đã tuyên bố với báo chí rằng "mỏ khí Malapaya" sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, do đó Philippines sẽ cùng phối hợp với Trung Quốc để thảo luận về tình hình thăm dò dầu và khí đốt trên biển. [6]

Khu vực Bãi Cỏ Rong được công nhận là một khu vực tập trung trữ lượng dầu khí lớn. Năm 2002, chính phủ Philippines đã công khai kêu gọi các nhà thầu nước ngoài tham gia vào các lô dầu khí được chia nhỏ ở Bãi Cỏ Rong, trong đó có lô PRC-1 là một lô nhỏ thuộc Bãi Cỏ Rong; sau đó, chính phủ Philippines lại tiếp tục chia các lô đã chia kể trên thành những lô nhỏ hơn để mời nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia vào, như lô GSEC-101. Năm 2004, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Arroyo, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc và Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines đã ký Hiệp định về “Công tác hợp tác địa chấn trên biển ở Biển Đông”, đồng ý hợp tác trước khi thăm dò đối với các nguồn dầu khí gần khu vực Bãi Cỏ Rong. Sau đó, Việt Nam tham gia thỏa thuận, và tháng 3 năm 2005 tại Manila, các công ty dầu mỏ của ba nước đã ký kết “Thoả thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực Thoả thuận tại Biển Đông”. Theo đó, thời hạn của thoả thuận là 3 năm và khu vực thoả thuận hợp tác là lô GSEC- 101. Ba nước cũng đã triển khai một loạt các hợp tác thực tế về hàng hải khác sau khi kí kết Thoả thuận trên. [7] Cuối năm 2008, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận hết hạn và ba bên cần đưa ra phương án hợp tác ba năm giai đoạn hai. Tuy nhiên, Quốc hội Philippines đã từ chối phê duyệt giai đoạn hai của dự án với lý do “Khu vực Bãi Cỏ Rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và việc khai thác tài nguyên biển trong phạm vi khu vực này liên quan đến các quyền chủ quyền của Philippines”. Sau đó, Quốc hội Philippines đã thông qua Luật đường cơ sở vào năm 2009, tuyên bố rằng Manila có "chủ quyền" tại vùng biển phía Tây - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại quần đảo Trường Sa, và xác định rõ phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế mà nước này tuyên bố. [8] Trên cơ sở Luật đường cơ sở này, chính quyền Philippines đã đổi tên của lô GSEC-101 thành lô SC72 để kêu gọi các nhà thầu nước ngoài. Công ty Forum Energy của nước Anh đã được cấp giấy phép thăm dò trong năm 2010 nhờ nỗ lực tìm kiếm và phát hiện ra mỏ dầu khí với trữ lượng lớn có tên là Sampaguita, với trữ lượng khí tự nhiên tiềm năng lên đến 56,6 tỷ mét khối. [9] Năm 2011, Forum Energy bắt đầu các hoạt động thăm dò dầu khí tại lô SC72 (nhưng không thể thực hiện được do sự phản đối của Trung Quốc). Chính phủ Philippines đã hai lần gia hạn thời gian thực hiện dự án thăm dò khí tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong trong hai năm 2015 và 2016.

Trong khi Thủ tướng Aquino III lên nắm quyền, chính phủ Philippines về cơ bản giữ vững lập trường không khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông, khuyến khích các công ty dầu mỏ trong nước tự tiến hành khai thác ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Tháng 6 năm 2011, Bộ Năng lượng Philippines đã khởi động vòng thứ tư của các dự án ký kết năng lượng, cho phép các công ty nước ngoài thăm dò lô thứ ba và thứ tư trong tổng số 15 lô thuộc phạm vi đường đứt đoạn. [10] Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các hoạt động đấu thầu của Philippines không nhận được sự hưởng ứng của các công ty dầu khí lớn của phương Tây. Vì thế, vào năm 2012, Công ty dầu mỏ Philippines Ferrex đã bắt đầu liên hệ với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để thảo luận về vấn đề khai thác chung tại lô SC72. Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila trước đó diễn ra tốt đẹp, nhưng vào phút cuối cùng trước khi đi vào ký kết thỏa thuận hợp tác, chính phủ Philippines bất ngờ yêu cầu thêm vào nội dung văn bản thoả thuận cái gọi là "thỏa thuận mở rộng", đồng thời yêu cầu xác định vai trò của các bên phải dựa trên phương thức của chủ sở hữu và đối tác khai thác chung. [11] Điều này tương đương với việc Manila yêu cầu Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Philippines đối với lô SC72, dẫn đến các cuộc đàm phán về vấn đề này lâm vào bế tắc. Vào năm 2013, Philippines đã đệ trình Vụ kiện trọng tài Biển Đông, trong đó trang thứ 8 [12] đề cập trực tiếp đến việc khai thác chung tài nguyên dầu khí. Đối với lô SC72 còn gây tranh cãi này, Philippines cho rằng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 - UNCLOS 1982 (sau đây gọi là "Công ước"), Bãi Cỏ Rong là một phần của thềm lục địa Philippines. Việc Philippines tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực Bãi Cỏ Rong là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, và không vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc. [13] Tuyên bố của Philippines là thiếu sót, nhưng phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài lại ủng hộ lập luận này của phía Philippines. [14]

Sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, chính sách của Philippines đối với Trung Quốc đã được điều chỉnh mạnh mẽ. Tháng 10 năm 2016, Tổng thống Philippines Duterte lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhắc lại rằng các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông không phải là toàn bộ quan hệ song phương giữa hai nước. Do đó, các tranh chấp trên Biển Đông phải được xử lý một cách thích hợp, và các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền nên được giải quyết một cách hòa bình giữa các nước có liên quan trực tiếp thông qua thương lượng và đàm phán hoà bình. [15] Điều này đã đặt nền tảng chính trị cho Trung Quốc và Philippines nhằm xử lý ổn thoả vấn đề Biển Đông trong bối cảnh mới. Đối với việc khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, Tổng thống Duterte đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác các nguồn tài nguyên trên biển. Tháng 7 năm 2017, trong báo cáo phát biểu về tình hình trong nước, Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh việc Philippines mong muốn thăm dò và khai thác chung dầu khí với Trung Quốc, và gợi ý rằng hai bên có thể hình thành một dự án liên doanh. [16] Tháng 9 năm 2017, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Yafenso Gus phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 35 rằng Philippines và Trung Quốc sẽ cùng nhau khai thác tài nguyên dầu khí trong lô SC57 nằm ở bờ biển phía Tây Bắc của Vịnh Palawan, và kế hoạch hợp tác đã được xây dựng hoàn chỉnh. Được biết, hợp đồng của lô SC57 có diện tích 720.000 ha và nằm bên ngoài đường đứt đoạn trên Biển Đông. Lô SC57 này sẽ do ba đơn vị Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc và Công ty Năng lượng Jadestone cùng phối hợp khai thác. [17] Đối với lô SC72 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bên ngoài, Người phát ngôn của Phủ Chủ tịch Philippines khẳng định do hai nước Trung Quốc và Philippines vẫn còn tồn tại các tranh chấp về quyền tài phán trong khu vực này (không giống như trường hợp của lô SC57), nên trước khi tiến hành khai thác chung, hai bên cần thảo luận các vấn đề về thực thể liên quan đến luật và ký kết các điều khoản hợp tác bằng văn bản phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế. [18] Tháng 8 năm 2018, Ngoại trưởng Philippines Kayatano cho biết Manila đã thành lập một nhóm công tác kỹ thuật đặc biệt (TWG) để thăm dò chung tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, và mong sớm ký một thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. [19] Nhìn chung, Tổng thống Duterte đã làm "tan băng" mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trong thời gian ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên thực hiện các hợp tác thiết thực trên biển.

2.    Những thách thức mà Trung Quốc và Philippines phải đối mặt trong việc khai thác chung tài nguyên dầu khí ở Biển Đông

Diễn tiến tình hình hiện tại trong mối quan hệ Trung Quốc - Philippines và sự ổn định tổng thể trên Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn cần làm rõ nội hàm cụ thể, cơ sở pháp lý, các điều kiện cần thiết cũng như những điểm tương đồng và khác biệt trong nhận thức về vấn đề "khai thác chung".

Đầu tiên, Trung Quốc và Philippines vẫn có các cách hiểu khác nhau về nội hàm của khai thác chung. Các học giả Trung Quốc thường cho rằng khai thác chung là khái niệm dùng để chỉ hai hay nhiều quốc gia đạt được hiệp định hợp tác giữa chính phủ trong việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực chồng lấn, qua đó phối hợp thực thi quyền tài phán trong khu vực và tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp. [20] Về vấn đề này, một số học giả Philippines nhận định rằng hai nước vẫn còn tồn tại sự khác biệt trong cách hiểu. Ví dụ, học giả Jay Batongbacal chỉ ra rằng điểm tham chiếu của Trung Quốc về vấn đề khai thác chung nằm ở việc xác định các vùng biển tranh chấp và tận dụng khai thác nguồn tài nguyên biển, tiếng Anh gọi là ‘joint development’ và đề cập đến phạm vi bao gồm cả lô SC72 và lô SC57. Trong khi đó, Philippines có xu hướng sử dụng ‘joint exploration’ để thể hiện hai nước đang thực hiện hợp tác thực tế trên biển, theo đó nhấn mạnh hơn vào việc cùng thăm dò tài nguyên, chứ không phải khai thác toàn diện, đề cập tới phạm vi cơ bản giới hạn trong lô SC57. [21]

Tiếp đến, có sự khác biệt trong cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines. Mọi người thường cho rằng cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung chủ yếu đến từ hai khía cạnh, một là dựa trên "nguyên tắc hợp tác" [22] và "nghĩa vụ đàm phán" [23] được đề cập trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc còn lại là dựa trên các biện pháp "sắp xếp tạm thời" được đề cập trong Công ước [24]. Đây là cơ sở chính của luật quốc tế về vấn đề khai thác chung trong các cuộc tham vấn và đối thoại giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vì phán quyết của Toà trọng tài ở Biển Đông ủng hộ chủ trương của Philippines, do đó nhiều người ở Philippines nhận định rằng đây là cơ sở quan trọng để Manila giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề về khai thác chung trong tương lai. Tổng thống Duterte cũng từng nhấn mạnh rằng ông sẽ không từ bỏ phán quyết của Toà trọng tài Biển Đông, đồng thời cho rằng đây là một "chiến thắng mang tính lịch sử" của Philippines, và đưa ra đề xuất về việc sử dụng phán quyết của Toà tại một thời điểm thích hợp.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Chú thích:

[1] Bài viết này thuộc Dự án Thanh niên của Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia "Thúc đẩy Nghiên cứu Chiến lược Khai thác Tài nguyên Dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông" (mã số dự án: 18CGJ026), Quy hoạch Khoa học Xã hội Triết học tỉnh Hải Nam với chủ đề quan trọng " Nghiên cứu phối hợp xây dựng khu kinh tế du lịch" (mã số dự án: HNSK (ZD) 18-02), một trong những thành quả của Dự án hạng nhất của Quỹ Hỗ trợ Khoa học sau Tiến sĩ Trung Quốc "Xây dựng con đường tơ lụa trên biển và chiến lược an ninh ở Biển Đông trong thế kỷ 21" (mã số dự án: 2017M610577).

[2] Yao Bochu, Wanling và Liu Zhenhu: “Động lực của sự phát triển kiến tạo các lưu vực trầm tích ở vùng Biển Đông và các nguồn dầu khí, Tạp chí Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, số 5, năm 2004, PP. 546-547.

[3] Li Jinrong, Fang Yinxia, Zhu Ying: "Đặc điểm phân bố và tình trạng khai thác tài nguyên dầu khí trong đường lưỡi bò ở Biển Đông", Tạp chí Luật Biển Trung Quốc, số 1, năm 2013, P. 37.

[4] “Năm 2016, lượng dầu nhập khẩu của Philippines giảm 13,5%", trang web chính thức của Bộ Thương mại, ngày 25 tháng 3 năm 2017, http://www.mofcom.gov.cn/article/i/jyjl/j/201703/20170302538525.shtml. (Thời gian truy cập20/8/2018)

[5] Mark J. Valencia, South-East Asian Seas: Oil Under Troubled Waters, Oxford: Oxford University Press, 1985, pp. 35-36.

[6] Zhang Ao: "Bật đèn xanh! Truyền thông Philippines: Duterte đã phê chuẩn việc Philippines và Trung Quốc khai thác chung ở Biển Đông, "Mạng lưới Hoàn cầu, ngày 17 tháng 8 năm 2017, http://world.huanqiu.com/exclusive/2017-08/11138695.html. (Thời gian truy cập20/8/2018)

[7] Wu Shicun, Giải quyết tranh chấp vì hợp tác và phát triển khu vực ở Biển Đông: Quan điểm của Trung Quốc, Oxford: Chandos Publishing, năm 2013, p.164.

[8] Anyingmin, Lựa chọn các mô hình khai thác chung cho tài nguyên dầu khí tại các vùng biển tranh chấp của Biển Đông, Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương đương đại, số 6, năm 2011, p.129.

[9] Kang Lin: "Một hồi khúc tuyệt vời: Cánh buồm Tam Sa lúc bấy giờ”, nhà xuất bản Phương Nam, năm 2014, p.136.

[10] Li Guoqiang, “Điều chỉnh chính sách thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông”, Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, số 6, năm 2014, p.107.

[11] Li Jinming, "Phân tích triển vọng ‘khai thác chung’ tài nguyên dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong giữa Trung Quốc và Philippines" Tạp chí Thái Bình Dương, số 5, năm 2015, p.83.

[12] "Trung Quốc can thiệp bất hợp pháp vào việc hưởng và thực hiện các quyền chủ quyền của Philippines, bao gồm quyền đối với các nguồn sinh học và phi sinh học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines". Xem thêm trong “Permanent Court of Arbitration (PCA), The South China Sea Arbitration (The Republic of Philippines v. The People’s Republic of China), The Philippines’ Memorial - Volume I, https://files.pca-cpa.org/pcadocs/Memorial%20of%20the%20Philippines%20Volume%20I.pdf. (Thời gian truy cập20/8/2018)

[13] PCA, The South China Sea Arbitration, The Philippines’ Memorial - Volume I.

[14] PCA, The South China Sea Arbitration Award of 12 July 2016, https://pcacases.com/web/sendAttach/2086. (Thời gian truy cập20/8/2018)

[15] Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Philippines, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao, ngày 21 tháng 10 năm 2016, http://www.fmprc.gov.cn/web/zyxw/t1407676.shtml. (Thời gian truy cập20/8/2018)

[16] Zhang Lu: “Tổng thống Philippines: Đối thoại thăm dò dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông đang được tiến hành”. Mạng Hoàn cầu, ngày 25 tháng 7 năm 2017, http://world.huanqiu.com/exclusive/2017-07/11028879.html. (Thời gian truy cập: 20/8/2018)

[17] Gisu: "Thăm dò dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines chỉ đợi một chữ ký của Tổng thống", tờ "World Daily" của Philippines ngày 28 tháng 9 năm 2017.

[18] Locke: "Dinh Tổng thống Philippines: thăm dò chung ở Biển Đông, Philippines có thể khống chế Trung Quốc", tờ "World Daily" của Philippines ngày 6 tháng 3 năm 2018.

[19] Kayatano: "Philippines đã chính thức thông báo cho phía Trung Quốc thành lập một tổ làm việc về vấn đề thăm dò chung", tờ "World Daily" của Philippines ngày 12 tháng 8 năm 2018.

[20] Gao Zhiguo,“The Legal Concept and Aspects of Joint Development in International Law,” Ocean Yearbook, Vol. 13, 1998, p. 112.

[21] Jay Batongbacal, “Philippine - China Joint Development Talks Still At An Impasse, Despite Green Light,” AMTI, ngày 13 tháng 4 năm 2018, https://amti.csis.org/philippine-china-joint-development-impasse. (Thời gian truy cập: 20/8/2018)

[22] Điều 1, các khoản 1 và 3 của Hiến chương Liên hiệp quốc quy định rằng mục đích của Liên Hợp Quốc làDuy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe dọa hoà bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; điều chỉnh hoặc giải quyết các vụ tranh chấp hoặc những tình thế có tính chất quốc tế có thể đưa đến sự phá hoại hoà bình, bằng phương pháp hoà bình theo đúng nguyên tắc của công lý và pháp luật quốc tế và “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo; Tham khảo thêm tại Hiến chương Liên Hợp Quốc, http://www.un.org/zh/sections/un-charter/chapter-i/index.html. (Thời gian truy cập: 20/8/2018)

[23] Điều 33, khoản 1, Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình.

[24] Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển quy định tương ứng việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhấn mạnh rằng “các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiều biết, và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”. Tham khảo các điều khoản có liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, http://www.un.org/zh/law/sea/los/article5.shtml. (Thời gian truy cập: 20/8/2018).

 Hải Yến (dịch)

Như Lý (hiệu đính)