12/08/2022
IPMDA có thể là sáng kiến được Quad tập trung thúc đẩy để tăng cường hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Quad cần cung cấp thêm thông tin về cơ chế hợp tác và giá trị chiến lược - kỹ thuật… để IPMDA được khu vực đón nhận và thực sự trở thành điểm nhấn của Quad.
Sau Thượng đỉnh Bộ Tứ (Quad) ngày 24/5, bốn nước đưa ra Tuyên bố chung nhắc đến hàng loạt sáng kiến hợp tác, bao gồm Sáng kiến Nhận thức Biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPMDA). Tuyên bố riêng của Mỹ ngay sau đó cũng đưa IPMDA lên hàng đầu. Mới đây, ngày 26/7, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ely Ratner tuyên bố Quad sẽ sớm giới thiệu sáng kiến với các đối tác tham gia tập trận SEACAT 2022 và hơn thế nữa. Vậy sáng kiến này có điểm gì đặc biệt để Quad và Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ đến vậy?
Nỗ lực mới để ứng phó với chiến thuật “vùng xám”?
Trong tuyên bố của Quad, IPMDA nhằm chia sẻ thông tin thực tế trên biển giữa Quad với các đối tác khu vực, thông qua công nghệ mới, nhằm ứng phó với thiên tai và các thảm họa nhân đạo.
Tuy nhiên, ứng dụng của IPMDA rộng hơn thế. Tuyên bố riêng của Mỹ lại nhắc đến việc dùng IPMDA để theo dõi các tàu “không phát tín hiệu” (dark shipping). Lãnh đạo Quad trong năm 2022 cũng đã lần đầu nhắc tới thách thức từ “dân binh biển”. Do đó, IPMDA rất có thể là biện pháp nhằm vào các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc dù Mỹ và Quad không nói thẳng thừng.
Trong năm 2021, Trung Quốc gia tăng hiện diện của các tàu khảo sát khoa học và tàu dân binh “đội lốt” tàu cá tại vùng tranh chấp Biển Đông (điển hình nhất là vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu). Các tàu này cũng thường tắt tín hiệu Nhận diện Tự động (AIS). Có thể, thông qua IPMDA, Quad sẽ cung cấp thông tin từ sớm và từ xa về các diễn biến này cho đối tác khu vực, để khu vực triển khai biện pháp ứng phó kịp thời.
Nếu quả thật như vậy, ứng dụng này sẽ song hành với chính sách gia tăng hiện diện cảnh sát biển tại khu vực để đối phó với các tàu dân binh mà Mỹ đang theo đuổi, cấu thành chiến thuật chống dân binh Trung Quốc của Mỹ trong thời gian tới.
Bản chất phi quân sự?
Theo thông tin hiện có, IPMDA thiên về màu sắc “phi quân sư” vì: i) hai mục tiêu của IPMDA mà Quad đưa ra (thiên tai và thảm họa nhân đạo) đều thuộc lĩnh vực an ninh biển phi truyền thống; ii) Mỹ nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng IPMDA sẽ sử dụng các thông tin từ nguồn “thương mại” và do đó mang tính “mở”. Để nhận diện các tàu, IPMDA sẽ tích hợp tín hiệu từ AIS và tần số radio – các nguồn rất phổ thông hiện nay. Theo một số nguồn, Quad sẽ mua lại dữ liệu từ công ty HawkEye 360 của Mỹ - công ty thương mại đầu tiên bán dữ liệu dựa trên tần số radio và đã từng xuất bản các báo cáo về hoạt động của các tàu không tín hiệu.
Tính “phi quân sự” của IPMDA cũng phù hợp với chương trình nghị sự của Quad. Khi lần đầu được khởi xướng năm 2007, Quad chỉ là tập hợp nhằm hỗ trợ nhân đạo sau cơn bão tại Ấn Độ Dương. Từ khi được khôi phục năm 2017 đến nay, Quad thiên về các hợp tác an ninh phi truyền thống như hỗ trợ y tế, chống COVID, đầu tư cơ sở hạ tầng hay cứu trợ cứu nạn... Tập trận hải quân Malabar thường được coi là hoạt động của Quad nhưng thực chất đã tồn tại từ những năm 90s – trước khi Quad ra đời.
Tuy nhiên, do chưa có thông tin kỹ thuật cụ thể, IPMDA cũng có thể được dùng để chia sẻ thông tin tình báo, nhằm vào các hoạt động của tàu quân sự hoặc có ứng dụng quân sự. Quad dự định kết nối Trung tâm Tổng hợp Thông tin tại Singapore vào IPMDA trong khi Trung tâm này thường tham gia các hoạt động tập trận quân sự như SEACAT. Các công nghệ mới dùng để theo dõi tàu cá, vượt qua hạn chế của công nghệ dựa vào AIS, cũng có thể dùng để theo dõi tàu quân sự.
Mặc dù Mỹ đang có xu hướng giảm bảo mật với các thông tin tình báo để có thể dễ dàng chia sẻ và phần lớn thông tin “tình báo” hiện nay đến từ nguồn dân sự - mở (tác giả Arthur S. Hulnick trong cuốn sách về tình báo của mình đã khẳng định 80% tin tình báo đến từ nguồn mở), hàm ý này của IPMDA vẫn có thể khiến một số đối tác của Quad e ngại.
Những vấn đề “bỏ ngỏ”?
Về cơ chế, Quad khẳng định IPMDA sẽ được thúc đẩy qua các Trung tâm Tổng hợp Thông tin trong khu vực. Hiện giờ, Quad đã hỗ trợ và hợp tác với bốn trung tâm như ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cụ thể là tại Ấn Độ, Singapore, Solomon và Vanuatu.
Tuy nhiên, Quad chưa cung cấp thông tin cụ thể về cơ chế hợp tác nếu khu vực tham gia vào IPMDA: Liệu các nước tham gia có phải đóng góp thông tin hay chỉ nhận thông tin một chiều - tương tự một số chương trình hợp tác của trung tâm thông tin tại Singapore? Nếu phải chia sẻ, hoạt động này sẽ được tiến hành dưới hình thức nào, qua kênh dân sự hay quân sự, qua ứng dụng hay hệ thống máy móc riêng?
Về giá trị, hiện nay, nhiều chủ thể đang thúc đẩy các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức biển (MDA) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Ấn Độ có Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với trụ cột riêng về MDA và đã mời toàn bộ ASEAN tham gia; EU có Sáng kiến Các Tuyến đường Trọng yếu tại Ấn Độ Dương (CRIMARIO) giai đoạn hai, trong đó có kế hoạch phổ biến phần mềm theo dõi thực địa trên biển qua vệ tinh (IORIS) cho khu vực; Nhật Bản cũng từng có Sáng kiến Đối thoại Shangri-La, tập trung vào MDA… Vậy IPMDA có điểm gì nổi bật so với các sáng kiến tương tự? Nếu không có, liệu IPMDA có được tích hợp với các sáng kiến tương tự của đối tác Ấn Độ và EU?
Nhìn chung, IPMDA có thể là sáng kiến được Quad tập trung thúc đẩy để tăng cường hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về chia sẻ thông tin và ứng phó với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Quad cần cung cấp thêm thông tin về cơ chế hợp tác và giá trị chiến lược - kỹ thuật… để IPMDA được khu vực đón nhận và thực sự trở thành điểm nhấn của Quad.
Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông Twitter: @hoangdo_m. Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân.
Tham khảo:
https://foreignpolicy.com/2020/11/25/india-japan-australia-u-s-quad-alliance-nato/
https://www.csis.org/analysis/pulling-back-curtain-chinas-maritime-militia
https://warontherocks.com/2022/05/the-quad-goes-to-sea/?__s=sahz2nfajogvc2x9xmto
Trong bối cảnh Biển Đông và Hoa Đông ngày càng liên thông về không gian biển và địa chiến lược, hợp tác an ninh biển của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước ven Biển Đông ngày càng phát triển.
Thông điệp liên bang năm 2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến Trung Quốc nhiều hơn Nga dù cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn, đậm màu sắc cấp tiến trong các mục tiêu đối nội.
Sau gần 3 năm theo đuổi chiến lược zero-covid, ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại nền kinh tế, các biện pháp phong toả đã hầu như được dỡ bỏ ở nhiều khu vực.
Kết quả Cuộc bầu cử địa phương năm 2022 của Đài Loan không quá bất ngờ bởi phản ánh tác động từ bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội Đài Loan và các diễn biến gần đây trong quan hệ hai bờ tới sự lựa chọn của cử tri. Việc Đảng Dân Tiến và chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn thiếu đột phá chính trị,...
Nếu chính quyền Tổng thống Marcos Jr. thuyết phục được Trung Quốc đồng ý cho một công ty Trung Quốc đầu tư vào hợp đồng dịch vụ của Philippines tại lô SC-72 ở Bãi Cỏ Rong dưới sự giám sát của Philippines với tỷ lệ lợi nhuận là 60-40 nghiêng về Philippines, thì thỏa thuận này sẽ phù hợp với Phán quyết...
Sau thời gian dài chờ đợi, mới đây, Chính quyền Biden đã đưa ra Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) – văn bản mang tính định hướng và toàn diện về an ninh của Mỹ. Văn bản đã phác họa bức tranh hoàn toàn mới về cục diện thế giới sau 5 năm và từ bỏ “chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc” được Chính quyền Trump...