Vụ việc diễn ra vào ngày 20/3/2016 ở phía bắc đảo Natuna của Indonesia, trong đó hai tàu hải cảnh được vũ trang của Trung Quốc đã ép tàu tuần tra của Indonesia phải thả tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển của Indonesia, một lần nữa cho thấy Jakarta đang đối mặt với thách thức về sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này và đường chín đoạn của Trung Quốc lấn sâu vào Biển Đông.

Indonesia không phải là bên tranh chấp ở Trường Sa nhưng vụ việc lần này là phép thử đầu tiên đối với tham vọng của Tổng thống Joko Widodo nhằm biến Indonesia thành một cường quốc biển, một chính sách mang nghĩa khẳng định chủ quyền đối với biên giới biển rộng lớn của nước này.

Mặc dù Indonesia ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực thiết lập một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) để tránh nguy cơ một cuộc xung đột công khai nhưng cách tiếp cận của Indonesia cho đến nay có vẻ như đang buông trôi một cách lạ thường trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực gia tăng.

Cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã lờ đi ba vụ việc xảy ra trước đây, hai vụ năm 2010 và một vụ năm 2013, trong đó các tàu pháo hạm của Trung Quốc đã ép tàu bảo vệ nghề cá của Indonesia phải thả những kẻ đánh bắt trộm của Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng biển Natuna.

Không những đường chín đoạn là một yêu sách mập mờ khó chịu mà cho đến nay Bắc Kinh vẫn từ chối giải thích, các vụ việc kể trên - thường không được công khai vào thời điểm xảy ra - còn cho thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng đe dọa sử dụng vũ lực để hiện thực hoá phiên bản yêu sách biển của mình.

Tương tự như người tiền nhiệm của mình, Widodo cũng đang do dự trong cách tiếp cận với Bắc Kinh, đặc biệt là khi các công ty Trung Quốc đang tài trợ và xây dựng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đối với ông, bao gồm dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bangdung và một số nhà máy nhiệt điện đốt bằng than.

Nhưng lần này Indonesia đã bắt giữ toàn bộ thủy thủ đoàn tám người và nêu phản đối chính thức. Bộ trưởng nghề cá và các vấn đề biển Susi Pudjiastuti triệu Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) để giải thích về vụ việc.

Indonesia luôn tuyên bố rằng nước này không có tranh chấp ở Biển Đông với Bắc Kinh nhưng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là tàu cá của nước này ở trong “khu vực đánh cá truyền thống của Trung Quốc” là điều khó mà bỏ qua.

Mặc dù Indonesia đã đánh chìm 155 tàu cá nước ngoài từ cuối năm 2014 khi chính sách trừng phạt những người đánh cá trái phép  có hiệu lực vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Widodo nhưng trong số đó chỉ có duy nhất một tàu gốc Trung Quốc – và thậm chí nó bị bắt từ tận năm 2009.

Ngay sau khi chiến dịch bắt đầu, bà Pudjiastuti nhận được một lá thư không có chữ ký nhưng có dấu của Đại sứ quán Trung Quốc gửi tới nhà bà, trong đó cảnh báo những hậu quả khôn lường nếu các tàu đánh cá bị bắt của Trung Quốc bị đánh đắm giống như các tàu cá đến từ Thái Lan, Việt Nam và các nước láng giềng khác. Bình luận về việc này, một nhà ngoại giao cấp cao của Indonesia nói: “Tôi nghĩ họ có tầm nhìn toàn cầu dài hạn và họ cho rằng ao nhà của Trung Quốc ở phía nam là một phần quan trọng trong tầm nhìn đó. Luật Biển không phải là chỉ dẫn duy nhất cho họ. Cái cần là bất cứ điều gì phục vụ lợi ích của họ.”

Trước những sự kiện đang diễn ra tại Biển Đông và nhiệm vụ bảo vệ quần đảo nằm vắt ngang qua một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới, điều lạ thường là Lực lượng vũ trang của Indonesia (TNI) chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong việc hoạch định chiến lược của nước này.

Thực vậy, thậm chí ngay cả Bộ điều phối các vấn đề chính trị và an ninh của Indonesia cũng chỉ thường xử lý các sự kiện hàng ngày trong nước hơn là đưa ra định hướng chiến lược về việc khu vực sẽ như thế nào trong 20 năm tới và quân đội phải đặt mình ở đâu trong bối cảnh đó.

Lực lượng vũ trang Indonesia rất ít phát biểu về sự can dự của nước lớn ở khu vực. Và như thế, mặc định là Bộ Ngoại giao đóng vai trò dẫn đầu trong việc theo đuổi một chính sách “tự do và tích cực” - được xây dựng chủ yếu xung quanh việc tăng cường vai trò của ASEAN như là một cộng đồng khu vực phát triển nhanh nhưng ít khi thống nhất.

Trong Sách trắng quốc phòng năm 2014 vẫn đang chờ được phát hành, Lực lượng vũ trang Indonesia công nhận khả năng Indonesia có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu căng thẳng trên Biển Đông nổ ra thành xung đột. Nhưng Sách trắng quốc phòng 2014 hầu như đánh giá thấp các mối đe doạ từ bên ngoài và coi khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia và nhập cư trái phép là các vấn đề ưu tiên.

Trong hai năm qua, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Indonesia Tướng Gatot Nurmantyo đã đưa các vấn đề trên vào một thuyết “âm mưu quốc tế” mới được phát triển, trong đó các quốc gia vô danh sử dụng các vấn đề ủy nhiệm nội địa để làm suy yếu đất nước từ bên trong và cướp đọat nguồn tài nguyên.

Vẫn chưa rõ là ông dùng bằng chứng nào để ủng hộ ý tưởng này nhưng đó là lý giải về mặt tư tưởng cho những nỗ lực của quân đội trong việc đóng một vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề an ninh nội địa. Viện Phân tích Chính sách về Xung đột (IPAC) nhận định trong một báo cáo gần đây: “Đối với TNI, giá trị của lý thuyết “chiến tranh uỷ nhiệm” (proxy war) nằm ở chỗ nó kết hợp các nguy cơ đến từ bên ngoài và bên trong và gợi ý rằng để giải quyết các mối đe doạ từ bên ngoài, quân đội phải củng cố vai trò an ninh nội bộ”.

Ngoài các nhân tố bề nổi kể trên, các quan chức trong khu vực phàn nàn rằng, Indonesia không có một chính sách ngoại giao nhất quán. Các nhà phê bình trong nước cũng đồng ý rằng vấn đề nằm toàn bộ trong quá trình hoạch định chính sách.

Ngay cả việc tiếp tục đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong chính sách ngoại giao tái năng động của Indonesia cũng không thực sự thuyết phục khi đa số người dân Indonesia đều coi Cộng đồng kinh tế ASEAN mới hình thành như một mối đe đoạ nhiều hơn là thách thức vì các yếu kém về mặt hậu cần và giáo dục.

Yudhoyono cũng công khai hoan nghênh chính sách “Xoay trục về châu Á” của Mỹ và việc luyện tập của Hải quân Mỹ ở Bắc Australia với lo lắng rằng các động thái xâm phạm nghiêm trọng gần đây của Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ làm tan rã ASEAN.

Tuy nhiên nếu đây là một ví dụ tiêu biểu cho chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, có thể nói Indonesia đã thất bại trong việc phát triển trên nền tảng vai trò lãnh đạo như nước này đã đề ra trong nhiệm kỳ Tổng thống Susilo hay trong việc đẩy mạnh hơn nữa COC – một nhân tố được kỳ vọng sẽ giúp Biển Đông trở nên an toàn hơn.

Tác giả John McBeth là phóng viên tại Jakarta. Bài viết lần đầu tiên được đăng trên The Strategist.

Người dịch: Phạm Duy – Lê Hà.

Bản dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.