South China Sea.jpeg

Bài viết phân tích về những diễn biến gần đây tại Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về đơn kiện của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Bài viết rút ra một số nhận định đáng chú ý sau: Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài, song Bắc Kinh đang có thái độ hòa hoãn hơn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chí ít là trong thời gian trước mắt. Thứ hai, hiện trạng đang có sự thay đổi tại Biển Đông có thể khiến các bên có tuyên bố chủ quyền tại đây, nhất là Trung Quốc, nghiêm túc xem xét việc tham gia những thỏa thuận khai thác chung. Thứ ba, bất kỳ thỏa thuận chung có ý nghĩa nào cũng sẽ phụ thuộc vào những ý đồ chiến lược của Trung Quốc, mặc dù áp lực trong nước ở từng quốc gia cũng đóng vai trò chủ chốt.

Các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang điều chỉnh để thích nghi với hiện trạng mới của khu vực. Phán quyết của Tòa Trọng tài hồi tháng 7 trao chiến thắng cho Philippines, đem lại cho Manila cùng các bên tuyên bố chủ quyền khác đòn bẩy hiếm hoi trước Bắc Kinh, song việc Bắc Kinh phản bác quyết định của tòa án đã làm giảm khả năng sẽ có sự can thiệp pháp lý đối với những tranh chấp biển trong khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải đối phó với môi trường Biển Đông ngày càng phức tạp, tạo cớ để các cường quốc bên ngoài can thiệp nhiều hơn, đồng thời đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng vào tình trạng thù địch.

Khả năng phán quyết của Tòa Trọng tài gây tổn hại tới các mối quan hệ tại Biển Đông có lẽ là nguyên nhân khiến tất cả các bên ở khu vực này trong hai tháng qua nhìn chung đều hạ giọng và có những cử chỉ hòa hoãn. Trung Quốc cùng các nước tuyên bố chủ quyền khác xem ra đều sẵn sàng chớp lấy cơ hội này để khai thông những chương trình nghị sự đang bị đình trệ, chí ít là vào thời điểm hiện tại. Những cử chỉ đó bao gồm thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm hoàn tất một khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trước giữa năm 2017 và một loạt thỏa thuận ba bên giữa Trung Quốc với các nhà lãnh đạo mới ở Philippines và Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số đề xuất cùng khai thác trên Biển Đông đã xuất hiện trở lại. Ngay sau phán quyết của tòa án, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố Sách Trắng, ngoài việc nhắc lại quan điểm cũng như những tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, cho biết thêm rằng Bắc Kinh không thay đổi chủ trương để ngỏ khả năng cùng khai thác trên biển. Quan điểm này đã được nhắc lại khi cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, đặc phái viên của đương kim tổng thống Rodrigo Duterte, được mời tới gặp các chuyên gia Trung Quốc, những người đã nêu khả năng hai nước cùng đánh bắt cá tại các vùng biển tranh chấp, trong đó có khu vực xung quanh Bãi cạn Scarborough.

Trong một động thái riêng rẽ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng hai nước nên tích cực thúc đẩy việc cùng thăm dò những vùng nước nằm ngoài Vịnh Bắc Bộ - nói cách khác là trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản đều đang phát tín hiệu sẵn sàng nối lại cuộc đối thoại đã bị gác lại lâu nay về việc thăm dò khí đốt tự nhiên trên biển Hoa Đông.

Nếu tách riêng ra, những đề xuất nêu trên không có gì đáng chú ý. Cùng khai thác là giải pháp đã nhiều lần được nêu ra tại Đông Á. Những cơ chế cùng khai thác từng nhiều lần làm dịu được căng thẳng tại những vùng biển mà các bên có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau. Do đó, nhiều chính phủ xem đây là phương án khả dĩ để làm dịu tình hình tại Biển Đông - khu vực có những ngư trường truyền thống khổng lồ và những mỏ dầu, khí đốt nhiều tiềm năng. Nhưng những nỗ lực cùng khai thác trước đây, nhất là thỏa thuận giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines hồi năm 2005 về việc cùng thăm dò địa chấn, đã thất bại chủ yếu do sự phản đối của người dân Philippines. Và trong những năm qua, sự hoài nghi về những ý đồ chiến lược của Bắc Kinh, cùng với việc nước này không ngừng bành trướng lãnh thổ và làm leo thang căng thẳng hàng hải, đã cản trở bất kỳ cuộc đối thoại tiềm tàng nào manh nha - chứ chưa nói đến thỏa thuận cùng khai thác - tại Biển Đông mà có liên quan đến Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh không đặt ưu tiên cho việc theo đuổi những thỏa thuận cùng khai thác. Do đó, việc Bắc Kinh gần đây lại đưa ra những đề xuất này đang tạo cơ hội để các nước vừa tìm hiểu ý đồ chiến lược của Trung Quốc đằng sau những thỏa thuận kiểu này, vừa đánh giá tính khả thi của chúng trong bối cảnh tình hình mới tại Biển Đông.

Chính sách thực dụng hay chiến lược trì hoãn?

Dẹp sang một bên những tranh chấp và theo đuổi việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên là trọng tâm trong chính sách biển của Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970. Khái niệm này được Đặng Tiểu Bình đưa ra khi ông mở cửa nền kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy cải cách trong nước. Nhằm làm dịu những áp lực từ bên ngoài lên Trung Quốc, ông Đặng đã áp dụng chủ trương cùng các nước láng giềng phát triển kinh tế tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hầu hết những quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cũng tán thành việc cùng khai thác như là biện pháp để có được nguồn tài nguyên dưới đáy biển (đáng chú ý là tại các vùng biển tranh chấp chỉ có một vài lô dầu và khí đốt tự nhiên đã được chứng minh là khả thi về mặt thương mại, những rủi ro tài chính và những yêu cầu về công nghệ để thăm dò năng lượng tại vùng biển này khiến cho nhiều bên tuyên bố chủ quyền không thể tự mình khai thác được nếu không có đối tác nước ngoài). Nhưng trên thực tế, trong khi Bắc Kinh theo đuổi những cơ hội cùng khai thác từ những năm 1990, thì các bên tuyên bố chủ quyền còn lại nhìn chung cho rằng việc cùng thăm dò sẽ có lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn. Sự hoài nghi về những mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh đã liên tục khiến các thỏa thuận cùng khai thác bị phá sản.

Một cản trở chính đối với những thỏa thuận kiểu này là việc Chính phủ Trung Quốc khăng khăng rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những vùng biển tranh chấp. Nói cách khác, ký thỏa thuận cùng khai thác với Trung Quốc đồng nghĩa với việc phía bên kia phải công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp, do đó những thỏa thuận như vậy khó có thể được chấp nhận về mặt chính trị. Những bất đồng xung quanh sự công nhận chủ quyền dẫn đến những thỏa thuận cùng khai thác đầu tiên liên tục bị gián đoạn, trong đó có thỏa thuận hồi năm 2011 giữa Philippines và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc xung quanh Bãi Cỏ Rong gần quần đảo Trường Sa. Những hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc vẫn là mối quan ngại chính đối với Việt Nam và Philippines mặc dù họ được lợi từ những thỏa thuận như vậy.

Trung Quốc thường đưa ra đề nghị cùng khai thác tại những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của những nước có tuyên bố chủ quyền. Những đề nghị này có thể được hiểu là âm mưu của Trung Quốc nhằm mở rộng lãnh thổ sang những khu vực mà họ không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp xét theo luật quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam phản đối quyết định của Trung Quốc mời các đối tác nước ngoài vào cùng khai thác 9 lô dầu khí gần Bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát (cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý). Việt Nam coi đề nghị này tương đương với tuyên bố của Trung Quốc rằng: “Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh là của tôi, và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ”. Một phần lý do của tình trạng biên giới mập mờ này là sự mơ hồ của những tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Bất kỳ thỏa thuận cùng khai thác nào được ký kết trước khi các bên đạt được sự nhất trí về vấn đề chủ quyền cũng có thể đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa những tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Hồi năm 2011, Manila đã đề xuất một cơ chế để phân tách các khu vực tranh chấp và không tranh chấp ở Biển Đông và thúc đẩy cùng hợp tác tại khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh coi đề xuất này là thách thức nghiêm trọng đối với những tuyên bố chủ quyền của họ.

Những lợi thế chiến thuật của Trung Quốc

Dù cố tình hay không, tiến triển của các thỏa thuận cùng khai thác bị chững lại - cùng với những tuyên bố chủ quyền mập mờ của Bắc Kinh - đem lại cho Trung Quốc một kết quả mà họ rất mong muốn: thời gian. Trước thập niên 90 của thế kỷ trước, Bắc Kinh theo đuổi chiến lược không khẳng định những tuyên bố chủ quyền một cách quá mạnh mẽ để làm giảm bớt nguy cơ xảy ra xung đột do những tuyên bố chồng chéo giữa các bên, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho họ phát triển nền kinh tế và quân đội. Khi Trung Quốc đã lớn mạnh, lực lượng hải quân và chấp pháp trên biển của họ, cùng với những khả năng công nghệ xây dựng đảo nhân tạo và thăm dò dưới đáy biển, đã làm thay đổi mạnh mẽ nguyên trạng trên Biển Đông. Những biến đổi này tất yếu định hình cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với bất kỳ cơ chế cùng khai thác nào.

Những khả năng công nghệ và quân sự của Trung Quốc tạo cho nước này lợi thế chiến thuật khi thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể thực thi các biện pháp đơn phương để gây áp lực lên những bên tuyên bố chủ quyền khác, khiến cho Việt Nam và Philippines, hai nước lớn tiếng nhất phản đối những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, chỉ còn rất ít sự lựa chọn đối với việc đơn phương khai thác. Do những nước này hầu như không có khả năng khai thác tài nguyên biển một cách độc lập, nên họ phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng khai thác dầu và khí đốt tại Biển Đông chưa rõ ràng, áp lực quân sự và kinh tế từ Trung Quốc cũng ngăn cản các công ty nước ngoài ký kết thỏa thuận với 2 quốc gia này tại những vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, qua những gì thể hiện trong vụ Bãi cạn Scarborough, các tàu tuần tra ven biển tối tân và đội tàu đánh cá có vũ trang của Bắc Kinh đã cản trở một cách hiệu quả ngư dân của Philippine đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của họ suốt từ năm 2012 đến này. Tóm lại, Bắc Kinh đang buộc các nước tuyên bố chủ quyền phải chấp nhận những tuyên bố chủ quyền của họ thì họ mới xem xét bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa nào.

Giải quyết những động lực trái chiều

Nhiều nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh tin rằng chính sách nêu trên đã đem lại nhiều kết quả cho chương trình nghị sự đối ngoại của họ. Những bên tuyên bố chủ quyền – nhất là Việt Nam và Philippines, và trong chừng mực nào đấy cả Indonesia lẫn Malaysia – đã phản ứng trước những hành vi xâm lấn của Bắc Kinh trên biển bằng cách tăng cường khả năng hải quân và an ninh và tìm kiếm hợp tác từ các cường quốc bên ngoài, như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ để có được sự ủng hộ về quốc phòng, năng lượng và chính trị. Điều này vô hình trung tạo lý do để những cường quốc nêu trên đối phó với Trung Quốc, hình thành một chiến dịch can thiệp trên quy mô lớn hơn nhiều vào Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh đã hiểu ra rằng liên tục xung đột với các nước láng giềng mâu thuẫn với nguyện vọng của họ là duy trì quan hệ tốt với những quốc gia này - khía cạnh đặc biệt quan trọng trong chính sách toàn cầu mới của Bắc Kinh.

Ở điểm này, có lẽ Bắc Kinh đã nhận thức được những nguy cơ và hậu quả của việc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Trên thực tế, giữa các nhà hoạch định chính sách này xem ra đã đạt được phần nào sự nhất trí rằng "sự mơ hồ chiến lược" xung quanh tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ - cộng với “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý, và thái độ bất chấp luật pháp quốc tế - đã chạm ngưỡng giới hạn. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang trong tiến trình diễn giải lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và cố gắng tỏ ra tuân thủ luật pháp quốc tế một cách nghiêm túc hơn.

Không chắc Bắc Kinh có giảm bớt lối hành xử quyết đoán tại Biển Đông hay không. Thay vào đó, nguyên trạng mới trên biển - cùng với phán quyết của tòa án - có thể cho phép Bắc Kinh xem xét lại những chiến lược nào là tốt nhất cho lợi ích của họ, mặc dù những chiến lược đó sẽ mất vài năm để triển khai và khiến cho những kế hoạch của họ bị gián đoạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang rất cần tránh những cuộc đối đầu quân sự công khai, ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can thiệp sâu vào khu vực và tránh chọc giận các nước láng giềng ASEAN, Bắc Kinh khó có thể tiếp tục lối hành xử trên Biển Đông như trong thời gian qua vì chủ trương này đã chứng tỏ là gây phản tác dụng.

Cùng khai thác: Lối thoát khả thi?

Đối với nhiều quốc gia yêu sách chủ quyền, việc khai thác tài nguyên tại những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành nhu cầu kinh tế cấp thiết hơn bao giờ hết. Với việc các lô dầu và khí đốt tự nhiên gần bờ đã qua thời kỳ đạt sản lượng đỉnh cao, Việt Nam cần có những nguồn năng lượng mới để phục vụ nền kinh tế nội địa và tạo nguồn thu xuất khẩu để trang trải cho nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế ngày càng tăng.

Philippines có một số cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên, song nhập khẩu gần như toàn bộ dầu thô. Tiềm năng dầu và khí đốt tự nhiên tại Biển Đông, đặc biệt là ở xung quanh Bãi Cỏ Rong, cũng như tính khả thi về mặt thương mại đã được chứng minh của trữ lượng khí đốt tự nhiên tại đây, lớn đến mức không thể phớt lờ. Mặc dù Trung Quốc có những nhu cầu tương tự - nước này phụ thuộc nhiều vào dầu và đang phải đương đầu với nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng tăng - song việc khai thác tài nguyên biển đáp ứng những lợi ích chiến lược của Bắc Kinh nhiều hơn nhiều so với những mục tiêu kinh tế. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của khu vực vào trữ lượng cá trên biển khiến cho việc độc quyền khai thác nguồn tài nguyên này là điều không thể. Trong bối cảnh các nước tuyên bố chủ quyền nôn nóng muốn khai thác tài nguyên biển và Bắc Kinh xem xét lại chiến lược của họ, cả hai bên có thể sẽ quan tâm hơn tới những thương vụ cùng khai thác.

Mặc dù chưa có một thỏa thuận chung nào trên Biển Đông liên quan đến Trung Quốc, song đó vẫn là một phương án. Bắc Kinh liên tục bày tỏ hy vọng rằng gói thỏa thuận với Việt Nam cùng khai thác và phân định ranh giới tại Vịnh Bắc Bộ có thể là mô hình cho những thỏa thuận trong tương lai tại Biển Đông. Theo Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, Bắc Kinh và Hà Nội đã tiến hành một số vòng tham vấn về khả năng hợp tác trên Biển Đông, dựa trên mô hình Vịnh Bắc Bộ, song chưa đạt được tiến triển. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tỏ ra linh hoạt hơn với những bên tuyên bố chủ quyền mà họ cho là có thái độ hợp tác khi những nước này theo đuổi những thỏa thuận cùng khai thác riêng. Chẳng hạn, Bắc Kinh hầu như không có phản ứng khi Malaysia và Brunei hồi năm 2015 ký thỏa thuận cùng thăm dò dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, mặc dù hoạt động thăm dò diễn ra tại khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Sự khác biệt trong phản ứng của Trung Quốc có lẽ bắt nguồn từ thực tế Malaysia và Brunei không làm rùm beng những mâu thuẫn với Trung Quốc, song điều này cũng có thể phản ánh mức độ linh hoạt mà Bắc Kinh có thể có trong các tuyên bố chủ quyền.

Về mặt lý thuyết, những thỏa thuận cùng khai thác có thể cho phép Bắc Kinh biện minh cho vai trò thống trị của họ tại Biển Đông và bành trướng lãnh thổ dưới vỏ bọc hợp tác sang những khu vực mà nước này không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp, đồng thời cho phép những nước tuyên bố chủ quyền có được nguồn tài nguyên mà họ cần. Nhưng trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận thực chất nào, cần phải gỡ bỏ một số trở ngại.

Đứng đầu là câu hỏi liệu Bắc Kinh có sẵn lòng giảm bớt những tuyên bố chủ quyền mà nhờ đó họ đã tạo được lợi thế chiến thuật tại Biển Đông hay không. Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ vấp phải sự phản đối của làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, vốn xem bất kỳ thỏa thuận cùng khai thác nào cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ chủ quyền, do đó sẽ đặt ra thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Những rào cản tương tự cũng xuất hiện tại Việt Nam và Philippines vì những hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong mấy năm qua khiến dân chúng hai nước này có thái độ kiên quyết phản đối bất kỳ dàn xếp nào kiểu như vậy với Bắc Kinh. Trên thực tế, tại Philippines, chính tâm lý này cùng với quan niệm cho rằng chính phủ đang hành xử sai lầm và tham nhũng, là lý do chính khiến Manila rút khỏi thỏa thuận ba bên về liên doanh khảo sát địa chấn hồi năm 2005. Trong khi đó, Hiến pháp Philippines quy định các thực thể của Philippines phải giữ 60% vốn và quyền sở hữu trong bất kỳ liên doanh khai thác nào với các công ty nước ngoài - một điều kiện mà Bắc Kinh khó có thể chấp nhận trừ phi cả hai bên đều có sự nhân nhượng./.

Theo "Stratfor"

Anh Thư (gt)