Các tranh chấp biển kéo dài khiến Biển Đông trở thành một điểm nóng của khu vực, có khả năng bùng nổ thành xung đột vũ trang giữa các quốc gia yêu sách bất kỳ lúc nào. Một cuộc xung đột lớn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác dù không phải là bên tham gia tranh chấp, bao gồm cả Mỹ và Nhật. Thay vì việc đợi chờ biến cố xảy ra, với rủi ro leo thang thành xung đột, một cách để củng cố lợi ích các bên là tiến đến một cơ chế hợp tác giám sát với sự tham gia của những quốc gia có lợi ích mạnh mẽ trong việc tránh các khiêu khích và xung đột quân sự không cần thiết ở Biển Đông. Công nghệ vệ tinh hình ảnh thương mại và dân sự chất lượng cao trong vòng 15 năm qua đã tạo nên một công cụ hiệu quả cho việc xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác ở Biển Đông.

Nguy cơ xung đột và tranh chấp Biển Đông 

Biển Đông lâu nay là trung tâm của các yêu sách biển đối kháng giữa các quốc gia ven biển. Nổi bật nhất là các yêu sách liên quan đến quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông. Đây là một trong những tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất ở Châu Á, liên quan đến khoảng gần 100 hòn đảo nhỏ, đảo đá, bãi chìm và các đá với tổng diện tích chỉ khoảng một vài cây số vuông trong một vùng biển rộng vài trăm nghìn cây số vuông. Năm bên có yêu sách khá lâu đối với Biển Đông là Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – những bên này đã chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự hoặc các cơ sở dân sự trong vòng sáu thập kỷ qua. (Brunei cũng là một bên trong tranh chấp dù không chiếm đóng thực tế bất kỳ đảo nào).

Các điểm nóng khác ở Biển Đông còn có quần đảo Hoàng Sa, bị chiếm đóng bởi Trung Quốc chiếm đóng và Việt Nam vẫn khẳng định yêu sách. Ngoài ra, Bãi Scarborough, một bãi đá bị bỏ hoang ở phía bắc quần đảo Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là nơi diễn ra cuộc đấu không tiếng súng giữa Trung Quốc và Philippines vào tháng 4/2012. Gần đây, Manila tuyên bố rằng họ có hình ảnh chụp trên không của các khối bê tông đặt ở bãi cạn cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây một cơ sở tại đây. [1]

Có nhiều nguyên nhân khiến các bên yêu sách tăng cường bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Chỉ riêng vấn đề chủ quyền (các quốc gia cho rằng mình có quyền sở hữi đối các vùng biển và lãnh thổ đảo trong đó) đã đủ khiến các bên sẵn sàng thúc đẩy yêu sách của mình đến mức khủng hoảng và thậm chí là xung đột quân sự. Chủ nghĩa dân tộc lên cao càng làm phức tạp tình hình bởi nó hạn chế không gian ngoại giao khi các tranh chấp này bùng lên. Các lợi ích an ninh và cạnh tranh tài nguyên trong khu vực (ngư trường đánh bắt cá và các nguồn tài nguyên hydrocarbon) cũng là những nguyên nhân quan trọng. Cả tàu đánh cá và tàu khai thác năng lượng đều đã trở thành những “con tốt” trong bàn cờ khi các bên yêu sách tranh giành lợi thế để khẳng định yêu sách.[2] Cuối cùng, cuộc đua giành nguồn tài nguyên hạn hẹp lại càng trở nên tệ hơn bởi cách diễn giải Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển của các bên yêu sách. Phần lớn các bên sử dụng việc chiếm đóng liên tục các vị trí chủ chốt trong quần đảo Trường Sa để biện hộ cho yêu sách quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế bao phủ các vùng nước rộng lớn ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc dựa vào luận điểm chủ quyền lịch sử để khẳng định yêu sách bành trướng của mình.

Cuộc cạnh tranh giữa các bên yêu sách về quyền kiểm soát Trường Sa dường như vẫn còn ít rủi ro hơn so với một tranh chấp tương tự đang diễn ra ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, vừa bùng lên từ tháng 9/2012.[3] Tuy nhiên, không nên coi thường nguy cơ xảy xung đột quân sự không đoán trước từ các tranh chấp Biển Đông kéo dài với những hệ lụy quốc tế rộng lớn, nhất là khi các bên tranh chấp và các quốc gia bên ngoài đều có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, như vấn đề tự do hàng hải. Mức độ phức tạp của tranh chấp Biến Đông càng tăng lên bởi ý chí của Trung Quốc, sẵn sàng sử dụng ngoại giao cưỡng bức để bảo vệ các lợi ích của nước này, bên cạnh vai trò cương quyết của Philippines và Việt Nam trong việc đối phó với những gì mà họ xem là sự xâm lấn của Trung Quốc đối với các lợi ích biển của họ. Sự leo thang bất ngờ trong tranh chấp chủ quyền kéo dài giữa Argentina và Anh liên quan đến quần đảo Falkland (hay Malvinas) vào năm 1982 là một lời nhắc nhở thận trọng rằng các tranh chấp lãnh thổ kéo dài đôi khi sẽ bùng nổ thành xung đột vũ trang với hệ quả to lớn, mặc cho các trông đợi kiềm chế thông thường.[4]

Dù các tranh chấp này thường là cuộc chiến ngôn từ, nhưng chúng thỉnh thoảng có thể trở nên bạo động. Khi tranh chấp vượt ra ngoài khuôn khổ các phản đối và cáo buộc ngoại giao, chúng có thể chuyển thành những hành động khiêu khích hơn, đôi khi gây ra thương vong, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn trong khu vực. Các đây bốn thập kỷ, Trung Quốc đã dùng vũ lực để đẩy Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, quần đảo nằm ở phía Bắc Trường Sa.[5] Năm 1988, Trung Quốc và Việt Nam đã đối đầu nhau ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, khiến Việt Nam mất 3 tàu và 70 thủy thủ bị thiệt mạng hoặc mất tích. Giữa thập kỷ 1990, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sự hiện diện bằng cách xây dựng các “pháo đài biển” cho lính đóng quân tại Đá Vành Khăn, nằm ngay giữa vùng biển yêu sách bởi Philippines. Gần đây, đối đầu ở Biển Đông đã quay về mô-típ cũ với các vụ đụng độ xảy ra thường xuyên trên biển khi các bên yêu sách cố gắng bảo vệ lợi ích của mình. Đôi khi những vụ việc này trở thành nguy hiểm chết người, thường là khi các tàu cá bị bắt giữ hoặc đánh chìm.

Bên cạnh các đụng độ đang diễn ra giữa các bên tranh chấp, những vụ việc như trên cho thấy khả năng đối đầu sẽ leo thang thành các vụ việc có thương vong và xung đột quân sự. Nguy cơ xung đột vũ trang dai dẳng liên quan đến quần đảo Trường Sa ngày càng nguy hiểm hơn bởi bản chất thường nhật của nó, càng làm rõ sự khó đoán của tranh chấp này. Các nỗ lực để xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông nhìn chung đều đã chậm lại trong các diễn đàn của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Duy chỉ có một lần, con đường pháp lý được sử dụng: đó là vụ kiện của Philippines tại tòa trọng tài quốc tế của UNCLOS, thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.[6]

Nguy cơ xung đột quân sự giữa các bên tranh chấp sẽ gây ra hệ lụy an ninh rộng lớn hơn đối với các bên không tranh chấp, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore và Úc. Một lý do đó là chỉ tính riêng khối lượng hàng hóa thương mại sử dụng các tuyến đường biển quan trọng. Ví dụ, một khối lượng lớn nguồn năng lượng của Nhật Bản được vận chuyển qua các tuyến đường biển đi qua Biển Đông. Mỹ và các quốc gia khác cũng có lợi ích lớn trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không đối với các vùng nước ở vị trí chiến lược. Những hoạt động như vậy thường dẫn đến đối đầu. Ví dụ, một vụ việc xảy ra vào tháng 4/2001 khi một máy bay đánh chặn của Trung Quốc va chạm với máy bay do thám EP-3 của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. Máy bay Trung Quốc đã bị rơi, khiến phi công thiệt mạng, và chiếc máy bay Mỹ bị hỏng phải hạ cánh khẩn cấp ở đảo Hải Nam. Phi hành đoàn và chiếc máy bay bị tạm giữ vài ngày trước khi được thả ra. Sự việc bất ngờ này đã gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao ngắn nhưng rất căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.[7]

Các yêu sách mâu thuẫn đối với quần đảo Trường Sa có thể không làm các bên không tranh chấp bận tâm nhiều. Nhưng một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông, dù lớn hay nhỏ, cũng gây ra nhiều vấn đề to lớn cho các nước xung quanh, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Úc. Đối đầu quân sự ở Biển Đông có thể đe dọa các tuyến đường biển quan trọng và làm gián đoạn dòng chảy thương mại trên biển, bao gồm nguồn cung năng lượng. Mỹ có thể bị đặt vào thế khó khi muốn ủng hộ đồng minh và bạn bè của Mỹ song cũng muốn tranh gây ra những tổn thất không thể chữa lành trong quan hệ chính trị-kinh tế với Trung Quốc. Chính vì vậy, giảm thiểu các nguy cơ xung đột vũ trang trên Biển Đông vẫn tốt hơn nhiều so với việc phải xử lý hậu quả của một cuộc khủng hoảng hay xung động gây ra bởi hành động của các bên.

Vì sao cần hợp tác giám sát thông qua hình ảnh vệ tinh

Một lựa chọn tốt hơn cho các cuộc đối đầu diễn ra liên miên ở Biển Đông đó là khám phá các cơ hội mới cho việc hợp tác giám sát dựa trên khả năng tiếp cận ngày càng rộng mở của thế giới đối với công nghệ hình ảnh vệ tinh chất lượng cao. Hợp tác giám sát chính là một bước đi thực tế đầu tiên giúp các bên yêu sách ở Biển Đông, cùng với các bên liên quan khác, tiến đến một cách tiếp cận giúp quản lý các tranh chấp lãnh thổ, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến những lợi ích chung giữa họ, chẳng hạn như việc chia sẻ thông tin về đối phó với thảm họa khu vực và giám sát các vấn đề môi trường chung.

Nhờ vào thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh, các công cụ mới để hỗ trợ ngăn ngừa và quản lý xung đột ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi, giúp tăng cường tính minh bạch trên toàn cầu. Một trong những công nghệ này là một thế hệ các vệ tinh quan sát thương mại và dân sự với chất lượng hình ảnh cao (như GeoEye 1, IKONOS, Pleiades-1, QuickBird, WorldView-2) có thể cho ra dữ liệu hình ảnh để giám sát các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Những vệ tinh này có thể tạo ra hình ảnh để bán cho các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và thậm chí là các cá nhân.

So với các vệ tinh hình ảnh phi quân sự trước đây, các hệ thống vệ tinh thương mại và dân sự mới có thể thu thập hình ảnh với chất lượng cao hơn (chẳng hạn như khả năng phân giải những vật thể có kích cỡ nhỏ hơn 1 mét) và phần lớn có khả năng cho ra các hình ảnh đa quang phổ khá chính xác, bắt được những dữ liệu mà mắt thường không nhìn thấy được. Khác với các vệ tinh quan sát dân sự độ phân giải thấp trước đây, những vệ tinh này cung cấp các dữ liệu hình ảnh cho phép các nhà phân tích hình ảnh có kinh nghiệm phát hiện và nhận biết ra các tòa nhà, cảng và đường băng, các máy bay, tàu hải quân và dân sự củng như các vật thể khác thường là chủ đề gây tranh cãi trong tranh chấp Trường Sa. (Phân tích hình ảnh cho thấy rằng các hình ảnh với độ phân giải 1 mét là đủ chi tiết để các nhà phân tích đánh giá liệu các tiền đồn mới có đang được xây dựng hay mở rộng ở quần đảo Trường Sa.)[8]

Các hình ảnh vệ tinh có nhiều thuận lợi hơn so với do thám trên không và tuần tra hải quân đó là các bên yêu sách có thể sử dụng để theo dõi hoạt động của các đối thủ. Các vệ tinh ít gây khiêu khích hơn so với các chuyến bay ở tầm thấp và các cuộc tuần tra gần sát của các tàu vũ trang có thể dẫn đến nổ súng. Và bởi vì các vệ tinh thương mại thường đến từ các công ty không có lợi ích trong tranh chấp, chúng có thể xem là tương đối khách quan, công bằng, so với các ảnh chụp trên không được chụp bởi bất cứ bên tranh chấp nào ở Trường Sa. Cuối cùng, những hình ảnh vệ tinh này có thể được chia sẻ rộng rãi giữa các bên tranh chấp với cả những nước không liên quan đến tranh chấp, và thậm chí là các tổ chức khu vực và phi chính phủ có lợi ích trong vấn đề Biển Đông.

Nguy cơ xung đột vũ trong đối với quần đảo Trường Sa tranh chấp có thể được giảm thiểu nếu các bên đồng ý “đóng băng tại chỗ” các chiếm đóng của họ ở Trường Sa và dựa chủ yếu vào việc hợp tác giám sát qua vệ tinh và chia sẻ dữ liệu hình ảnh để đánh giá sự tuan thủ của các bên đối với một biên pháp xây dựng lòng tin như vậy. Các nước khác, bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Singapore và Thái Lan đều có thể giúp thúc đẩy tiến trình này bằng cách hỗ trợ trong việc thu thập, xử lý, phân tích và thỉnh thoảng công bố các hình ảnh vệ tinh của những địa điểm quan trọng ở Trường Sa và Biển Đông nói chung.

Tính khả thi của việc xây dựng một cơ chế hợp tác giám sát trước đây đã từng được xem xét và sẽ để dành cho các quốc gia quan tâm nhiều nhất đến việc tăng cường tính minh bạch trong tranh chấp Biển Đông. Có thể, một thoả thuận hợp tác sẽ bao gồm việc hình thành nên một cách tiếp cận công bằng trong việc thu thập các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao của tất cả các địa điểm tranh chấp ở Biển Đong theo cơ chế hàng năm (hoặc thường xuyên hơn). Dựa trên kinh nghiệm công việc của chúng tôi trước đây, khoảng hai đến ba trăm ảnh vệ tinh chất lượng cao được thu thập hàng năm là đủ để giám sát các hoạt động trên Biển Đông.[9] Mục đích là nhằm hướng sự chú ý của khu vực đối với các hành động đang diễn ra ở những khu vực tranh chấp nhưng theo cách hạn chế việc sử dụng quân đội để giám sát. Mục đích là để công bố các hành động của các bên tranh chấp. Việc xây dựng các tiền đồn mới, cũng như nâng cấp đáng kể các cơ sở hiện tại, sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Các hoạt động ngắn hơn, như triển khai tàu, sẽ được ghi lại trong dữ liệu hình ảnh. Trong một số trường hợp, bên yêu sách sẽ có lý do hợp lý cần nâng cấp một cơ sở, và tính chính danh của hoạt động đó có thể được khẳng định bằng cách cho phép cộng đồng quốc tế biết rõ về nó. Việc bàn thảo hay tranh luận về những hành động đó vẫn là giải pháp tốt hơn so với các hành động khiêu khích và phản ứng lại như đang diễn ra trên Biển Đông.

Các quốc gia liên quan, bao gồm Úc, Singapore và Thái Lan có năng lực đáng kể trong lĩnh vực viễn thám vệ tinh có thể đóng vai trò thúc đẩy xây dựng một cơ chế hợp tác giám sát cho Biển Đông. Tương tự, các quốc gia bên ngoài khác (như Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật, Mỹ) và các doanh nghiệp của họ hoàn toàn có thể cung cấp hình ảnh vệ tinh thương và dân sự, cũng như các nguồn lực cần thiết để khuyến khích trào lưu này, tránh khỏi con đường xung đột kéo dài ở Biển Đông.

Khuyến khích sự tham gia

Một cơ chế hợp tác giám sát bằng vệ tinh ở Biển Đông sẽ không chỉ giúp các quốc gia theo dõi sát sao tình hình ở Trường Sa và các thực thể tranh chấp khác. Một mục đích khác đó là giúp các quốc gia ven Biển Đông giải quyết các nhu cầu chung về viễn thám. Các nhu cầu này bao gồm năng lực chung trong việc cảnh báo và đối phó với thảm họa thiên nhiên và giám sát các thách thức về môi trường. Hầu hết các quốc gia ở Biển Đông đều đối mặt với nhiều loại thiên tai khác nhau và đều có nhu cầu nắm thông tin kịp thời và chính xác để đối phó với các thảm họa này. Dữ liệu hình ảnh vệ tinh thường được sử dụng cho mục đích cảnh báo, đối phó và phục hồi với thiên tai.[10] Những thảm họa này có thể bao gồm các vụ động đất ở Trung Quốc, núi lửa và cuồng phong ở Philippines hay lũ lụt ở Việt Nam và sóng thần gây thiệt hại nhiều vùng ở Thái Lan và Indonesia. Chúng gây ra tổn thất nhân mạng, đồng thời khiến nhiều người chịu cảnh mất nhà, mất tài sản và thiệt hại kinh tế. Có khả năng tiếp cận các hình ảnh vệ tinh là rất quan trọng đối với những quốc gia có người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Nó cũng mở ra cơ hội cho các quốc gia không bị ảnh hưởng sử dụng khả năng phân tích hình ảnh của mình để giúp giải quyết nhu cầu cấp bách của các quốc gia chịu thiệt hại.

Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh rất phù hợp cho việc giám sát môi trường, đặc biệt ở các khu vực biển. Dữ liệu hình ảnh vệ tinh có thể được sử dụng để bảo tồn các nguồn tài nguyên quan trọng ở Biển Đông bằng cách giám sát tình trạng ô nhiễm ven bờ (ví dụ như thủy triều đỏ) và tình trạng của các dãy san hô, đồng thời phát hiện và theo dõi các vụ tràn dầu lớn do tai nạn tàu biển hay do việc xả thải bất hợp pháp của các tàu biển. Các quốc gia ven Biển Đông đều có chung lợi ích trong việc duy trì môi trường sống của vùng biển này bởi đây là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng và các giá trị du lịch của nó.

Một tiền lệ về việc hợp tác giám sát vì mục đích khoa học đã từng tồn tại ở Biển Đông. Năm 1998, khoảng gần 12 quốc gia, trong đó có các bên tranh chấp ở Trường Sa (như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam) và các quốc gia khác (như Úc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Mỹ) đã hợp tác trong việc thực hiện Thí nghiệm Gió mùa ở Biển Đông (SCSMEX). Hoạt động hợp tác này bao gồm việc thực hiện các quan sát khí tượng và hải dương sâu rộng sử dụng các dữ liệu vệ tinh, trên không và bề mặt để hiểu được các động lực của các hình thái gió mùa mùa hè, một phần để chuẩn bị tốt hơn cho các trận lũ, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của. [11]

Ý chí của các bên yêu sách có thể sẽ khác nhau, dù cho sự ủng hộ của các quốc gia quan tâm bên ngoải có thể ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn tham gia của họ. Một số quốc gia, như Philippines và Việt Nam, có thể có lợi ích rât lớn trong việc khuyến khích các thỏa thuận khu vực thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vào tranh chấp Biển Đông. Họ cũng có lợi ích thực tế trong việc tiếp cận các hình ảnh vệ tinh của khu vực tranh chấp, đồng thời có thể sử dụng cho mục đích phòng tránh thiên tai. Mặc dù Trung Quốc muốn dàn xếp các lợi ích của mình ở Biển Đông theo hướng song phương, nước này có thể không muốn bị gạt ra ngoài trong một hoạt động chung của khu vực có liên quan đến những gì là nước này xem là lợi ích quan trọng của mình. Trung Quốc có thể có thái độ đón nhận hơn đối với việc tham gia các hoạt động xây dựng lòng tin khác hơn so với các biện pháp sử dụng con đường ngoại giao hay pháp lý để giải quyết các yêu sách mâu thuẫn trên Biển Đông. Dù cho quốc gia nào chủ động khởi xướng thì không quốc gia nào nên bị loại trừ khỏi các hoạt động này, và cũng không quốc gia nào được phép cản trở các nước tham gia còn lại tìm ra cách để sử dụng việc hợp tác giám sát để giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Biển Đông, trong khi vẫn thúc đẩy các cơ hội để hợp tác hữu hiệu liên quan đến phòng chống thiên tai và đối phó với thách thức môi trường.

Kết luận

Bản chất kéo dài của các tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa, đã phần nào cản trở các nỗ lực ngoại giao nhằm quản lý rủi ro xung đột ở kênh chính thức và kênh hai. Xây dựng một cơ chế hợp tác giám sát bằng vệ tinh, trong đó có sự tham gia của các bên tranh chấp ở Trường Sa lẫn các quốc gia có lợi ích trong việc ngăn chặn xung đột quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng nó đưa ra một biện pháp giúp tăng tường tính minh bạch trong khu vực và khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia có cùng mối quan tâm, chẳng hạn như giám sát môi trường hay phòng chống thiên tai. Hợp tác giám sát tạo nên một giải pháp trong khi các biện pháp tích cực ở kênh chính thức và không chính thức nhằm tăng cường ổn định ở Biển Đông vẫn cần được tiến hành, mặc cho những lợi ích mâu thuẫn của các bên tranh chấp.

------------

Quan điểm trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh lập trường chính thức của Chính phủ Mỹ, Bộ An ninh Nội địa, Công ty Analytics Services Inc. (ANSER), Viện Nghiên cứu và Phân tích An ninh Nội địa (HASSAI) hay Banyan Analytics.

John C. Baker là một nhà phân tích Viện Nghiên cứu và Phân tích An ninh Nội địa.Ông từng làm nghiên cứu tại  RAND Corporation nơi các bài viết của ông tập trung đánh giá hệ lụy an ninh của các vệ tinh quan sát thương mại có độ phân giải cao. Bài viết lần đầu tiên được đăng trên trang  ANSER  

Kim Minh (dịch)

 

 


[1] Wendell Minnick, “Is China Laying Down Stakes at Disputed Scarborough Shoal?,” 6/9/ 2013, Defense News.com, xem tại

http://www.defensenews.com/article/20130906/DEFREG03/309060013/Is-China-Laying-Down-Stakes-Disputed-Scarborough-Shoal-

[2] Chẳng hạn, vào giữa năm 2011, các tàu Trung Quốc đã hai lần cản trở các hoạt động của tàu thăm dò địa chấn của Petro Vietnam bằng cách hộ tống các tàu cá cắt cáp thăm dò của họ. International Crisis Group, Stirring up the South China Sea (I), Asia Report No. 223 (International Crisis Group, 24 July 2012), 6.

[3] International Crisis Group, Dangerous Waters, tr. 5-9.

[4] Lawrence Freedman and Virginia Gamba-Stonehouse, Signals of War: The Falklands Conflict of 1982(Princeton University Press, 1991).

[5] Năm 1974 hải quân Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa đã rơi vào một cuộc xung đột quân sự khi Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa. Trung Quốc và Việt Nam lại đối đầu một lần nữa vào năm 1988 ở Đá Gạc Ma khiến cả hai bên đều bị thương vong. ICG, Stirring up the South China Sea (I), 2n; and Stein Tonnesson, “The Paracels: The ‘Other’ South China Sea Dispute,” Asian Perspective, Vol. 26 (2002), 151-152.

[6] Peter A. Dutton, “The Sino-Philippine Maritime Row: International Arbitration and the South China Sea,” East and South China Seas Bulletin #10 (Center for a New American Security, 15/3/2013).

[7] Một vụ va chạm trên biển gần đây hơn xảy ra vào tháng 3/2009 khi năm tàu Trung Quốc các loại áp sát và bao vây một tàu thăm dò thủy văn của Mỹ USNS Impeccable, vốn đang hoạt động ở cách đảo Hải Nam 120 km. ICG, Stirring up the South China Sea (I), 5.

[8] Để xem ví dụ về phân tích hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao áp dụng đối với quần đảo Trường Sa, tham khảo John C. Baker and David G. Wiencek, eds., Cooperative Monitoring in the South China Sea: Satellite Imagery, Confidence-Building Measures, and the Spratly Islands Disputes (Praeger, 2002), tr. 89-103.

[9] Baker and Wiencek, Cooperative Monitoring in the South China Sea, 131-135; and Vipin Gupta and Adam Bernstein, “Keeping an Eye on the Islands: Cooperative Remote Monitoring in the South China Sea,” in John C. Baker, Kevin M. O’Connell, and Ray A. Williamson, eds., Commercial Observation Satellites: At the Leading Edge of Global Transparency (Santa Monica, CA: RAND and the American Society for Photogrammetry and Remote Sensing, 2001), 327-360.

[10] Các dữ liệu hình ảnh vệ tinh có rất nhiều công dụng cho việc đối phó với thiên tai và giám sát mọi trường. Các hình ảnh này bao gồm các hình ảnh vệ tinh với độ phân giải không gian từ cao đến trung bình, các hình đa hoặc siêu quan phổ và hình ảnh radar, đặc biệt hữu dụng cho các ứng dụng và các dịp đi biển khi trình trạng mây che phủ kéo dài cản trở việc sử dụng các hệ thống hình ảnh điện quang.

[11] Baker and Wiencek, Cooperative Monitoring in the South China Sea, 116 and 136.