Phát biểu chính của Mike Rogers – Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ

-       John Hamre: Xin chào buổi sáng, tất cả quý vị. Trước hết, Ernest Bower sẽ có một bài phát biểu khai mạc sự kiện, rồi sau đó tôi sẽ giới thiệu ngài Nghị sĩ.

-       Ernest Bower: Cám ơn anh, John. Xin chào mừng tất cả mọi người, tôi là Ernest Bower, là Chủ tịch Sumitro của Ban Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Chúng tôi muốn gửi lời cám ơn tới tất cả những vị khách đã có mặt ở đây sáng nay, tại Hội thảo thường niên lần thứ 4 của CSIS về Biển Đông. Trong 2 ngày tới, chúng ta sẽ nhìn nhận về vấn đề biển Đông và những diễn biến ở đó. Chúng ta sẽ có một vài kịch bản giả tưởng và thảo luận về những lực chọn chính sách đối với Mỹ và các quốc gia khác. Tôi cũng rất vui mừng khi được thông báo rằng chúng ta đang phát sóng trực tuyến và tweet trực tiếp về sự kiện này qua tài khoản @CSIS và @SoutheastAsiaDC #CSIS. Vì thế, những khán giả đang theo dõi chúng tôi trực tuyến trên mạng và trên Twitter xin hãy tham gia hội nghị; chúng tôi sẽ đón nhận những câu hỏi của quý vị. Tôi xin mời ngài John Hamre, Chủ tịch và CEO của CSIS, người sẽ trân trọng vị diễn giả chính của chúng ta hôm nay.

-       John Hamre: Xin chào buổi sáng, tất cả quý vị. Tôi rất xin lỗi về sự cố thiết bị âm thanh vì chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới của mình. Xin cám ơn mọi người đã tới dự hội nghị ngày hôm nay. Tôi rất tự hào về Ernie và đội ngũ nhân viên của anh ấy, những người đã xây dựng nên chương trình Đông Nam Á ở Washington. Việc làm này thực sự đã thay đổi lại chương trình nghị sự của chúng tôi [Mỹ - ND], và theo một hướng đi đúng đắn. Đông Nam Á từng là một khoảng trống trong nhận thức chính sách của Mỹ, cho đến 4 năm trở lại đây. Nhờ những cố gắng của Ernie, tôi nghĩ chúng ta đã đem được mối quan tâm này đến với Washington. Do vậy, ai cũng hiểu điều này: Đây là một khu vực rất năng động và rất quan trọng trên thế giới, và chúng ta cần chú ý tới khu vực trọng yếu này. Khu vực này liên quan rất nhiều tới lợi ích của nước Mỹ, nhưng chúng ta lại biết rất ít về những gì đang diễn ra tại đây. Vì thế, đây là một cơ hội để chúng ta học hỏi. Tôi muốn nói lời cảm ơn tới Ernie và đội ngũ của anh vì đã làm được điều đó. Tôi xin phép được bắt đầu – tôi sẽ nói ngắn gọn thôi vì tôi muốn dành nhiều thời gian nhất có thể cho Chủ tịch Rogers.

Chủ tịch Rogers là một người rất đặc biệt. Ông đã dành cả cuộc đời mình hoạt động vì cộng đồng. Trước đây, ông đã từng là chỉ huy quân sự trong quân đội Mỹ. Khi ông rời khỏi quân đội, ông trở thành một đặc vụ của FBI và đã lập được rất nhiều chiến công trong các vụ điều tra chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức ở Chicago. Nhờ đó, ông cảm thấy rằng tiếng nói của mình sẽ mạnh nhất nếu ông có thể đi ra làm chính sách. Ông đã trở thành một đại biểu quốc hội Mỹ vào năm 2000, và trong thời gian này, ông đã thăng tiến. Nhờ năng lượng và khả năng của mình, ông là người tốt nhất để đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch của Ủy ban Tình báo Hạ viện (HPSCI). Về rất nhiều mặt, HPSCI là một tổ chức đã xuống dốc khi ông trở thành Chủ tịch. Nhưng bằng cách lãnh đạo của mình, ông đã tạo dựng lại một ủy ban vững mạnh và hiệu quả. Tờ Washington Post nói rằng ông là một trong những người hiếm hoi đại diện cho cả hai đảng tại Washington. Và tôi đã chứng kiến điều đó: tôi đã thấy cách mà ông liên kết với thành viên đảng Dân chủ, Dutch Ruppersberger, và cách mà ông làm việc với những đối tác của mình ở trong nhóm thượng nghị sĩ – với Thượng nghị sĩ Feinstein. Ông đã khiến cho ủy ban tình báo vững mạnh trở lại, và tôi nghĩ rằng đó là một điều rất quan trọng với tất cả chúng ta. Ngày hôm nay, ông có mặt ở đây vì mối quan tâm tới chính sách nói chung. Ông vẫn luôn có một mối quan tâm sâu sắc tới quan hệ quốc tế, và đặc biệt là châu Á. Chúng tôi đã hỏi nếu ông có thể đến và dành chút thời gian cho chúng tôi. Cũng hơi bất tiện khi mà chúng tôi mời một vị chủ tịch đến để nói về một chủ đề không hoàn toàn nằm trong lĩnh vực của ông, nhưng ông đã có mặt với chúng ta ngày hôm nay vì niềm đam mê cá nhân của ông ấy. Vì vậy, xin quý vị hãy dành một tràng pháo tay thật lớn cho Chủ tịch của HPSCI, ông Rogers.

-       Mike Rogers: John, rất cám ơn ông. Đó là một màn chào đón rất nồng hậu đối với bất cứ vị đại biểu quốc hội nào. Tôi rất ghi nhận điều đó. Ernie, rất cám ơn anh vì những gì anh đã làm trong mảng này—một bản lý lịch rất thành công và ấn tượng, và tôi thật sự nghĩ rằng anh đang làm nên một điều khác biệt, có tác động rất lớn tới vấn đề đang cần được chú ý này. Vì vậy, tôi rất cám ơn những gì anh đang làm. Đối với John và đội ngũ CSIS của anh, tôi cũng muốn cám ơn công việc của các anh. Điều quan trọng phải hiểu là tổ chức này có một ảnh hưởng thường nhật tới cách mà các nhà chính sách suy nghĩ về những vần đề hết sức khó khăn. Vì thế, tôi muốn gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người ở đây vì công việc của họ, và vì thời gian, tài năng, và những con người mà họ đã cống hiến để giải quyết những vấn đề này. Những công lao của họ vô cùng hữu ích, và tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành tới mọi người vì điều đó.

Như mọi người đã biết, với những gì đang xảy ra trên thế giới hiện nay, thì chúng ta phải nghĩ về những trở ngại mà chúng ta hàng ngày phải đối mặt. Nói một cách nhẹ nhàng nhất, thì thế giới đang có vẻ rất bất ổn. Với rất nhiều thứ khác đang lấy đi thời gian, sự chú ý, và trọng tâm của chúng ta, rất dễ dàng để chúng ta bỏ qua những gì đang xảy ra ở châu Á, bỏ qua Trung Quốc và những hành động của họ ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông . Nếu như bạn nghĩ về việc họ định làm gì, thì họ đang cố gắng thay đổi hiện trạng tại khu vực này ở từng bãi đá ngầm một, từng hòn đảo một. Họ đang cố gắng thay đổi những động lực và những mối quan hệ trong khu vực vì những toan tính mà tôi cho rằng là vị kỷ cá nhân. Như mọi người đã biết, trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã cho hạ một dàn khoan với kích cỡ của một sân bóng đá ngay gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển của Việt Nam. Hơn nữa, họ có những hòn đảo nhân tạo đang được xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Nếu như bạn nghĩ về những hành động khiêu khích của họ—và tôi cho đây mới chỉ là khởi đầu—thì bạn phải đặt nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn.

Hãy nghĩ về việc Trung Quốc đã ở đâu trong vòng 20 năm qua. Mỗi năm, họ đều đầu tư vào năng lực quân sự của họ: mỗi năm lại tăng ngân sách lớn ở mức 2 con số. Để lấy ví dụ: Họ đã đầu tư vào lực lượng hải quân biển sâu một cách rất ấn tượng, dù là so sánh với bất cứ chuẩn mực hay thước đo nào. Đồng thời, tôi nghĩ rằng họ đã phát triển kỹ thuật và huy động lực lượng chống tàu sân bay nhằm để chuẩn bị cho những gì mà họ đang thực hiện ngày nay. Chiến dịch quân sự hóa không gian của Trung Quốc cũng là một sự đầu tư rất nghiêm túc. Ngoài ra, họ còn đầu tư vào không gian mạng, cả về gián điệp kinh tế, lẫn khả năng am hiểu kẻ thù trong không gian mạng. Và với những sức mạnh mới đó, họ đã quyết định giờ là thời khắc để hành động. Thế giới đang xao nhãng, trong khi nền kinh tế của họ lại đang trên đà tăng trưởng trong vài thập kỉ qua. Đây là thời khắc để họ mở rộng về an ninh và kinh tế, ít nhất là theo tầm nhìn của họ trên biển Đông, dù phải trả giá bằng các nước láng giềng của họ. Và ít nhất là trong lúc này, họ đang làm việc đó mà không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào. Và điều này phải thay đổi. Trọng tâm của chúng ta [Mỹ - ND] phải thay đổi. Các mối quan hệ của chúng ta trong khu vực này phải tăng cường, không chỉ những mối quan hệ chúng ta đã có cho đến bây giờ, mà còn những cơ hội mới cho các quan hệ đối tác trong khu vực.

Tôi nghĩ rằng, nếu bạn nghĩ về những chiến thuật của họ, thì sẽ thấy họ tập trung vào việc làm xói mòn quyết tâm của cộng đồng quốc tế. Đó chỉ là một hòn đảo nhỏ. Đó chỉ là một bãi đá ngầm nhỏ. Đó chỉ là một dàn khoan. Đó chỉ là một phòng không mà chắc chắn là xâm phạm tới vùng trời của Nhật và Phi-líp-pin. Chúng ta có thể ngồi xuống và thỏa thuận về những vấn đề này, cố gắng giải quyết vấn đề và có thể giúp cho đồng minh của chúng ta kìm hãm việc này lại. Nhưng trên thực tế, khi ta nghĩ về điều này, thì đó là một cái chết từ từ và chậm chạp. Cứ mỗi lần họ thành công trong việc xây dựng một bãi đá ngầm mà trước đó không tồn tại, hay một hòn đảo mà trước đó không tồn tại, trong vùng lãnh hải mà không một ai có thể chấp nhận là của Trung Quốc được, thì đó là một cái chết từ từ và chậm chạp (kiểu chiến lược “tằm ăn rỗi” của Trung Quốc - ND), bởi vì sau đó họ sẽ có đà tiến tới một địa phận khác. Trong khi đó, thế giới vẫn đắm chìm trong một loạt những khu vực bất ổn khác trên thế giới, như tôi đã nói từ trước. Nhìn từ xa thì vấn đề này cũng không có vẻ đáng lo ngại cho lắm: đó chỉ là một bãi đá ngầm, một vụ tranh chấp lãnh thổ—điều mà chắc chắn chúng ta đã chứng kiến hết thế hệ này đến thế hệ khác, cả ở châu Á và Trung Đông, thậm chí ngay ở đây, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi mà bạn bắt đầu cộng dồn những vấn đề lại với nhau và nhìn vào những mâu thuẫn đang hình thành, thì đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng.

Đương nhiên, đã xuất hiện những cố gắng mà tôi nghĩ là đang đi đúng hướng. Một trong những điều đó là giải pháp pháp lý rất sáng tạo của Phi-líp-pin. Việt Nam, tôi nghĩ, cũng đang theo đuổi lối đi này. Thủ tướng Nhật cũng đang cố gắng nới lỏng những ràng buộc của Hiến pháp về cách sử dụng quân đội Nhật. Những cố gắng này đều rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ để đối chọi với trở ngại mà tôi cho là đang ngày một nghiêm trọng hơn. Chúng ta càng để cho tàu chiến của các nước đứng bên bờ vực chinh chiến lâu hơn (ở đây còn có cả máy bay quân sự với độ tấn công rất gắt gao), thì chúng ta càng dễ mắc sai sót, và những căng thẳng càng dễ dàng trở thành đối đầu, rồi dẫn đến xung đột. Và chúng ta đang nằm trong ma trận đó. Chúng ta có thể không muốn nhìn thấy nó, không muốn thừa nhận điều đó, nhưng đây chính là tình trạng mà chúng ta đang gặp phải. Những đồng minh của chúng ta chắc chắn đang chuẩn bị đối phó với điều này. Mà những người bạn mới của chúng ta—mà tôi luôn mở rộng vòng tay chào đón—cũng làm việc với chúng ta rất tốt. Vì vậy, khi chúng ta nhìn vào ma trận những việc mà chúng ta có thể làm, chúng ta phải làm gì để kìm hãm sự việc này lại? Chúng ta phải làm gì để thay đổi toan tính của Trung Quốc khi họ cho rằng họ có thể xâm phạm các nước láng giềng chỉ để phục vụ các mục đích riêng của mìn nhằm xâm phạm lãnh thổ và kiểm soát tài nguyên, để phục vụ lợi ích của chính họ mà gây tổn hại đến các nước láng giềng của họ, như tôi đã nói?

Hãy nhìn vào những điều tích cực mà chúng ta đang làm. Hãy nhìn vào khả năng tăng cường chia sẻ quan hệ tình báo với những đối tác, đồng minh, và bạn bè của ta. Hãy nhìn vào những cam kết hợp tác phòng thủ—giống như những gì chúng ta đã làm ở Phi-líp-pin—đã đưa đến việc huấn luyện phối hợp tác chiến với quân đội Mỹ, và những gì chúng ta có thể làm để mở rộng nó. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một sự phát triển vượt bậc trong khả năng tăng cường hợp tác và phối hợp tác chiến. Đây sẽ là một lực lượng rất mới, rất khác trong con mắt của Bắc Kinh, mà họ có thể bắt đầu thấy được trên biển Đông ngày hôm nay. Đây là một việc mà chúng ta cần phải theo đuổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Một lần nữa, không ai muốn một cuộc đối đầu. Và chắc chắn là không ai muốn dẫn đến xung đột. Nhưng chúng ta phải dập tắt suy nghĩ của Trung Quốc rằng thế giới này không quan tâm tới những hành động của Trung Quốc đối với láng giềng của mình tại biển Đông. Tôi đang rất mong chờ được chứng kiến năng lực quân sự tiên tiến vượt bậc và đi trước thời đại của Nhật Bản, chắc chắn sẽ rất ấn tượng. Bên cạnh nỗ lực hợp tác với Nhật Bản, những hiểu biết mới về Phi-líp-pin và mối quan hệ mới với Việt Nam sẽ tạo dựng nên một mạng lưới mà có thể nói với Trung Quốc rằng: “Anh nên xem xét lại những gì anh định làm tại biển Đông.” Việc này nhất quyết phải xảy ra.

Và đây là vấn đề của chúng ta. Suốt 30 năm qua, chúng ta đã thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Chúng ta đã bỏ qua cho Trung Quốc những điều mà chúng ta sẽ không bỏ qua với bất kì quốc gia nào khác về ngoại giao, từ vấn đề nhân quyền cho đến sự thiếu tôn trọng và coi nhẹ quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta làm như vậy là vì những sự nhạy cảm đối với Trung Quốc. Chúng ta đã nghĩ rằng đây là một nguồn lực kinh tế lớn và đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Chúng ta nên giúp đỡ để Trung Quốc có thể trở thành một thành viên tích cực, một công dân có ích cho thế giới về kinh tế và thương mại, thậm chí có thể đạt được những thành công ở châu Âu và Trung Đông… những nơi mà Trung Quốc có thể trở thành một đối tác, một đồng minh quan trọng, nếu họ muốn. Và những nỗ lực đó đã không thành công, đã không mang lại lợi ích cho chúng ta. Trung Quốc tiếp tục phát triển với tốc độ vượt bậc: các hoạt động tình báo kinh tế đã phá hoại sự thịnh vượng của các thế hệ về sau, không chỉ đối với người Mỹ mà còn đối với tất cả các nền kinh tế sáng tạo khác. Họ đã tiếp tục lấn sâu vào biển Đông một cách rất trơ tráo, rất hung hăng, rất đe dọa đối với những quốc gia trong khu vực muốn tìm kiếm ít nhất là một chút phát triển kinh tế cho mình. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ lại về toan tính này. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần dừng lại việc tỏ ra tôn trọng tới những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc—những vấn đề nhạy cảm tế nhị của giới quan chức Trung Quốc. Chúng ta cần phải thẳng thắn hơn. Chúng ta cần phải mạnh dạn hơn. Chúng ta cần phải tiếp sức cho những người bạn và đồng minh của ta trong khu vực đó để họ trở nên thẳng thắn và mạnh dạn hơn trong những phát ngôn ngoại giao của chúng ta. Bởi vì, nếu chúng ta không làm được điều đó, các loại tàu chiến rồi sẽ đâm vào nhau, và sẽ dẫn đến một việc mà tất cả chúng ta sẽ phải hối tiếc—một cuộc chạm trán quân sự mà sẽ trở thành một xung đột lớn hơn. Chúng ta sẽ chỉ tự lừa dối bản thân thôi, nếu như chúng ta không nghĩ rằng mọi thứ đã sẵn sàng bùng nổ trên biển Đông. Đó là điều chắc chắn. Bạn bè và đồng minh của ta đã nói cho ta biết điều đó—họ đã nói cho chúng ta hàng tháng và hàng năm nay về những trở ngại đến từ Trung Quốc tại biển Đông. Bây giờ là thời khắc để thay đổi phép tính đó, để thay đổi cuộc đối thoại, để nói rằng chúng ta có những người bạn và đồng minh rất tốt trong khu vực, rằng chúng ta có những mối quan hệ dài lâu với những cường quốc trong khu vực, rằng chúng ta có những mối quan hệ mới, rằng chúng ta đang mong chờ thiết lập nên những mối quan hệ dài lâu kể cả về kinh tế lẫn hợp tác quân sự. Chúng ta sẽ đầu tư và dành thời gian cho những mối quan hệ đó. Chúng ta sẽ tham gia vào mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo mạnh mẽ và những nỗ lực hợp tác quân sự mà tôi nghĩ sẽ nói lên rằng Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất trong khu vực và họ không thể chà đạp lên láng giềng của mình. Bởi vì bất kì một quân đội nào trên thế giới sử dụng quyền hành của mình để ức hiếp, đe dọa, và làm mất ổn định nền kinh tế thế giới đều ảnh hưởng đến quyền lợi quan trọng nhất của nước Mỹ, cũng như các đồng minh và bạn bè của Mỹ. Lợi ích quốc gia của Mỹ chính là góp phần giải quyết vấn đề này và kìm hãm sự hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực. Và một lần nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện nhiệm vụ này bằng một cách mới mà Trung Quốc chưa hề quen thuộc. Tôi nghĩ chính nhờ những cuộc đối thoại trực tiếp, bất chấp những nhạy cảm tế nhị với Trung Quốc, chúng ta đã tránh được những cuộc thảo luận căng thẳng về xung đột, nhất là khi nói về gián điệp mạng, và khi nói đến kẻ xâm lược quân sự và đe dọa láng giềng. Tất cả chỉ là sự hung hăng và tham lam, muốn có được khả năng kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên. Tất cả chỉ có thế.

Vì vậy, bây giờ là thời khắc của chúng ta để nắm chắc rằng những cơn bão đó sẽ không ập đến, rằng những con tàu chiến đó sẽ không va chạm dẫn đến xung đột lớn hơn, rằng những đồng minh người Nhật của chúng ta không phải gây ra một cuộc chiến tranh để chứng tỏ bản thân, rằng những con người Phi-líp-pin và Việt Nam không cảm thấy rằng tương lai, sự thịnh vượng và chủ quyền của họ bị đe dọa. Vì thế, tôi rất mong chờ cuộc đối thoại mà các vị sẽ có tại hội nghị này hôm nay. Tôi nghĩ điều này sẽ vô cùng quan trọng. Điều này vô cùng quan trọng bởi vì chúng ta đang thu hút lại sự chú ý rằng chúng ta là một cường quốc lớn—đương nhiên chúng ta có những vấn đề khác cần được giải quyết, nhưng chúng ta không thể bỏ qua việc này. Chúng ta không thể đứng giữa đường và nói rằng chúng ta có một cái ô, nhưng chúng ta vẫn sẽ hứng chịu cơn bão xung đột ấy. Đây là cơ hội để chúng ta đẩy lùi cơn bão đó, thay đổi phép tính, và thay đổi kết quả. Đây là cơ hội để Trung Quốc hiểu rằng họ không nên thử sự quyết tâm của Mỹ về vấn đề tự do hàng hải và tự do thương mại trên biển Đông. 40% thương mại trên thế giới đến từ biển Đông. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã đủ là một vấn đề an ninh quốc gia và an ninh kinh tế đối với Mỹ, và chúng ta cần phải hành động.

Một lần nữa, tôi muốn gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người vì đã cho tôi cơ hội được chào đón và bắt đầu một cuộc đối thoại tuyệt vời. Tôi hi vọng là nó sẽ rất nhiệt huyết. Tôi hi vọng rằng mọi người sẽ đều nói ra tất cả ý kiến của mình để có thể thay đổi kết quả này. Tôi không tin rằng một cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc là điều chắc chắn, một điều mà tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Tôi không tin điều đó. Tôi tin rằng cuộc đối thoại này, những mối quan hệ này, và một cuộc đối thoại trực tiếp với Trung Quốc (mà có thể sẽ làm họ không hài lòng nhưng lại cứu được rất nhiều người) là hướng đi đúng đắn cho nước Mỹ. Hi vọng rằng cuộc đối thoại ngày hôm nay của các vị sẽ dẫn chúng ta tới điều đó. Và nếu quý vị tìm ra được lộ trình để thực hiện điều ấy, chúng tôi chắc chắn sẽ đón nhận và trình lên Quốc hội Mỹ. Rất cám ơn thời gian và công sức của các vị. Cám ơn các vị đã lắng nghe, tôi rất cảm kích và trông chờ được nghe các ý kiến của quý vị.

Mike Rogers là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ.

Người dịch: Vân Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc