Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Hội nghị lần này để lại dấu ấn với tuyên bố chung mạnh mẽ, trực tiếp về tình hình tại Biển Đông và Hoa Đông và đề xuất sáng kiến về an ninh biển tại khu vực. Những kết quả trên phản ánh sự thống nhất và mong muốn trong nội bộ của QUAD để hợp tác sâu sắc hơn nữa trong lĩnh vực an ninh biển ở khu vực. Bài viết này sẽ phân tích một số thành tố mới trong lập trường chính trị cũng như các sáng kiến mới của QUAD6 đối với an ninh biển.
Hội nghị Thượng đỉnh QUAD 2024: Mũi nhọn An ninh biển
Họp thượng đỉnh QUAD 21/9/2024 từ trang Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ

Các điểm mới trong Tuyên bố chung của QUAD6
Thứ nhất, Tuyên bố QUAD6 lần đầu tiên bày tỏ "quan ngại sâu sắc về tình hình tại Hoa Đông và Biển Đông"; “phản đối mạnh mẽ” các hoạt động sử dụng tàu cảnh sát biển và dân quân biển "một cách nguy hiểm", cũng như sự gia tăng các hoạt động này (trong thời gian gần đây); và tái khẳng định lập trường các tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình dựa trên Công ước luật biển (UNCLOS)[1]. Trong các tuyên bố trước đây, QUAD chỉ nêu chung chung phản đối thay đổi nguyên trạng đơn phương bằng vũ lực, ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ UNCLOS mà không đề cập công khai đến "quan ngại sâu sắc” về Biển Đông, Hoa Đông[2]. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh năm 2024 Trung Quốc và Philippines liên tục có nhiều va chạm nguy hiểm quanh khu vực Bãi Cỏ Mây, Bãi Scarborough và Bãi Sabin. Tàu Trung Quốc nhiều lần bắn vòi rồng, đâm va, chiếu tia laser vào các tàu của Philippines hoạt động tại Bãi Cỏ Mây và Bãi Scarborough. Đỉnh điểm là sự kiện ngày 17/6/2024 lực lượng của Trung Quốc đã chủ động đâm va và cưỡng chế khiến  một thủy thủ Philippines bị mất ngón tay cái[3]. Căng thẳng này giữa Trung Quốc và Philippines đe dọa ổn định hu vực. Một số chuyên gia lo ngại rằng xung đột ở Biển Đông có thể buộc Mỹ phải can dự trực tiếp trên cơ sở Hiệp định phòng thủ chung (MDT) ký với Philippines năm 1951.  
Thứ hai, QUAD lần đầu tiên khẳng định tính phổ quát và thống nhất của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Các tuyên bố của QUAD từ 2021-2023 đề cập đến tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982 để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không và duy trì trật tự an ninh trên biển[4]. QUAD6 đã nhấn mạnh hơn giá trị của UNCLOS: "Chúng tôi nhấn mạnh UNCLOS có giá trị phổ quát và thiết lập khung pháp lý mà tất cả các hoạt động ở trên biển phải tuân thủ"[5]. Tuyên bố này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và rõ ràng hơn nữa đối với khuôn khổ pháp lý được coi là “hiến pháp của biển”, để quản lý các hoạt động trên biển, phòng tránh rủi ro va chạm, xung đột giữa các nước trong khu vực[6].
Thứ ba, QUAD lần đầu tiên công khai ủng hộ Phán Quyết của Toà trọng tài năm 2016 về Biển Đông. Cụ thể, tuyên bố khẳng định "Phán quyết của Toà Trọng tài 2016 là bước đột phá và cơ sở để giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình giữa các bên trong vụ kiện"[7]. Các tuyên bố của QUAD từ 2021-2023 mặc dù có nhắc đến UNCLOS nhưng đều không đề cập đến Phán quyết. Thay đổi này có thể do trước đó QUAD chưa có lập trường thống nhất về Phán quyết. Năm 2023, Ấn Độ đã điều chỉnh lập trường[8]. Trong tuyên bố chung giữa Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar và người đồng cấp Philippines Enrique Manalo tháng 6/2023, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết "phải tuân thủ theo UNCLOS và Phán quyết của Toà trọng tài trong tranh chấp ở Biển Đông[9]. Theo đó, quan điểm của Ấn Độ đã thống nhất với các thành viên còn lại.
Thứ tư, QUAD cũng đề xuất một số sáng kiến, ý tưởng hợp tác mới về an ninh biển đối với khu vực, bao gồm:
- Sáng kiến Huấn luyện các vấn đề về biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (MAITRI)[10]. Sáng kiến này nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực khai thác tối đa các lợi ích của Chương trình Đối tác nhận thức không gian biển (IPMDA) và các sáng kiến khác của QUAD để giám sát, thực thi pháp luật, ngăn chặn các hoạt động phi pháp và bảo đảm an toàn cho các vùng biển. Ấn Độ dự kiến là nước chủ nhà Thượng đỉnh QUAD7 năm 2025 và sẽ đăng cai tổ chức hội thảo MAITRI.
- Chương trình Giám sát trên biển của QUAD vào năm 2025 nhằm tăng cường phối hợp hoạt động giữa các lực lượng Cảnh sát biển của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, qua đó thúc đẩy an ninh, an toàn trên biển, và triển khai các nhiệm vụ trong tương lai ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiện tại sáng kiến này chưa nêu rõ quy mô, số lượng phương tiện các bên tham gia, các hoạt động cụ thể cũng như các khu vực dự kiến sẽ triển khai. QUAD cần thảo luận và xác định các nội hàm và hoạt động hợp tác cụ thể năm 2025.
- Chương trình Đối tác tương lai các Cảng biển QUAD nhằm tăng cường hợp tác cung cấp chuyên gia của QUAD hỗ trợ phát triển hạ tầng cảng biển bền vững, có khả năng chống chịu tại các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. QUAD sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tốt nhất trong phát triển hạ tầng cảng biển với các nước trong khu vực. QUAD cũng sẽ huy động nguồn lực từ Chính phủ và các doanh nghiệp để đầu tư vào hạ tầng biển của các nước. Ấn Độ đăng cai sẽ tổ chức Hội thảo về Vận tải và Cảng biển khu vực vào năm 2025.
- Thông báo khả năng sẽ mở rộng các Dự án Mạng lưới kết nối Radio Mở (RAN) đối với sự tham gia của các nước Đông Nam Á. Dự án RAN của Nhóm QUAD nhằm hỗ trợ hệ thống thông tin liên lạc an toàn, bền vững và liên tục. QUAD cam kết ngân sách 20 triệu USD cho dự án này và đã được triển khai thí điểm tại Palau. Tại Đông Nam Á, Nhóm lên kế hoạch hỗ trợ các chương trình thí điểm của RAN và mở Học viện RAN Châu Á (AORA) tại Philippines.

Một số nhận xét sơ bộ
Qua phân tích các nội dung tuyên bố chung, thời điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh và các sáng kiến, các tác giả thấy rằng có một số điểm cần quan tâm như sau:
- QUAD6 được tổ chức trước khi lãnh đạo hai nước Nhật, Mỹ sắp kết thúc nhiệm kỳ phản ánh nỗ lực và cam kết của bốn nước nhằm duy trì hợp tác, tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác. QUAD hình thành năm 2007, nhưng bị dừng năm 2008 do Úc không mặn mà. QUAD được tái lập một thập kỷ sau đó và đã thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao kể từ năm 2021, và các nước đã cố gắng duy trì không bị ngắt quãng. Năm nay 2024 có bầu cử ở Mỹ và Nhật Bản và đã có đồn đoán cuộc họp cấp cao không diễn ra. Trên cơ sở đó, QUAD6 thể hiện nỗ lực và cam kết  của cả bốn nước.
- Tuyên bố chung cho thấy QUAD đặt trọng tâm vào an ninh biển. Việc đưa ra 3 sáng kiến cụ thể như hợp tác tuần tra trên biển của Cảnh sát biển 4 nước QUAD, sáng kiến đào tạo nhận thức biển phục vụ cho IPMDA và hợp tác đối tác Cảng biển QUAD phục vụ cho cứu trợ, cứu nạn thể hiện trọng tâm của QUAD và mong muốn hợp tác thực tế, không chỉ là các tuyên bố hay nghị sự chung chung. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian để các sáng kiến này có thể được cụ thể hóa và triển khai trên thực tiễn, có những đóng góp thiết thực đối với an ninh khu vực.
- Lần đầu tiên, Tuyên bố chung của QUAD công khai nhấn mạnh giá trị của Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016, nhằm khẳng định cam kết thúc đẩy tuân thủ UNCLOS và duy trì trật tự trên biển dựa trên luật lệ. Việc đưa nội dung về Phán quyết 2016 vào Tuyên bố này cho thấy QUAD không còn né tránh vấn đề, mà thay vào đó thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật, đặc biệt là UNCLOS, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Biển Đông.
- Ấn Độ ngày càng thể hiện vai trò tích cực hơn trong QUAD về an ninh biển. Là quốc gia chủ chốt ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ đóng vai trò không thể thiếu trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật và Úc, kết nối hai vùng biển trọng yếu. Trước đây Ấn Độ thường né tránh công khai quan điểm về Biển Đông cũng như hạn chế tham gia các hợp tác an ninh,  chủ yếu tập trung vào các hợp tác về kinh tế, đầu tư hạ tầng và y tế. Tuy nhiên,  QUAD6 thông qua Chương trình hoạt động giám sát trên biển với sự tham gia của Ấn Độ cho thấy sự thay đổi tích cực của nước này.
         
Thay lời kết
Thượng đỉnh QUAD6 năm 2024 thể hiện rõ xu hướng ngày càng thắt chặt hợp tác và điều phối các chương trình hợp tác chung của Nhóm QUAD về an ninh biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kể từ năm 2021 đến nay, Nhóm QUAD đã tổ chức liên tiếp 06 cuộc họp cấp cao, cả trực tiếp và trực tuyến thể hiện sự kiên trì, thống nhất và phối hợp chặt chẽ. Cuộc họp cấp cao năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của hai lãnh đạo chủ chốt của Nhóm là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Tuy nhiên, đây lại là cuộc họp được đánh giá có các tuyên bố mạnh mẽ nhất về tình hình an ninh khu vực và công bố nhiều sáng kiến hợp tác nổi bật. Đáng chú ý nhất là sáng kiến mới về giám sát an ninh trên biển rong bối cảnh có nhiều căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông. Sáng kiến mới thể hiện cam kết mạnh mẽ của QUAD đối với tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên, quá trình triển khai sáng kiến mới này có thể đối mặt với nhiều thách thức trên thực địa. Việc đánh giá hiệu quả thực sự của sáng kiến sẽ cần được theo dõi và kiểm chứng trong thời gian tới.

 

 


Các nội hàm chủ yếu về an ninh biển
trong các Hội nghị Thượng đỉnh QUAD (2021-2024)

 

Các tuyên bố cấp cao của QUAD

Các thành tố

Điều chỉnh với giai đoạn trước

3/2021

- Khẳng định cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở, ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hoà bình tranh chấp

- Ủng hộ vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN cũng như tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN;

- Đề cao vai trò của UNCLOS, thúc đẩy hợp tác an ninh biển, duy trì trật tự biển dựa trên luật lệ ở Hoa Đông và Biển Đông[11]

- Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên

9/2021

- Thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế; ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hoà bình tranh chấp.

- Hoan nghênh Chiến lược của EU về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tái khẳng định ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và AOIP

- Sáng kiến: (i) Đối tác Vaccine Quad và Nhóm Chuyên gia Vaccine Quad; (ii) Nhóm Phối hợp cơ sở hạ tầng Quad và Cơ sở hạ tầng chất lượng cao; (iii) Quad Fellowship; (iv) Chuỗi Cung ứng Chất bán dẫn; (v) Mạng lưới 5G và Open-RAN; (vi) các sáng kiến giải quyết và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS đối với trật tự biển dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.[12]

- Nội dung tương tự với Thượng đỉnh lần đầu tiên;

- Đề ra nhiều sáng kiến mới về hạ tầng và kết nối; chú trọng vào an ninh phi truyền thống thông qua sáng kiến hỗ trợ vaccine cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chiến đấu với đại dịch Covid-19.

3/2022

- Nhất trí rằng bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực đều không được chấp nhận ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

- Thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hướng tới hiện thực hóa "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.[13]

 

5/2022

- Ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

- Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và AOIP, Chiến lược của EU về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

- Phản đối mạnh mẽ các hành động cưỡng ép hoặc đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực, như quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng tàu hải cảnh và dân binh biển một cách nguy hiểm, quấy rối các hoạt động khai thác của các quốc gia khác.

- Đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS trong giải quyết các thách thức đối với trật tự biển dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

- Đưa ra các sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, mạng lưới kết nối sóng radio mở (RAN), đặc biệt là Sáng kiến Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức Hàng hải (IPMDA) nhằm ứng phó với thiên tai và IUU.[14]

- Lần đầu tiên Tuyên bố chung Thượng đỉnh Quad lên tiếng phản đối đe dọa sử dụng vũ lực, đơn phương thay đổi nguyên trạng trong khu vực Ấn Độ Dương - TBD, (ám chỉ các hoạt động của Trung Quốc nhưng không nhắc tên trực tiếp đến Trung Quốc).

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

- Đưa ra Sáng kiến Nhận thức Hàng hải (PMDA).

5/2023

- Tái khẳng định cam kết đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm và kiên cường.

- Ủng hộ nhất quán vai trò trung tâm của ASEAN và AOIP; cam kết hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương.

- Phản đối mạnh mẽ các hành động gây bất ổn nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép; quan ngại sâu sắc đối với việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng nguy hiểm các tàu hải cảnh và dân quân biển, cũng như các hành động quấy rối động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trong việc giải quyết các thách thức trên biển, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông.

- Đưa ra các sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, công nghệ (thiết lập mạng thông tin Open RAN ở Palau).[15]

- Tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông nhưng không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc; tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

9/2024

- Tái khẳng định cam kết đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm và kiên cường.

- Ủng hộ nhất quán vai trò trung tâm của ASEAN và AOIP; cam kết hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương.

- Quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và Hoa Đông; quân sự hóa các đảo và bãi đá đang tranh chấp cũng như các động thái cưỡng ép và đe dọa ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, lên án việc sử dụng nguy hiểm các tàu hải cảnh và tàu dân binh biển và phản đối việc can thiệp và sách nhiễu hoạt động khai thác tài nguyên biển của các quốc gia khác.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trong việc giải quyết các thách thức trên biển, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông; Tái khẳng định tính phổ quát và thống nhất của UNCLOS, UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương; Nhấn mạnh rằng Phán quyết Trọng tài năm 2016 là một cột mốc quan trọng và là cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.

- Đưa ra nhiều sáng kiến mới, bao gồm sáng kiến “Trung tâm chống Ung thư của Quad” (Quad Cancer Moonshot), hỗ trợ nhân đạo do thiên tai, mạng lưới hậu cần Quad Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đối tác Quad về kết nối và phục hồi cáp ngầm. Đặc biệt là các sáng kiến hợp tác an ninh biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm hoạt động “Sứ mệnh Giám sát tàu Quad-at-Sea” giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của bốn quốc gia sẽ được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2025 và “Sáng kiến đào tạo hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (MAITRI).[16]

- Lần đầu tiên Tuyên bố chung Thượng đỉnh Quad nêu rõ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và Hoa Đông

- Lần đầu tiên nhấn mạnh tính phổ quát toàn cầu của UNCLOS khi thiết lập toàn bộ các quy định pháp lý trên biển và đại dương mà các nước phải tuân thủ;

- Lần đầu tiên nhắc đến tầm quan trọng của Phán quyết Tòa Trọng tài Vụ kiện Biển Đông 2016 đối với các bên trong vụ kiện, coi là cơ sở để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.

- Một số sáng kiến an ninh biển mới.

- Ấn Độ được nhắc đến nhiều hơn và tham gia nhiều sáng kiến hơn.


 
[1] Xem tuyên bố Nhóm QUAD6 năm 2024 tại https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/09/21/the-wilmington-declaration-joint-statement-from-the-leaders-of-australia-india-japan-and-the-united-states/
[2] Xem tuyên bố năm 2022 tại https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/24/quad-joint-leaders-statement/; và tuyên bố năm 2023 tại https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/05/20/quad-leaders-joint-statement/
[3] Xem vụ va chạm giữa tàu CSB Trung Quốc với Philippines tại bãi Cỏ Mây ngày 17/6/2024 tại https://palawan-news.com/chinese-forces-foil-ph-resupply-mission-in-ayungin-shoal-source-claims/
[4] Xem các tuyên bố 2021 tại https://www.mofa.go.jp/files/100238181.pdf ; và các tuyên bố năm 2022, 2023 tại trích dẫn số 4.
[5] Đã trích dẫn số 1.
[6] Nt.
[7] Nt.
[8] Xem tuyên bố của Ấn Độ năm 2016 tại
https://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/36743/Joint_Statement_on_the_5th_IndiaPhilippines_Joint_Commission_on_Bilateral_Cooperation
[9] Xem tuyên bố chung hai Ngoại trưởng tại
https://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/36743/Joint_Statement_on_the_5th_IndiaPhilippines_Joint_Commission_on_Bilateral_Cooperation
[10] Nt.
[11] Bản Tin Biển Đông, 2021_1
[12] https://www.mofa.go.jp/files/100238181.pdf
[13] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/03/03/joint-readout-of-quad-leaders-call/
[14] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/24/quad-joint-leaders-statement/
[15] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/05/20/quad-leaders-joint-statement/
[16]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/09/21/the-wilmington-declaration-joint-statement-from-the-leaders-of-australia-india-japan-and-the-united-states/

Thái Giang - Minh Hà