Bắc Kinh và Washington đã tiến hành đối thoại an ninh trên biển hôm 15-16/10 tại Hawai – Mỹ. Phía TQ do Đô đốc Liao Shining, Phó Tổng tham mưu trưởng Hải quân dẫn đầu, phía Mỹ do Thiếu tướng Hải quân Rangdolph Alles, Tư lệnh phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu.

 

Tân Hoa Xã cho biết, hai bên đã tiến hành cuộc tham vấn thường niên tại Honolulu theo cơ chế Hiệp định tham vấn quân sự trên biển (MMCA) Trung – Mỹ. Hai bên đã trao đổi ý kiến về tình hình an ninh trên biển trong năm nay và các giải pháp cho những quan ngại về an ninh trên biển một cách “thẳng thắn”, “có nội dung”.

 

Theo các nhà phân tích, đây là dấu hiệu mới nhất về sự ấm lên trong quan hệ quân sự trong vòng 8 tháng qua, một bước thiết thực sau khi hai nước nối lại đối thoại quân sự sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, chừng nào Bắc Kinh và Washington còn chưa tăng cường được sự tin cậy chính trị lẫn nhau thì quan hệ quân sự sẽ vẫn còn chưa suôn sẻ như đã thấy trong suốt 3 thập kỷ qua.

 

Trung Quốc ngừng quan hệ quân sự với Mỹ từ tháng Giêng sau khi phản đối Washington thông qua hợp đồng 6.4 triệu USD của Công ty Lockheed Martin bán vũ khí cho Đài Loan. Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Washington mưu toan quốc tế hóa các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ở Nam Hải và hải quân Mỹ tiến hành một loạt tập trận chung với Hàn Quốc gần lãnh hải Trung Quốc.

 

Cuộc hội đàm được tiến hành vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates nhận lời mời thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Trong khi Trung Quốc đã từ chối đề nghị thăm của Gates hồi tháng 6.

 

Theo hãng tin AP, trưởng đoàn Mỹ Rangdolph Alles phát biểu kết thúc hội đàm nói rằng cuộc hội đàm nhằm tăng cường an toàn cho binh lính không quân và hải quân tác chiến cận kề, “một cuộc trao đổi mang tính chuyên môn và thẳng thắn”, có ý nghĩa quan trọng cho “mối quan hệ quân sự bền vững, tin cậy và có ý nghĩa”.

 

Thiếu tướng Zhao Xiaozhuo, chuyên gia quân sự Học viện Khoa học Quân sự TQ nói rằng tình hình quan hệ quân sự Trung-Mỹ phụ thuộc phần lớn vào sự tin cậy chính trị lẫn nhau giữa hai nước, chỉ khi nào sự tin cậy chính trị đạt mức cao thì quan hệ quân sự mới có thể tiến triển, nếu không thì sẽ chỉ tiếp tục như nó đã diễn ra suốt 30 năm qua – theo chu kỳ dừng rồi lại đi”.

 

Đây là lần thứ 6 quan hệ quân sự giữa hai nước bị đình trệ. Năm 2001 ngừng quan hệ sau vụ máy bay tình báo Mỹ va chạm với máy bay tiêm kích TQ đang bảo vệ lục địa làm một phi công TQ chết và phi hành đoàn 24 người của Mỹ bị bắt giữ 11 ngày tại tỉnh Hải Nam. Hai bên đã xảy ra nhiều đối đầu trên biển khi tàu giám sát USNS Impeccable của Mỹ đụng độ với tàu hải quân và tàu đánh cá TQ cách Hải Nam 120 hải lý.

 

Theo ông Zhao Xiaozhuo, TQ và Mỹ không là đồng minh cũng không là kẻ thù. Hai bên cần có tiếp xúc để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau nhằm bảo đảm trao đổi thông tin kịp thời khi xảy ra những sự cố tương tự. Cả hai đều hiểu rằng đình chỉ quan hệ không có lợi cho bên nào, nhất là xét về mặt quân đội TQ và quân đội Mỹ đều có quy lớn đủ để tác động đến khu vực Đông Á.

 

Ông Yuan Peng, Giám đốc Khoa nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại TQ cho rằng cuộc hội đàm tại Hawai là kịp thời và sẽ giúp cho quân đội hai nước giảm bớt những quyết định không chuẩn xác. “Những căng thẳng gần đây giữa TQ và Mỹ về vấn đề Nam Hải và Hoàng Hải cho thấy quân đội hai nước thiếu sự tin cậy đầy đủ và đôi khi có những quyết định chiến lược thiếu chuẩn xác… Cuộc gặp này có thể kiềm chế các xung đột giữa hai nước trong giới hạn và đưa quan hệ quân sự trở lại hợp lý và lành mạnh”.

 

Trong hội đàm, hai bên đã đạt nhất trí về các vấn đề sẽ thảo luận tại các cuộc họp cấp nhóm làm việc MMCA vào năm tới.

 

Cuộc hội đàm về vấn đề trên biển vừa qua là tiếp tục của các quan hệ bắt đầu từ cuối những năm 1990 nhưng thường xuyên bị ngừng trệ. Cuộc hội đàm cuối cùng diễn ra 9/2009./.

Hoàng Trung (gt)

Nguồn : China Daily

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)