Trong lúc thế giới vào thời điểm hiện tại không thiếu những 'điểm nóng' bất ổn, một khu vực luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của các luật gia quốc tế – đặc biệt là những người quan tâm đến sự giao thoa giữa luật thụ đắc lãnh thổ và luật biển – chính là Biển Đông. Việc Trung Quốc yêu sách một vùng rộng lớn còn đang tranh chấp như là lãnh hải của mình bất chấp việc yêu sách này mâu thuẫn với quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines là cội nguồn gây ra những căng thẳng kéo dài.

Tuy nhiên, bài viết này không tìm cách đánh giá giá trị pháp lý của những yêu sách này – có những cuốn sách đã dành trọn cho chủ đề này – mà thay vào đó sẽ phân tích một khía cạnh mới của vụ tranh chấp theo quan điểm luật quốc tế, cụ thể là việc cơ quan thẩm quyền Việt Nam từ chối đóng dấu lên các hộ chiếu Trung Quốc mới có in chìm bản đồ Trung Quốc bao gồm cả những khu vực còn đang tranh chấp ở mỗi trang. Theo BBC, các cơ quan biên phòng đã cấp thị thực rời và đóng dấu hủy vào những thị thực đã được cấp trước đó. Vào thời điểm viết bài này, Philippines vẫn chấp nhận các hộ chiếu nói trên, nhưng đang xem xét các phương án và có lẽ vẫn bảo lưu quyền phản đối nếu họ thấy cần.

Chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên yêu sách chủ quyền lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc bị phản đối chính thức từ những nước bị tác động trực tiếp bởi yêu sách này. Ấn Độ, nước có hai khu vực thuộc vùng Himalaya bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đã chọn cách đối phó bằng việc đóng dấu bản đồ của họ lên thị thực cấp cho công dân Trung Quốc.

Tất cả những động thái trên gợi lên câu hỏi liệu giới chức Việt Nam và Ấn Độ có hành động dựa theo quan điểm luật quốc tế hay không? Liệu có thể lập luận rằng với sự từ chối những hộ chiếu như vậy, họ sẽ tránh được việc ngầm thừa nhận tính hợp lệ của yêu sách Trung Quốc và từ bỏ các quyền của mình ở Biển Đông hay không? Nói cách khác, liệu có thể suy luận rằng bằng việc đóng dấu trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, các quốc gia khác trong vùng có đang công nhận yêu sách của Bắc Kinh hay không?

Xét về mặt này, chúng ta có thể tham khảo một tiền lệ xuất phát từ một khu vực khác của Đông Nam Á, cụ thể là quyết định của Tòa án Công lí Quốc tế về vụ đền Preah Vihear (Campuchia kiện Thái Lan), ICJ Reports 1962 tr. 6 (Temple). Trong vụ này, Campuchia và Thái Lan tranh chấp quyền sở hữu ngôi đền cùng tên, là một phần trong tranh chấp biên giới lớn hơn giữa hai nước. Vấn đề này từ đầu đã được đưa ra giải quyết qua một Ủy ban hỗn hợp, họp lần cuối cùng vào năm 1907 mà chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, có hai sự kiện có liên quan. Thứ nhất, Ủy ban đã vẽ ra một loạt các bản đồ phân định biên giới giữa hai nước. Mặc dù những bản đồ này không được đưa vào trong các văn bản cuối cùng của Ủy ban và do đó không có hiệu lực ràng buộc, nhưng Tòa án vẫn xem chúng có sức nặng đáng kể khi ghi nhận rằng Thái Lan (lúc đó là Xiêm) đã có nhiều cơ hội phản đối các bản đồ như là ’kết quả của công việc phân định biên giới trong khu vực Preah Vihear’, song Thái Lan đã không đưa ra các phản đối đó. (Temple, 32).

Thứ hai, Tòa án đã chú ý đến một sự kiện năm 1930 khi Hoàng tử Damrong, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và hiện là Chủ tịch của Viện Hoàng gia Xiêm, đã thực hiện một chuyến thăm bán chính thức tới Đền, và được Công sứ Pháp ở tỉnh tiếp giáp của Campuchia (lúc đó là thuộc địa của Pháp) tiếp đón có ‘trương cờ Pháp’. Tòa án xét rằng:

Hoàng tử không thể nào không nhìn thấy những hệ lụy từ sự đón tiếp của nhân vật này. Khó tưởng tượng ra sự khẳng định nào rõ hơn về danh nghĩa chủ quyền từ phía Đông Dương thuộc Pháp. Tình cảnh  đó đòi hỏi phải có phản ứng. Thái Lan đã không làm gì cả. Thêm nữa, khi về tới Bangkok, Hoàng tử Damrong đã gửi Công sứ Pháp một số hình ảnh của cuộc viếng thăm này, ông đã dùng những lời lẽ có vẻ thừa nhận rằng nước Pháp, thông qua ngài Công sứ, đã đóng vai trò là nước chủ nhà (Temple, 30).

Tòa án tiếp tục:

Nhìn toàn cục sự việc, có vẻ Xiêm đã đưa ra một sự thừa nhận ngầm về chủ quyền của Campuchia (thuộc Pháp) đối với Preah Vihear, bằng việc không phản ứng theo cách nào đó vào lúc cần có phản ứng nhằm khẳng định hoặc bảo lưu quyền sở hữu/danh nghĩa trước yêu sách rõ ràng của đối phương (Temple, 30-1).

Do đó, câu hỏi đặt ra là – liệu Việt Nam và Ấn Độ có đánh giá đúng khả năng về sự thách thức chủ quyền tương tự như thế trong trường hợp này hay không? Liệu có phải do lo ngại rằng nếu các hộ chiếu vi phạm chủ quyền này được cho qua trót lọt, các nước nói trên có nguy cơ rơi vào tình trạng ngầm thừa nhận yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không? Dù là tình huống nào, các quan ngại trên đều hoàn toàn không cần thiết theo quan điểm pháp lí. Câu trả lời cho câu hỏi liệu việc đóng dấu vào hộ chiếu - thậm chí nhiều lần - có thể làm cơ sở choviệc khẳng định sự mặc nhận rõ ràng là ‘không’, và nó được lập luận dựa trên nhiều căn cứ.

Là một khái niệm pháp lí trọng yếu, sự mặc nhận là một bộ phận trong học thuyết lớn hơn về các hành vi đơn phương, và có nguồn gốc từ trong thông luật (common law) - dù luật dân sự tất nhiên cũng có nguyên tắc tương tự. Ghi nhận đầu tiên về khái niệm này xuất hiện trong phán quyết của Toà Trọng tài năm 1910 được thành lập để phân định biên giới biển giữa Na Uy và Thụy Điển trong tranh chấp biên giới biển giữa hai nước này (1910) 4 AJIL 226 (Na Uy kiện Thụy Điển). Tòa án ủng hộ chủ quyền của Thụy Điển trên cơ sở Na Uy đã không tranh cãi về các hoạt động bao quát của Thuỵ Điển trong khu vực, bao gồm việc đánh bắt tôm hùm, tiến hành đo đạc và cho một thuyền nhẹ đóng trạm. Toà kết luận rằng:

Một nguyên tắc được xác lập trong luật pháp giữa các quốc gia đó là hiện trạng đã tồn tại và tồn tại trong một thời gian dài chỉ nên bị thay đổi ở mức ít nhất có thể (Na Uy kiện Thụy Điển, 233).

Tính hợp pháp của tập quán được chấp nhận lâu năm về việc sử dụng đường cơ sở để xác định bề rộng lãnh hải cũng được xác lập theo cách này. Trong vụ Ngư trường (Anh kiện Na Uy), ICJ Reports 1951 tr. 116 (Ngư trường Anh- Na Uy), Tòa án quốc tế cho rằng nước Anh không thể phản đối việc sử dụng đường cơ sở của Na Uy dựa trên căn cứ rằng:

Tính rõ ràng của các sự kiện, sự thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế, vị trí của nước Anh ở Biển Bắc, lợi ích của chính nước Anh, và việc bỏ mặc kéo dài đã là sự thừa nhận cho các hoạt động chấp pháp thuộc thẩm quyền Na Uy chống lại Vương quốc Anh (Ngư trường Anh - Na Uy, 139).

Vụ kiện này qua đó đã đặt ra những yêu cầu chung của luật quốc tế để tạo thành lập luận về sự mặc nhận: (a) một chuỗi các sự kiện rõ ràng, hiển nhiên, (b) sự thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế đối với các sự kiện đã nêu, và (c) sự thừa nhận của nước có lợi ích bị ảnh hưởng cụ thể. Thêm vào đó là phán quyết của tòa án trong vụ Thềm lục địa Biển Bắc (CHLB Đức / Hà Lan, CHLB Đức / Đan Mạch), ICJ Reports 1969 tr. 3, 25, rằng giả định về bổn phận phải hành động ‘không được xem nhẹ' và đòi hỏi ‘cách hành xử rất nhất quán'. Một ví dụ về điều này đã được làm rõ trong Bản kháng cáo đầu tiên của vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua và chống lại Nicaragua – (Nicaragua kiện Mỹ), ICJ Reports 1984 tr. 392, 411-13 (Nicaragua), trong đó ‘sự mặc nhận liên tục’ của Nicaragua đối với việc xuất bản tên của mình trong Sổ Niên giám của Tòa án quốc tế danh sách những nước đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa án đã được xem như phản ánh sự ‘ngầm thừa nhận liên tục'.

Rõ ràng theo phân tích trên, những yêu cầu khá cao theo quy định của luật quốc tế để tạo thành sự mặc nhận trong vụ việc liên quan đến hộ chiếu mới của Trung Quốc là không đầy đủ. Mặc dù các sự kiện đang bàn chắc chắn là nổi cộm, quan điểm cho rằng có sự thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế về các sự kiện này là chưa rõ ràng. Cụ thể hơn, khó mà hiểu được làm sao việc chấp nhận một hộ chiếu có in bản đồ cố ý xâm phạm ở đây lại có thể được xem là sự khẳng định đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Như đã nói, sự mặc nhận trong vụ Đền thờ được tạo thành dựa trên hai hành động, và không có hành động nào trong đó giống như tình huống ở đây. Thứ nhất, bản đồ trên hộ chiếu không thể xem có giá trị tương đương với một bản đồ được vẽ ra - dù không chính thức - bởi một Ủy ban được các bên trao quyền để xác định biên giới giữa họ với nhau. Chính xác hơn, đây chỉ được xem là bản đồ Trung Quốc được biên soạn để phản ánh các yêu sách lãnh thổ của mình. Tinh thần công bằng, không thiên vị trong bản đồ của vụ Đền thờ rõ ràng không xuất hiện trong vụ việc này.

Thứ hai, không giống như chuyến thăm của Hoàng tử Damrong đến Preah Vihear, hộ chiếu được tiếp nhận bởi một viên chức biên phòng không có vai trò trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam hay Ấn Độ và không thể được coi là một cá nhân có cương vị tương tự như một cựu Bộ trưởng Bộ Nội các. Hơn nữa, hành động đóng dấu hộ chiếu không thể xem là chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc mô tả bên trong đó, vì mục đích của hành động chỉ đơn thuần là để xác nhận rằng người mang hộ chiếu có quốc tịch Trung Quốc được đi vào nước tiếp nhận trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, sẽ là điều dễ hiểu nếu người mang hộ chiếu là cư dân của một trong những hòn đảo của Biển Đông hoặc vùng lãnh thổ Himalaya đang tranh chấp, và không hề có quốc tịch Trung Quốc trước đó. Việc chấp nhận lặp đi lặp lại một hộ chiếu như thế với nhận thức rõ về hoàn cảnh mà nó được cấp có thể gây ra nhiều vấn đề.

Nhưng có lẽ lập luận dứt khoát trong trường hợp này nảy sinh từ các yếu tố thứ ba được xác định trong vụ Ngư trường Anh-Na Uy, đó là sự thừa nhận của Việt Nam và Ấn Độ đối với tình hình chung, hai nước chịu ảnh hưởng đặc biệt bởi những yêu sách của Trung Quốc. Không giống như tình huống của Thụy Điển trong vụ Thụy Điển kiện Na Uy, Anh trong vụ Đánh cá Anh-Na Uy, Nicaragua trong vụ Nicaragua hoặc Xiêm/ Thái Lan trong vụ Đền thờ, các nước không hề im lặng trước những yêu sách của Trung Quốc mà phản đối một cách gay gắt. Trong trường hợp này, các phát biểu mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ấn Độ là quá đủ để át đi bất kì lời cáo buộc nào về sự mặc nhận có thể phát sinh qua việc chấp nhận hộ chiếu.

Vậy chúng ta phải làm gì? Chắc chắn không phải là một phản ứng nảy sinh từ các quan ngại pháp lí. Việc hai nước này không đồng ý chấp nhận mà không động tới nội dung của các hộ chiếu vi phạm phần nhiều mang tính thủ thuật đối phó về quan hệ đối ngoại – thêm một động thái nữa trong chuỗi thế đi trên bàn cờ ngoại giao, trong đó vai trò của luật pháp quốc tế thường giống như một kẻ đứng ngoài bất lực.

Tác giả Cameron Miles là nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Cambridge. Bài viết này được đăng lần đầu tiên trên trang của tạp chí Luật Quốc tế và So sánh Cambridge (Cambridge Journal of International and Comparative Law)

Dịch: Phan Văn Song

Hiệu đính: Lê Vĩnh Trương và Nguyễn Minh Ngọc