18tsai-web-master675.jpg

Trước tiên là cuộc điện thoại, sau đó là vấn đề gây xôn xao dư luận. Vào ngày 2/12, Donald Trump đã đảo ngược 37 năm chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách nhận cuộc điện thoại chúc mừng kéo dài 10 phút từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Vào ngày 10/12, ông còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng ông không biết “tại sao chúng ta [Mỹ] phải bị ràng buộc bởi chính sách Một Trung Quốc trừ phi chúng ta thương lượng một thỏa thuận với Trung Quốc về những vấn đề khác, trong đó có thương mại”.

Lập trường chính thức của Trump vẫn chưa rõ ràng, nhưng bình luận của ông cho thấy về vấn đề Đài Loan, ông có thể ủng hộ việc thay đổi nguyên trạng đã tồn tại trong gần 4 thập kỷ. Phiên bản hiện nay của chính sách Một Trung Quốc, mà cho rằng chỉ có một chính phủ hợp pháp tại Trung Quốc, tính từ năm 1979, khi Mỹ công nhận chính quyền cộng sản tại Bắc Kinh trong khi cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền dân tộc chủ nghĩa tại Đài Bắc.

Vào thời điểm đó, Đài Loan vẫn là một nhà nước độc đảng hà khắc, nhưng trong hơn 20 năm qua, Đài Loan đã chuyển đổi một cách hòa bình thành một nền dân chủ tự do đầy sức sống. Nhưng bất chấp tiến triển này, vẫn chưa có một quốc gia độc lập có tên là “Đài Loan”. Hòn đảo Thái Anh Văn lãnh đạo vẫn gọi bản thân là nước Cộng hòa Trung Hoa (ROC). Trung Quốc đại lục vẫn gọi hòn đảo này là Đài Loan và chính thức coi nó là một tỉnh nổi loạn, nhưng trên thực tế đối xử với nó như một quốc gia nước ngoài. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gọi nó là “Lãnh thổ Thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ (Trung Hoa Đài Bắc)”. Mỹ vẫn sử dụng tên gọi Đài Loan và công khai bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ mạnh mẽ, không chính thức với chính quyền tại Đài Bắc. Tuy vậy, khi một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ lỡ lời gọi Đài Loan là một quốc gia vào đầu năm nay, đây được coi là một câu nói hớ lớn.

Vậy Đài Loan thực sự là gì? Ngày nay, 70 năm sau khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc, cuộc chiến đã chia tách hòn đảo này khỏi đại lục, đã đến lúc cộng đồng quốc tế giải quyết câu hỏi này. Thật vô nghĩa khi tiếp tục duy trì câu chuyện hoang đường rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Thay vì vậy, đã đến lúc Đài Loan trở thành một quốc gia bình thường.

Từ bỏ những điều trẻ con

Đương nhiên, Trung Quốc có thể không bao giờ chấp nhận nỗ lực của Đài Loan hành xử như một quốc gia, giống như bất kỳ quốc gia nào khác, và chắc chắn sẽ bỏ phiếu phủ quyết về tư cách thành viên của Đài Loan tại Liên hợp quốc. Nhưng Bắc Kinh phải biết rằng Đài Loan sẽ không bao giờ quay trở lại. Thanh niên Đài Loan hiện nay đã lớn lên trong một xã hội tự do, cởi mở và dân chủ và họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu để bị Bắc Kinh lãnh đạo, đặc biệt sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra với Hong Kong. Con cái và cháu chắt của họ sẽ còn ít muốn làm như vậy hơn. Việc Bắc Kinh chờ đợi Đài Loan gia nhập Trung Quốc một cách hòa bình sẽ giống với việc Bình Nhưỡng chờ đợi Hàn Quốc sáp nhập một cách hòa bình vào Triều Tiên, và đại lục sẽ không chấp nhận phí tổn của một giải pháp quân sự.

Chính bởi tình hình này, ngay cả khi Trung Quốc không bao giờ chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia, nước này có thể bắt đầu đối xử khác với hòn đảo này nếu Đài Loan ứng xử giống với một quốc gia nhiều hơn. Nếu Đài Loan muốn được coi trọng, hòn đảo này phải hành xử nghiêm túc. Từ bỏ những tuyên bố chủ quyền của họ tại Biển Đông sẽ là một bước khởi đầu tốt. Giống như Bắc Kinh, Đài Bắc duy trì một tuyên bố chủ quyền mong manh đối với toàn bộ Biển Đông, dựa trên tiền đề rằng Đài Loan là bên tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với lãnh hải của Trung Quốc.

Tuyên bố chủ quyền của Đài Loan dựa trên đường 9 đoạn nổi tiếng, một ranh giới thô sơ trên biển lần đầu tiên được vẽ trên các bản đồ của Trung Quốc năm 1947. Đường này mô tả các tuyên bố chủ quyền mở rộng đối với các vùng biển, hòn đảo và đáy biển của Biển Đông và do ROC vẽ ra, vốn kiểm soát đại lục vào thời điểm đó. Khi phe cộng sản giành chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, họ kế thừa và sử dụng đường 9 đoạn này như là nền tảng cho các tuyên bố chủ quyền của chính họ, và ngày nay cả Trung Quốc và Đài Loan đều cho rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ - nước Trung Quốc thực sự.

Điều mỉa mai là phần lớn tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông dựa trên thực tế rằng Đài Bắc duy trì các cơ sở trên quy mô lớn tại đảo Thái Bình (còn được gọi là Itu Aba, hay Ba Bình), một cấu trúc tranh chấp rộng hơn 900 dặm nằm ở phía Nam Đài Loan. Nhưng vào ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài tại La Hay đã ra phán quyết rằng hòn đảo này là một đá và vì vậy chỉ đem lại cho bên quản lý nó các quyền lợi lãnh thổ tối thiểu. Cho dù Đài Loan không phải là một bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), hòn đảo này nên tôn trọng phán quyết đó, rút khỏi đảo Thái Bình và đưa đá này quay trở lại trạng thái tự nhiên của nó. Làm như vậy sẽ giúp Đài Loan có được bạn bè trên khắp khu vực và Trung Quốc không thể phàn nàn về một sự rút lui của Đài Loan.

Bắc Kinh có khả năng tiếp tục nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình bất chấp UNCLOS, nhưng một Đài Loan mà không còn kỳ vọng là Trung Quốc nữa không nên bị lôi kéo vào tranh chấp này. Thay vào đó, Đài Loan nên chấp nhận diễn biến hòa bình trên Biển Đông dưới sự bảo trợ của các thể chế đa phương. Nói chung là, Đài Loan cần làm sáng tỏ hết sức rằng họ không phải là một bên trong nhiều tranh chấp trên Biển Đông. Đài Loan cũng nên ngừng chơi trò chơi trợ giúp để được công nhận. Đài Loan có thể đã từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình nhằm quản lý phần lục địa vào đầu những năm 1990, nhưng nước này vẫn chính thức tự xưng là Trung Hoa Dân Quốc, và sử dụng các khuyến khích tài chính để thuyết phục 21 nước nghèo duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan thay vì Trung Quốc.

Đài Loan giàu có có thể giúp đỡ người nghèo ở bất kỳ đâu trên thế giới. Do bước quá độ truyền cảm hứng của riêng mình từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, Đài Loan có thể đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tư vấn cho các nước như Mông Cổ và Ukraine về việc làm thế nào để củng cố các thể chế dân chủ của riêng mình. Số tiền Đài Bắc chi ra để đổi lấy sự công nhận về mặt ngoại giao, khoảng 200 triệu USD/năm, có thể được sử dụng tốt hơn nhiều vào việc tài trợ cho công cuộc truyền bá sự cai trị tốt ở nhiều nền dân chủ mong manh trên thế giới.

Một Trung Quốc

Nhưng điều quan trọng nhất mà phải xảy ra là Đài Loan từ bỏ giả tưởng rằng nước này là Trung Hoa Dân Quốc – tức là, từ bỏ giả tưởng rằng nước này có tuyên bố chủ quyền nào đó, cho dù chỉ là một giả tưởng về mặt tu từ, đối với phần lục địa. Một sự thay đổi như vậy mang đầy tính chính trị, nhưng nó sẽ không nhất thiết đòi hỏi bất cứ điều gì kịch tính như một tuyên ngôn độc lập chính thức. Ngay cả số ít những người ở Đài Loan mà mong muốn tái thống nhất giờ cũng chấp nhận rằng bất kỳ một nước Trung Quốc thống nhất nào trong tương lai cũng sẽ được điều hành từ Bắc Kinh chứ không phải là từ Đài Bắc. Giải pháp rõ ràng là chính phủ chỉ cần đơn giản thay đổi tên hòn đảo này từ Trung Hoa Dân Quốc sang Đài Loan, mà không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vị thế pháp lý của nước này. Đó sẽ là một tuyên ngôn nhận dạng, không phải là một tuyên ngôn độc lập.

Dĩ nhiên là, dù có đưa ra một tuyên bố như vậy thì Đài Loan vẫn như ngày hôm nay – một quốc gia trên thực tế mà không được chính thức công nhận như vậy. Nhưng đối với phần còn lại của thế giới, sự thay đổi này có thể có ảnh hưởng sâu rộng. Trong những thập niên gần đây, các nhà lãnh đạo thế giới, (cho đến giờ bao gồm các tổng thống Mỹ), đã từ chối giao thiệp trực tiếp với Đài Loan vì họ chỉ công nhận một Trung Quốc. Nhưng họ có thể học cách giao thiệp với một Đài Loan mà không tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc. Các tổng thống Mỹ, mà đàm thoại với lãnh đạo các thực thể phi quốc gia và giống quốc gia như Chính quyền Palestine suốt thời gian qua, có thể đàm thoại với tổng thống Đài Loan.

Sự tiến triển này sẽ không làm Trung Quốc hài lòng. Nhưng trái với giọng điệu gây hoang mang của nhiều nhà phân tích chính sách bên ngoài nước Mỹ, Trung Quốc đang không chuẩn bị cho việc xâm lược Đài Loan, và cú điện thoại của Trump sẽ không bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ ba. Ý kiến đồng thuận về cuộc điện thoại Thái-Trump ở Mỹ, mà tranh cãi một cách hợp lý về các giá trị của việc đàm thoại với Đài Loan, có lý hơn nhiều. Và mặc dù Trung Quốc cứng rắn phản đối chủ quyền chính thức của Đài Loan, nhưng nước này vẫn giao thiệp với Đài Loan, một trong những láng giềng gần gũi và đối tác thương mại quan trọng nhất của mình, theo một cách nhìn chung là mang tính thực dụng.

Ai cần sự chắc chắn?

Mỹ luôn có một chính sách Một Trung Quốc. Nhưng chính sách đó luôn mơ hồ về vị thế của Đài Loan trong mối quan hệ với một Trung Quốc đó. Bắc Kinh tuyên bố rằng Đài Loan là một phần không thể chuyển nhượng của lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đưa ra một tuyên bố y hệt trên Biển Đông, ở đó phần còn lại của thế giới đã tỏ ra rằng họ sẽ không chấp nhận toàn bộ rất nhiều những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Về mặt này, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ không khác gì.

Việc bình thường hóa địa vị của Đài Loan như một quốc gia trên thực tế, hơn là về mặt pháp lý, có thể chọc giận những người theo phái diều hâu ở Đài Loan mà ủng hộ việc công nhận hòn đảo này là một quốc gia có chủ quyền. Nhưng việc thay đổi hành vi trước khi thay đổi chính trị tốt hơn là cách làm ngược lại. Nếu hiện trạng được duy trì, và Đài Loan đưa ra những tuyên bố chủ quyền trên cơ sở nhận dạng tự xưng của mình là Trung Hoa Dân Quốc, các nước khác sẽ có lý khi để Trung Quốc đọc cho viết các điều khoản trong các chính sách Đài Loan của họ. Nếu Đài Loan chấp nhận một nhận dạng khiêm tốn hơn của riêng mình, thế giới có thể quay sang ủng hộ hòn đảo này./.

Theo “Foreign Affairs (ngày 11/12)

Lê Quang (gt)