Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ chính trị cùng hợp tác để đối phó các vấn đề an ninh từ Bắc Triều Tiên

Mặc dù cùng là đồng minh thân cận của Mỹ và thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1965, quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều hợp tác về kinh tế, tuy nhiên, mặt chính trị-ngoại giao, an ninh quốc phòng và quan hệ hợp tác khác không được tốt do vấn đề lao động cưỡng ép từ từ thời gian Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc 1910-1945 để lại. Trải qua nhiều Chính phủ cầm quyền của Hàn Quốc, quan hệ hợp tác an ninh hai nước luôn gặp khó khăn do Hàn Quốc luôn đấu tranh cho việc yêu cầu Nhật Bản phải bồi thường cho các lao động cưỡng ép trong chiến tranh trong khi Nhật Bản không chấp nhận việc này dựa trên cơ sở đã có bồi thường trong một hiệp định khác. Từ năm 2022, trong bối cảnh an ninh phức tạp bất thường do các hoạt động thử tên lửa nhiều chưa từng có của Bắc Triều Tiên, Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tìm cách tạo ra đột phá trong việc tìm cách cải thiện quan hệ hợp tác song phương với Nhật Bản thành công, từ đó đạt được thượng đỉnh cấp cao ba nước Mỹ - Nhật - Hàn tại Trại David, Mỹ trong năm 2023, thống nhất cùng phối hợp ba nước trong các vấn đề an ninh khu vực.

  1. Các vấn đề gây ra căng thẳng cản trở quan trong hệ hợp tác chính trị, ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản do lịch sử để lại.

Hàn Quốc và Nhật Bản thành lập quan hệ ngoại giao từ năm 1965 tuy nhiên quan hệ hai nước tồn tại một số các bất đồng từ lịch sử để lại gây tác động tiêu cực đến sự phát triển quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao của hai nước. Các vấn đề lớn lịch sử để lại giữa hai nước gồm: (i) tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Dokdo; (ii) chính khách Nhật Bản thăm đền Yashukuni; (iii) phụ nữ mua vui; và (iv) vấn đề lao động cưỡng ép. Trong các tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, vấn đề lao động cưỡng ép được cho là vấn đề lớn nhất, thường xuyên xẩy ra căng thẳng, biểu tình trong nội bộ Hàn Quốc, gây sức ép lên các lãnh đạo Hàn Quốc khi lên cầm quyền phải xử lý trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản.

Trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc từ 1910-1945, Nhật Bản đã thông qua Đạo luật huy động lao động Quốc gia để cưỡng ép tuyển dụng khoảng từ 280.000 đến 1,2 triệu lao động thuộc địa Hàn Quốc làm việc tại các nhà máy và hầm mỏ phục vụ cho chiến lược công nghiệp quân sự, mở rộng các khu vực ảnh hưởng của Nhật Bản ở cả trên biển và trên đất liền[1]. Năm 1997, 15 lao động cưỡng ép của Hàn Quốc trong giai đoạn này đã kiện Tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản về việc tuyển dụng lao động cưỡng ép và bị toà án Nhật Bản bác bỏ. Năm 2012, Toà án Tối cao Hàn Quốc tiếp nhận vụ kiện và sau đó đến năm 2018 Toà án Tối cao Hàn Quốc đã ra bản án yêu cầu 02 công ty của Nhật Bản là Nippon Steel và Mitsubishi phải đền bù khoản tiền 77.000 $ cho mỗi nạn nhân trong tổng số 15 người được xác định là nạn nhân của lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã không chấp thuận bản án của Toà án Hàn Quốc về đền bù và đã không thanh toán bất cứ khoản đền bù nào[2]. Quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản do vậy đã đi xuống mức thấp nhất, căng thẳng trên hầu hết các mặt thể hiện như Hàn Quốc huỷ bỏ hợp tác chia sẻ thông tin tình báo quân sự về Bắc Triều Tiên với Nhật Bản; Nhật Bản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip cho Hàn Quốc; Hàn Quốc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách ưu đãi về thương mại; người dân Hàn Quốc tẩy chay hàng hoá từ Nhật Bản...

  1. Các yếu tố thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản điều chỉnh hàn gắn quan hệ tiến đến cùng hợp tác.

Các nguyên nhân chính thúc đẩy việc điều chỉnh quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian gần đây tập trung vào các vấn đề an ninh chiến lược của khu vực và quốc tế gây lo ngại cho cả hai nước, bao gồm: (i) cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều rất lo ngại về các hoạt động phát triển hạt nhân, liên tục thử tên lửa với số lượng nhiều và đạt tiến bộ nhanh chóng của Bắc Triều Tiên trong thời gian những năm gần đây; (ii) cùng lo ngại về các hành động nhằm thay đổi nguyên trạng, các hoạt động cưỡng ép, đe doạ sử dụng vũ lực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Việc Nga đưa quân đánh chiếm lãnh thổ tại Ukraina gây ra lo ngại lớn cho cả Nhật Bản và Hàn Quốc về tiền lệ xấu có thể xảy ra cho các khu vực khác tại khu vực Đông Bắc Á; (iii) cả hai nước đều có lo ngại về sự phát triển quân sự ngày càng mạnh mẽ và các tham vọng lớn của Trung Quốc, dẫn đến cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ, do đó, cả hai nước nhận thấy nhu cầu phải ngả theo phía đồng minh để được đảm bảo an ninh và phát triển; (iv) bản thân Hàn Quốc và Nhật Bản đều là hai đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của Mỹ tại Châu Á nên không thể không đề cập đến vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy hoà giải để hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, có như vậy Mỹ mới có thể thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn để triển khai các chính sách an ninh, đối ngoại với khu vực.

Trong các nguyên nhân nêu trên, quan tâm nhất của cả Hàn Quốc và Nhật Bản là vấn đề an ninh do đề Bắc Triều Tiên phát triển hạt nhân và thử tên lửa với tiến bộ và số lượng tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua đe doạ trực tiếp đến an ninh của cả hai nước. Tính chỉ riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Bắc Triều Tiên đã thử hơn 100 quả tên lửa[3], trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn xa hàng nghìn km[4]. Bắc Triều Tiên cũng tuyên bố lần đầu bắn thử "thành công" tên lửa vệ tinh trinh sát[5], thử drone ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân ở dưới biển[6].

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên là sản phẩm chia cắt từ thời chiến tranh lạnh, cả hai nước đều vẫn ở trong trạng thái chiến tranh do mới chỉ tuyên bố đình chiến từ năm 1953[7]. Cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cũng đều tuyên bố chính danh đại diện cho cả hai miền Triều Tiên, do vậy luôn trong trạng thái đối đầu về quân sự, không có hoà bình thật sự. Đối với Nhật Bản, Nhật Bản là cường quốc khu vực trước đây đã để lại sản phẩm lịch sử khi xâm lược bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945 và tạo ra sự chia cắt hai miền cho đến ngày nay. Hơn nữa Nhật Bản cũng là đồng minh của Mỹ luôn gây áp lực về cấm vận ép Triều Tiên huỷ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình. Bắc Triều Tiên do vậy luôn coi Nhật Bản là đối tượng thù địch và có khả năng tấn công khi có xung đột trong khu vực giữa hai miền Triều Tiên. Trên thực tế, nhiều hoạt động bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên bắn vào các vùng biển của Nhật Bản[8]. Đối tượng thù địch của Bắc Triều Tiên luôn nhằm vào cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản khi phát triển năng lực vũ khí tên lửa và hạt nhân.

Do vậy, mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp của hai miền Triều Tiên, Nhật Bản vẫn luôn phải sát sao quan tâm đến tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đặc biệt là sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều ý thức được mối quan tâm an ninh chung không nước nào có thể một mình giải quyết được các vấn đề an ninh liên quan đến Bắc Triều Tiên, cả hai phải vượt qua các cản trở trong quan hệ hai nước để lại từ lịch sử để hợp tác cùng nhau đặc biệt với đồng minh Mỹ để tìm các hướng đối phó vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

  1. Các hoạt động triển khai hoà giải, thúc đẩy hợp tác khôi phục quan hệ hợp tác hai nước Nhật Bản - Hàn Quốc từ đầu năm 2023 đến nay.

Để triển khai thúc đẩy hoà giải, tăng cường hợp tác hai nước đối phó với Bắc Triều Tiên và các vấn đề an ninh khu vực khác, Hàn Quốc và Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao - chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế trước đây bị đình trệ.

Về các hoạt động chính trị - ngoại giao.

Chính phủ Hàn Quốc đã tìm cách giải quyết nội bộ vấn đề đền bù cho lao động cưỡng bức Hàn Quốc, giải quyết cản trở quan hệ hợp tác với Nhật Bản. Ngày 06/3/2023, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã cho báo chí biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ vận động Quỹ do các công ty Hàn Quốc được lợi từ Hiệp định bồi thường chiến tranh năm 1965 giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để bồi thường cho 15 lao động bị cưỡng ép người Hàn Quốc đã thắng kiện theo quyết định của Toà án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 thay vì yêu cầu các công ty của Nhật Bản phải bồi thường[9]. Đây là động thái được đánh giá là thiện chí, mang tính chính trị cao của Chính phủ Hàn Quốc mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác với Nhật Bản đang bị tắc nhất về lao động cưỡng bức. Việc tìm cách xử lý nội bộ về cách thức đền bù cho vụ kiện về lao động cưỡng bức Hàn Quốc dưới thời đô hộ của Nhật Bản được cho là đã mở đường cho việc sắp xếp thành công các chuyến thăm cấp cao lãnh đạo hai nước khơi thông quan hệ ngoại giao và đạt các thoả thuận hợp tác ngay sau đó. Ngày 16/3/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản nhằm khôi phục quan hệ hai nước sau 12 năm không có chuyến thăm cấp cao. Tại chuyến thăm của Tổng thống Yoon, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đồng ý nối lại Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động triển khai tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên ký (GSOMIA) kết từ 2016 và bị Hàn Quốc ngừng năm 2019 do căng thẳng ngoại giao giai đoạn này[10]. Hiệp định có cơ chế chia sẻ thông tin vệ tinh các hình ảnh thực về các hoạt động phát triển, triển khai tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên để cả hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc cùng có các biện pháp phối hợp đối phó chung, hoạt động riêng lẻ của mỗi nước sẽ là khó khăn để đạt hiệu quả răn đe Triều Tiên. Việc nối lại hợp tác chia sẻ thông tin tình báo quân đội về Bắc Triều Tiên có tính nhạy cảm cao, đánh giá việc Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản thực sự tin tưởng và mong muốn thúc đẩy khôi phục quan hệ hợp tác đối phó với an ninh chung hai nước về Bắc Triều Tiên. Đáp lại chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon, vào tháng đầu tháng 5/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã có chuyến thăm cấp cao đáp lễ đến Hàn Quốc. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Kishda được giới quan sát đánh giá là hai nước đã hoàn toàn khôi phục lại quan hệ ngoại giao "bình thường", đưa ra các triển vọng hợp tác hai bên Hàn Quốc - Nhật Bản và ba bên Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản thuận lợi[11].

Hoạt động tập trận với đồng minh Mỹ và đối tác liên quan đối phó Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc đã cùng phối hợp tổ chức và tham gia tập trận song phương với đồng minh Mỹ cũng như nối lại tham gia một số tập trận đa phương bao gồm cả Nhật Bản trước đây bị dừng. Trong riêng nửa đầu năm 2023, Hàn Quốc đã liên tục tham gia 4 cuộc tập trận song phương và đa phương đặc biệt chú trọng vào đối phó tình hình an ninh tại Bắc Triều Tiên. Ngày 22/02/2023, Hàn Quốc cùng tham gia với Nhật Bản cùng Mỹ tập trận ba bên chống tên lửa đạn đạo ở khu vực Vịnh Hàn Quốc tập trung vào nội dung nhận dạng và ngăn chặn tên lửa đạn đạo[12]; ngày 15/3, Hàn Quốc cùng tham gia với Nhật Bản, Mỹ, Canada và Ấn Độ tập trận chung chống tầu ngầm mang tên "Rồng Xanh" tại vùng biển Hàn Quốc trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thử tên lửa[13]; ngày 29/3, Hàn Quốc và Mỹ tổ chức tập trận đổ bộ Ssang Yong tại biển Hàn Quốc với sự tham gia của hơn 2000 lính Mỹ nhằm tăng tính phối hợp quân đội hai nước và răn đe Bắc Triều Tiên[14]; ngày 3-4/4, hải quân Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tổ chức tập trận 03 bên hai ngày tại khu vực Hoa Đông. Tập trận với nội dung chống tàu ngầm có sự tham dự của nhóm tàu sân bay Nimitz của Mỹ[15].

Hợp tác kinh tế, tài chính.  

16/3/2023, Bộ Thương mại Nhật Bản đã thông báo giảm bớt giảm bớt các quy định xuất khẩu nguyên vật liệu sản xuất chip cho Hàn Quốc mà Nhật Bản đã áp dụng hạn chế với Hàn Quốc vào năm 2019 gồm fluorinated polyimide, resists, and hydrogen fluoride[16]. Quyết định được Chính phủ Nhật Bản thông báo khi chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon đang diễn ra tại Nhật Bản. Đáp lại động thái của Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thông báo rút đơn kiện Chính phủ Nhật Bản vi phạm các quy định của WTO khi hạn chế 03 nguyên liệu sản xuất chip đối với Hàn Quốc trước đó vào cùng ngày[17]. Tiếp đó, ngày 24/4/2023, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo việc đưa Nhật Bản trở lại "Danh sách trắng" ưu tiên về thương mại mà Hàn Quốc đã loại Nhật Bản vào năm 2020. Theo đó, các công ty Hàn Quốc xuất khẩu hàng hoá chiến lược sang Nhật Bản sẽ có quy trình kiểm tra đơn giản hơn còn 05 ngày thay vì mất 15 ngày nếu không thuộc ưu tiên[18]. Ngày 27/6/2023, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura cũng thông báo Nhật Bản đã cho phép Hàn Quốc quay trở lại với "Danh sách trắng" được ưu tiên về thương mại của Nhật Bản theo đó, các hàng hoá đặc biệt của Nhật Bản là linh kiện điện tử cao cấp sẽ được ưu tiên đơn giản hoá thủ tục xuất khẩu cho Hàn Quốc[19]. Các hoạt động ưu tiên, hoà giải về thương mại giữa hai nước nằm trong các hoạt động chung thể hiện sự hoà giải, cải thiện quan hệ chuẩn bị cho cấp cao của cả Hàn Quốc và Nhật Bản với đồng minh Mỹ dự kiến vào tháng 8/2023.

Về lĩnh vực hợp tác tài chính. Ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Tài chính hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đồng ý nối lại đàm phán về thoả thuận hoán đổi tiền tệ có giá trị 10 tỉ $ được ký kết từ năm 2001 và ngừng vào năm 2015 do căng thẳng về ngoại giao[20]. Dự kiến sau khi khôi phục lại thoả thuận, hai nước sẽ thảo luận nhiều vấn đề về tài chính trong bối cảnh cả hai nước đối mặt với các rủi ro an ninh, cạnh tranh địa chính trị tác động đến an ninh kinh tế, tài chính.

Như vậy tính chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, quan hệ Hàn Quốc Nhật Bản đã có sự thay đổi nhanh chóng cải thiện quan hệ trên các mặt từ hợp tác chính trị ngoại giao ở cấp cao, hợp tác quân sự, hợp tác kinh tế, tài chính, thương mại. Sự cải thiện quan hệ hai nước được cho là sẽ có tác động mạnh lên việc phối hợp hai nước cùng đồng minh Mỹ đối phó với hạt nhân và tên lửa trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ trong nhiều năm đã có nỗ lực thúc đẩy cải thiện quan hệ hợp tác hai nước đồng minh trong khu vực của mình nhưng chưa thành công. Sang đầu năm 2023, với những thay đổi nhanh chóng của tình hình an ninh quốc tế và khu vực, đặc biệt nhân tố Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy thành công sự điều chỉnh hoà giải quan hệ để hợp tác giữa hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự thay đổi hoà giải quan hệ hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản của Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Mỹ dễ dàng điều phối, hợp tác cùng triển khai các chính sách về an ninh liên quan đến Bắc Triều Tiên cũng như các hợp tác khác về an ninh trong khu vực trong đó có triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong cuộc họp 03 Cố vấn Hội đồng an ninh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vào ngày 15/6/2023 tại Tokyo, Nhật Bản, Cố vấn Hội đồng an ninh Mỹ Jake Sulivan đã tán dương trong bài phát biểu của mình rằng sự cải thiện quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản là "các bước đi lịch sử" trong quan hệ hai nước[21].

Với xu thế hợp tác hiện nay về an ninh, đối ngoại giữa hai nước trong cùng tương tác với đồng minh Mỹ, quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc với Nhật Bản sẽ còn tiếp tục được triển khai và tăng cường. Tình hình an ninh phức tạp trọng khu vực khó có thể giảm trong thời gian gần đặc biệt là các hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cảm thấy cần phải hợp tác với Nhật Bản và dựa vào đồng minh Mỹ để có được sự bảo đảm về an ninh. Yếu tố lãnh đạo của Hàn Quốc cũng sẽ là nhân tố duy trì chính sách an ninh, đối ngoại hiện tại của Hàn Quốc. Là người thể hiện lập trường đối ngoại ngả về phía Mỹ, cởi mở trong quan hệ với Nhật Bản, Tổng thống Yoon hiện mới trong 02 năm đầu của thời gian cầm quyền, do vậy, việc duy trì và triển khai chính sách đối ngoại hiện nay sẽ còn còn được kéo dài ít nhất cho đến hết thời gian cầm quyền của Tổng thống kết thúc vào giữa năm 2027. Khi có lãnh đạo đất nước mới, việc thay đổi chính sách an ninh, đối ngoại hoàn toàn có thể có các điều chỉnh./.

Thái Giang là Nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu riêng của tác giả và không đại diện cho cơ quan đang làm việc.

 

[1] Xem tại https://www.law.georgetown.edu/legal-ethics-journal/wp-content/uploads/sites/24/2020/09/GT-GJLE200018.pdf

[2] Xem tại https://edition.cnn.com/2023/03/06/asia/south-korea-japan-forced-labor-compensation-intl-hnk/index.html

[3] Xem tại https://thediplomat.com/202 cx3/06/us-flies-nuclear-capable-bombers-to-korean-peninsula/

[4] Xem tại https://edition.cnn.com/2023/07/11/asia/north-korea-missile-test-intl-hnk-ml/index.html

[5] Xem tại https://www.theguardian.com/world/2023/may/30/north-korea-fires-space-launch-vehicle-towards-south

[6] Xem tại https://www.voanews.com/a/north-korea-tests-nuclear-capable-underwater-drone-state-media-says-/7041529.html

[7] Xem thêm bình luận về 70 năm ký Hiệp định đình chiến hai miền Triều Tiên tại https://thediplomat.com/2023/06/war-and-truce-the-korean-armistice-at-70/

[8] Xem tại https://www.theguardian.com/world/2023/jul/12/north-korea-fires-ballistic-missile-towards-japan

[9]Xem tại https://en.yna.co.kr/view/AEN20230306001751325

[10] Xem tại https://breakingdefense.com/2023/04/south-korea-and-japan-resume-intel-sharing-agreement-but-not-all-problems-are-solved/

[11] Xem tại https://asia.nikkei.com/Politics/Japan-South-Korea-ties/Kishida-and-Yoon-tout-new-departure-for-South-Korea-Japan-ties

[12] Xem tại https://www.voanews.com/a/us-south-korea-japan-hold-joint-drills-amid-north-korea-threats/6973699.html

[13] https://www.navy.mil/Press-Office/News-Stories/Article/3354063/canada-india-japan-korea-and-the-us-complete-multilateral-guam-based-exercise-s/

[14] https://edition.cnn.com/2023/03/28/asia/us-marines-south-korea-amphibious-landing-intl-hnk-ml/index.html

[15] https://thediplomat.com/2023/04/us-japan-south-korea-conduct-joint-anti-submarine-exercise/; https://news.usni.org/2023/04/07/nimitz-csg-makin-island-arg-conclude-drills-with-japan-korea-japanese-forces-search-for-downed-helo?fbclid=IwAR3lRluoLYBe0AhViEhIhtq1XR5KW_t0Tddzwz94nJ5cwG1TJto3lI7LKSg

[16] https://english.kyodonews.net/news/2023/03/67032887d7b9-urgent-japan-to-cancel-export-controls-on-chip-materials-to-s-korea-seoul.html

[17] https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/07/113_347256.html

[18] https://english.kyodonews.net/news/2023/04/071b8d39afe4-s-korea-puts-japan-back-on-its-preferred-trade-list-after-3-years.html

[19] https://www.yahoo.com/news/japan-reinstates-south-korea-preferred-032906231.html

[20] https://www.yahoo.com/news/japan-korea-discuss-fx-swap-210300980.html

[21] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/06/15/readout-of-national-security-advisor-jake-sullivans-meeting-with-the-national-security-advisors-of-japan-and-the-republic-of-korea/