12/07/2013
“Tạp chí Chính trị Thế giới” của Mỹ ngày 4/7 cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc xác định cơ cấu an ninh và kinh tế của khu vực Đông Bắc Á và rõ ràng chuyến thăm của bà Park là nhằm hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác nhau.
Ngoài các nhân tố khác, có ba lý do quan trọng giải thích tại sao Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ với Trung Quốc: Thứ nhất, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên hơn bất cứ nước nào khác, do đó Bắc Kinh có thể can dự hoặc ngăn chặn mọi hành động của Bắc Triều Tiên; thứ hai, Trung Quốc và Mỹ là hai đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất trong việc xác định cơ cấu an ninh của Đông Bắc Á; thứ ba, Trung Quốc có thể tạo nhiều cơ hội kinh tế nhất cho Hàn Quốc. Và hiện nay thương mại giữa hai nước lớn hơn thương mại của Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Ngoài ra, bà Park có ý định thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh là do nhận thấy chính quyền trước đây của Hàn Quốc quá nghiêng về Mỹ, do đó hiểu biết chính trị và an ninh giữa Trung Quốc và Hàn Quốc bị hạn chế rất nhiều.
Hiện nay, Tổng thống Park đã và đang tìm cách điều chỉnh để mối quan hệ của Hàn Quốc không quá nghiêng về Mỹ và cố gắng tạo ra một sân chơi cùng có lợi trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ và Trung Quốc. Sau khi nhậm chức, bà Park thực hiện chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên tới Mỹ và chuyến thăm mới đây tới Trung Quốc để khẳng định bản chất khác nhau của trò chơi tay ba. Vấn đề quan trọng nhất trong chuyến thăm Bắc Kinh của bà Park là muốn Trung Quốc gây sức ép buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và ủng hộ mạnh mẽ “chính sách xây dựng lòng tin” được bà công bố ngay từ khi nhậm chức. Thật đáng tiếc, chính sách đó đã đưa ra một tiến trình xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên nhưng không được thúc đẩy mạnh mẽ. Khả năng chính sách của bà Park có một số mâu thuẫn như đòi hỏi Bắc Triều Tiên hành xử trách nhiệm hơn, một vấn đề không thể xảy ra cho đến khi hai nước tin tưởng lẫn nhau. Seoul nhận thấy mọi chính sách đối với Bắc Triều Tiên sẽ thất bại nếu không được Bắc Kinh ủng hộ. Chính quyền trước đây ở Hàn Quốc theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên nhưng không hề tham khảo ý kiến của Trung Quốc, do đó đây có thể là lý do chủ yếu nhất dẫn đến thất bại.
Bắc Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử hạt nhân vào năm 2009 và 2013, và gây nên một số sự kiện đáng tiếc khác như nổ súng vào khách du lịch Hàn Quốc ở khu du lịch núi Kumgang năm 2008 dẫn đến việc Hàn Quốc dừng hoạt động du lịch đến vùng núi này, sự kiện bắn đắm tàu Cheonan của Hàn Quốc tháng 3/2010 và đấu pháo giữa hai bên ở đảo Yeonpyeong tháng 11/2010 dẫn đến việc cắt các kênh thông tin liên lạc giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Các cuộc đàm phán Sáu bên, cơ bản là một sáng kiến của Trung Quốc để đưa các bên đến bàn đàm phán nhằm xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cũng gần như đã gián đoạn hoàn toàn. Hàn Quốc đã rút ra bài học từ những thất bại đó và chú trọng đến vai trò của Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Và chuyến thăm Trung Quốc là một phần trong việc định hướng lại chính sách của Tổng thống Park .
Tầm quan trọng của Trung Quốc lại nổi lên khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang do Liên Hợp Quốc áp dụng các biện pháp cấm vận mới chống Bắc Triều Tiên sau khi Pyongyang tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 tháng 2/1013 và trong bối cảnh diễn ra các cuộc diễn tập quân sự chung Hàn Quốc-Mỹ ở vùng biển phía Tây Hàn Quốc. Do đó Seoul càng khẳng định Bắc Triều Tiên chỉ thay đổi thái độ sau khi Bắc Kinh phát đi một thông điệp mạnh mẽ phản đối Pyongyang .
Chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể được coi như một bước ngoặt khi Trung Quốc quyết định tăng sức ép lên Bắc Triều Tiên. Thực tế, Trung Quốc không lo ngại nhiều về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng không thể chấp nhận hậu quả do chương trình đó gây nên như: Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tăng cường mua sắm và trang bị các loại vũ khí hạt nhân hoặc Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự hơn nữa trong khu vực. Những sự kiện diễn ra trong thời gian căng thẳng leo thang hồi tháng 3/2013 làm cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nhận thấy một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ gây nhiều bất lợi cho các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Park đề nghị Trung Quốc yêu cầu Bắc Triều Tiên phá hủy các loại vũ khí hạt nhân nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách lảng tránh và chỉ đề cập sơ qua vấn đề. Điều đó khiến Tổng thống Park tỏ ra thất vọng. Nhưng trong thời gian diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở bang California đầu tháng 6/2013, phía Trung Quốc phát đi nhiều dấu hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh không thể chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và một lần nữa Trung Quốc khẳng định cam kết và quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Dư luận khu vực cũng cảm thấy sự can thiệp mang tính xây dựng của Trung Quốc trong vấn đề này khi Bắc Triều Tiên đề nghị đàm phán với Hàn Quốc và thậm chí cả Mỹ.
Mặc dù các cuộc đàm phán liên Triều không trở thành hiện thực do Bắc Triều Tiên không nhất trí với chức vụ của đại diện Hàn Quốc và Chính phủ Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên thể hiện bằng chứng chân thực về phi hạt nhân hóa để có các cuộc đàm phán song phương. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Triều Tiên bị Trung Quốc ép buộc quay lại đàm phán và Bình Nhưỡng cố gắng thể hiện với Trung Quốc rằng họ đang cố gắng hết mình theo yêu cầu của Trung Quốc. Đây sẽ là cuộc thử nghiệm của nền ngoại giao Trung Quốc trong việc kết nối thành công mối quan hệ giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên. Một phái đoàn của Bắc Triều Tiên đã đến Bắc Kinh vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Park để cố gắng thuyết phục Trung Quốc hiểu rõ quan điểm của Bắc Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân. Kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Park cho thấy Trung Quốc tin tưởng chính sách “xây dựng lòng tin” của Hàn Quốc hơn quan điểm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ từ bỏ Bắc Triều Tiên và có những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại với nước này.
Như từng xảy ra trong các cuộc đàm phán 6 bên, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò trọng tài trung gian giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, nếu Hàn Quốc không tiếp tục là một “tù nhân” trong liên minh với Mỹ. Trung Quốc, nước có lập trường kiên định với Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền đảo, đang tranh giành với Mỹ các mối quan hệ khu vực sau khi Mỹ quyết định trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và không quan hệ với Bắc Triều Tiên sau hàng loạt hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Trong kịch bản này, Trung Quốc đang muốn lợi dụng khả năng hiểu biết an ninh chung với Hàn Quốc trong tương lai. Những cử chỉ đặc biệt của Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc cho thấy Bắc Kinh đang có ý định về vấn đề này. Mặc dù thể hiện phản ứng trước vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tăng cường quan hệ với Hàn Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng sẽ quan tâm đến cách tiếp cận của Mátxcơva đối với Bình Nhưỡng . Bắc Triều Tiên cũng nhận thức rõ các lựa chọn của họ và Bình Nhưỡng sẽ cử một phái đoàn đến Nga trong tháng 7/2013 để tìm kiếm các cơ sở chung.
Thực tế, thành công trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Hàn Quốc là do Seoul điều chỉnh chính sách sai lầm của chính quyền trước đây, nhưng việc điều chỉnh mới chỉ là sự mở đầu để hy vọng việc sửa sai như vậy sẽ làm thay đổi các mối quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên một cách cơ bản. Mặc dù vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên là trọng tâm, nhưng chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Hàn Quốc cũng chú trọng thăm dò một cơ cấu an ninh khác trong khu vực. Mỹ và Trung Quốc sẽ đối xử với nhau bằng nhiều biện pháp khác nhau. Hai nước không thể quá nhấn mạnh tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên trong tiến trình này. Hàn Quốc đã công bố sáng kiến hòa bình và hợp tác của khu vực Đông Bắc Á, hay còn gọi “Sáng kiến Seoul”, nhằm xây dựng lòng tin giữa các nước khu vực và bước đầu hợp tác chính trị ở mức thấp, dần dần phát triển ở cấp cao. Thật đáng tiếc, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, có thể do hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên hoặc chính sách cứng rắn của Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên; tranh chấp quần đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc; các tuyên bố của cánh hữu ở Nhật Bản; chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và quan điểm quyết đoán của Trung Quốc trong những năm gần đây dẫn đến, tất cả đang tạo nên thách thức nghiêm trọng đối với sáng kiến này.
Nhưng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Park Geun Hye chắc chắn sẽ tạo nên sự can thiệp xây dựng trong quá trình này. Chuyến thăm và kết quả cũng sẽ gây sức ép buộc Nhật Bản phải xem xét lại các tuyên bố và chính sách xâm lược của Tokyo . Đặc biệt, nó sẽ tạo ra một cầu nối giữa hai thể chế chính trị khác nhau trong khu vực, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được coi là một bên, còn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là một bên. Nhưng cần phải nhắc lại rằng các toan tính chính trị và an ninh phức tạp của Đông Bắc Á là sản phẩm của nhiều năm thù địch và xung đột và bất cứ thay đổi cơ bản nào cũng không thể diễn ra trong tương lai gần. Tất nhiên, tiến trình xây dựng lòng tin giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ là sự khởi đầu quan trọng.
Mối quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với chuyến thăm của Tổng thống Park Geun Hye trong đó hai nhà lãnh đã có cuộc đàm phán kéo dài hơn 7 giờ và nhất trí thiết lập các đường dây điện thoại trực tiếp ở các cấp khác nhau - khẳng định thực tế này. Cũng tại Hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Brunây, bộ trưởng ngoại giao các nước ARF đều nhất trí phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Điều quan trọng là hội nghị diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc và Hàn Quốc đang có cuộc gặp thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Bắc Triều Tiên là một trong số các thành viên của ARF và mặc dù Bình Nhưỡng đề nghị Hàn Quốc và Mỹ không được phép xâm lược Bắc Triều Tiên, nhưng mấu chốt trong lập trường của hội nghị ARF là Bắc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Bối cảnh và quan điểm của hội nghị ARF về tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải được gắn với kết quả của hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác kinh tế song phương giữa hai nước đã phát triển liên tục trong hai thập kỷ qua. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc vào năm 2004, chỉ sau 12 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước năm 1992. Hiện nay, thương mại song phương đạt 256,3 tỷ USD và tại hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo đã quyết tâm nâng mục tiêu thương mại hai chiều đạt 300 tỷ USD vào năm 2015. Thành phần phái đoàn Hàn Quốc đến thăm Trung Quốc bao gồm 71 nhà lãnh đạo của các công ty hàng đầu và trong ngày cuối cùng Tổng thống Park đã đến thăm Tây An - nơi được coi là một trung tâm hoạt động kinh doanh của Hàn Quốc tại Trung Quốc. Hai nước cũng bày tỏ quyết tâm sẵn sàng ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và các đại diện liên quan đến FTA của hai nước sẽ đẩy nhanh tiến trình này. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cũng tìm cách tiếp xúc với người dân Trung Quốc trong chuyến thăm. Bà Park được coi là người nói thông thạo tiếng Trung Quốc và đã đọc phần đầu tiên của bài diễn văn bằng tiếng Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa.
Rõ ràng đây là một chuyến thăm cấp nhà nước đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc. Chuyến thăm đã đánh trúng tâm lý bằng thái độ đúng đắn và phản ứng của Trung Quốc cũng rất tích cực. Hai bên đã ký 7 thỏa thuận liên quan đến nhiều lĩnh vực, kể cả tăng cường trao đổi giáo dục và văn hóa giữa hai nước. Các mối quan hệ nhân dân-nhân dân trở nên quan trọng hơn trong nền ngoại giao cởi mở giữa hai quốc gia. Sự hiện diện của người Hàn Quốc tại Trung Quốc và sự hiện diện của người Trung Quốc ở Hàn Quốc rất quan trọng và việc thúc đẩy hơn nữa hoặc nâng cấp sự hiện diện hiện nay chắc chắn sẽ đưa hai nước đến gần nhau hơn.
Tóm lại, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hàn Quốc là sự kiện quan trọng cho khuôn khổ chính trị và kinh tế mới nổi của Đông Bắc Á. Việc hai bên thể hiện sự nhiệt tình tại hội nghị thượng đỉnh cho thấy thực tế thành công của tiến trình này không những dẫn đến một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân mà có thể thiết lập một khuôn khổ an ninh chung trong khu vực. Tăng cường trao đổi kinh tế và hiểu biết ngày càng tăng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến bản chất của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở trong và ngoài khu vực. Mặc dù không thể nói rằng chỉ riêng chuyến thăm Trung Quốc thành công của Tổng thống Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu này, nhưng chắc chắn vai trò của các nước khác trong khu vực, kể cả Bắc Triều Tiên, sẽ rất quan trọng. Tất nhiên chuyến thăm của bà Park sẽ đánh dấu một sự khởi đầu quan trọng và các nước sẽ chứng kiến tiến trình đó sẽ được kéo dài bao lâu và các bên hành động thế nào.
Theo Tạp chí Chính trị Thế giới
Trần Quang (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...