Vào ngày 19/1/1974, hải quân Trung Quốc và miền Nam Việt Nam đã đụng độ gần quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Cuộc hải chiến ngắn ngủi nhưng với cường độ lớn và kết quả là Trung Quốc đã kiểm soát các thực thể có vẻ không thực sự mang nhiều ý nghĩa ở Biển Đông. Cuộc chiến xảy ra với các loại vũ khí cũ kỹ, nhỏ và đều lỗi thời. Cuộc chiến chỉ kéo dài trong vài giờ với tổn thất không nhiều về phương tiện và con người. Cuộc chiến lúc đó không thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng, đặc biệt là khi so với các cuộc chiến lớn trên biển như trong hai cuộc chiến thế giới. Không ngạc nhiên khi cuộc chiến này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nếu không muốn nói là bị lãng quên, trong suốt chiều dài lịch sử hải chiến của thế giới.[1]

Thật tiếc khi bí ẩn về cuộc chiến vẫn chưa được khai phá. Theo các nguồn tài liệu tiếng Trung công khai gần đây, cuộc chiến cho thấy đây là một cuộc hải chiến phức tạp hơn nhiều so với những gì thường được các học giả phương Tây mô tả.[2] Những chi tiết khuyết danh cho đến nay về cuộc chiến đã minh họa cho cách thức các nhà chiến lược Trung Quốc thực hiện các chiến thuật như thế nào để cưỡng ép, ngăn chặn và đánh bại đối thủ yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc đã triển khai kết hợp các lượng lượng thông thường và không chính quy để đạt được các mục tiêu tác chiến của mình. Các phương pháp kết hợp như vậy không chỉ phổ biến trong lịch sử hải quân Trung Quốc, mà nó còn là dấu hiệu về các phương thức hải chiến kết hợp mà Trung Quốc sử dụng gần đây để đối phó với các quốc gia biển láng giềng ở châu Á như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Trên thực tế, những hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy một nguyên mẫu mà Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải chú tâm đến quá khứ hải chiến của Trung Quốc.

Cuộc hải chiến Trường Sa năm 1974 là bước đi đầu tiên trong nỗ lực hàng thập kỷ của Trung Quốc nhằm thiết lập và mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Năm 1988, Trung Quốc đã chiếm 6 bãi đá và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa sau cuộc hải chiến với Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Cuối năm 1994, Trung Quốc xây dựng các công trình trên bãi Vành Khăn mà Philippines cũng có yêu sách, buộc một Philippines yếu kếm không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sự đã rồi. Năm 2012, Trung Quốc đã cưỡng bức Philippines phải đi đến kết cục mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng về quyền đánh bắt cá tại bãi cạn này. Bắt đầu từ cuối năm 2013, Trung Quốc tiến hành dự ánh cải tạo đảo trên quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các đảo nhân tạo, mở rộng lên hàng ngàn mẫu. Một số đảo nhân tạo có đường băng ở cấp độ quân sự, cảng nước sâu kết hợp với tàu chiến, phương tiện để xây dựng các tiền đồn quân sự và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác. Sự phát triển về sức mạnh trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, một sự phát triển được tiếp đà trong những năm gần đây, bắt đầu với thế đứng chân vững chắc có được ở quần đảo Hoàng Sa.

Cuộc xung đột và hệ quả của nó cũng để lại một di sản kéo dài và tác động rất lớn đến các mối quan hệ hệ quốc tế ở Châu Á. Các tranh chấp lãnh thổ vốn nổi lên từ cuộc chiến 40 năm trước hiện vẫn chưa được giải quyết và vẫn tiếp tục hun đúc lòng thù hận giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trong vùng biển gần với quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014, biểu tình phản đối đập phá các doanh nghiệp của Trung Quốc đã nổ ra khắp nơi ở Việt Nam. Trên biển, tàu của lực lượng chấp pháp biển Việt Nam đã nỗ lực phá vỡ hàng rào an ninh được các tàu hải quân, bán quân sự và dân sự Trung Quốc lập nên. Trong thời gian diễn ra căng thẳng, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã rơi xuống các đáy mới. Cuộc khủng hoảng tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa chấm dứt và chúng vẫn khuấy động các mối quan hệ vốn xuất phát từ cuộc chiến năm 1974.

Cuộc hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào đúng ngã rẽ trong lịch sử chính trị hỗn loạn của Trung Quốc. Thời điểm đó, quốc gia này vẫn đang quay cuồng trong cuộc Cách mạng Văn hóa khi cuộc hải chiến nổ ra. Phong trào chính trị cấp tiến khiến cho lực lượng quân đội bị suy yếu đến mức độ hải quân Trung Quốc gần như phải trả giá cho điều đó bằng sự thất bại trong chiến dịch ở Hoàng Sa. Mao Trạch Đông lúc này đã giành sự lưu tâm cho cuộc khủng hoảng, đưa ra những mệnh lệnh quân sự cuối cùng trong suốt cuộc xung đột trước khi qua đời hai năm sau đó. Đặng Tiểu Bình, sau khi được phục hồi quyền lực trong cuộc thanh trừng của cuộc Cách mạng Văn hóa, đã tiếp quản chiến dịch này. Lưu Hoa Thanh sau đó đã xây dựng củng cố cho kế hoạch ở quần đảo Hoàng Sa không lâu sau khi cuộc hải chiến kết thúc. Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư cho sự đổi mới và mở cửa của Trung Quốc, cùng với Lưu Hoa Thanh, cha đẻ của hải quân hiện đại Trung Quốc, sau đó đã lèo lái đất nước vượt ra khỏi thời kỳ đen tối mà Mao Trạch Động để lại. Vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng này dường như đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho họ khi tự bổ nhiệm mình thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc.

Đối với Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), chiến dịch này đã khắc sâu vào lịch sử ngành của PLAN, trở thành một phần thiết yếu về một “chiến thắng vinh quang” của hải quân Trung Quốc.[3] Cuộc “Phản công tự vệ” đã đánh bại miền Nam Việt Nam và khôi phục lại quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.[4] Đây được xem là một cuộc hải chiến đầu tiên của PLAN đối với một đối phương bên ngoài. (Cuộc chiến chống lại Quốc dân Đảng dọc theo bờ biển đại lục Trung Quốc những năm 1950 và 1960 được xem là sự mở rộng của nội chiến Trung Quốc). Cuộc chiến cũng là lần đầu tiên mà PLAN - phần lớn lực lượng phòng vệ bờ biển đều là các tàu cũ kỹ của Liên Xô - hoạt động xa bờ. Sự chênh lệch về sức mạnh hải quân dường như nghiêng về miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa - RVN) đã tạo điều kiện cho các nhà bình luận Trung Quốc thần thánh hóa chiến thắng này.

Những di sản cuộc hải chiến, từ thái độ thù địch trong khu vực cho đến vị thế chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, đòi hỏi phải có một nghiên cứu đánh giá lại sâu sắc hơn nữa. Các nguồn tư liệu công khai của Trung Quốc hiện tại có thể giúp làm rõ nhiều vấn đề của cuộc chiến. Việc tái hiện lại một bức tranh rõ ràng hơn về cuộc hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được các thành phần cấu thành nên sự thành công trong chiến dịch này của hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, một phân tích về quá khứ cũng sẽ vạch ra được sự tiếp nối trong việc Trung Quốc sự dụng vũ lực và sự cưỡng ép trên biển. Cụ thể, việc Trung Quốc triển khai sử dụng kết hợp tàu dân sự và quân sự năm 1974 cho thấy mức độ ưu tiên về tác chiến về chiến tranh kết hợp, điều đó được chứng minh trong tranh chấp lãnh thổ hiện nay của Trung Quốc. Khuynh hướng như vậy có những tác động đối với các quốc gia yêu sách khác ở Biển Đông và đối với cả Mỹ, quốc gia đóng vai trò bảo trợ cho an ninh và ổn định biển Châu Á.

Nhằm tối đa hóa được giá trị phân tích về cuộc hải chiến, phần đầu bài viết sẽ đánh giá lại bối cảnh địa lý và lịch sử của tranh chấp quần đảo Hoàng Sa. Bài phân tích sẽ tường thuật thật chi tiết về các hoạt động quân sự “ăn miếng trả miếng” gần quần đảo Hoàng Sa đã gây ra xung đội giữa Trung Quốc và miền Nam Việt Nam. Tiếp đến, bài phân tích đánh giá chi tiết về cuộc hải chiến và hệ quả của nó từ những tường thuật của người Trung Quốc. Bài viết sẽ đưa ra nhận định về cuộc chiến, phân tích về mối quan hệ quân sự - dân sự của Trung Quốc, sự thể hiện về mặt hoạt động của PLAN, vai trò của sự va chạm và cơ hội, tầm quan trọng của các lực lượng bán quân sự đối với Bắc Kinh. Cuối cùng, bài phân tích đưa ra kết luận với một vài suy nghĩ về việc cuộc hải chiến có thể cho thấy dấu hiệu như thế nào về chiến lược tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông và tác động của nó đối với các bên liên quan trong khu vực biển Châu Á.

NGUỒN VÀ PHƯƠNG PHÁP

Trong những năm gần đây, các tài liệu lịch sử về cuộc hải chiến Hoàng Sa xuất hiện trên khắp các nguồn công khai, trong đó có các ấn phẩm của PLAN, bài viết học thuật, các ấn phẩm định kỳ của các chuyên gia và các tạp chí phổ biến. Thành phần tham gia chiến dịch, từ chỉ huy bộ phận cho tới lính chiến thuật đều chấp thuận phỏng vấn hay đưa ra các bài viết về những gì họ tham gia và chứng kiến, phản ánh trải nghiệm cá nhân của mình. Những bài viết có những chi tiết thú vị về sự tham gia và đưa ra những đánh giá quan trọng về việc Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến như thế nào.

Mức độ công khai nhìn chung đối với cuộc thảo luận về các chủ đề chính trị trung lập, bao gồm cả các chủ đề về hải quân, một phần giải thích cho việc sẵn sàng tham gia vào cuộc thảo luận thẳng thắn về cuộc chiến. Trong hàng thập kỷ, lãnh đạo Trung Quốc đã cho phép thảo luận tương đối tự do giữa các quan chức, học giả và các nhà bình luận đối với nhiều vấn đề, khuyến khích họ tiếp tục thảo luận về tương lai sức mạnh biển của Trung Quốc. Cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình về việc biến Trung Quốc thành một cường quốc biển càng làm tăng thêm động lực cho những người ủng hộ tuyên truyền về những vấn đề giúp cổ vũ cho việc quốc gia hướng về biển. Sự thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến 1974 đem lại một câu chuyện được nâng tầm ăn khớp với những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hải quân trở thành một dự án tầm quốc gia quan trọng, thúc đẩy “nhận thức về biển” của xã hội. Và với tham vọng của Bắc Kinh và việc tăng cường năng lực nhằm gây ảnh hưởng đối với các sự việc ở Biển Đông, lịch sử về cuộc hải chiến Hoàng Sa đã tạo ra tiếng vang đối với công chúng Trung Quốc.

Việc tập trung nhiều vào cuộc hải chiến này mở ra cánh cửa về cách diễn giải của Trung Quốc đối với lịch sử hải quân của nước này.[5] Thực tế, nguồn tài liệu này sẽ giúp hiểu rõ được các bài học mà Trung Quốc đã rút ra từ cuộc chiến cũng như xác định được các bài học mà Trung Quốc có thể đã bỏ qua hoặc cố ý bỏ qua. Nếu như những bài học này, và cả các bài học sai lầm, có giá trị đối với các nhà chỉ huy quân sự và hoạch định chính sách Trung Quốc, cuộc hải chiến có thể sẽ cung cập một cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược hiện nay của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp xa bờ. Điều quan trọng không kém là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển Châu Á, kể cả hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, có lẽ sẽ làm tăng thêm nhu cầu ở Mỹ và các quốc gia Châu Á khác muốn hiểu rõ hơn về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề biển cho hoạch định chính sách.

Có một số cảnh báo về nguồn và phương pháp về các dữ kiện, đánh giá đề cập trong bài. Bài phân tích chủ yếu dựa vào gần như toàn bộ ghi chép của Trung Quốc về cuộc chiến, bao gồm ghi chép của PLAN, hồi ký của những người tham gia và nguồn tài liệu thứ cấp. Với kinh nghiệm ít ỏi hoạt động trên biển của Trung Quốc, đặc biệt trong thập kỷ đầu cầm quyền của đảng cộng sản Trung Quốc, điều đó có thể buộc các nhà phân tích Trung Quốc phải “tiểu thuyết hóa” quá mức, và do đó có thể là bóp méo về thành công của họ. Cũng không có gì ngạc nhiên, nguồn tư liệu Trung Quốc thường “hạ thấp” kẻ thù trong khi “nâng tầm” phẩm chất của Trung Quốc lên. Ở Trung Quốc, tồn tại đầy rẫy tư tường thiên kiến bài ngoại và luận điệu tuyên truyền không thực sự đúng sự thật. Do đó, những dữ liệu, đánh giá không thể là một quan điểm trung lập.

Trong khi đó,  câu chuyện về phía Việt Nam sẽ không được trình bày ở đây, bài phân tích sẽ đưa ra một số hồi ký tiếng Anh của các chỉ huy hải quân RVN, họ là những người đã tham gia cuộc chiến này.[6] Cần phải đặc biết chú ý tới những hồi ký có sự khác biệt lớn trong các phiên bản của Trung Quốc đối với các sự kiện. Ngoài ra, rất nhiều ghi chép về cuộc chiến ở Trung Quốc cũng tồn tại sự khác biệt. Trong phạm vi có thể, bài phân tích sẽ xác định những khác biệt này với nhận định rằng sự thực của câu chuyện sẽ không thể được khám phá nếu như không tiếp cận các nguồn chính thức của Việt Nam và Trung Quốc. Đây là lát cắt quan trọng đầu tiên nhưng phần lớn lại không được đánh giá đúng mức trong các miêu tả về bước tiến ra biển của Trung Quốc.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Giáo sư Yoshihara, thuộc khoa Chính sách và Chiến lược tại Trường Hải Chiến Mỹ, hiện là giám đốc John A. van Beuren  của chương trình Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, thành viên liên kế Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc tại Trường Hải chiến Mỹ. Ông là đồng tác giả của công trình nghiên cứu gần đây nhất: Red Star over the Pacific: China’s Rise and the Challenge to U.S. Maritime Strategy (2010) và là đồng biên tập công trình Strategy in the Second Nuclear Age: Power, Ambition, and the Ultimate Weapon(2012). Bài viết được đăng trên Naval War College Review, Số 2, Tập 69/2016.

Châu Giang (dịch)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



Tác giả xin chân thành cảm ơn June Dreyer, Andrew Erickson, John Maurer, Carl Thayer và Arthur Waldron vì những đóng góp cho các bản thảo trước đây.

[1] Một phân tích khác rất hay là của tác giả Taylor Fravel về cuộc hải chiến và giải thích về sự bùng phát thái độ thù địch giữa Trung Quốc và miền nam Việt Nam. Xem M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation (Princeton, N.J.: Princeton Univ. Press, 2008), tr. 272-87. Xem tường thuật về cuộc chiến của Bill Hayton, The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (New Haven, Conn.: Yale Univ. Press, 2014), tr. 70-78.

[2] Về những phân tích tiêu chuẩn trước đây về cuộc chiến, xem Bruce Swanson, Eighth Voyage of the Dragon: A History of China's Quest for Seapower (An­napolis, Md.: Naval Institute Press, 1982), tr. 268-69, và David G. Muller, China as a Maritime Power (Boulder, Colo.: Westview, 1983), tr. 152-54.

[3]Thảo luận về lịch sử hoạt động tác chiến của PLAN, xem杜景臣 [Du Jingchen], biên tập, 国海军军人手册 [Handbook for Officers and Enlisted of the Chinese Navy] (Beijing: Haichao, 2012), tr. 7-16.

[4]Tlđd, tr.609

[5] Về tổng thể cuộc chiến, xem传友 胡延波 红彬 [Wang Chuanyou, Hu Yanbo, and Guo Hongbin], 海防安全 [On Coastal Defense] (Beijing: Haiyang, 2007), tr. 86–88; 房功利 杨学军 [Fang Gongli, Yang Xuejun, and Xiang Wei], 中国人民解放军海军60 (1949–2009) [China People’s Liberation Army Navy, 60 Years (1949–2009)] (Qingdao: Qingdao, 2009), tr. 204–206; and 李明春 吉国 [Li Mingchun and Ji Guo], 海洋国梦 [Maritime Power Dream] (Beijing: Haiyang, 2014), tr. 114–18

[6] Hai trích dẫn của phía miền nam Việt Nam được sử dụng trong bài viết này là của Kiem Do và Julie Kane, Counterpart: A South Vietnamese Naval Of­ficers War (Annapolis, Md.: Naval Institute Press, 1998), và Ha Van Ngac, "The January 19, 1974, Naval Battle for the Paracels against the People's Republic of China Navy in the East Sea," HQHH Dallas, 2015, vnnavydallas .com. Vào thời điểm diễn ra cuộc chiến, thuyền trưởng Kiêm là phó tổng tham mưu tác chiến của hải quân RVN, quan chức đứng thứ ba trong hải quân RVN, trong khi đó thuyền trưởng Ngac là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm trong cuộc chiến Hoàng Sa.