Dù bạn đang lướt sóng ở Tam Á (đảo Hải Nam ), lặn ngoài khơi Palawan (Philíppin) hay căng buồm ở Nha Trang (Việt Nam ), thật dễ tiêu khiển với những vùng biển êm dịu của biển Đông. Khi ngắm mây trôi trên bầu trời ngập nắng, thật khó mà tưởng tượng điều gì nghiêm trọng đang xảy ra ở đây. 


Nhưng, một điều cực kỳ nghiêm trọng đang xảy ra. Tranh chấp lãnh thổ bị dồn nén từ lâu ở biển Đông ngày một trở nên nóng hơn. Đây có thể xem là một chia rẽ mới trong cuộc cạnh tranh nổi lên giữa Trung Quốc và Mỹ giành quyền kiểm soát một khu vực đang lo âu cảnh giác – và những căng thẳng này sẽ ngày càng định rõ thời đại của chúng ta. 


Như một báo cáo gần đây được thực hiện cho một tổ chức nghiên cứu của Chính phủ Ôxtrâylia đã cảnh báo, Đông Nam Á “không thể tách mình khỏi sự kình địch chiến lược Trung-Mỹ và cuộc cạnh tranh chiến lược này dường như ngày càng mãnh liệt”. Báo cáo trên nói thêm rằng xích mích giữa Hà Nội và Bắc Kinh xung quanh những hành động mạnh bạo của Trung Quốc ở biển Đông là “nguồn gốc gây bất ổn an ninh nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á ngày nay”. 


Ngay cả với những người tìm kiếm sự vui vẻ, thư giãn ở các vùng biển thuộc biển Đông, họ cũng dễ dàng thấy các dấu hiệu về tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Đi dạo dọc bờ biển, trong số những thứ trôi vào bờ, bạn có thể tìm thấy một vỏ chai whiskey Nhật Bản nằm cạnh một vỏ hộp mỳ ăn liền Trung Quốc hay một vỏ lon bia Hàn Quốc. Tất cả ngụ ý rằng biển Đông là cánh cửa quan trọng nhất cho vận tải đường biển ở Đông Á. Tuyến ngắn nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (và điều đó đồng nghĩa từ Trung Đông và châu Âu) mà hầu như toàn bộ dầu nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đi qua chính là biển Đông. Và khi các nguồn cung quốc nội bị thu hẹp bởi nhu cầu tăng, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng phụ thuộc hơn vào những chuyến hàng này. 

 

Khi tản bộ dọc theo bờ biển, bạn cũng có thể bắt gặp những lưới đánh cá và những cọc phao - dấu hiệu cho thấy biển Đông đang bị khai thác bởi nhiều đội đánh cá trong khu vực, tất cả săn lùng một nguồn tài nguyên khác cũng đang bị thu hẹp. 


Trên các bờ biển Việt Nam , sau một trận bão, bạn có thể tình cờ thấy những vỏ đạn bám đầy sò và những đồ dùng chiến trường từ lâu - những tàn tích của Chiến tranh Việt Nam . Chúng nhắc về tầm quan trọng chiến lược của biển Đông trong sự tham dự của Mỹ vào cuộc xung đột đó như một bệ phóng cho các cuộc tấn công cũng như rút chạy khi Sài Gòn thất thủ 35 năm trước. 


Nếu bạn có thể dạo bước không trở ngại gì dọc theo các bờ biển khu vực, cuối cùng bạn sẽ thấy những hình ảnh nhạy cảm hơn các phế tích đó. Ở Hải Nam , bạn sẽ thấy một trong những căn cứ quan trọng nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - căn cứ hải quân Ngọc Lâm. Tại đây, các bến tàu ngầm kín đáo trong một dốc núi sẽ là trung tâm cho hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, vốn đang tăng cả về số lượng lẫn khả năng. Trong vài năm tới, cả tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân lẫn thông thường (bao gồm cả các tàu lớn mang tên lửa đạn đạo đe dọa những thành phố đối địch mà sẽ tạo thành một bộ phận chính trong chính sách răn đe hạt nhân của Bắc Kinh) sẽ đóng tại Ngọc Lâm. 

 

Bản thân Ngọc Lâm cũng nói lên tầm quan trọng chiến lược của biển Đông. Nếu bạn nhìn vào một bản đồ bờ biển Trung Quốc, bạn sẽ thấy rằng phần lớn là vùng nước nông kéo dài hơn 200 km ra ngoài khơi. Đây là thềm lục địa và đặc biệt không có lợi nếu muốn di chuyển tàu ngầm ra vào mà không bị phát hiện. Trong khi đó, không những có vị trí xa các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngọc Lâm lại tương đối gần với vùng biển sâu – các rãnh đại dương hướng Đông, hướng về vùng biển sâu hơn quanh Philíppin. Những vùng nước này trải dài xuống các hành lang quan trọng chạy vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua quần đảo Inđônêxia. Trung Quốc muốn tránh sự kiềm tỏa mà các quan chức của họ lo ngại, nên biển Đông mang tính sống còn. Qua cánh cổng này, Bắc Kinh sẽ có thể triển khai sức mạnh hàng hải vượt quá các chuỗi đảo (trong đó có Nhật Bản và Guam) tới các khu vực trên thế giới nơi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi một sự hiện diện của nước này. 


Trên bờ biển Việt Nam, chuyến đi dạo của bạn có thể sẽ tới vịnh Cam Ranh, gần khu du lịch Nha Trang đang được mở rộng nhanh chóng. Là vịnh tự nhiên lớn nhất ở Đông Á, Cam Ranh từng là một nơi có tầm quan trọng thời Chiến tranh Lạnh - được Mỹ xây dựng trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Việt Nam để rồi Hà Nội giao cho Mátxcơva khi các quan hệ với Bắc Kinh trở nên xấu đi vào cuối thập kỷ 1970. Mátxcơva nhanh chóng lắp đặt một trạm thu thập tín hiệu lớn, đặt các tàu ngầm và máy bay chiến đấu trên những đường băng do Mỹ xây dựng. 


Những người Nga cuối cùng mới rời đây vài năm trước nhưng lúc này, khi các du khách tới, họ có thể nhìn thấy qua các tàu chiến mới của Việt Nam do Nga chế tạo. Vịnh nước sâu Cạm Ranh cũng nhiều khả năng là căn cứ cho 6 tàu ngầm lớp Kilo mà Hà Nội mua từ Mátxcơva. Các nhà chiến lược Việt Nam hy vọng những tàu này sẽ tạo ra được một sự ngăn chặn thích đáng chống lại việc xây dựng quân đội nhanh chóng của Trung Quốc. 


Còn ở Philíppin, các đô đốc chỉ có thể mơ về những vũ khí hạng nặng như vậy. Tại Palawan, tướng lĩnh của Bộ chỉ huy miền Tây tụ tập vào những buổi chiều ấm áp để chơi gôn trên những rìa đá ngầm. Họ có ít lựa chọn ngoại trừ suy nghĩ về tình trạng không tự lực được trong đối đầu với Trung Quốc, vốn chiếm các quần đảo ngoài khơi bờ biển Philíppin. 


Một thập kỷ trước, một tướng Philíppin nói rằng chỉ cần một quả bom 1.000 pound là đủ để “giải quyết xong xuôi”, ám chỉ đến các công trình xây dựng của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn (Mischief Reef), nằm trong khu vực Philíppin tuyên bố đặc quyền kinh tế và là đảo gần nhất với vịnh Manila trên biển Đông. Trong khi Bắc Kinh tự mãn là quân đội bản địa mạnh nhất của khu vực (Mỹ vẫn là quyền lực lớn nhất ở châu Á) thì quân đội Philíppin vẫn thuộc loại yếu nhất. Họ cần phải hy vọng rằng hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Mỹ sẽ kéo dài. 

 

Nhưng, để thực sự hiểu biển Đông, bạn cần rời bờ biển và hướng về phần mở rộng màu xanh đậm. Đó mới là nơi hấp dẫn. Bay khắp mặt nước trống, bạn dần dần tới những mảng lốm đốm màu ngọc lục bảo hiện ra lờ mờ như châu báu rải dọc một tấm vải xanh. Đó là những bãi đá ngầm, cát ngầm và núi dưới đáy biển căng ra trong hai quần đảo lớn. Phía Bắc là Hoàng Sa và phía Nam là chuỗi Trường Sa lớn hơn. Rất ít những đảo thực sự, phần lớn hiếm khi nổi lên trên mặt nước và không thể là nơi sinh sống. Nhưng cả hai quần đảo này nằm ở trọng tâm trong các tranh chấp khu vực. 


Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố toàn bộ chủ quyền cả Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Malaixia, Philíppin, Brunây tuyên bố chủ quyền một phần Trường Sa. Tuyên bố chủ quyền của Đài Loan là sự phản chiếu của Bắc Kinh. Không một nơi nào trong khu vực mà nhiều quân đội của Đông Á đến thế đang trong cảnh chen chúc san sát. 


Trung Quốc chiếm toàn bộ Hoàng Sa với một chuỗi tiền đồn quân sự và một trạm thu thập tín hiệu chiến lược cấp cao cũng như đường băng ở đảo Phú Lâm. Nhưng Trường Sa thì phức tạp hơn nhiều. Việt Nam nắm khoảng 30 đảo nhỏ và bãi ngầm, với khoảng 600 lính canh gác các điểm này. Philíppin chiếm khoảng 10 đảo, Trung Quốc chiếm 9 đảo (nhưng không có đảo thực sự) và Malaixia chiếm 7 đảo. Đài Loan chỉ chiếm một nhưng là đảo lớn nhất với 100 lính trên 40 hécta của đảo Ba Bình - đảo duy nhất ở Trường Sa có một nguồn cung cấp nước tự nhiên. Ba Bình nằm trên một bãi ngầm cách 2,2 km so với một căn cứ lớn của Việt Nam trên đảo Sơn Ca. 


Không vị trí các bên chiếm giữ nào, kể cả Ba Bình, từng duy trì một dân số dân sự. Thực tế này có thể mang tính quyết định nếu các bên tranh chấp chủ quyền đưa vấn đề ra trước một tòa án quốc tế. Không có một dân số dân sự tự nhiên sẽ gần như không thể để một đảo nhỏ ngoài khơi được tuyên bố phạm vi 200 hải lý khu đặc quyền kinh tế của mình. 


Bên cạnh các tàu hải quân của các bên tranh chấp chủ quyền, đang có ngày càng nhiều đội tàu bảo vệ bờ biển, tàu bảo vệ ngư nghiệp và tàu do thám, giám sát ở các khu vực tranh chấp – chưa kể hàng trăm nghìn tàu thuyền thương mại qua lại mỗi năm. Như một số quan chức hải quân lo ngại, những sự cố đang chờ xảy ra. 


Hạm đội 7 của Mỹ từ lâu coi biển Đông như một phần quan trọng trong nhiệm vụ giữ cho các tuyến hàng hải thế giới được mở rộng tự do với thương mại. Nhưng việc Trung Quốc tăng cường hải quân đang xác định lại vai trò của Mỹ và căn cứ tàu ngầm ở Ngọc Lâm đã trở thành mục tiêu của các hoạt động do thám mà Mỹ cùng các đồng minh, như Nhật Bản và Ôxtrâylia, tiến hành. 


Thứ ít thấy rõ ràng trực tiếp hơn là các trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ chưa được khai thác của khu vực này. Trung Quốc và Việt Nam đều khai thác dầu khí ở phía Bắc và Tây Nam của biển Đông, trong khi phần lớn trữ lượng của biển này vẫn chỉ là sự phỏng đoán. 


Một khảo sát về Trường Sa của CIA nhận xét: “Không có ước tính đáng tin cậy về trữ lượng tiềm năng. Vị trí gần với các bể trầm tích sản sinh dầu và khí đốt gần đó cho phỏng đoán về tiềm năng trữ lượng dầu và khí đốt, nhưng khu vực này phần lớn chưa được khám phá”. 


Chỉ vài năm trước, tiềm năng này còn bị coi là nguyên nhân chính của tranh chấp. Nhưng ngày càng rõ hơn, vai trò của biển Đông như cánh cổng sống còn cho các tham vọng viễn dương của Trung Quốc là điều đang gây lo âu ở khắp khu vực và hơn thế. 


Trao đổi riêng với các nhà chiến lược PLA và có thể thấy rõ ràng họ không muốn bị kiềm tỏa. Một nhà chiến lược nhận xét bên lề một hội thảo an ninh khu vực gần đây: “Sẽ là sai lầm cho ai khi nghĩ rằng khống chế được Trường Sa, họ có thể kiểm soát được biển Đông và từ đó kiềm tỏa Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận để điều đó xảy ra”. 


Trong những tháng gần đây, quyết tâm đó dẫn tới hệ quả là hàng trăm ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, các cuộc tập trận hải quân của PLA diễn ra với quy mô chưa từng có và sức ép hậu trường lên các tập đoàn dầu mỏ quốc tế buộc họ rút khỏi các hợp đồng khai thác với Việt Nam. Bắc Kinh thường xuyên cảnh báo về hoạt động do thám của Mỹ ở biển Đông, cho dù Mỹ cùng các đồng minh khăng khăng rằng các hiệp định pháp lý cho phép hoạt động quân sự thường lệ ở những vùng biển quốc tế, khu vực có bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế theo tuyên bố của Trung Quốc. 


Những động thái đó bị khắp khu vực coi là một sự quả quyết của “những tuyên bố dựa vào lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra với hầu như toàn bộ biển Đông. Vượt xa bất cứ giả thiết vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý nào, đường vạch của Trung Quốc bắt đầu gần bờ biển Việt Nam phía Nam đảo Hải Nam và kéo dài xuống, hướng về Inđônêxia trước khi quét lại bên dưới Đài Loan. Đường chữ U này xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ Quốc dân đảng vào cuối thập niên 1940, sau đó được kết hợp vào hải đồ của PLA. Các quan chức Trung Quốc từ lâu mập mờ một cách chiến lược về tuyên bố chủ quyền nhưng năm ngoái đã gây ngạc nhiên trong khu vực khi đưa một bản đồ đường chữ U trước Liên hợp quốc để chính thức phản đối một động thái của Việt Nam và Malaixia đăng ký chung về thềm lục địa mở rộng. 


Trong phản đối gửi tới Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Bắc Kinh nhấn mạnh: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các quần đảo ở biển Đông cùng các vùng nước lân cận, và được hưởng các quyền về chủ quyền cũng như phạm vi pháp lý”. Đây là một tuyên bố dường như đòi hỏi nhiều hơn các quyền được có trong phạm vi khu đặc quyền kinh tế. 


Khi môi trường chiến lược trở nên u ám, cần lưu ý đến Việt Nam . Hà Nội có một quan hệ “không gắn kết” với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc, dù có những ràng buộc về chủ nghĩa Cộng sản “anh em” nhưng vẫn tồn tại những tranh chấp cũng như những ngờ vực trong cả thời cổ đại lẫn hiện đại. 

 

Ít quốc gia nào xác định bản thân bằng chiến tranh giành độc lập và chủ quyền giống như Việt Nam hiện đại – và biển Đông được kiểm soát trong kịch bản tuyên truyền của quốc gia này. Truyền thông chính thống nước này đầy ắp những bài sống động về các thủy thủ trung thành bảo vệ Hoàng Sa và các đoàn văn công trẻ được gửi đến cổ vũ tinh thần cho họ. Nhìn chung, Việt Nam lo ngại một sự xung đột (dù hạn chế) với quyền lực mới Trung Quốc nhưng vẫn muốn tạo một sự ngăn chặn để buộc Bắc Kinh phải tính kỹ trước khi tấn công. 

 

Một phần của lo ngại đó đã thúc đẩy Việt Nam phát động một đợt ngoại giao quân sự nhộn nhịp chưa từng có, “lôi kéo” một quan hệ đối tác chiến lược với cựu thù Mỹ, đồng thời thuyết phục đưa các vấn đề biển Đông trở lại chương trình nghị sự của ASEAN. 


Oasinhtơn đã thấy một cơ hội để thực hiện cam kết tái can dự với khu vực này và hiện mô tả một dàn xếp đa phương, hòa bình là “ưu tiên ngoại giao” của Mỹ. Đây là khúc nhạc êm ái cho Việt Nam và các bên tuyên bố chủ quyền khác, những nước lo ngại phải đối mặt riêng rẽ với Bắc Kinh trong bất cứ dàn xếp qua đàm phán nào. Tuy nhiên, Mỹ vẫn luôn tránh ủng hộ một bên cụ thể. 


Chỉ một năm trước, Việt Nam còn vật lộn để lôi kéo các bên ủng hộ trong bối cảnh Bắc Kinh gây sức ép hậu trường rất mạnh. Vừa qua, Hà Nội đã là chủ nhà cho hội nghị chưa từng có giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các người đồng nhiệm từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân. 


Cảm giác cấp bách bị thúc đẩy không phải bởi lo ngại về một cuộc chiến toàn diện nổ ra xung quanh vấn đề biển Đông nhưng ngày càng có nguy cơ một sự cố hoặc một tính toán sai có thể làm tăng độ nguy hiểm vượt mức kiểm soát. 

 

Lịch sử còn chưa xa là một lăng kính qua đó có thể đánh giá các căng thẳng hiện nay. Trường Sa là chiến trường gần nhất giữa các quốc gia ở Đông Nam Á; trận hải chiến Trường Sa năm 1988 khi tàu chiến Trung Quốc đụng độ với tàu tuần tra Việt Nam ở đảo Gạc Ma làm khoảng 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng hoặc mất tích. PLA đã chiếm 6 đảo, bãi đá trong trận chiến này, những vị trí mà từ đó đến nay Trung Quốc không ngừng xây dựng. Một trong số đó là đảo Chữ Thập giờ là nơi Trung Quốc đặt một trạm radar cảnh báo sớm. 


Hình ảnh trên YouTube về trận hải chiến đó, cùng các bình luận từ người xem của cả hai phía, cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về sự giận dữ mang tính dân tộc khiến sự kiện này vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Nhưng được nhắc đến nhiều hơn là câu chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 14 năm trước đó, năm 1974. 

 

Hà Nội tự tin phát động chiến dịch Mùa Xuân, cú đánh chiến thắng cuối cùng thống nhất miền Nam . Chiến dịch kết thúc hơn hai thập kỷ giao tranh đó, được hỗ trợ lớn bởi sự hào phóng quân sự của Trung Quốc. Các tướng lĩnh Việt Nam, bị ám ảnh về cuộc tấn công trên bộ, bỗng một ngày chợt nhận ra tình đồng chí cũng có giới hạn của nó và người anh em “chống lưng” đã tranh thủ sự hỗn loạn của hải quân Việt Nam Cộng hòa để chiếm các vị trí cố thủ tại Hoàng Sa. 

 

Một trong những hành động cuối cùng, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa khiếu nại lên Liên hợp quốc tại Niu Yoóc. Hà Nội, vốn cảm thấy cần tất cả bạn bè có thể có ở thời điểm đó, đã không phản đối hành động của Bắc Kinh. 


Người Việt Nam vẫn sôi sục về sai lầm đó. Đây là một sự nhắc nhở nữa rằng dù là lời lẽ căng thẳng hay súng đạn sắp đến, các vùng nước ấm áp của biển Đông dường như sẽ chỉ càng trở thành một điểm nóng hơn trong những tháng, những năm phía trước. Tại một khu vực nóng, chỉ còn hy vọng rằng những cái đầu lạnh, tỉnh táo sẽ chiếm ưu thế. 

Nguồn: South China Morning Post; Viet-Studies;TTXVN