….

Bài viết sẽ tìm cách lý giải những vấn đề này theo một góc nhìn từ trong ra ngoài; nghĩa là, xem xét những cuộc tranh luận và quan điểm trong nội bộ Trung Quốc về mục tiêu chiến lược và các lựa chọn chính sách của nước này, qua đó làm sáng tỏ các vấn đề đang được tranh luận sôi nổi liên quan đến chính sách gây tranh cãi của Trung Quốc trong các tranh chấpBiển Đông. Phần còn lại của bài viết sẽ chia thành ba phần. Phần thứ nhất bàn về vấn đề gây nhiều tranh cãi là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Phần thứ hai xem xét những thay đổi trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông. Phần thứ ba đánh giá trên cơ sở phân tích và theo kinh nghiệm về bốn cách hành xử của Trung Quốc trong tranh chấp. Lập luận chính của bài viết là Trung Quốc đã giới hạn các mục tiêu chiến lược ở Biển Đông. Cách tiếp cận đang thay đổi của nước này đối với các tranh chấp biển và lãnh thổ trong khu vực sẽ phụ thuộc và được quyết định bởi các mục tiêu chiến lược tổng thể quốc gia về phục hưng dân tộc Trung Hoa; chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ; chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở Trung Quốc; các hành vi tác động qua lại giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Trong khi đó, có thể kết luận rằng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đã chủ động và quyết đoán hơn trong một số trường hợp, nhưng cũng có những vụ việc đáng chú ý khác mà Trung Quốc hành xử khá kiềm chế. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn về sự phức tạp trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc mà không được đề cập trong các tài liệu thường thấy hiện có.

Các Mục tiêu Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Để hiểu rõ hơn về tư duy chiến lược và các lựa chọn chính sách của Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông, trước tiên chúng ta phải làm rõ hai điều. Thứ nhất, Trung Quốc đang cố gắng đạt được điều gì, hay nói cách khác là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong việc giải quyết với những vấn đề này; thứ hai là biện pháp và cách tiếp cận nào mà chính phủ Trung Quốc cho là hiệu quả nhất để sử dụng khi theo đuổi mục tiêu này. Chỉ khi làm rõ được hai điều nói trên, chúng ta mới có thể đánh giá được chính phủ Trung Quốc có những lựa chọn chính sách nào, nguyên nhân và cách thức đưa ra kế hoạch hành động trong bối cảnh chính trị cụ thể. Nếu đi theo cách thức trên để phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhiều khả năng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn vấn đề, so với việc sử dụng cách tiếp cận trong đó chỉ đơn giản đặt vấn đề có hay không việc chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên quyết đoán (hoặc hiếu chiến) hơn, hoặc có hay không việc Trung Quốc đã thay đổi mục đích của mình.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông được quyết định một phần bởi các mục tiêu ngoại giao tổng thể của Bắc Kinh,vị trí của vấn đề Biển Đông đặt trong bức tranh tổng thể này, và một phần bởi cách thức Trung Quốc đánh giá môi trường quốc tế đang thay đổi và không gian hành động của Trung Quốc trong việc ra quyết sách về vấn đề này. Tất nhiên, những yếu tố trên không phải là tĩnh tại mà liên tục biến đổi. Phân tích về cách tiếp cận đang thay đổi của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông cùng lắm chỉ đưa ra được những giải thích hời hợt nếu như không xét đến những sự phát triển trong chiến lược ngoại giao, tư duy chính sách của Trung Quốc, và vị trí của vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn biến phức tạp trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Các nhà quan sát bên ngoài chỉ xét tới những biểu hiện trực tiếp bề ngoài của chính sách và kết luận rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển đang trở nên quyết đoán hơn.[1] Tuy nhiên, cách giải thích này không nhận thấy được tính phức tạp, hay là tính không nhất quán theo như nhận định của một số người, trong cách hành xử của Trung Quốc đối với các tranh chấp. Ví dụ, trong khi Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận chủ động trong việc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) từ Philippines, cách tiếp cận mà nhiều nhà phân tích Trung Quốc[2] đánh giá là thành công, nước này lại không áp dụng hướng đi đó một lần nữa ở Bãi Cỏ Mây (Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu) hay ở các thực thể tranh chấp khác. Một ví dụ khác, vào tháng 7 năm 2014, Trung Quốc đã ngừng hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh cho rằng hoạt động này diễn ra ở vùng biển không tranh chấp. Trái lại, trong khoảng thời gian hơn một năm, nước này nhất quyết tiếp tục hoạt động cải tạo đất trên quy mô lớn ở một số thực thể trên Biển Đông. Bên cạnh đó, trong khi thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông vào ngày 23/11/2013, Trung Quốc đã rất thận trọng trong việc thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông. Lập luận rằng Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán sẽ không lý giải được những hành vi có vẻ nghịch lý nói trên. Để có thể hiểu chính xác hơn về mâu thuẫn này, chúng ta cần chú ý những cuộc tranh luận rộng hơn ở Trung Quốc về việc Trung Quốc có nên đặt việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền lợi biển hay việc duy trì ổn định khu vực Biển Đông ở vị trí ưu tiên cao hơn trong chính sách đối ngoại của mình. và liệu chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã thực sự chuyển từ ‘giấu mình chờ thời’ sang ‘nỗ lực để thành công’ hay không.[3]

Kể từ khi đề ra chương trình cải cách vào năm 1978, một chính sách có thái độ cởi mở hơn với thế giới bên ngoài, mục tiêu cho công tác đối ngoại của Trung Quốc chính là đảm bảo môi trường quốc tế hòa bình và thuận lợi cho phát triển kinh tế. Kết quả của chính sách 'ngoại giao phục vụ kinh tế' đó là Trung Quốc thường tránh theo đuổi lợi ích riêng một cách quyết đoán để duy trì hòa bình, ổn định và tránh làm tổn hại đến môi trường quốc tế của mình.[4] Cách tiếp cận này về chính sách đối ngoại thường được gọi là ‘giấu mình chờ thời’[5]. Sau năm 2010, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế của Trung Quốc không ngừng tăng lên và Mỹ ngày càng lo ngại và thận trọng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách giấu mình chờ thời đã cho thấy những yếu kém của nó.[6] Những cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, đặc biệt với là Philippines và Việt Nam, không chỉ thúc đẩy nước này điều chỉnh (thậm chí là từ bỏ) chính sách nói trên, mà còn thể hiện cũng như đóng vai trò liều thuốc thử cho một cách tiếp cận đối ngoại mới chủ động hơn.

Trong bối cảnh tình hình ở Biển Đông ngày càng căng thẳng, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức hai hội nghị cấp cao về công tác đối ngoại liên tiếp: Hội nghị về Công tác Ngoại giao Ngoại vi từ ngày 24-25 tháng 10 năm 2013,[7] và Hội nghị Trung ương về Công tác Đối ngoại từ ngày 28-29 tháng 11 năm 2014,[8] Chúng được coi là những hội nghị cấp cao nhất bàn về chính sách đối ngoại do Ủy ban Trung ương Đảng tổ chức kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 và đã chứng kiến sự tham dự của tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Một trong những nhiệm vụ chính của các hội nghị này là làm rõ hơn các mục tiêu chiến lược và các nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong thập kỷ tới. Điều đáng chú ý là vấn đề Biển Đông không được đề cập trong các tài liệu công khai của hai hội nghị trên, chứng tỏ rằng tranh chấp biển không phải vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong khi rõ ràng tranh chấp Biển Đông là thách thức thực sự đối với chính sách đối ngoại của nước này.Như vậy, có thể thấy rằng, Chính phủ Trung Quốc còn nhiều mục tiêu đối ngoại quan trọng khác cần phải cố gắng theo đuổi. Trong năm 2012, khái niệm ‘xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển' được đưa ra trong báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 18. Mặc dù đây là một dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ vấn đề biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu trở thành Siêu cường của Trung Quốc nhưng ‘cường quốc biển’ bao hàm toàn bộ các vấn đề biển, trong đó an ninh biển chỉ là một bộ phận.[9] Cần nhắc lại rằng tầm quan trọng của tranh chấp Biển Đông phải được đánh giá trong khuôn khổ các mục tiêu đối ngoại và chiến lược tổng thể của Trung Quốc, thay vì suy luận từ cách giải thích hạn hẹp dựa trên các hoạt động đơn lẻ mà Trung Quốc thực hiện trong tranh chấp.[10]

Theo các tài liệu công bố sau hai hội nghị cấp cao về chính sách đối ngoại trên, mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong thập niên tới là phục vụ công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, đây là cách Trung Quốc gọi sự trỗi dậy của mình. Bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một quá trình phức tạp và đa chiều và sự ổn định chính trị cũng như xã hội trong nước, cùng với sức mạnh tổng thể không ngừng tăng lên của quốc gia chính là điều kiện tiền đề quan trọng cho quá trình đó. Chính sách đối ngoại được hoạch định ra là để phục vụ mục tiêu chiến lược quan trọng này. Trong bối cảnh như vậy, tranh chấp Biển Đông có thể được đặt ở vị trí quan trọng trong các cân nhắc chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Điểm thứ nhất cần chỉ ra là, mặc dù trên thực tế tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông là quan trọng, vị trí của vấn đề này có thể thay đổi đáng kể trong bối cảnh tổng thể của ngoại giao Trung Quốc. Nếu Trung Quốc và các bên yêu sách khác có thể gác lại tranh chấp, vấn đề này sẽ ít được chú trọng hơn trong nghị trình về chính sách đối ngoại của nước này. Tương tự như vậy, nếu tranh chấp gây nguy cơ bùng phát xung đột quân sự, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của môi trường xung quanh - đặc biệt nếu ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc khác, mà quan trọng nhất là với Mỹ - thì vấn đề này nhanh chóng trở thành vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ mất đi sự linh hoạt trong các lựa chọn chính sách hiện có, và lựa chọn của nước này sẽ bị các mối quan tâm khác chi phối. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các bên tranh chấp khác.

Điểm thứ hai đó là cách tiếp cận khác nhau để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến lợi ích của Trung Quốc trong các vấn đề khác, có nghĩa là quan điểm của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông có thể ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu ngoại giao khác. Nhìn chung có một điểm mà các cuộc tranh luận ở Trung Quốc tán thành là nếu Bắc Kinh áp dụng chính sách kiềm chế và ôn hòa về vấn đề này trong một thời gian dài, thì có thể sẽ thúc đẩy một số nước tìm cách đòi hỏi nhiều hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Do vậy chính sách kiềm chế và ôn hòa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, đồng thời kích động làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở trong nước, khiến đường lối ôn hòa cuối cùng trở nên không bền vững. Mặt khác, nếu Trung Quốc áp dụng chính sách cứng rắn và hiếu chiến, điều này không chỉ tạo ra những phản ứng chính sách mạnh mẽ từ các nước, trong đó có Mỹ, Philippines và Việt Nam mà còn khiến cho các nước này ngày càng lo ngại và nghi ngờ về ý định của Trung Quốc. Khi bước vào giai đoạn chuyển tiếp trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc phải kết hợp đồng thời các biện pháp cứng rắn và mềm mại. Đối với cộng đồng quốc tế vốn đã quen thuộc với chính sách đối ngoại ‘giấu mình chờ thời’ của Trung Quốc, sẽ hết sức bình thường nếu điều này gây ra một số khó chịu nhất định. Những nhận định phổ biến hiện nay cho rằng Trung Quốc đang hành xử quyết đoán hơn phải được hiểu trong bối cảnh này. Trung Quốc không chỉ đơn giản quyết đoán hơn trong đối ngoại. Chủ nghĩa hiện thực tấn công không lý giả được lối hành xử của nước này.

Giữa năm 2011 và năm 2014, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trải qua giai đoạn chuyển giao toàn diện từ ‘giấu mình chờ thời' sang ‘nỗ lực để thành công'.[11] Chúng ta thấy rằng trong thời gian này, tầm quan trọng và vị trí của tranh chấp Biển Đông trong nghị trình chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã có những thay đổi rõ rệt. Từ năm 2012 đến nửa đầu năm 2014, chính phủ Trung Quốc thăm dò cách tiếp cận ‘nỗ lực để thành công', thông qua việc thử nghiệm khả năng xử lý các tranh chấp ở Biển Đông. Bởi vậy cách tiếp cận đang thay đổi của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông phản ánh một quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong việc áp dụng đường lối đối ngoại mới ‘nỗ lực để thành công.’

Trong nửa cuối của năm 2014, việc thúc đẩy sáng kiến ‘một vành đai, một con đường’ ​​và chuẩn bị thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) đã bước vào giai đoạn quan trọng.[12] Trong bối cảnh đó, sử dụng cách tiếp cận chủ động đối với các tranh chấp trên Biển Đông dường như khó có thể đảm bảo các lợi ích quan trọng, cũng có thể là quan trọng nhất, của Trung Quốc trong khi không giúp mang lại một giải pháp để giải quyết vấn đề biển đảo một cách căn bản, lại có thể ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu đối ngoại khác mà Trung Quốc đặt ưu tiên cao hơn. Nói cách khác, lợi ích đạt được trong một vấn đề có thể phải bị đánh đổi bằng các mất mát lớn hơn trong một vấn đề khác. Theo đó, việc Trung Quốc điều chỉnh đường lối ngoại giao ở tầm vĩ mô đã làm thay đổi khung tham chiếu về tính toán lợi ích được – mất.

Trung Quốc Thay đổi Tư duy Chiến lược về Tranh chấp Biển Đông

Không chỉ thay đổi vị trí của vấn đề Biển Đông trong bức tranh đối ngoại tổng thể của mình, Trung Quốc còn điều chỉnh tư duy chiến lược  trong những vấn đề đó từ năm 2010, đặc biệt là tư duy liên quan đến câu hỏi đâu là cách thức phù hợp nhất để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược quốc gia. Sự thay đổi từ chính sách ‘giấu mình chờ thời’ sang ‘nỗ lực để thành công’ liên quan đến những điều chỉnh quan trọng về chính sách và biện pháp mà Trung Quốc áp dụng trong chính sách đối ngoại.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bài viết của tác giả Zhou Fangyin được đăng trên Chatham House (International Affairs Vol. 92, No.4, 2016).

Đinh Tuấn Anh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1]Kể từ năm 2010, một xu hướng phổ biến trong số các nhà quan sát quốc tế là cho rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Quan điểm này đã gây nhiều tranh cãi. Xem Michael D. Swaine, ‘Perceptions of an
assertive China’, China Leadership Monitor, số 32, 2010, tr 10, và ‘China’s assertive behavior, part one: on “core interests”’, China Leadership Monitor, sô 34, 2011, tr. 8; Alastair Iain Johnston, ‘How new and assertive is China’s new assertiveness?’, International Security 37: 4, 2013, tr 7–48; Dingding Chen, Xiaoyu Pu và Alastair Iain Johnston, ‘Debating China’s assertiveness’, International Security 38: 3, 2013–14, tr. 176–83; Björn Jerdén, ‘The assertive China narrative: why it is wrong and how so many still bought into it’, Chinese Journalof International Politics 7: 2, 2014, tr 47–88.

[2]Yong Zeng, ‘Cong huangyandao moshi kan zhongguo nanhai zhengce zouxiang’ [The trend of China’s policy in the South China Sea viewed from the perspective of the ‘Scarborough Shoal model], Shijie Jingji yu Zhengzhi
Luntan [Forum of world economics and politics] 311: 5, 2014, tr 127–44; Jie Zhang, ‘Huangyandao moshi
yu zhongguo haiyang weiquan zhengce zhuanxiang’ [The Scarborough Shoal model and the shift in China’s
maritime strategy], Dongnanya Yanjiu [South-east Asian studies] 205: 4, 2013, tr 25–31.

[3]Xem Yitian Gao, ‘Guojia anquan zhanlüe chouhua huhuan weiquan he weiwen xiang tongyi’ [National security strategic planning calls for the integration of safeguarding rights and maintaining stability], Shijie Zhishi
[World affairs] 1563: 16, 2011, tr 65; Xuetong Yan, ‘Cong nanhai wenti shuodao zhongguo waijiao tiaozheng’
[From the South China Sea issue to the adjustment of Chinese diplomacy], Shijie Zhishi [World affairs] 1572:
1, 2012, tr 32–3; Xiangyang Li, ‘Zhongguo jueqi guocheng zhong jiejue bianhai wenti de chulu’ [The solution to sea border issues during China’s rise], Xiandai Guoji Guanxi [Contemporary international relations]
274: 8, 2012, tr. 17–18; Sheng Wang and Xiao Luo, ‘Guoji tixi zhuanxing yu zhongguo zhoubian waijiao zhi
bian: cong weiwen dao weiquan’ [The transformation of the international system and the change in China’s
regional diplomacy: from maintaining stability to defending rights], Xiandai Guoji Guanxi [Contemporary
international relations] 279: 1, 2013, tr 9–15.

[4]Ví dụ, Swaine và Tellis lập luận rằng Trung Quốc đã triển khai một ‘chiến lược có tính toán’, lôgíc đằng sau đó là hướng tới tăng cường sức mạnh trong nhiều vấn đề bằng cách không khiêu khích nhất có thể, để tránh những phản ứng của khu vực và thế giới có thể ảnh hưởng đến việc tăng cường sức mạnh. Xem Michael D. Swaine và Ashley J. Tellis, Interpreting China’s grand strategy: past, present, andfuture (Santa Monica, CA: RAND, 2000), tr 113.

[5] Để thảo luận chi tiết hơn về chính sách này, xem Jisi Wang, ‘Zhongguo de guoji dingwei wenti yu “taoguang
yanghui, yousuo zuowei” de zhanlüe sixiang’ [The international positioning of China and the strategic principle of ‘keeping a low profile while getting something accomplished’], Guoji Wenti Yanjiu [International studies] 142: 2, 2011, tr 4–9; Fangyin Zhou, ‘Taoguang yanghui yu liangmian xiazhu: zhongguo jueqi guocheng zhong de zhongmei zhanlüe hudong’ [Hiding capabilities and developing strengths and hedging bets: strategic interactions in US–China relations and China’s rise], Dangdai Yatai [Journal of contemporary Asia–Pacific studies] 179: 5, 2011, tr 6–26; Bingguo Dai, ‘Jianchi zou heping fazhan daolu’ [Sticking to the path of peaceful development], China news net, 7/12/2010,
http://www.chinanews.com/gn/2010/12-07/2704984.shtml, truy cập 25/5/2016.

[6]Yan Xuetong, ‘From keeping a low profile to striving for achievement’, Chinese Journal of International Politics

[7]Wei wo guo fazhan zhengqu lianghao zhoubian huanjing, tuidong wo guo fazhan geng duo huiji zhoubian
guojia’ [Working for an environment conducive to China’s development in the area around China and
promoting China’s development to benefit the countries in this area], People’s Daily, 26/10/ 2013, tr 1.

[8]Xi Jinping chuxi zhongyang waishi gongzuo huiyi bing fabiao zhongyao jianghua’ [Xi Jinping attends the
Central Conference on Work Relating to Foreign Affairs and delivers an important speech], 29/11/2014,
http://news.xinhuanet.com/politics/2014-11/29/c_1113457723.htm, truy cập 20/4/2015.

[9]Ngày 5/3/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đọc báo cáo thường niên về công tác chính phủ tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 12, trong đó nhấn mạnh: ‘Chúng ta cần vạch ra và triển khai kế hoạch chiến lược trên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển…tăng cường năng lực quản lý biển…kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc…tiến gần hơn đến mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển.’ Xem http://news.xinhuanet.com/english/ special/2014-03/14/c_133187027.htm

[10] Về những thay đổi quan trọng về vấn đề biển trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, xem Irene Chan và Mingjiang Li, ‘New Chinese leadership, new policy in the South China Sea dispute?’, Journal of Chinese Political Science 20: 1,
2015, tr 35–50.

[11]Xuetong Yan, ‘Zhongguo waijiao quanmian gaige de kaishi’ [The beginning of comprehensive reform in
Chinese diplomacy], Shijie Zhishi [World affairs] 1619: 24, 2013, tr 15–16, và ‘From keeping a low profile to striving for achievement’, Chinese Journal of International Politics 7: 2, 2014, tr 153–84; Jin Xu, ‘Zai taohui yu youwei zhijian: zhongguo zai baozhang guoji anquan zhong de zuoyong’ [China’s role in international security: between keeping a low profile and playing a certain role], Guoji Anquan Yanjiu [Journal of international security studies] 31: 4, 2013, tr 83–102.

[12] Sáng kiến ‘một vành đai, một con đường là cách nói rút gon của Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con Đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21 – một sáng kiến đầy tham vọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào khoảng cuối năm 2013. Sáng kiến này dần trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại Trung Quôc.