Tóm tắt:

Việc Trung Quốc cải tạo đảo quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông từ năm 2013-2015 đã tạo ra một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Trung Quốc có ý định sử dụng các đảo nhân tạo đã xây dựng và các cơ sở vật chất đang trong quá trình lắp đặt trên các đảo này cho mục đích quân sự. Trong nhiều năm, Mỹ luôn xác định không can dự vào tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán trên biển kéo dài giữa Trung Quốc và năm quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sử dụng các công trình ở phía nam của Biển Đông để thiết lập quyền kiểm soát lớn hơn với vùng biển gần, hạn chế sự tiếp cận của Mỹ đối với với vùng biển và vùng trời của một trong những tuyến đường trên biển quan trọng nhất trên thế giới, đã dẫn đến một sự đánh giá lại vai trò của Biển Đông như là một phần trong lợi ích cốt lõi lớn hơn của Mỹ, và trong đại chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Washington đã phản ứng với tiến trình xây dựng và cải đạo đảo của Trung Quốc bằng một chiến lược mới, chủ động hơn với mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tiến hành thêm các hành động khác tại các đảo nhân tạo mà có thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự hiện tại trong khu vực. Mỹ cũng theo đuổi mục tiêu buộc Trung Quốc phải “trả giá” cho hành động của mình bằng việc gắn kết tích cực hơn với các nước Đông Nam Á nếu nước này vẫn tiếp tục thực hiện các hành động hung hăng.

Căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ và quyền chủ quyền tài phán trên biển giữa Trung Quốc và năm quốc gia Đông Nam Á – Brunei, Indonesia[1], Malaysia, Philippines và Việt Nam – đã xuất hiện trên nhan đề của các bài báo viết về Biển Đông với tần suất lớn và định hình các lăng kính nhìn nhận vấn đề này. Đôi khi Mỹ cũng đã thể hiện quan ngại đối với các sự việc tiềm ẩn gây bất ổn, nhưng những hành động này của Mỹ không có tác động lớn đến đại chiến lược của nước này trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của một cường quốc tiềm năng ở Tây Thái Bình Dương. Trước khi Trung Quốc tăng cường mở rộng các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa, các quan chức Mỹ hầu hết đều coi tranh chấp chủ quyền là vấn đề giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và rất cẩn trọng coi vấn đề là một thách thức ngoại giao chứ không phải là một thách thức quân sự. Mặc dù Washington luôn nhấn mạnh các cam kết của mình, và tính cần thiết của tự do hàng hải và hàng không và đảm bảo các dòng chảy của thương mại toàn cầu thông suốt, nhưng Mỹ cũng chưa bao giờ đưa ra một khái niệm rõ ràng về việc Mỹ sẽ làm gì để giữ vững các nguyên tắc này. Quan điểm này đã thay đổi, xuất phát từ việc Mỹ đánh giá lại các tác động của việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc vào cuối năm 2013.

Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ lại là một bên trong mâu thuẫn và tranh cãi với một Trung Quốc đang trỗi dậy về khái niệm tự do trên biển – một nguyên tắc trọng tâm trong các lợi ích cốt lõi của Mỹ - và về sự định hình của cục diện an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương những năm tiếp theo. Nắm bắt được điểm then chốt trong mâu thuẫn giữa hai nước là hết sức quan trọng để hiểu được vai trò của Biển Đông trong đại chiến lược của Mỹ và các nhân tố có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ trong vấn đề này.

Bài phân tích bắt đầu bằng việc giải mã các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông của Mỹ, điều mà có khả năng hỗ trợ hay đảo ngược đại chiến lược của Mỹ. Bài viết nhận định rằng Mỹ có hai lợi ích cốt lõi lâu dài và căn bản ở Biển Đông: bảo vệ quan điểm của Mỹ về tự do trên biển và duy trì ưu thế về hải quân và không quân ở Tây Thái Bình Dương. Bài viết tiếp tục đưa ra một cái nhìn bao quát về chính sách của Mỹ ở Biển Đông trong bối cảnh chiến lược tái cân bằng của của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phân tích được xây dựng dựa trên giả thuyết là các quan chức Mỹ bắt đầu dành quan tâm và nguồn lực nhiều hơn cho vấn đề Biển Đông do Mỹ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Đông Nam Á. Phần thứ hai này cũng làm rõ sự thay đổi bản chất của mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington trong bối cảnh chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Bài viết giới thiệu bối cảnh để hiểu rằng nếu việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là một bước đi chiến lược, thì sự kiện này có thể trở thành điểm nối giữa mâu thuẫn về tự do trên biển và mâu thuẫn về cục diện khu vực, và hệ quả là  Biển Đông trở thành mâu thuẫn căn bản giữa Mỹ và Trung Quốc. Bài viết cũng kết luận rằng Mỹ đã phản ứng bằng một chiến lược mới, chủ động với 2 mục tiêu: (1) ngăn chặn Trung Quốc tiến hành thêm những hành động tại các đảo nhân tạo mà có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự hiện nay trong khu vực; (2) là buộc Trung Quốc phải trả giá cho các hành động của mình bằng việc gắn kết mạnh mẽ hơn với các đối tác Đông Nam Á nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích. Phần cuối cùng vạch ra qúa trình triển khai những nhân tố mới trong chính sách của Mỹ cho đến nay, và phân tích hiệu quả của sự điều chỉnh chính sách này đối với các hành động và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tác giả chủ yếu dựa vào các nguồn tài liệu, tuyên bố, phân tích và các dữ liệu công khai của các cuộc gặp của chính phủ Mỹ để nghiên cứu và hoàn thiện bài viết này.

Biển Đông trong đại chiến lược của Mỹ

Sự trỗi dậy của Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc tế giới làm nảy sinh một số vấn đề trọng tâm trong đại chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21, quan trọng nhất là Trung Quốc sẽ trở thành chủ thể quốc tế dạng nào khi nước này tiếp tục trỗi dậy và điều này có ý nghĩa gì đối với trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận thức sâu sắc rằng môi trường an ninh quốc tế mới đang định hình, và khoảnh khắc đơn cực của 25 năm trước khi mà Mỹ được hưởng vị trí siêu cường duy nhất đã thực sự chấm dứt. Nhận thức này đưa đến những tác động quan trọng đến thành tố then chốt trong đại chiến lược của Mỹ trong việc “ngăn chặn sự trỗi dậy của cường quốc khu vực ở một phần của đại lục Á Âu hoặc khu vực khác”, một cường quốc có thể tập trung đủ sức mạnh để làm suy giảm những gì mà Mỹ coi là lợi ích cốt lõi của mình.[2]

….

Kết luận: Một hướng đi mới?

Những diễn biến trong năm 2015 và 2016 đặt trong bối cảnh hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn của Trung Quốc cho thấy khu vực đang bước vào một kỷ nguyên chiến lược mới liên quan đến Biển Đông. Mỹ trở thành một người chơi ngày càng tích cực và đang tìm cách để duy trì lợi ích cốt lõi tại khu vực. Trong tương lai gần, ít có khả năng Washington đảo ngược những thay đổi gần đây trong chiến lược về các vấn đề trên biển tại Châu Á – Thái Bình Dương, bởi họ đã nhận ra thực tế rằng chỉ có Mỹ - chứ không phải nước đồng minh hay đối tác nào hay thể chế nào – mới có thể bảo vệ được hai lợi ích chiến lược căn bản và lâu dài đang bị đe dọa tại Biển Đông. Tuy nhiên, với việc Mỹ và Trung Quốc cùng thể hiện quyết tâm bảo vệ những gì mà họ coi là lợi ích cơ bản và viễn cảnh hợp lý cho khu vực, hai cường quốc này sẽ vẫn tiếp tục cẩn trọng bởi họ đều muốn giảm thiểu nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm hoặc xung đột trực tiếp. Tuy nhiên, những động lực trái ngược này sẽ còn tiếp tục song hành trong việc hoạch định chính sách của cả Mỹ và Trung Quốc trong những năm tới.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Phuong Nguyen là học giả WSD-Handa tại Pacific Forum CSIS và là học giả liên kết tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington D.C. Địa chỉ: 1616 Rhode Island Ave., NWWashington D.C., 20036, Mỹ; email: h0aiphuong.14@gmail.com. Bài viết được đăng trên Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs.

Biên dịch và hiệu đính: Tiến Thịnh, Quang Tiệp & Thuỳ Anh

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Indonesia đã chính thức tuyên bố nước này không phải là một  bên trong tranh chấp chủ quyền trên biển ở Biển Đông, nhưng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc chồng lấn với vùng EEZ của Indonesia xung quanh Quần đảo Natuna. Lực lượng tuần duyên của Trung Quốc và các tàu cá đã tăng cường sự hiện diện trong những vùng biển này vào những năm gần đây.

[2] Về những thành tố của đại chiến lược của Mỹ, xem thêm Ronald O’Rourke, A Shift in the International Security Environment: Potential Implications for Defense — Issues for Congress, CRS Report R43838, 31/12/2014, xem online tại: https://news.usni.org/2014/12/31/document-report-internationalsecurity-environment-shift; Ronald O’Rourke, A Shift in the International Security Environment: Potential Implications for Defense — Issues for Congress, CRS Report R43838, 20/3/2015, xem thêm tại https://www.hsdl.org/?view&did=763585; and Ronald O’Rourke, A Shift in the International Security Environment: Potential Implications for Defense — Issues for Congress, CRS Report R43838, 8/6/2016, xem thêm tại https://www.fas.org/sgp/crs/natsec/R43838.pdf.