Điều phối viên: Ông Ernest Z. Bower, Cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS.

Ernest: Chúng ta sắp lắng nghe bài phát biểu chính của Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun. Tôi rất hân hạnh được giới thiệu ông Joe. Có thể tôi sẽ không cần phải giới thiệu nhiều về ông Yun, nhưng ông là người phụ trách đối ngoại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Ông hiện là Quyền trợ lý Ngoại trưởng tại Phòng Đối ngoại Đông Á thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ. Trước đó, ông làm phó trợ lý Ngoại trưởng tại phòng Đối ngoại Đông Á, và như bạn biết, Joe là một thành viên của Bộ phận đối ngoại cấp cao, đã từng làm việc tại Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Indonesia và Hồng Kông. Và tôi phải nói rằng, trong số những lãnh đạo thực sự am hiểu khu vực này cũng như có thể chấp nhận khó khăn, thì Joe là một trong những người đứng đầu danh sách. Joe, tôi rất vinh dự vì ông có mặt ngày hôm nay. Xin mọi người nồng nhiệt chào đón ngài Trợ lý Ngoại trưởng.

Joseph Yun: Cảm ơn rất nhiều, Ernest. Rất vui được trở lại CSIS. Tôi nghĩ nhiều người trong số các bạn đã biết Ernest đã làm được một việc tuyệt vời như thế nào – đưa Chương trình Đông Nam Á tới CSIS. Đây đương nhiên là chương trình quan trọng nhất về Đông Nam Á không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Tôi hiểu rằng đây là lần thứ 3 CSIS tổ chức hội nghị về Biển Đông và chúng ta đang thu hút ngày càng nhiều người quan tâm. Hôm nay, thời tiết ở ngoài kia rất đẹp, không biết các bạn có việc gì hay hơn là ngồi ở đây không. Như Ernest đã giới thiệu, tôi hiện là Quyền Trợ lý Ngoại trưởng, và như các bạn biết, Danny Russel của chúng ta mới được chỉ định làm Trợ lý Ngoại trưởng, vì vậy thời gian tôi làm việc tại vị trí này chắc chỉ còn tính bằng ngày. Tôi đã làm ở vị trí này được 5 tháng và khi tôi bắt đầu làm Quyền Trợ lý Ngoại trưởng – một danh hiệu rất dài – tôi đã gọi cho mẹ tôi nói “Mẹ, con nghĩ là con vừa được thăng chức. Con cũng không rõ thế nào.” Mẹ tôi hỏi “Thế bây giờ con làm gì?” và tôi trả lời “Con đang là Quyền Trợ lý Ngoại trưởng” và mẹ tôi hỏi “Là ở đâu, cái đó nghĩa là gì?” (tiếng cười) Chuyện là như vậy đấy. Chúng ta không có nhiều thời gian và tôi rất muốn chúng ta thảo luận được nhiều, đặc biệt là nhận được nhiều câu hỏi từ phía các bạn, vì vậy tôi sẽ không bắt đầu bằng bài giới thiệu quen thuộc của mình: chúng tôi đã làm những gì tại Châu Á mà xin phép đề cập thẳng tới vấn đề Biển Đông.

Có 7 điểm tôi muốn đề cập liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Thứ nhất đó là Mỹ không đứng về bên nào trong các xung đột về yêu sách lãnh thổ cũng như các yêu sách chủ quyền tại đây. Đây là thực tế mà các bạn nên biết. Và đây cũng là quan điểm của chúng tôi đối với các vấn đề tại khu vực Đông Nam Á và trên thực tế cũng là quan điểm của chúng tôi trong các vấn đề liên quan đến các yêu sách tại đây. Chúng tôi không đưa ra lập trường của mình về việc một quốc gia yêu sách đòi một đảo, một đá hoặc một thực thể nào đó. Chúng tôi cũng không đưa ra quan điểm của mình về các yêu sách, đặc biệt là tính hợp pháp của các yêu sách này.

Điểm thứ hai tôi muốn nói đến ở đây đó là các yêu sách phải dựa trên luật pháp quốc tế, các yêu sách này phải tuân thủ với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển UNCLOS. Hàm ý quan trọng của điểm này đó là các yêu sách biển tại Biển Đông phải được xuất phát từ các thực thể đất liền. Các yêu sách này phải được giải thích rõ ràng. Nếu bạn có yêu sách một vùng biển nào đó thì yêu sách này phải được xác định dựa trên các thực thể đất liền.

Điểm thứ ba mà tôi muốn đề cập đó là cho dù Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại đây, Mỹ vẫn có những lợi ích to lớn trong việc tranh chấp được giải quyết và được quản lý. Bạn có thể hỏi rẳng lợi ích của chúng tôi tại Biển Đông là những gì? Tôi có thể kể ra, trước hết đó là tự do hàng hải. Đây là một trong những tài sản chung quan trọng của thế giới. Biển Đông là nơi có nhiều các hoạt động thương mại, theo một vài con số ước tính thì có khoảng 50% lượng hàng hóa lưu thông trên biển của thế giới đi qua Biển Đông. Do đó, rõ ràng rằng chúng tôi có lợi ích trong việc Biển Đông – tài sản chung của thế giới - cần phải được bảo vệ và tự do hàng hải cần phải được duy trì tại đây. Lợi ích thứ hai của chúng tôi đó là việc khai thác tài nguyên một cách hợp pháp tại Biển Đông. Ví dụ, chúng tôi có các công ty đang tiến hành các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt tại đây. Nếu những hành động trên được tiến hành một cách hợp pháp, thì các công ty này có quyền tiếp tục các hoạt động của họ bất kể khu vực này có nằm trong vùng tranh chấp hay không. Đây là những lợi ích của chúng tôi, khi đặt sang một bên vấn đề chủ quyền cũng như chủ quyền hợp pháp thuộc về ai.

Điểm thứ tư đó là chúng tôi không cho rằng các yêu sách nên được thúc đẩy thông qua các hành vi răn đe, đe dọa và dĩ nhiên là cả việc sử dụng vũ lực.

Điểm thứ năm tôi muốn đề cập đó là các nước nên thúc đẩy các yêu sách tại đây như thế nào. Tôi cho rằng các yêu sách nên được thúc đẩy thông qua các biện pháp mang tính hòa bình. Một ví dụ về biện pháp mang tính hòa bình đó là các cuộc đàm phán ngoại giao. Một biện pháp mang tính hòa bình khác đó là thông qua một bên hòa giải thứ 3, thông qua việc chấp thuận sự phân xử của tòa án quốc tế. Đó là các biện pháp mang tính hòa bình để theo đuổi các yêu sách tại đây. Và nếu bạn theo đuổi những biện pháp mang tính hòa bình thì dĩ nhiên các nước tại khu vực cũng không nên có các hành vi răn đe, đe dọa hay đáp trả. Ví dụ như nếu một nước quyết định thông qua ITLOS để giải quyết tranh chấp, thì nước khác có tranh chấp với nước này không nên có những biện pháp đe dọa đối phương. Họ không nên đe dọa bởi vì nước trên đã chọn cách giải quyết đó là thông qua phán xét của ITLOS (một biện pháp mang tính hòa bình - ND).

Với chúng tôi, trong tương lai – và đây cũng là những điểm cuối tôi muốn đề cập về vấn đề Biển Đông, đặt trong bối cảnh có rất nhiều bên tranh chấp tại Biển Đông, điều quan trọng là không để xảy ra các hành động chớp nhoáng, đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. Và điểm thứ hai liên quan đến vấn đề này đó là những gì chúng ta cần là một “bộ quy tắc ứng xử”. Các quốc gia nên can dự như thế nào? Và đó là lý do chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc, Mỹ nhằm bắt đầu các vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử - COC. COC rất quan trọng bởi văn bản này sẽ giúp đặt ra khuôn khổ cho các hành vi của các nước tại đây hay việc họ theo đuổi các yêu sách theo cách nào và điều gì sẽ xảy ra khi có tranh chấp. Chính vì vậy chúng tôi rất ủng hộ COC. Tôi được biết rằng gần đây đã diễn ra một cuộc gặp giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, tôi nhớ là vào cuối tuần trước tại Bangkok. Tại đây họ đã có các cuộc làm việc về DOC – văn bản tiền đề cho COC – và theo tôi, nhiều khả năng trong tương lai, có thể vào cuối năm nay, Trung Quốc và ASEAN sẽ thông báo về việc bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về COC. Nếu điều đó trở thành sự thật, chúng tôi sẽ thật sự vui mừng bởi với chúng tôi, COC là chìa khóa của vấn đề, sẽ giúp mang đến các giải pháp hòa bình, các cuộc đàm phán hòa bình và việc theo đuổi một cách hòa bình các tranh chấp. Đây là vấn đề đã được xem xét đến từ lâu. Bạn biết đấy, đằng sau COC là một loạt các vấn đề của lịch sử, các vấn đề truyền thống. Trong một vài năm qua, mọi việc đã ít nhiều trở nên căng thẳng hơn, thể hiện qua hàng loạt các vụ việc liên quan đến các tàu đánh bắt cá, các vụ việc liên quan đến hoạt động của các tàu thăm dò dầu khí của các quốc gia tại đây. Năm ngoái, cũng tại thời điểm này, chúng ta có vụ việc tại Bãi cạn Scarborough, và trước đó là một loạt các sự kiện tại các đảo, đá của Việt Nam, và trong đầu năm nay đó là sự kiện tại khu vực Borneo (Kalimantan theo cách gọi của người Indonesia – ND) gần bờ biển Sabah. Điều này là hết sức đáng lo ngại cho tất cả chúng ta, và theo tôi ASEAN và Trung Quốc sẽ có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành COC. Một số quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama tại Diễn đàn Đông Á (EAS) vào năm ngoái và Ngoại trưởng Hillary Clinton, đã nói rõ về quan điểm của họ. Và trong vấn đề cụ thể này, tại sao quá trình đàm phán về COC lại là chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN? Tôi có thể nói rằng bất cứ ai sử dụng khu vực tài sản chung của thế giới này đều có lợi ích tại đây và trên thực tế, tất cả những nước mà tôi biết rằng có sử dụng Biển Đông – khu vực tài sản chung của thế giới – đều rất ủng hộ COC. Đây là những quan điểm của chúng tôi về vấn đề Biển Đông. Tôi chắc chắn là với sự có mặt của rất nhiều người tại đây, chắc chắn sẽ còn nhiều những quan điểm khác nữa, và tôi rất sẵn lòng lắng nghe và trả lời các câu hỏi của các bạn với sự giúp đỡ của Ernest. Xin cảm ơn.

Ernest: Rất cám ơn Joe. Tôi nghĩ đây là một bản phác họa rất rõ nét và thẳng thắn về quan điểm của Mỹ, rất có ích cho cuộc thảo luận hôm nay. Cuộc thảo luận sẽ được bắt đầu ngay bây giờ. Tôi sẽ có câu hỏi đầu tiên dành cho ông với vai trò là người chủ trì. Mục tiêu của các cuộc thảo luận của chúng ta trong hai ngày tới đây là xây dựng các kiến nghị mà ông có thể sử dụng để chuẩn bị cho chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Obama. Tôi được biết rằng Ngoại trưởng Kerry dự định có chuyến đi tới khu vực (Đông Nam Á – ND) vào tháng 6 để dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và ngài Tổng thống có kế hoạch tới thăm Brunei và một số nơi khác vào tháng 10 khi dự Diễn đàn Đông Á (EAS). Vậy kế hoạch hiện tại là gì và quan điểm của riêng ngài về cách mà Mỹ sẽ sử dụng hai diễn đàn này để thúc đẩy và kiến nghị một số điểm mà ông đã vừa đề cập?

Joseph Yun: Tôi nghĩ rằng đối với chúng tôi, các chuyến viếng thăm này có một vài điểm đáng chú ý. Điều quan trọng đầu tiên đó là phải giúp tất cả mọi người nhận ra rằng đây là khu vực có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Bất kỳ mối đe dọa nào tại đây cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, và tôi nghĩ mọi người đều cố gắng để hiểu được điều này. Điều thứ hai đó là mức độ can dự ở cấp cao. Như anh vừa đề cập, Ngoại trưởng Kerry sẽ tới dự diễn đàn ARF tại Brunei, và tại đây cũng sẽ diễn ra Diễn đàn Đông Á (EAS) cũng như hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Mỹ. Tôi nghĩ đối với chúng tôi, điều quan trọng đó là giúp ASEAN đạt được sự đồng thuận. Và dĩ nhiên, cuối tuần này, hay cụ thể là vào thứ 6 cho tới ngày Chủ Nhật, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California. Và tại đó, hai bên sẽ có những cuộc thảo luận về nhiều vấn đề, qua đó hai nhà lãnh đạo sẽ truyền tải được những thông điệp của họ cho nhau. Họ sẽ bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của ổn định tăng trưởng kinh tế, và hơn nữa đó là tầm quan trọng của lợi ích chung giữa hai bên. Do đó, chúng tôi sẽ có cơ hội trao đổi quan điểm với nhau, đạt được thỏa thuận với nhau, hoặc có được sự hiểu biết lẫn nhau, bạn biết đấy, nói một cách thẳng thắn, tôi không chắc rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ như tranh chấp vùng biển hay một vấn đề tranh chấp nào khác có thể được giải quyết một cách triệt để theo kiểu mà một quốc gia sẽ nói: “Tệ thật, tôi nghĩ là anh đúng rồi đấy”, và tranh chấp kết thúc (tiếng cười). Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra. Nhưng ít nhất, bạn biết rằng chúng tôi có các dự định làm việc chung, các ý tưởng hợp tác, cách thức vận hành để không làm gián đoạn sự ổn định của khu vực. Đó là mục tiêu của chúng tôi.

Ernest: Xin mời quý bà mặc áo màu đỏ.

Hỏi (Phóng viên thường trú tại Washington của Tờ Liberty – Đài Loan): Cám ơn ông đã đến dự hội thảo lần này. Chúng tôi biết rằng COC là một công cụ quan trọng tuy nhiên Đài Loan chưa bao giờ được tham gia vào tiến trình đối thoại nhằm xây dựng COC. Đặt trong bối cảnh sự cố tàu gần đây giữa Đài Loan và Philippines, ông có nghĩ rằng việc để Đài Loan tham gia vào các cuộc đối thoại này là một điều có ý nghĩa quan trọng hay không? Ông có khuyến khích việc này không?

Joseph Yun: Cám ơn bạn rất nhiều. Dĩ nhiên, tôi rất quan tâm về sự cố tàu cá gần đây, vụ việc đã khiến thuyền trưởng của tàu cá bên phía Đài Loan bị thiệt mạng. Tôi rất lấy làm tiếc về vụ việc này. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần một công cụ như COC và tôi nghĩ COC, một khi ASEAN và Trung Quốc chấp thuận, sẽ là một công cụ được áp dụng tại toàn bộ khu vực Biển Đông và chắc chắn sẽ không liên quan đến một bên nào khác ngoại trừ Trung Quốc và ASEAN. Nhưng không có lý do nào để các quốc gia khác không được quyền nói rằng họ sẽ tuân thủ theo COC. Do đó với tôi thì việc phải ngồi vào bàn đàm phán không quan trọng bằng việc các bên tranh chấp cùng thống nhất được với nhau về COC.

Hỏi (Chris Nelson): Những vấn đề tôi muốn hỏi tại đây đã được nêu lên tại diễn đàn Shangri-La, do vậy xin thứ lỗi nếu như các bạn đã có mặt tại đó. Tôi rất thất vọng mỗi khi mà tôi đặt câu hỏi riêng với những người bạn Trung Quốc về quan ngại của mình liên quan đến việc gia tăng sử dụng các hành vi đe dọa – theo một cách thức rõ ràng hoặc không rõ ràng - thì cách phản ứng thông thường của họ đó là họ nói rằng: “đấy là yêu sách của chúng tôi, là các đảo của chúng tôi, và không có gì để bàn thảo hay đối thoại cả”. Ông có gặp phải những phản ứng tương tự như vậy khi ông đặt câu hỏi với phía Trung Quốc hay không? Hay ông sẽ có một cuộc đối thoại mà tại đó cả hai phía đều nhìn nhận được những nguy cơ đang tồn tại ở đây? Theo ông dự đóan, thì Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào tại California (nơi Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc hội đàm - ND) khi mà Tổng thống Obama đã nói rõ rằng ông sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo với phía Trung Quốc?

Joseph Yun: Cám ơn Chris, có lẽ tôi sẽ không đề cập đến những gì mà ngài Tổng thống sẽ nói tại California cuối tuần này khi xung quanh tôi toàn ống kính máy quay như thế này (tiếng cười). Tuy nhiên, liên quan đến câu hỏi của anh, chúng ta đã bàn thảo trên nhiều cấp với phía Trung Quốc và dĩ nhiên họ nhận ra rằng đang có những vấn đề còn tồn tại và tôi chắc rằng việc chúng tôi bàn thảo với Trung Quốc, gây sức ép với họ về việc hoàn thành COC đều là những sự việc cũng không có gì là bí mật với các bạn cả. Tại cấp thảo luận nào, tôi cũng đều kỳ vọng rằng vấn đề này sẽ được đưa ra. Tranh chấp biển là một vấn đề đặc thù không chỉ của Biển Đông. Chúng ta cũng có tranh chấp tương tự tại Biển Hoa Đông, tranh chấp đảo Takeshima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, và ngay cả Mỹ cũng có các tranh chấp tương tự, ví dụ như tranh chấp với Canada. Đây không phải là một trường hợp riêng biệt, tuy nhiên tôi nghĩ có một sự khác biệt nhỏ ở đây đó là tranh chấp Biển Đông có những ảnh hưởng to lớn tới tất cả các nước trong khu vực và tranh chấp này cũng ảnh hưởng lớn tới sinh kế của những người dân trong khu vực bao gồm các hoạt động đánh bắt cá, khai thác dầu khí và dĩ nhiên là cả các hoạt động vận chuyển hàng hóa. Do đó, tôi nghĩ đây là điểm khác biệt nhỏ trong tranh chấp tại đây và là lý do để cộng đồng quốc tế khuyến khích một giải pháp mang tính hòa bình tại đây.

Ernest: Tôi có một câu hỏi được gửi trên Twitter (tiếng cười), tới từ Kuala Lumpur. Câu hỏi là: nhiều người đã dành lời khen ngợi cho chính sách ngoại giao của Brunei – nước Chủ tịch ASEAN năm nay. Liệu họ (Brunei) có thể giải quyết được sức ép và đưa vấn đề an ninh hàng hải ra diễn đàn ARF và EAS được hay không? Và ông nghĩ thế nào về cách Myanmar sẽ giải quyết vấn đề an ninh hàng hải khi nước này ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch của ASEAN vào năm sau?

Joseph Yun: Cám ơn người bạn ở Kuala Lumpur. Các bạn đều biết ASEAN là một tổ chức rất đặc biệt. Tôi đã phụ trách những công việc liên quan đến ASEAN trong 4 năm vừa qua. Ban đầu, và có lẽ ngay cả thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy hết sức khó khăn với các công việc liên quan đến ASEAN. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian một vài năm trở lại đây, tôi đã hiểu hơn về ASEAN. Như các bạn đã biết, với ASEAN, việc tìm kiếm sự đồng thuận là một điều hết sức quan trọng. Và theo tôi đó chính là một trong những điểm lý thú về các quốc gia ASEAN. Nếu các nước tại đây muốn có được sự đồng thuận thì họ phải nỗ lực trong một khoảng thời gian dài, và với tôi thì sự kiên nhẫn đó thật sự đáng kinh ngạc. Tôi rất ngưỡng mộ các nước ASEAN về điều này. Có thể ASEAN sẽ phải nhận những lời chỉ trích, đặc biệt từ các nước không phải thành viên ASEAN, cho rằng ASEAN đang có những bước tiến chậm chạp dù cho đó là tiến trình COC, vấn đề kết nối, thiết lập một thị trường chung. Tuy nhiên, theo tôi các nước vẫn tiếp tục tìm kiếm sự đồng thuận, nhất là xét bối cảnh lịch sử đầy chông gai của Đông Nam Á. Do đó, đối với tôi họ vẫn đang cân nhắc thận trọng về COC. Lấy ví dụ về DOC, cho dù văn bản này đã được ký kết vào năm 2002 thì hướng dẫn thực thi DOC chỉ có được sự đồng thuận vào năm 2012, họ đã phải mất 10 năm để đi từ văn bản ký kết tới văn bản thực thi. Do đó, cho dù COC có được bắt đầu bàn thảo sớm, thì văn bản này chắc chắn cũng sẽ mất một khoảng thời gian dài để hoàn thành, và vào thời điểm đó, có thể Ernest và tôi đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, quá trình để hoàn thành COC là rất quan trọng đối với ASEAN. Quay trở lại với câu hỏi, tôi nghĩ rằng vai trò của nước chủ tịch đó là trở thành một “nhà môi giới trung thực”, đảm bảo được sự tuân thủ của các nước đối với tiến trình và đối với sự đồng thuận của ASEAN. Tôi thực sự ngưỡng mộ những người bạn Brunei về điều này. Chắc hẳn các bạn đều biết rằng Quốc vương Brunei trong thời gian qua thường xuyên bận rộn với việc di chuyển tới các nước khác nhau, ví dụ như chuyến đi của ông tới Washington, vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3. Các bạn thấy đấy, ngài Quốc vương luôn phải thực hiện những chuyến bay thường xuyên để theo đuổi các nguyên tắc này, đây là một điều hết sức đáng mừng khi một quốc gia nhỏ bé như Brunei cũng nhận ra được tầm quan trọng của các nguyên tắc trên. Về Myanmar, như các bạn biết thì Myanmar sẽ là nước chủ tịch ASEAN vào năm sau. Hiện tại, họ cũng là nước đóng vai trò mà chúng tôi gọi là điều phối đối thoại. Có bao nhiêu quý vị ở đây biết chính xác vai trò điều phối đối thoại là gì? Tôi chắc là chỉ một số ít biết về vị trí này. Đối thoại là một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng, nước giữ vị trí điều phối đối thoại sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa ASEAN với các quốc gia tuy không phải thành viên ASEAN nhưng có các cuộc đối thoại cùng ASEAN. Ví dụ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đều có các nước điều phối đóng vai trò như một bên trung gian. Hiện tại, Myanmar là nước giữ vai trò điều phối đối thoại giữa ASEAN và Mỹ và họ đã hoàn thành rất tốt công việc của mình. Tôi xin nói qua về tầm quan trọng của vị trí điều phối đối thoại. Hiện giờ, Thái Lan là nước giữ vị trí điều phối đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong một cuộc họp tại Bangkok giữa Trung Quốc và ASEAN vào cuối tuần trước, Thái Lan đã hết sức thành công trong việc thúc đẩy tiến trình COC, đưa COC trở thành mục tiêu chung giữa ASEAN và Trung Quốc. Đây chính là sợi dây kết nối các nước đối thoại với ASEAN và với chúng tôi, việc hợp tác với ASEAN là một trụ cột quan trọng của chiến lược tái cân bằng tới châu Á và chúng tôi đang hết sức nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ này. Như bạn đã biết, chúng tôi có 2 phái đoàn tại Jakarta, một thực hiện các nhiệm vụ tại Indonesia, một thực hiện các nhiệm vụ tại ASEAN. Chúng tôi tham gia tất cả các hội nghị có sự góp mặt của ASEAN trong đó có Diễn đàn Đông Á (EAS), đối thoại giữa các Bộ trưởng Quốc phòng,… ASEAN ngày này không giống ASEAN của 20 năm trước, tổ chức này hiện giờ đã trở nên năng động hơn, có tính mở nhiều hơn và, có thể nói, có nhiều tính chiến lược hơn.

Ernest: Cám ơn Joe. Xin mời quý ông.

Hỏi (đại biểu từ Hội đồng Tư vấn Quốc gia về các vấn đề Nam Á): Tôi nhận thấy rằng trong năm vừa qua, các cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu các chính phủ luôn luôn có kết quả tốt đẹp, sau cuộc gặp, họ nói tất cả các vấn đề đều đã được giải quyết. Họ cũng có những cuộc nói chuyện hết sức tốt đẹp và thống nhất quan điểm. Tôi xin được nói đến cuộc gặp tại Los Angeles trong một vài ngày tới giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama. Và điều khiến tôi lo lắng đó chính là sau khi cuộc gặp kết thúc, các bên sẽ lại nói về những cuộc đối thoại tốt đẹp và tất cả đều hài lòng, mọi thứ đều tuyệt vời. Tuy nhiên sau khi cuộc họp kết thúc, tình hình vẫn y nguyên, không có gì thay đổi như ngài Trợ lý Ngoại trưởng Joseph đã nói, DOC đã được ký từ lâu, tuy nhiên phải 10 năm sau văn bản thực thi mới có thể được hoàn thành. Liệu chúng ta – Mỹ - đã chuẩn bị một kế hoạch có tính chiến lược trong các cuộc gặp ông Putin, ông Tập hay bất kỳ một nhân vật nào khác hay chưa? Xin cám ơn.

Joseph Yun: Như phần lớn mọi người đều biết, các cuộc gặp thượng đỉnh là dịp hai nhà lãnh đạo làm việc với nhau, tuy nhiên có rất nhiều công việc phải chuẩn bị trước các gặp thượng đỉnh. Ví dụ, bạn biết đấy, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang California, thì ông Thomas Donilon (cố vấn an ninh quốc gia - ND) đã tới Trung Quốc và ngay cả trước thời điểm đó, chúng tôi cũng có rất nhiều các cuộc trao đổi về các vấn đề dự kiến nằm trong chương trình nghị sự… Nhưng theo như quan điểm của tôi, cuộc gặp thượng đỉnh lần này tại California có một vài điểm khá biệt đó là việc hai nhà lãnh đạo có một ngày rưỡi để cùng ngồi lại với nhau, đây là điểm khác biệt so với một vài cuộc gặp thượng đỉnh khác, nơi mà các tài liệu đã được chuẩn bị trước. Tôi nghĩ trong trường hợp này, mục tiêu thật sự cho Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama đó là để hai bên hiểu biết lẫn nhau và có cơ hội bàn thảo về một chương trình nghị sự bao gồm rất nhiều vấn đề. Các bạn hẳn đã biết những gì sẽ bao gồm trong chương trình nghị sự, đó là các vấn đề được trải dài từ các vấn đề an ninh như vấn đề Bắc Triều Tiên, Syria, vấn đề an ninh hàng hải, một vài vấn đề kinh tế, an ninh mạng, các vấn đề đầu tư và thương mại cho tới cả những vấn đề gai góc hơn như vấn đề nhân quyền… Để chúng ta có thể hoàn thành tốt công việc tại cấp của mình, thì chúng ta phải có những chỉ dẫn chính xác từ các nhà lãnh đạo. Do đó, trước hết, Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama cần phải đưa ra các chỉ dẫn cần thiết nhưng quan trọng hơn đó là họ phải có sự hiểu biết lẫn nhau, trở nên thân thuộc với nhau. Tôi có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh lần này được bố trí một cách tương đối khác biệt so với các cuộc gặp thượng đỉnh thông thường. Trong các cuộc gặp thượng đỉnh thông thường, các bạn sẽ có một giờ để thảo luận. Và trong một giờ đó, các bạn thông qua chương trình có sẵn, và sau đó bước ra và nói: “Chúng ta có một cuộc gặp thành công”, “Chúng ta đã đã đạt được việc này việc kia…”. Tôi muốn nói với các bạn rằng tôi đã dự một vài cuộc gặp thượng đỉnh không được suôn sẻ cho lắm, và nếu không có các ống kính máy quay tại đây, tôi sẽ kể với các bạn nhiều hơn nữa (tiếng cười). Dù sao, tôi nghĩ đây là một cuộc gặp có những nét hết sức đặc thù.

Hỏi (TS. Renato de Castro – Philippin): Tôi muốn bày tỏ đánh giá cao với phân tích rất thẳng thắn của ông. Ông đề cập đến căng thẳng gia tăng, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang có tình huống đối đầu tại Bãi Cỏ Mây (Ayguinin Shoal), tại đây phía Trung Quốc đã dùng một số tàu, trong đó có cả một tàu khu trục loại nhỏ, để đối phó với một nhóm thủy quân lục chiến Philippin đang chiếm giữ bãi này. Cùng thời điểm, phía Philippin nhận được cảnh báo từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila rằng chúng tôi tốt hơn nên rút quân khỏi bãi này. Điều chúng tôi lo ngại chính là, liệu đây có phải là mô hình Trung Quốc dùng để buộc Philippin rút khỏi những đảo mà chúng tôi đã và đang chiếm giữ tại Biển Đông? Rõ ràng đây là sự vi phạm nguyên tắc mà các ngài đã đề ra: hành động đơn phương, ngoại giao đe dọa và dĩ nhiên, cả nguy cơ sử dụng vũ lực. Washington đánh giá việc này thế nào?

Joseph Yun: Tôi nghĩ tôi nên nhấn mạnh một điểm rằng không bên nào nên có những hành vi đơn phương gây nguy hiểm hay đe dọa và đương nhiên là không sử dụng vũ lực. Chúng tôi rất hiểu rắc rối xung quanh bãi cạn này, và chúng tôi đang nói chuyện với cả hai bên để tìm hiểu vấn đề. Nhưng, tôi nghĩ rằng điều chúng ta muốn bây giờ là không bên nào đơn phương hành động trước, và trên hết, giải pháp cho vấn đề là chờ đợi các cuộc đàm phán và các thỏa hiệp. Song bối cảnh thường xảy ra (tôi không ám chỉ vụ việc cụ thể này) là bên này cảm thấy rằng bên kia đã đơn phương hành động trước, vì vậy có một số yếu tố có thể gây hiểu lầm nếu các bạn xem xét và nghiên cứu từng vụ việc cụ thể. Do đó, tôi nghĩ các yếu tố này cần được làm rõ, đương nhiên là Bắc Kinh và Manila phải thảo luận với nhau nhiều hơn. Chúng tôi vẫn nắm bắt đầy đủ thông tin về vụ việc và vẫn giữ liên lạc với cả hai bên.

Hỏi (David): Cảm ơn ông Joe vì đã làm rõ chính sách của Mỹ. Câu hỏi tôi muốn dành cho ngài liên quan đến công việc mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã thực hiện vào thời điểm thập niên 1980 và 1990, đó là xuất bản một bản tin pháp lý về các yêu sách quá mức và những gì mà các bạn (Mỹ - ND) làm khi có sự vi phạm đến luật biển, tôi không nhớ tên chính xác nhưng văn bản mới nhất được ban hành năm 1999. Có vẻ như với vấn đề Biển Đông, đây là thời điểm để Mỹ tiếp túc công việc trên do đây là một kênh cho các diễn giải pháp lý về những sự việc đang diễn ra. Vậy Bộ Ngoại giao Mỹ có dự định làm việc tương tự để đưa ra những hiện nhận định của Mỹ về những yêu sách quá mức, những đường cơ sở thẳng quá mức hay đường chín đoạn, v.v.. hay không?

Joseph Yun: Tôi không rõ chính xác là chúng tôi có làm thế vào thời điểm những năm 1980…

Ý kiến khác giải thích về việc làm của Mỹ vào những năm 1980, 1990: Thập niên 1980, có một bản tin về luật biển hết sức hữu dụng được phát hành bởi Phòng Địa chính Mỹ, nhưng không may là sau đó phòng này hết kinh phí nên phải giải tán - hầu như bao giờ cũng vậy (tiếng cười). Vì vậy đó là lý do tại sao tài liệu này bị đình trệ, và khi đứng lên ở đây, tôi muốn trình bày một nhận xét của mình. Tôi có vinh dự được là một trong những đại diện của Mỹ trong vụ việc Vịnh Maine. Phân định ranh giới hàng hải với Canada chính là trường hợp đầu tiên một đường biên duy nhất cho cả mực nước và đáy biển (water-column and seabed) – như vậy về bản chất đây được coi là vụ việc đầu tiên liên quan đến đường EEZ (vùng đặc quyền kinh tế). Trong lĩnh vực biên giới biển và luật pháp quốc tế, một trong những quan điểm quan trọng nhất mà tôi đánh giá cao và rất hiểu ý kiến của ngài đây là Mỹ không muốn can dự vào việc nhận định tính hợp pháp của bất kỳ việc yêu sách chủ quyền nào. Một trong những vấn đề lớn nhất luôn là nước này không công nhận quyền khẳng định chủ quyền của nước khác, và tôi cho rằng trong vấn đề Biển Đông, Mỹ nên hành động tích cực hơn nữa và khuyến khích quyền được – ít nhất là – khẳng định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp của các nước ven biển.

Joseph Yun: Cảm ơn Mike rất nhiều và tôi đánh giá cao bình luận của bạn về tính hữu dụng của loại văn bản mà Bộ Ngoại Giao của chúng tôi đã từng phát hành. Tôi chắc chắn sẽ tìm lại và xem xem tài liệu này phù hợp với bối cảnh mới như thế nào. Về quan điểm của bạn về, đặc biệt là trên Biển Đông, các nước có quyền khẳng định chủ quyền và Mỹ nên ủng hộ việc đó như thế nào. Đương nhiên đó là một ý hay nhưng theo như tôi được biết, tôi nghĩ rằng mọi quốc gia có yêu sách trên Biển Đông đều đã khẳng định chủ quyền của mình. Tôi không chắc chúng ta có bỏ qua nước nào không trong số các nước có yêu sách. Đó là một ý khá hay.

Ý kiến (đại biểu từ Đại học Hải chiến Mỹ): Tôi sẽ chỉ nói ngắn gọn thôi. Loạt tài liệu về “Các giới hạn biển” hiện vẫn còn lưu trữ tại website của Bộ Ngoại giao Mỹ (http://www.state.gov/e/oes/ocns/opa/c16065.htm - ND) và nó thực sự rất hữu dụng. Một trong những lý do chính là công trình này được thực hiện trong bối cảnh thiếu kinh phí, và hai tác giả chính – J. Ashley Roach và Robert W. Smith đều đã nghỉ hưu. Tuy nhiên họ hiện vẫn đang vừa viết vừa nghỉ hưu và vẫn còn tiếp tục (tiếng cười). Tôi nghĩ ngài, và bất cứ ai quan tâm, hãy tìm đến họ bởi vì họ đang thực hiện một công trình tuyệt vời và họ vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu.

Joseph Yun: Có vẻ như chúng ta cần một vài bức ảnh để tìm kiếm và tuyển dụng hai tác giả này nhỉ? (tiếng cười)

Hỏi (Bonnie Glaser): Cảm ơn ông Joe rất nhiều về những nhận định của ông. Tôi có một câu hỏi liên quan đến việc sử dụng luật pháp quốc tế trong các vụ kiện. Tôi rất ủng hộ nỗ lực của Philippin và tôi cũng rất vui khi thấy chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ sử dụng UNCLOS để xem xét và giải quyết tranh chấp. Gần đây Nhật Bản cũng công khai ủng hộ nỗ lực này và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, ngoài những nước kể trên, không còn nước nào lên tiếng. Và tôi không biết liệu Mỹ có đang khuyến khích những nước khác ủng hộ tiến trình này, bất kể họ có là bên yêu sách hay không? Bởi tôi nghĩ rằng nếu có nhiều nước cùng công khai ủng hộ tiến trình này, thì có thể chúng ta sẽ khiến Trung Quốc suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ. Bản thân trong nội bộ Trung Quốc cũng đang được tranh cãi về việc đường chín đoạn nên được định nghĩa như thế nào, và chúng ta có thể khiến Trung Quốc nghiêng về phương án làm rõ lập trường của họ. Việc đó sẽ rất có ích. Và đối với tôi, việc có quá ít nước ra mặt ủng hộ là rất đáng ngại và giảm khả năng tạo áp lực lên Trung Quốc. Một khi tòa án đưa ra quyết định và Trung Quốc không thừa nhận quyết định đó, thì đối với tôi đó là những dấu hiệu không tốt về cách thức giải quyết tranh chấp. Vì vậy, tôi rất tò mò muốn biết vai trò của Mỹ trong việc này là gì và các bạn sẽ làm gì? Xin cảm ơn!

Joseph Yun: Bonnie, điểm đó thú vị đấy. Và tôi nghĩ bên cạnh Việt Nam cũng có rất nhiều nước đã ra mặt ủng hộ vụ kiện của Philippin. Tôi nghĩ rằng vấn đề đoàn kết của ASEAN, đối với vụ kiện này, chính là điểm mấu chốt. Và cũng như quan điểm của nhiều nước ASEAN, tôi nghĩ việc này đưa chúng ta trở lại với sự đồng thuận mà ASEAN đang tìm kiếm, và tôi cũng phải nói thẳng với bạn rằng, tôi không chắc các nước bên ngoài có nhiều vai trò đến thế để thúc giục sự đồng thuận của ASEAN. Thực ra, tôi nghĩ họ cũng sẽ mất nhiều thời gian như đối với những vấn đề khác, và tôi cho rằng việc quan sát những diễn biến, quan điểm của ASEAN trong Hội nghị Bộ trưởng tới đây sẽ rất thú vị. Tôi cho rằng, trong các vấn đề của ASEAN, khu vực này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đạt được đồng thuận bởi vì nó bao gồm cả những nước có yêu sách chủ quyền và những nước không có yêu sách; thậm chí trong những nước có yêu sách cũng có những quan điểm khác nhau. Lý do đơn giản là vì, tôi lấy ví dụ như Quần đảo Trường Sa, hiện cũng là khu vực tranh chấp giữa một số nước ASEAN. Tóm tại, theo tôi, sẽ không có giải pháp cuối cùng nào như kiểu một bên nào đó tuyên bố “Thôi, tôi từ bỏ”. Vì vậy, đối với tôi, tiến trình này quan trọng, phải duy trì tiến trình này, phải duy trì đối thoại, và bạn có thể cho rằng cứ nói mãi cũng chẳng giải quyết được gì, nhưng điều đó cũng không hẳn là tệ. Duy trì đối thoại trong khi vẫn đảm bảo rằng không có các hành vi răn đe, đe dọa và đương nhiên là không sử dụng vũ lực, là những việc chúng ta nên làm.

Hỏi (đại biểu Trung Quốc): Ông vừa nêu ra 6 điểm rất quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ. Tôi xin tự giới thiệu, tôi đến từ Trung Quốc. Câu hỏi của tôi liên quan tới điểm thứ 5 mà ông đề cập, theo đó, vấn đề Biển Đông phải được giải quyết giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách khác, cũng như Mỹ ủng hộ cách giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương pháp tiếp cận bên thứ ba, ví dụ như ITLOS. Câu hỏi của tôi là, ý kiến của ông thế nào nếu tôi nói rằng vụ kiện của Philippin có Mỹ đứng sau can thiệp hoặc chỉ đạo (tiếng cười). Nếu có, điều này có nhất quán với chính sách không đứng về bên nào trong tranh chấp của Mỹ không? Xin cảm ơn ông.

Joseph Yun: Tôi nghĩ việc đầu tiên là tôi hoàn toàn phản đối ý tưởng rằng chúng tôi có bất kỳ vai trò gì với bất cứ bên nào trong vụ kiện ra ITLOS của Philippin. Tôi nghĩ sự việc không phải là như vậy, hoàn toàn không phải là như vậy.

Hỏi (Christian Le Mière – IISS): Ông có nhắc tới COC cũng như tầm quan trọng của văn bản này nhiều lần. Vậy văn bản này sẽ được hoàn thành như thế nào và văn bản quan trọng này sẽ kiềm chế các bên khỏi các hành vi đe dọa trên Biển Đông như thế nào? Và cụ thể là, cục diện sẽ thế nào nếu COC thành hiện thực?

Joseph Yun: Tôi nghĩ đương nhiên đã có vài bản thảo cho COC và tôi cho rằng các nước ASEAN có niềm tin mãnh liệt rằng COC sẽ mang nhiều ý nghĩa, bộ quy tắc này phải có một số tác dụng nhất định, đó không thể chỉ là DOC phiên bản 2. Vì vậy, tôi nghĩ, đầu tiên và mấu chốt, đây phải là văn bản mang tính ràng buộc pháp lý. Điểm thứ hai, bởi vì bộ quy tắc này nói về những gì cần làm trong trường hợp có tranh chấp, nên nó sẽ phải có một số cơ chế giải quyết tranh chấp. Và tôi cho rằng, đương nhiên, một số nước ASEAN đang mong muốn theo hướng này, và như tôi đã đề cập, đó còn là các vùng chung toàn cầu. Đó không chỉ là vấn đề giữa các bên. Và vì vậy, tôi hy vọng vào thời điểm nhất định nào đó, họ sẽ mở lại vấn đề này cho các nước ngoài Trung Quốc và ASEAN tham gia, để bộ quy tắc này có hiệu quả. Bởi vì, có thể nói, mục tiêu của tất cả chúng ta là vấn đề được giải quyết hòa bình. Đó là bộ quy tắc cho tất cả các nước, bộ quy tắc thực sự có tính ứng dụng, bởi vì các nước đó đang ngày một liên quan nhiều đến các hoạt động kinh tế, thương mại, đánh bắt hải sản, v.v... trên Biển Đông.

Ernest: Mời bạn ngồi ở bàn xa nhất. Bạn có thể giới thiệu về mình được không?

Hỏi (Lam - luật sư đến từ Canada). Tôi đến đây từ quan tâm cá nhân. Cùng câu hỏi với quý bà ngồi trước mặt tôi đây, tất cả các nước Đông Nam Á đều sử dụng ITLOS để giải quyết vấn đề. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc có công cụ của mình, bởi vì họ sử dụng điều 298 của UNCLOS, và điều 298 này cho phép Trung Quốc có đầy đủ quyền tuyên bố rằng họ từ chối tham gia vụ kiện. Đó chính là vấn đề. Tôi xin mạo muội đề xuất một cách giải quyết vấn đề khác. Ngài có nhớ, vào năm 1973, có 9 nước ký vào Hiệp định Paris trong hội nghị quốc tế tại Paris, và hội nghị này đảm bảo chủ quyền biên giới của Việt Nam, trong đó Trung Quốc là một trong những bên ký kết. Vì vậy, khi Trung Quốc xâm lược đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, Trung Quốc, trước hết, đã vi phạm chính điều ước quốc tế họ đã ký. Vì vậy, có thể sử dụng điều 7 của Hiệp định này để tổ chức lại hội nghị, mời tất cả các nước tham gia và giải quyết vấn đề.

Joseph Yun: Đó là một ý hay, một lời khuyên rất hay. Cảm ơn bạn.

Hỏi (Trần Trường Thủy - Học viện Ngoại giao Việt Nam). Cảm ơn ngài rất nhiều vì những chia sẻ rất rõ ràng về lợi ích và vai trò của Mỹ tại Biển Đông. Nhưng, theo như quan sát của tôi về tình hình trên Biển Đông, chúng ta thấy có rất nhiều điểm ông đưa ra nhưng bị phía Trung Quốc coi nhẹ, ví dụ như không hành động đơn phương, không thay đổi hiện trạng, tự do hàng hải, thương mại và hoạt động khai thác dầu khí đúng luật. Tất cả những vấn đề trên đều bị Trung Quốc coi nhẹ, ngài biết đấy, rất nhiều vấn đề. Nhận định của tôi là, chiến lược và chính sách của Mỹ trên Biển Đông có thể đang không có hiệu quả ở những mặt đó. Và vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan tới lợi ích của Mỹ như ông đã nói, mà còn là uy tín của Mỹ bởi vì ông đưa ra quan điểm và bị người khác bác bỏ. Và câu hỏi của tôi là, liệu phía Mỹ có nghĩ rằng nên thêm một số yếu tố nữa vào chiến lược và chính sách Mỹ đang áp dụng tại Biển Đông hay không? Xin cảm ơn.

Joseph Yun: Tôi nghĩ rằng bất kể chính sách Biển Đông của Mỹ có đang có hiệu quả hay không thì đây cũng là một câu hỏi rất thú vị. Đương nhiên là chúng ta đã gặp rất nhiều sự cố trên Biển Đông nhưng đừng coi vấn đề chỉ có trắng với đen như vậy, cũng như bất cứ vấn đề chính sách nào khác như làm gì ở Trung Đông, làm gì với mục tiêu tăng trưởng, y tế toàn cầu, vân vân và vân vân. Chính sách của chúng tôi phù hợp với bối cảnh và vì thế, tôi có thể nói rằng, nhận thức của Mỹ về vấn đề Biển Đông và sự tham gia của của Mỹ với ASEAN đã tăng lên đáng kể. Và, hội thảo lần này cũng vậy, đây cũng có thể tính là một trong những thành công. Vì vậy, tôi có thể nói rằng nhận thức đã tăng lên, và nói xa hơn nữa, đó không chỉ là những vấn đề của Mỹ mà còn là vấn đề của cộng đồng quốc tế. Bạn biết không, khi tôi đến những hội nghị quôc tế lớn, rất nhiều người ủng hộ ý tưởng chúng tôi đưa ra, đó là pháp trị, tôn trọng luật pháp, ủng hộ COC. Vì vậy, những sự cố như vậy sẽ diễn ra, đã diễn ra và chúng ta cần có cách nào đó để đối phó. Tôi không rõ bạn định có gợi ý gì không, nhưng theo tôi, ở thời điểm hiện tại, nếu có những biện pháp cứng rắn hơn thì cũng không có ích gì.

Ernest: Tôi muốn bổ sung một điểm này. Tôi phải nói rằng, đối với các nước ASEAN, tôi không chắc chính sách Mỹ ở đó là một “chiến lược” theo như cách nói của bạn – và tôi không chắc là tất cả các nước ASEAN sẽ ủng hộ chiến lược đó. Tôi thấy Joe và đội ngũ của anh ấy đang hành động rất cẩn trọng tại đây, chắc chắn phải thỏa hiệp và bước từng bước một. Xin mời quý ông từ Đài Loan.

Hỏi (Yann-Huei Song – Viện Nghiên cứu Trung Cộng, Đài Loan): Cảm ơn ông Yun vì bài phát biểu vừa rồi. Câu hỏi của tôi liên quan đến COC. Từ khía cạnh Đài Loan, theo quan điểm của tôi, Tổng thống Mã Anh Cửu muốn COC sớm có kết quả, và Đài Loan được mời tham gia vào quá trình này. Nhưng nếu tiến trình đàm phán để thông qua COC kéo dài quá lâu, ông có nghĩ đến việc mời bất cứ bên nào tham gia vào sáng kiến hòa bình trên Biển Đông, đương nhiên có gồm cả những nước bên ngoài tranh chấp như Mỹ, để đưa ra sáng kiến là nhất quán với lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không?

Joseph Yun: Cá nhân tôi, tôi không thấy có vấn đề gì với bất cứ đề xuất nào về sáng kiến hòa bình cả, bởi vì, có ai là không thích hòa bình đâu? Và vì vậy tôi nghĩ mọi người đều có quyền tự do theo đuổi và đề xuất các sáng kiến hòa bình.

Ernest: Có lẽ là Hạ viện đang gọi ông ấy, theo kế hoạch ngài Yun sẽ có một phiên điều trần trong 1-2 tiếng tới. Tiến sĩ Emmerson, xin mời!

Hỏi (TS. Donald K. Emmerson - Đại học Stanford): Tôi nghĩ câu hỏi lẩn khuất phía dưới những cuộc đàm phán là chiếc giường Goldilock của ASEAN – chiếc giường này không quá ngắn cũng không quá dài. Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng mặc dù chúng ta thấy tiếc vì một số nước bên ngoài đã hành động thiếu kiên nhẫn, và chúng ta có thể hoan nghênh cách làm của ASEAN – như rất nhiều người trong phòng này đã làm, thì chúng ta vẫn có thể mời thêm sự tham gia của các nước ngoài tranh chấp – những nước tương đối ít kiên nhẫn hơn, ít tin tưởng vào cách của ASEAN hơn. Và nên nhớ rằng, đó cũng một trong những yếu tố chính khiến Philippin chuyển sang phương pháp dựa vào luật pháp – đó là UNCLOS. Ông nhận định như thế nào giới hạn của sự thiếu kiên nhẫn, vì đôi lúc ngoài giới hạn đó người ta sẽ suy nghĩ sáng tạo hơn – mặc dù tôi rất coi trọng ASEAN và những gì họ đã đạt được cho đến nay. Và chúng ta làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình lên, cũng như làm thế nào để những điểm mà ông vừa nêu trong bài phát biểu trên có thể được đưa vào COC, bởi vì một vài trong số đó – tôi muốn nhắc đến “Bản dự thảo ban đầu” (“Zero Draft”), những gì đã xảy ra với những thỏa thuận phi văn bản hiện nay, đó là sự im lặng choáng váng, đáng kinh ngạc. Tất cả những gì chúng ta được biết là trước cuối năm, các cuộc đàm phán về COC sẽ bắt đầu trong khi, trên thực tế, chúng ta biết những cuộc đàm phán đó sẽ giống như thời điểm trước 2002 khi DOC ra đời. Vì vậy, nếu đánh giá theo cách nhìn này, đây thực sự là một tiến trình chậm chạp. Và cuối cùng, khi ngài Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tới Kuala Lumpur và gần đây nhất trong ngày hôm nay, tại Bàn tròn Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Round Table), ông nhấn mạnh đề xuất của ông về “Khuôn khổ hợp tác Thái Bình Dương – Indonesia” dựa trên nền tảng TAC (Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện). Bây giờ, khi chúng ta nghĩ tới việc mở rộng ra ngoài phạm vi ASEAN, thì có hai khả năng, một là chúng ta thúc đẩy tiến trình bằng cách mời thêm những nước hơi thiếu kiên nhẫn một chút, có thể là một số nước khu vực Ấn Độ Dương và có thể là cả Mỹ và Đài Loan nữa. Và khả năng thứ hai có thể là như câu thành ngữ “lắm thầy nhiều ma”. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Joseph Yun: Cảm ơn Don rất nhiều, ý kiến của bạn luôn sắc bén. Bạn biết đấy, điều Philippin đã làm – kiện lên ITLOS – tôi tin là dấu hiệu cho thấy họ đã chọn phương án không thông qua ASEAN. Do đó, đây là một quyết định cho thấy họ chọn giải quyết vấn đề không qua con đường Mỹ hay ASEAN. Và họ cũng nói rõ rằng, việc kiện lên ITLOS không làm ảnh hưởng tới tiến trình COC, vì bạn biết đấy, đây là hai cơ chế hoàn toàn độc lập với nhau. Vì vậy, Philippin có thể là một trong những bên thiếu kiên nhẫn nhất, và vụ kiện lên ITLOS, tôi nghĩ, phản ánh sự thiếu kiên nhẫn của Philippin. Khi họ quyết định chọn cả hai cách để giải quyết, tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng điều đó. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu vấn đề được giải quyết theo cả hai cách, thì có nên có sự liên hệ giữa hai cách này, hoặc là ASEAN có nên lên tiếng về những phương án khác mà họ lựa chọn không? Và, tôi xin nhắc lại, bởi vì hai cách này hoàn hoàn độc lập với nhau, chúng ta đương nhiên có quyền ủng hộ việc Philippin kiện lên ITLOS. Và đây cũng đương nhiên được coi là một trong nhưng giải pháp hòa bình, phương pháp hòa bình mà chúng ta theo đuổi. Vì thế tôi nghĩ, như những gì tôi được biết, ASEAN chưa đi đến được đồng thuận. Tôi không biết họ có đi đến đồng thuận hay không nhưng điều đó có thể không nằm trong tiến trình ASEAN.

Hỏi (đại biểu đến từ Đài Tự do Á Châu - RFA): Bởi vì Trung Quốc đang bắt đầu một kiểu quan hệ mới với Trung Quốc trong cuộc họpthượng đỉnh sắp tới, tôi không chắc những gì Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị những điểm phát biểu gì dành cho mối quan hệ nước lớn kiểu mới này. Phía Mỹ sẽ bỏ qua, đối đầu, hợp tác hay xúc tiến đối thoại như Bộ Ngoại giao Mỹ gợi ý cho tổng thống Obama – để trả lời cái gọi là “lý thuyết mới” này? Xin cảm ơn!

Joseph Yun: Tuy không tham gia vào cuộc đối thoại cuối tuần này, nhưng tôi muốn nói rằng đương nhiên kiểu quan hệ mới hay là kiểu quan hệ nước lớn mới là cái mà lãnh đạo Trung Quốc đã mong muốn. Tôi nghĩ có thể một trong những lần cụm từ đó được dùng là khi Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đến Washington 18 tháng trước, và đương nhiên ông ấy vẫn sẽ tiếp tục dùng. Tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng phát triển trên những ý tưởng cơ bản. Chúng ta biết rằng giữa Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi có rất nhiều chương trình nghị sự. Hôm nay chúng tôi vừa thảo luận một trong những nội dung đó – các vấn đề về biển. Chúng tôi còn có các nội dung khác như Bắc Triều Tiên, vấn đề kinh tế, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, hay những gì chúng tôi sẽ làm gì ở ngoài khu vực của mình như Syria, Iran, v.v... Vì vậy, khi chúng ta nói đến quan hệ kiểu mới, thì đó là mối quan hệ hợp tác hơn, thấu hiểu hơn, chúng tôi sẽ hợp tác với nhau không chỉ trong phạm vi khu vực mà còn ở những khu vực khác nữa. Chúng tôi hợp tác để đưa ra những quy tắc, để tôn trọng luật pháp quốc tế, và đó chính là kế hoạch mà tôi có thể cho các bạn biết. Và tôi chắc chắn rằng hai vị lãnh đạo sẽ có buổi thảo luận rất thành công về vấn đề này.

Ernest: Rất cảm ơn Joe vì đã dành thời gian và tôi nghĩ bây giờ ông ấy phải tới Tòa Quốc hội (Capitol Hill) để điều trần. Xin cảm ơn!

Hội thảo Quản lý Căng thăng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 tại Washington D.C, Mỹ. 

Đón đọc phần ghi chép tiếp theo của Hội thảo.

Quang Tiệp, Thu Hương (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)