Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 5 về Biển Đông vào ngày 21/7/2015. Sự kiện này đã thu hút nhiều sự quan tâm hơn và một lượng khán giả đông hơn đáng kể - cả trong căn phòng hội nghị chật ních người của CSIS lẫn trên trang trực tuyến – so với 4 cuộc hội nghị trước đó. Sự quan tâm đối với hội nghị này đã phản ánh cuộc thảo luận rộng hơn về Biển Đông trong các cộng đồng chính sách ở Washington và xung quanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương – những cuộc thảo luận đã vươn lên đứng đầu trong chương trình nghị sự chiến lược ở nhiều thủ đô.

Công trình cải tạo chưa từng có mà Trung Quốc đã bắt tay thực hiện vào cuối năm 2013 tại quần đảo Trường Sa đã làm biến đổi động lực của các tranh chấp Biển Đông và làm dấy lên nhiều lo ngại mới về những ý đồ của Bắc Kinh. Việc mở rộng bảy cấu trúc mà Trung Quốc đã chiếm đóng sẽ mang lại cho nước này khả năng triển khai sức mạnh nhiều hơn nữa trong các vùng biển tranh chấp, và chắc chắn sẽ dẫn đến những căng thẳng cao hơn và những đối đầu thường xuyên hơn giữa các lực lượng quân sự và bán quân sự của nước này với những lực lượng tương ứng của các nước láng giềng Đông Nam Á.

Việc cải tạo đất cũng làm tăng mối lo ngại về khả năng Trung Quốc gây tác động đến quyền tự do hàng hải trong tương lai, bao gồm quyền của quân đội Mỹ và quân đội khu vực hoạt động tự do ở Biển Đông. Đáng lo ngại nhất là, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có cách nào quay trở lại nguyên trạng trước năm 2009 hoặc 2010. Các tranh chấp không thể bị đóng băng vô thời hạn: hoặc tình hình sẽ tiếp tục xấu đi hoặc các bên tranh chấp sẽ thiết lập một hệ thống dài hạn để giải quyết nó.

Từ một số cuộc thảo luận trong nhóm chuyên gia của hội nghị cũng như bài phát biểu chủ đạo của người đại diện Randy Forbes, rõ ràng các tranh chấp Biển Đông hiện đang được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực cũng như lợi ích của các nước không có tuyên bố chủ quyền bao gồm Úc, Nhật Bản và Mỹ. Đây là một sự chuyển biến quan trọng; đối với hầu hết cộng đồng chính sách, các tranh chấp Biển Đông cho đến thời gian gần đây vẫn được coi là một mối đe dọa tiến triển chậm và ưu tiên thấp mà có thể được giải quyết một cách an toàn trong tương lai.

Nhưng sự lo lắng có thể cảm nhận được về việc xây dựng đảo của Trung Quốc đã bổ sung thêm tính bức thiết cho suy nghĩ về những tranh chấp vốn chưa xuất hiện ngay cả sau khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ Philippines vào tháng 5/2012 hoặc trong 2 tháng đối đầu giữa các lực lượng Trung Quốc và Việt Nam trong vụ triển khai giàn khoan dầu Hải Dương-981 vào giữa năm 2014.

Mức độ chú ý mới này đối với các tranh chấp Biển Đông đến như một điều giúp khuây khỏa đáng hoan nghênh đối với các bên đang lo lắng về những căng thẳng ngày càng tăng trong vòng sáu năm qua. Nhưng việc này cũng mang nguy cơ bị đơn giản hóa quá mức. Những tuyên bố chủ quyền của bảy bên tham gia khác nhau tại Biển Đông, và mạng lưới các vấn đề lịch sử, pháp lý, kinh tế và an ninh ẩn sau đó, khiến các tranh chấp này phức tạp khác thường. Chúng cũng không có những giải pháp ngắn hạn. Bất kỳ chính sách thành công nào cũng cần phân biệt các nhu cầu trước mắt – ngăn cản sự gây hấn của Trung Quốc, đảm bảo với các bên tranh chấp về cam kết của Mỹ, và ngăn chặn căng thẳng gia tăng hơn nữa – với các lợi ích lâu dài – bảo vệ các nguồn lợi chung toàn cầu trên biển, thuyết phục tất cả các bên đưa ra các tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, và thiết lập một hệ thống lâu dài để quản lý vùng đáy biển và các vùng biển bị tranh chấp.

Nhìn chung, hội nghị của CSIS đã mang lại lý do để lạc quan trong vấn đề này. Một số diễn giả trong từng nhóm ngày hôm đó đã nhấn mạnh sự phức tạp của các tranh chấp và thăm dò các phương án chính sách dài hạn. Trong khi rõ ràng là chính sách của Mỹ vẫn đang phát triển, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nhấn mạnh Chính phủ Mỹ đang chơi trò chơi lâu dài, nước này nhận thức rằng các căng thẳng và hành động khiêu khích dâng cao là tình trạng bình thường mới ở Biển Đông.

Những lợi ích sống còn nhất của Mỹ - bảo vệ quyền tự do hàng hải, duy trì luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, và thuyết phục Trung Quốc trỗi dậy một cách hợp tác thay vì theo hướng bất lợi cho các nước láng giềng – được chia sẻ giữa các đối tác trên toàn khu vực. Thành công hay thất bại của chính sách Biển Đông của Washington, hoặc của Canberra, Manila, Hà Nội hay Tokyo trong vấn đề này, không thể được đánh giá một cách hiệu quả theo tuần hoặc theo tháng, mà trong cả một quá trình kéo dài nhiều năm. Việc duy trì sự tập trung cao độ trong khoảng thời gian đó sẽ là một thách thức quan trọng cho cả những nước đang hoạch định lẫn những nước đang công bố chính sách.

Các phương án chính sách của Mỹ

Phần lớn chiến lược hiện nay của Mỹ đã hướng tới các thách thức chính sách trước mắt tại Biển Đông. Mỹ đang can dự vào các nỗ lực thiết thực để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và khả năng tuần tra và răn đe của các nước Đông Nam Á, tất cả là để ngăn chặn sự gây hấn trắng trợn hơn của Trung Quốc. Những nỗ lực này cần phải được tăng cường, đặc biệt thông qua hợp tác hơn nữa với Philippines, một khi Hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) ký kết vào đầu năm 2014 được ban hành, và thông qua sự mở rộng của các hoạt động hợp tác với Việt Nam. Washington cũng phải thuyết phục các nước khác ủng hộ cho các nỗ lực của mình. Trong khi đó Chính phủ Mỹ đang đặt nỗ lực ngoại giao đáng kể vào cuộc chơi dài hơi: thúc đẩy tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, không chỉ Trung Quốc, đưa ra các tuyên bố của họ phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong khi các nỗ lực hiện có vẫn tiếp tục, vẫn còn nhiều điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể làm để ngăn chặn việc sử dụng cưỡng ép để giải quyết tranh chấp, buộc tất cả các bên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của họ, và giúp phát triển một môi trường cho một giải pháp cuối cùng của các tranh chấp. Dưới đây là một danh sách không hẳn đã hoàn toàn thấu đáo về các phản ứng có thể xảy ra của Mỹ, nhưng nó thể hiện những phương án chính sách cần được cân nhắc như thế nào xét cả những lợi ích ngắn hạn và dài hạn của Mỹ tại Biển Đông.

Nhà Trắng cần có suy nghĩ đổi mới về việc làm rõ phạm vi cam kết của mình để bảo vệ các binh lính Philippines trong các khu vực tranh chấp. Mỹ trong nhiều năm đã đưa ra một sự đảm bảo rõ ràng cho việc bảo vệ các lực lượng Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, lập luận rằng mình vẫn trung lập trong tranh chấp nhưng coi các cấu trúc địa hình này thuộc sự quản lý hiệu quả của Nhật Bản. Trong khi đó, các quan chức cấp cao bao kể cả Tổng thống Barack Obama đã nói với Philippines rằng cam kết của Mỹ với nước này rất “vững chắc” nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Washington không cần đưa ra cho Manila sự đảm bảo tương tự như với Tokyo. Mỹ không cần nói rằng sẽ coi các  đảo ở quần đảo Trường Sa do Philippines kiểm soát là thuộc phạm vi Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines vào năm 1951 bởi quần đảo đó thuộc quyền thực thi pháp lý hiệu quả của Philippines. Thực vậy, có thể chứng minh về mặt pháp lý rằng quần đảo này không thuộc phạm vi của hiệp ước, bởi Philippines đã không đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo này cho đến sau khi ký kết hiệp ước. Thay vào đó, Mỹ cần đưa ra một đảm bảo rõ ràng rằng bất kỳ lực lượng, tàu thuyền hay máy bay nào của Philippines rơi vào sự gây hấn vô cớ trong các vùng biển bị tranh chấp ở Biển Đông sẽ dẫn đến một phản ứng từ Mỹ, như được ghi rõ trong bản hiệp ước liên quan đến một cuộc tấn công vào “các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay công cộng trong Thái Bình Dương” của Philippines. Sự minh bạch này đi kèm với những rủi ro của riêng nó, nhưng các phí tổn cho một sự mơ hồ tiếp diễn đã trở nên quá cao.

Chiến lược hiện nay của Washington tin rằng cả Bắc Kinh và Manila đều hiểu ngòi nổ cho sự can thiệp của Mỹ nằm ở đâu - một điểm không hoàn toàn rõ ràng ngay cả đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Đây là một giả định nguy hiểm, xét những tương tác ngày càng thường xuyên giữa các lực lượng Trung Quốc và Philippines trong và xung quanh quần đảo Trường Sa. Việc làm rõ các cam kết của Mỹ sẽ không chỉ ngăn chặn Trung Quốc vô tình vượt qua một giới hạn đỏ mà nước này không biết là đã tồn tại; mà còn kiềm chế Philippines trước sự phiêu lưu mà họ có thể tin một cách sai lầm rằng Mỹ sẽ ủng hộ.

Mỹ cũng phải đi một chặng đường dài để tiếp cận những tiếng nói chống đối ở Philippines, đặc biệt trong phe chính trị cánh tả, những người cho rằng cam kết của Mỹ không đáng tin. Những khác biệt trong diễn đạt giữa các đảm bảo an ninh trong các hiệp ước phòng thủ của Mỹ-Nhật và của Mỹ-Philippines là không đáng kể. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại tại Manila rằng Mỹ đã từ chối đưa ra đảm bảo không phải vì các vấn đề chuyên môn pháp lý, mà là vì khi gặp lúc gay go, Washington có thể không sẵn sàng yểm trợ cho các lực lượng Philipines.

Thúc đẩy những lập luận này đến bước tiếp theo cũng giúp phi chính trị hóa EDCA được ký kết giữa Mỹ và Philippines vào năm 2014 nhưng vẫn gặp khó khăn tại Tòa án tối cao Philippines trong bối cảnh các lo ngại về pháp lý và chính trị. Thỏa thuận này sẽ cho phép trang thiết bị của Mỹ được đặt tại Philippines và nhiều binh lính Mỹ hơn sẽ luân phiên nhau đóng khắp các căn cứ của Philippines. Quan trọng nhất là, nó sẽ cho phép Mỹ nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự tại Philippines vì mục đích sử dụng chung. Thỏa thuận này rất quan trọng để tăng cường năng lực của Philippines chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc và phát triển điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario đã gọi là “vị thế quốc phòng đáng tin ở mức tối thiểu”.

Trong bối cảnh công trình cải tạo của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cần tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải trong năm 2015 để khẳng định rằng các cấu trúc mới được xây dựng trên các bãi nửa chìm nửa nổi là những đảo nhân tạo hợp pháp có đầy đủ quyền không quá vùng an toàn 500m theo luật pháp quốc tế. Các bản báo cáo rò rỉ vào tháng 5/2015 cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FON) trong phạm vi 12 hải lý của một số cấu trúc địa hình trên đó Trung Quốc đã thực hiện hoạt động cải tạo hoặc xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa. Các quan chức Mỹ đã từ chối xác nhận liệu một quyết định đối với những hoạt động như vậy đã được đưa ra hay chưa. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhiều lần nói rõ trong chuyến đi của mình tới khu vực cho cuộc Đối thoại Shangri-La vào tháng 5 rằng Lầu Năm Góc coi những hoạt động này thuộc quyền hạn của Mỹ. Thật không may, nguyên nhân căn bản đằng sau những hoạt động này vẫn chưa được làm rõ, dẫn đến sự đưa tin sai lệch nghiêm trọng lan rộng khắp giới báo chí và các cộng đồng phân tích.

Mỗi năm quân đội Mỹ thực hiện các hoạt động FON và các hoạt động khác để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức trên toàn cầu. Trong năm tài khóa 2014, hải quân Mỹ đã thực hiện các hoạt động như vậy để thách thức tuyên bố chủ quyền của 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong bối cảnh công trình cải tạo của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có lý do để thêm một chiến dịch FON vào lịch trình năm 2015 để khẳng định rằng những cấu trúc mới được xây dựng trên các bãi nửa nổi nửa chìm là những đảo nhân tạo hợp pháp có quyền không quá phạm vi vùng an toàn 500m, hoặc 1640 foot, chiếu theo luật pháp quốc tế. Một tàu hải quân Mỹ hẳn cần được đi qua trong phạm vi 12 hải lý giữa Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xubi (Subi Reef) (nhưng chỉ hai bãi đá này), vì cả hai đều là bãi nửa nổi nửa chìm trước khi Trung Quốc thực hiện cải tạo và chúng nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của bất kỳ bãi đá lân cận nào.

Về mặt pháp lý, Trung Quốc có thể thách thức việc đi qua đó chỉ bằng cách tuyên bố một bãi nửa nổi nửa chìm là một bãi đá hoặc một đảo có quyền trong phạm vi một vùng lãnh hải. Điều này sẽ đặt Bắc Kinh vào một vị thế pháp lý vô lý. Cũng có khả năng Bắc Kinh sẽ nhận ra sự vô lý này và không công khai phản đối một hoạt động FON như vậy. Trong trường hợp nào đi nữa, hoạt động này cũng sẽ mang lại sự rõ ràng về điều mà Trung Quốc coi những cấu trúc được cải tạo này là như vậy. Quan trọng hơn là, việc đó sẽ đặt thêm một áp lực cho Trung Quốc để làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình và do đó thu hẹp quy mô khu vực tranh chấp thành một không gian dễ quản lý hơn.

Về các hoạt động FON và các hoạt động khác để chống lại các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc, điều cấp thiết là Mỹ phải thúc giục các nước tranh chấp và các bên liên quan khác như Úc và Nhật Bản tham gia một cách độc lập và cùng nhau. Cũng quan trọng rằng Washington phải cố gắng thuyết phục các nước đối tác thực hiện các hoạt động chung để chống lại các tuyên bố chủ quyền và tăng cường năng lực của các bên yêu sách chủ quyền khác khi không có Mỹ. Một yếu tố chủ chốt trong chiến lược của Trung Quốc để làm chệch hướng các chỉ trích về vấn đề Biển Đông là việc rêu rao câu chuyện rằng những hành động leo thang gần đây thực sự là những nỗ lực của Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Nhưng lợi ích tại Biển Đông vẫn còn rất cao đối với tất cả các nước quan tâm đến việc bảo vệ luật pháp quốc tế và các tài sản chung trên biển. Việc cho phép Bắc Kinh tung ra câu chuyện rằng các tranh chấp là một vấn đề song phương Mỹ-Trung là phản tác dụng. Câu chuyện đó sẽ khó duy trì hơn nhiều khi đối mặt với chẳng hạn như các nỗ lực xây dựng năng lực chung giữa Úc-Philippines, hoặc các hoạt động tuần tra chung của Nhật Bản-Việt Nam.

Chính phủ Mỹ cần công khai đưa ra giải thích của mình về hiện trạng các cấu trúc địa hình trên Biển Đông, bao gồm tình trạng ban đầu của những cấu trúc địa hình đã được tăng cường, và bên yêu sách nào chiếm giữ cấu trúc nào về thực chất. (Mỹ không nhất thiết phải tuyên bố mình coi những gì là đảo hoặc bãi đá, nhưng họ cần liệt kê những nơi rõ ràng là cấu trúc địa hình chìm hay bãi nửa nổi nửa chìm). Điều này sẽ giúp làm giảm sự thông tin sai lạc về việc ai đã làm gì, và sẽ giúp loại bỏ câu chuyện của Bắc Kinh rằng tất cả các nước tuyên bố chủ quyền đều có lỗi như nhau trong việc làm leo thang căng thẳng và xây dựng trên các cấu trúc địa hình. Ngược lại, chính sách mặc định của Chính phủ Mỹ về việc không tiết lộ đối với những câu hỏi này chỉ giúp góp phần cho sự không chắc chắn và truyền bá sai thông tin, cả hai điều vốn nằm trong chính sách duy trì sự mơ hồ và làm chệch hướng chỉ trích của Bắc Kinh. Ví dụ rõ ràng nhất gần đây là quyết định của Chính phủ Mỹ bắt đầu viện dẫn “48 tiền đồn” mà Việt Nam chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa mà không giải thích rằng mình không tính đến những cấu trúc địa hình do Việt Nam chiếm đóng mà thay vào đó là từng công trình mà Việt Nam đã xây dựng (thường là 2 hoặc 3 công trình trên mỗi cấu trúc địa hình).

Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua loạt bài Những giới hạn trên biển của mình, cần cung cấp những phân tích pháp lý về các tuyên bố chủ quyền của Malaysia cũng như đã làm với những tuyên bố của Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Kuala Lumpur đã không đưa ra một lời giải thích cho các đường cơ sở lãnh thổ của mình, và tuyên bố của nước này vẫn thường được mô tả dựa trên một bản đồ thềm lục địa của mình xuất bản năm 1979. Nhưng đệ trình của nước này năm 2009 lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa đã làm mất hiệu lực của tấm bản đồ đó. Như một vấn đề về tính công bằng, và là một bước đi tương đối dễ dàng, Bộ Ngoại giao cần ban hành một tuyên cáo lập trường về các tuyên bố chủ quyền biển của Malaysia và mạnh mẽ thúc giục Kuala Lumpur làm rõ chúng phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao cũng cần phải ban hành một văn bản về tuyên bố chủ quyền của Brunei, điều mà trong khi rõ rằng không quá mức, vẫn chưa được tuyên bố công khai theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Mỹ cần cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật, pháp lý, và ngoại giao cho một nỗ lực của các bên tuyên bố chủ quyền trong khu vực Đông Nam Á nhằm đạt được một thỏa thuận về những gì đang bị tranh chấp và không bị tranh chấp trên Biển Đông. Với việc Trung Quốc từ chối làm rõ phạm vi của “đường 9 đoạn” để thu nhỏ kích thước của khu vực tranh chấp trên Biển Đông xuống cái gì đó dễ quản lý hơn, các bên tranh chấp ở Đông Nam Á cần tự mình bắt đầu quá trình này để gây áp lực cho Trung Quốc, nắm lợi thế về mặt pháp lý và đạo đức, và thể hiện một mặt trận thống nhất. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, và có lẽ cả Indonesia, cần nhất trí thực hiện cuộc thăm dò riêng đối với các cấu trúc địa hình bị tranh chấp; nhất trí đâu là những đảo hợp pháp nếu có; và sau đó đưa ra một khu vực được thống nhất có các quyền hàng hải chồng lấn từ những vùng đó. Sự hỗ trợ về ngoại giao của Mỹ sẽ có giá trị trong việc giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được một sự đồng thuận về một nỗ lực như vậy, và các năng lực pháp lý cũng như kỹ thuật của Mỹ, được chứng minh bởi công trình loạt các tài liệu về Các giới hạn trên biển của Bộ Ngoại giao Mỹ, có thể vô cùng hữu ích. Mục đích bao quát của nỗ lực này sẽ là công nhận rằng các tranh chấp về các cấu trúc địa hình tại Biển Đông là không thể hòa giải trong trung hạn, nhưng một hệ thống chia sẻ nguồn lực và các hoạt động chung trong những vùng biển tranh chấp có thể cung cấp một biện pháp lâu dài để quản lý các tranh chấp hàng hải.

Chính phủ Mỹ cần xây dựng càng nhiều càng tốt sự ủng hộ của các nước trong khu vực và bên ngoài để hỗ trợ cho bất kỳ phán quyết nào trong tương lai từ tòa án trọng tài phân xử vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc. Giới chức trách ở Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ phớt lờ một phán quyết tại Tòa án trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan), nhưng trong tương lai có khả năng Trung Quốc có thể lựa chọn phương án làm rõ “đường 9 đoạn”, phù hợp với một phán quyết có giới hạn, để tránh sự sỉ nhục quốc tế và bị coi là một thành viên vô trách nhiệm của cộng đồng toàn cầu. Bắc Kinh sẽ không thừa nhận rằng họ đang làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình bởi điều đó là theo lệnh của tòa án, nhưng tác động sẽ là tương tự. Điều này sẽ đòi hỏi bất kỳ phán quyết nào từ tòa án cũng phải đủ hẹp để cho phép Trung Quốc làm rõ “đường 9 đoạn” của mình trong khi vẫn duy trì phần lớn hay hầu hết các tuyên bố chủ quyền của họ về không gian hàng hải tại Biển Đông. Nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy sức ép từ một loạt rộng lớn các bên tham gia quốc tế, không chỉ tại châu Á và Mỹ mà còn ở châu Âu và nhiều nơi khác.

Gregory B. Poling là nhà nghiên cứu của chương trình Nghiên cứu Sumitro Chair Đông Nam Á, Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ông điều hành các dự án nghiên cứu tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN. Chủ đề nghiên cứu mà ông quan tâm là các vấn đề về tranh chấp ở Biển Đông, dân chủ hóa ở Đông Nam Á và chủ nghĩa đa phương ở Châu Á. Các ấn phẩm đã xuất bản của Gregory B. Poling: A New Era in U.S.-Vietnam Relations: Deepening Ties Two Decades after Normalization (Rowman & Littlefield/CSIS, June 2014), A U.S.-Indonesia Partnership for 2020: Recommendations for Forging a 21st Century Relationship (CSIS, September 2013),The South China Sea in Focus: Clarifying the Limits of Maritime Dispute (CSIS, July 2013), and Sustainable Energy Futures in Southeast Asia (CSIS, December 2012). Ông đã nhận bằng thạc sĩ về các vấn đề quốc tế tại Đại học American và bằng cử nhân triết học và lịch sử tại trường Saint College và từng theo học tại trường đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc. Bản báo cáo được đăng trên CSIS.

Trần Quang (gt)