Va chạm giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc sau khi Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan nước sâu ở Biển Đông đã đánh dấu sự leo thang nguy hiểm của căng thẳng vốn đang âm ỉ ở vùng biển này. Diễn ra đồng thời với vụ đối đầu ở gần Quần đảo Hoàng Sa, việc lực lượng chấp pháp trên biển của Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc ở một khu vực khác của Biển Đông, Quần đảo Trường Sa, cũng đã gây ra một cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Bắc Kinh và Manila.

Bộ ba Trung Quốc, Việt Nam và Philippines vướng vào tranh chấp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với những yêu sách đối lập về các thực thể và những vùng biển giàu năng lượng. (Biển Đông ước tính ​​có chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên.) Ba nước hiện có mâu thuẫn sâu sắc trong tranh chấp biển, thậm chí cách gọi tên các thực thể nhằm thể hiện dấu ấn của mỗi bên cũng là đề tài để tranh cãi. Đối với Việt Nam, cách gọi "Biển Nam Trung Hoa" chưa thực sự thuyết phục; họ gọi vùng biển này là "Biển Đông", tức là vùng biển ở phía đông của bờ biển của Việt Nam. Đối với người Philippines, một phần của Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này nên được gọi là "Biển Tây Philippines", một cách gọi mà Trung Quốc bác bỏ. "Đường chín đoạn" hay “đường lưỡi bò” đầy tranh cãi của Bắc Kinh dựa trên lập luận cho rằng các thực thể và vùng nước ở Biển Đông thuộc quyền quản lý của nước này từ thời Trung cổ, gợi lên ký ức về một quá khứ huy hoàng.

Mặc dù Biển Đông từ lâu được xem như một điểm nóng bao trùm bởi quan điểm chủ nghĩa dân tộc, nhưng căn nguyên của những rắc rối hiện nay thực chất bắt nguồn từ sự hồi sinh của Trung Quốc sau năm 2008 – một cường quốc khu vực quyết đoán hơn. Trước 2008, Bắc Kinh vẫn duy trì một chính sách ôn hòa, không khiêu khích với các nước láng giềng Đông Nam Á yếu hơn. Giới lãnh đạo Trung Quốc kế thừa chủ nghĩa thực dụng kinh tế từ Đặng Tiểu Bình ở giai đoạn chuyển giao của thiên niên kỷ đã khá chú trọng đến việc tránh va chạm với các nước láng giềng khi Bắc Kinh, hướng tới tăng cường hoạt động thương mại và liên kết đầu tư.

Bằng cách thể hiện hình ảnh một Trung Quốc hùng mạnh có thể xoa dịu những lo ngại từ các nước láng giềng yếu thế hơn, Bắc Kinh cũng đã đánh bóng chủ trương “trỗi dậy hòa bình” khi trấn an phần còn lại của thế giới rằng không có gì phải lo ngại trước một Trung Quốc dần lớn mạnh. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao không đối đầu trong khu vực này đã bắt đầu xói mòn từ năm 2008, mở đường cho một Trung Quốc quyết đoán và hiếu chiến hơn, hay “dọa nạt” các nước láng giềng bằng cách triển khai các vũ khí về kinh tế, châm ngòi các vụ đụng độ và những sự cố trên biển.

Việc “tái cơ cấu" bộ máy lãnh đạo dân sự và quân sự của Trung Quốc cho thấy sự tự tin của Trung Quốc thời kỳ hậu Đặng Tiểu Bình, đã đến thời điểm Trung Quốc tung ra sức mạnh và khuất phục các quốc gia nhỏ hơn. Phát biểu đầy tranh cãi của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì với các đối tác Đông Nam Á vào năm 2010, “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, đó là một thực tế” đã phần nào thể hiện ý định của Bắc Kinh: Bỏ qua tiểu tiết và sẵn sàng đối đầu.

Cùng với quyết tâm trong việc hăm dọa các nước Đông Nam Á, hố sâu rạn nứt giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Bắc Á ngày càng được nới rộng. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama xem quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, một trong những nguyên nhân chính gây bất hòa trong quan hệ Trung - Nhật, đơn thuần chỉ là "thực thể đá", nhưng cả Bắc Kinh và Tokyo đã bị cuốn vào xung đột, vấn đề được đẩy lên bắt nguồn từ sự bất bình trong lịch sử về sự hung bạo của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II .

Từ năm 2010, căng thẳng Trung Quốc và Nhật Bản thể hiện rõ qua các vụ va chạm tàu cá, vụ việc tàu hải quân khóa radar vào mục tiêu, và hành động đơn phương thiết lập khu vực xác định phòng không (ADIZ ) đối với khu vực tranh chấp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng hải quân Mỹ và Nhật Bản, cùng sự cứng rắn của Thủ tướng Nhật Bản mang nặng tư tưởng dân tộc ông Shinzo Abe trong việc sẵn sàng đáp trả Trung Quốc càng làm gia tăng căng thẳng. Việc Tổng thống Mỹ Obama gần đây trấn an Nhật Bản rằng hiệp ước đồng minh tương hỗ giữa hai nước sẽ áp dụng cho cả quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đã thực sự khiến Trung Quốc cay đắng và tức giận, bởi Bắc Kinh muốn duy trì sức mạnh vượt trội tương đối của mình trước các đối thủ cạnh tranh ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương mà không vấp phải "sự can thiệp từ bên ngoài."

Một kiểu hành xử đáng lo ngại thể hiện rõ trong hành vi của Trung Quốc đối với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Bắc Kinh đã triển khai các động thái trên không và trên biển đầy khiêu khích dọc theo rìa của khu vực tranh chấp với mục đích kiểm tra theo đúng nghĩa các vùng biển và thăm dò phản ứng của các quốc gia khác. Việc Trung Quốc dễ dàng chiếm Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông bằng cách ngăn cản Philippines tiếp cận chỉ càng khuyến khích hành động của Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện đang cố gắng áp dụng "chiến lược cải bắp" bằng việc sử dụng tàu dân sự, được bao bọc bằng nhiều lớp bảo vệ quân sự, tại các vùng biển mà Nhật Bản và Việt Nam yêu sách chủ quyền, và sau đó duy trì sự hiện diện bất chấp bị phản đối gay gắt.

Cho đến nay, ví dụ duy nhất cho thấy Trung Quốc đã do dự trong cuộc chơi quyền lực là vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông. Máy bay quân sự của Mỹ và Nhật Bản đã phớt lờ các ranh giới trên không mà Trung Quốc đã vạch ra, thường xuyên qua lại khu vực này một cách bình thường. Trước kịch bản “nói phải đi đôi với làm” về khu vực này, Bắc Kinh lại lặng lẽ rút lui và ngừng tuyên bố hành vi “xâm phạm” của Nhật Bản và Mỹ. Bài học rút ra là: Trung Quốc chỉ thực sự xuống nước trước một lực lượng mạnh hơn hoặc ngang bằng của đối phương.

Phát hiện này cũng có tác động tới an ninh quốc gia của Ấn Độ, khi quân đội Trung Quốc đã có hành động xâm nhập vào sâu lãnh thổ Ấn Độ tính từ Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC) ở khu vực Daulat Beg Oldi của Ladakh năm 2013.

Cùng cách tiếp cận mang tính phô trương, trong khi quan sát phản ứng của các nước láng giềng và đánh giá liệu có thể đẩy được ranh giới đỏ đi bao xa, mà Trung Quốc sử dụng chống lại các nước láng giềng ở Đông Á đang được áp dụng trong chiến lược đối với Ấn Độ. Các cuộc đàm phán biên giới song phương giữa Bắc Kinh và New Delhi diễn ra chưa có hồi kết nhưng Bắc Kinh đang để mắt tới khu vực LAC, tìm kiếm cơ hội, nắm bắt lợi thế và kiểm tra phản ứng của Ấn Độ.

Mục tiêu của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy một “môi trường láng giềng hòa hợp, an ninh và thịnh vượng” hiện đang bị đe dọa bởi sự biến đổi của chính họ với hình ảnh một một người láng giềng xấu bụng dựa vào lợi thế sức mạnh bất đối xứng để đưa ra những đòi hỏi thái quá. Và kết quả cuối cùng của thái độ không thỏa hiệp từ phía Trung Quốc có thể là toàn bộ khu vực Đông Á xích lại gần nhau để hình thành một khối cũng như tạo lập sự cân bằng quyền lực để kìm hãm những tham vọng của Trung Quốc.

Ở thời điểm hiện tại, Đông Á đang thể hiện một hình ảnh chia rẽ và phân tán, điều có lợi cho Trung Quốc. Ấn Độ, một thành viên của Thượng đỉnh Đông Á, phải đóng một vai trò quyết định trong việc xây dựng một khối có thể cùng nhau chung sức để ngăn chặn xu hướng bành trướng. Tập đoàn dầu khí quốc doanh của Ấn Độ, ONGC Videsh, hiên đang hợp tác với Petro Việt Nam ở Biển Đông. Các hoạt động hợp tác thương mại trên biển, tập hợp các công ty từ những quốc gia yêu sách yếu thế đang bị Trung Quốc quấy nhiễu, là sự đầu tư đáng giá để Ấn Độ đề xuất và khởi xướng. Khu vực cần phải đưa ra được những "phản ứng tương đương và đối ứng" trước các hành động của Trung Quốc, nếu Châu Á-Thái Bình Dương muốn được hưởng một bầu không khí yên bình hơn.

Tác giả Sreeram Chaulia là Giáo sư và Hiệu trưởng Trường Ngoại giao Jindal của Ấn Độ. Bài viết đăng trên trang "Diplomat" (ngày 10/5). 

Người dịch: Nhật Linh