05/08/2013
Chuyến thăm Mỹ của Chủ tích nước Trương Tấn Sang được dư luận quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực châu Á đang có nhiều biến động và sự chuyến hướng chiến lược của Mỹ về khu vực này. Tổng hợp một số quan điểm của các học giả quốc tế về sự kiện này.
Học giả Nga bình luận về chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang
Tạp chí “Thế giới đa cực” (Nga) mới đây đăng bài viết của Tổng biên tập tạp chí này - ông Pavel Vinogradov - cho biết tuần qua, một sự kiện đáng ghi nhận là việc Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm chính thức đến Hoa Kỳ. Kết quả của chuyến thăm này đang được các hãng thông tấn quốc tế bình luận sôi nổi, mà trước hết sự chú ý tập trung vào tầm quan trọng của các vấn đề chính trị được thảo luận tại Washington trong quá trình diễn ra các cuộc gặp giữa người đứng đầu nhà nước Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Ngoại trưởng Jonh Kerry, các nghị sĩ đại diện của Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, giới quan sát nhất trí cho rằng chuyến thăm này có ảnh hưởng tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia cũng như tình hình chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan điểm này cũng được đa số các nhà phân tích và bình luận ủng hộ.
Ngay chính Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tỏ ra khá phấn khởi vì những thỏa thuận đã đạt được, đồng thời bày tỏ lòng tin sâu sắc vào tính khả thi của những thỏa thuận này. Tuyên bố chung về kết quả của các cuộc đàm phán giữa ông Trương Tấn Sang và ông Barack Obama tại Nhà Trắng cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai gần sẽ thành lập “cơ chế xác lập mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện”.
Cơ chế này, theo như văn kiện đã ký, sẽ cung cấp một số cơ cấu hỗ trợ nhằm nỗ lực đảm bảo cho sự phát triển tiếp theo của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực. Cụ thể, văn kiện nhắc tới việc làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo nghề. Sự quan tâm đặc biệt được dành cho nỗ lực chung trong việc bảo vệ môi trường, loại bỏ những hậu quả của chiến tranh hóa học, chăm sóc sức khỏe con người, những vấn đề tàn dư của chiến tranh, vấn đề quốc phòng và an ninh, đảm bảo quyền con người, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhìn chung, tại Hội nghị thượng đỉnh với tên gọi “Việt Nam-Hoa Kỳ 2013”, những cựu thù trong cuộc chiến tranh dai dẳng đẫm máu trước đây giờ đã biểu thị mong muốn được chung sống hòa bình và phát triển các mối quan hệ toàn diện, hướng tới lợi ích chung của hai quốc gia và lợi ích của hai dân tộc. Phát biểu tại Washington, ông Trương Tấn Sang nói: “Cùng với tiến bộ đạt được trong 18 năm qua, mối quan hệ song phương hiện nay đã đạt tới mức đối tác toàn diện và ngày càng được củng cố trong các lĩnh vực khác nhau”. Việt Nam và Hoa Kỳ dự định sẽ trao đổi các chuyến thăm cấp cao nhằm tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc đối thoại. Chủ tịch Trương Tấn Sang cảm ơn Tổng thống Obama về cuộc gặp và chuyển tới ông lời mời tới thăm Việt Nam vào dịp thuận lợi. Ông Obama đã nhận lời và hứa sẽ thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Trong cuộc gặp này, hai bên cũng đã xem xét “sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực nhằm bình thường hóa vấn đề tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông và các khu vực khác tại châu Á-Thái Bình Dương”. Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cùng với ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á nhằm soạn ra bộ quy tắc ứng xử có thể giúp giải quyết xác đáng các vấn đề hiện nay bằng con đường hòa bình”, ám chỉ tới khu vực Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ vô hình chung đã đồng nhất - điều được chính các chính khách cấp cao của Hoa Kỳ không ít lần khẳng định. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton khi tới thăm Hà Nội cách đây một năm đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc củng cố an ninh khu vực. Với bối cảnh như trên, quan hệ hợp tác giữa 2 nước đang từng bước phát triển. Các tàu chiến thường xuyên neo đậu tại cảng Sài Gòn và Đà Nẵng để tham gia các cuộc tập trận chung trên biển.
Nói về kinh tế, hai nhà lãnh đạo cam kết rằng tới cuối năm nay sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về văn kiện mà bà Clinton trong chuyến thăm Hà Nội gần đây đã đề cập đến, đó là thỏa thuận khu vực về tự do hóa thương mại có sự tham gia của các nước châu Mỹ và châu Á. Văn kiện này được biết đến với tên gọi Hiệp định Hợp tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo quan điểm của hai bên, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc giảm bớt các hàng rào thương mại giữa Brunây, Việt Nam, Malaixia, Xinhgapo, Niu Dilân, Ôxtrâylia, Pêru, Chilê, Hoa Kỳ và các nước châu Á-Thái Bình Dương khác. Theo dự kiến, văn kiện này được ký vào cuối năm 2012, tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đàm phán đầu tiên, việc thỏa thuận đã gặp trở ngại. Hiện nay, ông Obama đã đề ra thời hạn chót là vào tháng 12/2013.
Nếu mọi việc suôn sẻ, kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tăng lên tới 25-30 tỷ USD vào cuối năm 2015. Các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Microsoft, Cargill and ExxonMobil... sẽ giữ vai trò thống lĩnh tại khu vực này.
Chuyên gia Ấn Độ đánh giá cao chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang
Mạng tin của “Nhóm Phân tích Nam Á” (SAAG) ngày 31/7 đã đăng bài viết của Tiến sĩ Subhash Kapila - Cố vấn về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược của SAAG - đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.
Bài viết nêu rõ chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama từ ngày 23-26/7/2013 là một chuyến thăm mang tầm quan trọng chiến lược. Hoa Kỳ và Việt Nam đã có quan hệ về chính trị và kinh tế từ ngày 11/7/1995, khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và hai bên đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong hai lĩnh vực này. Tầm quan trọng của Việt Nam trong tính toán chiến lược của Hoa Kỳ cần được xem xét trong bối cảnh liên quan đến “trục chiến lược” của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự điều chỉnh cấu trúc an ninh của Hoa Kỳ tại Tây Thái Bình Dương.
Trong thế kỷ 21, không có những “cuộc vận động lớn về ý thức hệ” vốn đã chia rẽ Hoa Kỳ và Việt Nam như trong quá khứ. Trong bối cảnh những rối loạn về địa chính trị do Trung Quốc gây ra tại Thái Bình Dương, triển vọng quan hệ tốt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là rất sáng sủa với những điểm chung về chiến lược và chính sách.
Tầm quan trọng về địa chính trị của Việt Nam vẫn không hề thay đổi bởi vị trí địa lý của nước này nằm trong “trục châu Á” của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ý nghĩa chiến lược của Việt Nam trong toan tính chiến lược của Hoa Kỳ lúc tăng lúc giảm, liên quan đến tình trạng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay đang đứng ở “ngã ba đường chiến lược” trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ Trung Quốc trong quá khứ và kể cả hiện nay. Và đã đến lúc Hoa Kỳ cần các đồng minh và đối tác chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương để đối chọi với nguy cơ từ Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có tiềm năng đóng một vai trò chủ chốt trong “trục chiến lược” của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam - Bước ngoặt ở châu Á của Hoa Kỳ
Viện nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) ngày 31/7 đã đăng bài viết có tiêu đề "Việt Nam - Bước ngoặt ở châu Á của Hoa Kỳ" của tác giả Ilya Ushov, phó tiến sỹ về lịch sử các nước Đông Nam Á, bình luận về chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang.
Tác giả cho biết kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Nếu năm 1994, một năm trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ đạt hơn 200 triệu USD thì đến năm 2012 đã được nâng lên hơn 100 lần, đạt 24,5 tỷ USD. Việt Nam chiếm vị trí 29 trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, trong khi đó Hoa Kỳ là bạn hàng kinh tế lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.
Mối quan hệ với Washington hết sức có lợi cho Hà Nội. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 14,8 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đã đạt 7,5 tỷ USD. Trong khi đó, Hoa Kỳ còn được xếp vào tốp 5 quốc gia có khối lượng đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam, đứng sau "các con hổ châu Á" là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Xinhgapo.
Việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 chậm lại, chỉ đạt hơn 5%, là mức tăng trưởng khiêm tốn nhất của nền kinh tế nước này kể từ năm 1999, đã khiến Hà Nội tìm mọi biện pháp tăng xuất khẩu và tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài mới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu này là Việt Nam tham gia "Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương" (TPP) mà Hoa Kỳ sẽ là một nền kinh tế thành viên. Chủ đề này là một trong những trọng tâm của các cuộc đàm phán của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ngày 25/7. Dĩ nhiên, Washington - ngoài mục đích kinh tế thuần túy - còn theo đuổi tham vọng chính trị, biến TPP thành một tổ chức thương mại thay thế mô hình ASEAN+3 (giữa các nước Đông Nam Á với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) do Trung Quốc khởi xướng.
Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam được xem như bước ngoặt chiến lược của Hoa Kỳ về phía Đông Á. Các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, đang có vị thế ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này được thể hiện thông qua các phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ và các cuộc đối thoại chính trị ngày càng dày đặc giữa Hoa Kỳ với các quốc gia ASEAN, trong đó, các chuyến thăm Hà Nội của các quan chức Hoa Kỳ là điều rất đáng quan tâm.
Nhà Trắng đang dành sự hậu thuẫn chính trị cho Việt Nam trong việc bảo vệ lập trường của nước này tại khu vực tranh chấp xung quanh các quần đảo tại Biển Đông. Tại cuộc gặp cấp cao vừa qua, vấn đề này đã được các nhà lãnh đạo hai nước đặt vào vị trí trọng tâm thảo luận. Kết thúc hội đàm, Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố Việt Nam đánh giá cao và hoan nghênh sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong vấn đề này, đặc biệt là việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Trương Tấn Sang cũng đã mời Tổng thống Obama thăm Việt Nam trong năm 2013.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cũng còn một số bất đồng tương đối sâu sắc cần giải quyết. Một trong số đó là vấn đề "nhân quyền" theo cách hiểu của Washington. Mặc dù Hoa Kỳ chỉ trích Việt Nam khá gay gắt về vấn đề này, song đáp lại nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra phản ứng rất kiềm chế, tuyên bố rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có sự khác nhau về quan điểm. Một vấn đề nhạy cảm nữa mà lãnh đạo hai nước chưa tìm được giải pháp là việc Mỹ tiếp tục áp dụng lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội, vấn đề mà Việt Nam kiên trì yêu cầu dỡ bỏ nhiều năm qua.
Mặc dù vậy, lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam lại là nhân tố tích cực đối với Liên bang Nga. Hiện nay, thị phần của Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam chiếm đến 92,5%. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, đến năm 2015, con số này có thể tăng lên đến 97,6%. Mátxcơva và Hà Nội đang tăng cường cả quan hệ kinh tế-thương mại. Các cuộc đàm phán về việc thành lập khu tự do thương mại giữa Việt Nam với Liên minh hải quan (gồm Nga, Bêlarút, Cadắcxtan) đang đi vào hồi kết. Các hoạt động đầu tư trực tiếp giữa hai nước cũng đang được thúc đẩy.
Tổng hợp.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...