Vừa đoàn kết vừa chia rẽ

Việc chuyển biến từ một bộ quy tắc sang một tuyên bố về cách ứng xử tại biển Đông là một ví dụ điển hình cho việc một số quốc gia Đông Nam Á đoàn kết và chia rẽ với nhau, cho thấy rằng hai lập trường này có thể cùng tồn tại hơn là loại bỏ lẫn nhau.

Philippines đã có thời gian dài ấp ủ Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc phát triển Bộ luật này tại cuộc họp thứ hai của Diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 8 năm 1995. Bộ trưởng ngoại giao Philippines, ông Siazon, đã gợi ý rằng: như là một biện pháp tạm thời giải quyết vấn đề chủ quyền, các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông nên xây dựng một Bộ qui tắc như một thoả thuận không chính thức để điều chỉnh thái độ và cách cư xử của họ trong khu vực.[1] Như đã trình bày ở trên, đề xuất đó đã không thu hút được sự quan tâm trong cuộc họp.

Trong cuộc họp ở Jakarta vào tháng 7 năm 1996, Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã tán thành ý tưởng về việc ký kết một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông ở cấp khu vực. Bộ quy tắc này sẽ đặt nền móng cho sự ổn định lâu dài ở khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền.[2] Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15 và 16 tháng 12 năm 1998, Kế hoạch hành động Hà Nội đã được thông qua. Phần 7 của Kế hoạch hành động thúc giục các thành viên “tăng cường nỗ lực thiết lập một Bộ quy tắc cách ứng xử khu vực giữa các bên trực tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông.[3] Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 5 diễn ra vào tháng 4 năm 1999 ở Côn Minh, Philippines lại một lần nữa đưa ra ý kiến xây dựng một Bộ quy tắc mang tính khu vực nhưng đã không nhận được sự ủng hộ từ phía ASEAN.[4] Trung Quốc đã phản ứng một cách hết sức bình tĩnh về đề xuất một bộ quy tắc ứng xử khu vực và tỏ ý ưu tiên sử dụng Bản tuyên bố chung năm 1997 giữa hai bên như một tài liệu tham khảo.

Vào tháng 5 năm 1999, Thứ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã trao nhiệm vụ cho Philippines và Việt Nam chuẩn bị soạn bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử. Philippines đóng vai trò tiên phong và chuẩn bị bản dự thảo đầu tiên. Bản dự thảo này đã được trình bày trước Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và diễn đàn khu vực ASEAN tại cuộc họp vào tháng 7 năm 1999 nhưng đều không được thông qua.

Căng thẳng trong nội bộ ASEAN đã bắt đầu dần hiện rõ. Cả Malaysia và Việt Nam đều rất quan tâm tới quá trình Philippines thực hiện việc soạn thảo Bộ quy tắc như thế nào. Các quan chức Malaysia nhận xét rằng Philippines dường như có ý định đẩy nhanh quá trình phê chuẩn bằng việc đệ trình bản dự thảo Bộ quy tắc lên Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, và sau đó là tới các nhà lãnh đạo chính trị mà không có bất cứ một cuộc thảo luận trước nào ở cấp các quan chức cao cấp.[5] Hơn nữa, theo quan điểm của Bộ trưởng ngoại giao Malaysia Syed Hamid Albar, bản dự luật là một văn bản pháp lý quá tuyệt đối hơn là một văn bản chính trị với các nguyên tắc chỉ đạo. Việt Nam cũng không hài lòng với chủ định của Philippines trong việc đẩy nhanh quá trình này. Theo báo cáo thì đây chính là lý do vì sao Việt Nam từ chối trở thành đồng tác giả của bản dự thảo Bộ quy tắc.[6]     

Vào tháng 9 năm 1999, Philippines đã đệ trình bản dự thảo thứ hai. Một lần nữa, bản dự thảo lại không nhận được sự ủng hộ. Tiếp theo đến lượt Trung Quốc đưa ra bản dự thảo của nước này vào tháng 10 năm 1999 nhưng cũng cùng chung một kết cục. Sau đó vào tháng 11, Philippines lại tiếp tục đệ trình một bản dự thảo khác trước khi diễn ra Hội nghị không chính thức các Nguyên Thủ Quốc Gia/Chính phủ ASEAN lần thứ ba. Cả Malaysia và Việt Nam đều nhắc lại mối quan ngại của họ về phạm vi địa lý áp dụng của Bộ quy tắc nhưng cuối cùng cũng đã đồng ý với bản soạn thảo vào ngày 24 tháng 11, tháo gỡ chướng ngại vật cuối cùng tạo nên sự nhất trí đồng lòng trong các nước ASEAN. Bộ quy tắc được áp dụng “tại những vùng tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông”, hay còn gọi là “khu vực tranh chấp”. Trung Quốc từ chối tán thành bản soạn thảo nhưng vẫn đồng ý sử dụng nó cho những cuộc thảo luận tiếp theo.

Trong suốt hai năm 2000 và 2001, ASEAN và Trung Quốc đã phối hợp cùng nhau phát triển một bản dự thảo hợp nhất, thành lập Nhóm hoạt động tham vấn các quan chức cao cấp ASEAN- Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử để thúc đẩy tiến trình. Quần đảo Hoàng Sa tiếp tục là một vấn đề rất khó giải quyết vì Việt Nam kiên quyết yêu cầu bao hàm Hoàng Sa trong Bộ quy tắc. Malaysia cùng với Trung Quốc đã phản đối lại điều này mặc dù Malaysia không có bất cứ yêu sách nào liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Với việc khó đạt được thoả thuận giữa Trung Quốc và ASEAN và mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN trở nên rõ rệt hơn, vào tháng 7 năm 2001, Philippines đã đưa ra một bản soạn thảo Bộ quy tắc mới. Bộ quy tắc này kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế, bao gồm việc tránh đưa người lên những điểm hiện chưa bị chiếm đóng và xử lý mâu thuẫn giữa họ với tinh thần xây dựng. Bộ quy tắc này không đề cập gì tới phạm vị địa lý áp dụng của văn kiện.[7]

Mâu thuẫn tiếp diễn liên quan đến phạm vi địa lý áp dụng bản dự luật đã gây nhiều cản trở cho những bước tiến xa hơn. Trung Quốc đã phản đối những câu từ mang tính chất thỏa hiệp do Philippines soạn ra nhằm làm giảm bớt mối lo ngại của Malaysia rằng phạm vi của Bộ quy tắc có thể bao gồm những vùng không bị tranh chấp của nước này tại Biển Đông. Với nỗ lực phá vỡ thế bế tắc này, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Malaysia Syed Hamid Albar đã đề xuất một phương sách mới tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao các nước ASEAN lần thứ 35 diễn ra tại Brunei trong hai ngày 29-30 tháng 7 năm 2002: một tuyên bố về quy tắc ứng xử biển Đông. Theo quan điểm của ông, bản tuyên bố này sẽ khẳng định vị thế của ASEAN và là một tín hiệu cho thấy hiệp hội sẽ làm gì đó để giảm bớt tình hình căng thẳng này. Bộ trưởng Bộ ngoại giao - Ahmad Fuzi Abdul Razak cũng tán thành việc gọi văn kiện này là một tuyên bố hơn là một bộ luật vì “điều này sẽ dễ dàng hơn cho các thành viên ASEAN ủng hộ và chấp thuận” và “ít bị các quốc gia phản đối nhất, đặc biệt là những quốc gia đưa ra yêu sách”[8]       

Sự thay đổi tên gọi từ Bộ quy tắc thành Bản tuyên bố mặc dù là khá thực dụng cho thấy một sự giảm bớt ý chí chính trị giữa các thành viên ASEAN để ký kết một văn kiện có ý nghĩa. Một vài vấn đề cũng đã bắt đầu có dấu hiệu nảy sinh: thứ nhất là sự bất lực của ASEAN trong nỗ lực hòa giải mối bất đồng giữa Malaysia và Việt Nam về phạm vị địa lý áp dụng của văn kiện; thứ hai là liệu có nên có sự tập trung mang tính toàn bộ hay mang tính riêng biệt (bằng việc áp dụng Bản tuyên bố chỉ đối với những quốc gia liên quan đến cuộc tranh chấp, bất cứ sự can thiệp nào của các quốc gia khác trong khối ASEAN như Indonessia, Singapore hay Thái Lan hoặc các quốc gia thuộc những khu vực khác hoặc các tổ chức đa phương sẽ đều bị bác bỏ); thứ ba là không có một sự thỏa hiệp nào giữa việc ASEAN mong muốn ngăn cấm việc xây dựng hay mở rộng những công trình hiện tại và sự phản đối của Trung Quốc về điều khoản này. Cuối cùng, các bên cũng thống nhất rằng Bản tuyên bố sẽ đề cập đến Bộ quy tắc ứng xử như mục tiêu chung cao nhất trên cơ sở đồng thuận giữa các bên. Bất chấp những vấn đề trên, các quan chức cấp cao ASEAN cũng đã tán thành Bản tuyên bố tại cuộc họp của họ ở Phnôm Pênh vào ngày 31 tháng 12. Vào ngày 1 tháng 11 Trung Quốc cũng đã tán thành Bản tuyên bố. Điều này đã mở đường cho lễ ký kết văn bản tại Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vào ngày 4 tháng 11 năm 2002.[9]

Kết luận

Các quốc gia Đông Nam Á đã phô bày những điểm đồng thuận và bất đồng trong lập trường của họ về tranh chấp Biển Đông. Trong một vài trường hợp, họ đã đoàn kết và đưa ra một tiếng nói chung. Phản ứng đối với nhiều điểm trong quy chế thẩm quyền biển và động thái trên Đá Vành Khăn của Trung Quốc vào năm 1995 là những trường hợp điển hình. Vào những thời điểm khác, tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia thuộc ASEAN lại bị vỡ vụn. Philippines đã bị cô lập vào năm 1998 khi Trung Quốc củng cố sự hiện diện của mình trên Đá Vành Khăn trong khi động thái của Malaysia vào năm 1999 tại Bãi Thám Hiểm và Đá En ca lại ít nhận được sự phản ứng từ các quốc gia ASEAN trừ Philippines. Một vài quốc gia đã đặt câu hỏi liệu Thỏa thuận khảo sát địa chấn được ba bên Trung Quốc, Philippines và Việt Nam ký kết vào năm 2005 có tạo nên một sự chia rẽ trong ASEAN và ngầm công nhận những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông hay không.[10] Sự phát triển Bộ luật/ Bản tuyên bố về quy tắc ứng xử đã nêu bật sự thống nhất cũng như chia rẽ giữa các thành viên ASEAN trên cùng một vấn đề. Điều này có ý nghĩa nhấn mạnh rằng những quan điểm trên không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tồn tại. Mặc dù quá trình đàm phán Bộ luật/ Bản tuyên bố về cách ứng xử đã giúp tạo niềm tin giữa các bên đưa ra yêu sách, nó cũng góp phần phơi bày những lỗ hổng trong mối quan hệ giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc.

So với những năm 1990, khả năng tiềm tàng về tranh chấp Biển Đông bùng nổ đe dọa đến ổn định và hòa bình khu vực đã giảm đi trong những năm đầu thiên niên kỷ mới. Tuy nhiên, thời kỳ yên bình này cũng rất mong manh. Sụ đi đôi giữa lời nói và hành động tiếp tục là một mối lo lắng của các bên đưa ra yêu sách. Từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 11 năm 2007, Trung Quốc đã tiến hành tập trận quân sự tại quần đảo Hoàng Sa nơi mà Trung Quốc coi là lãnh hải của quốc gia mình, dẫn đến phản đối mạnh mẽ của Việt Nam. Trong thời gian này, Chủ tịch Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang dự Hội nghi thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Singapore nhằm thúc đẩy sự hợp tác thiết thực và sự phát triển chung cũng như duy trì sự ổn định tại khu vực Biển Đông. Một vấn đề nữa đã nảy sinh vào tháng 12 năm 2007 khi Quốc Hội Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa thuộc đảo Hải Nam chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã kích động những cuộc biểu tình của quần chúng trước Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh, làm xấu đi  những xích mích đã tồn tại từ lâu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tranh chấp Biển Đông có thể lại dậy sóng là một viễn cảnh hoàn toàn có khả năng xảy ra. Cảnh giác vẫn luôn là một khẩu hiệu./.

Christopher Chung

Người dịch: Ngọc Trang

Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",

Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers.

Bản gốc tiếng Anh "Southeast Asia and the South China Sea Dispute"

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)



[1] Y.-H. Song, ‘Codes of Conduct in the South China Sea and Taiwan’s Stand’, Marine Policy 24, 6 (November 2000), tr.451.

[2] Joint Communiqué of the 29th ASEAN Ministerial Meeting (ANM), Jakarta, 20-21 July 1996, tại www.aseansec.org/3663.html.

[3] Association of Southeast Astan Nastions, Sixth ASEAN  Summit, Hanoi Plan of Action, Hanoi, Vietnam, 15 December 1998, taị www.aseansec.org/2011.html.

[4] ‘Concern over Spratlus Statement’, Strait Times, 27 April 1999.

[5] P. Jacob,’ Manila Presses ASEAN to Adopt Code of Conduct’, Strait Times, 22 July 1999’

[6] ‘Malaysia Feels Mambers Should Not Be Rushed on Proposed Code’, New Straits Time, 22 July 1999.

[7] ‘Philippines Bends to Diluted S. China Sea Code of Conduct’, Kyodo News, 18 July 2001.

[8] ‘ASEAN Countries Agree to Study Malaysia;s Proposal on Spratlys’, Bernama, 26 July 2002.

[9] Xem Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea, 4 November 2002, tại www.aseansec.org/13163.html.

[10] Xem B. Wain, ‘Manila’s Bungle in the South China Sea’, Far Eastern Economic Review, Januaru/February 2008.