trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc – Philippin, dư luận chú ý nhiều hơn do thái độ cứng rắn của cả hai nước. Trái lại, quan hệ Trung Quốc - Malaysia ít được truyền thông quan tâm hơn, với cách hành xử của các bên liên quan cũng ở mức độ kiềm chế hơn. Trung Quốc hành xử một cách khá cứng rắn trong cuộc tranh chấp với Philippin nhưng lại tỏ ra mềm mỏng trong quan hệ với Malaysia mặc dù Malaysia chiếm giữ khá nhiều đảo và bãi cạn mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, trong khi Philippin có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và cả của Nhật.

Mặc dù Malaysia và Trung Quốc chênh lệch nhau về hầu hết các mặt, hai nước này đã thiết lập, duy trì và phát triển được mối quan hệ song phương ổn định  và có lợi cho cả hai trong suốt 4 thập kỷ qua. Mối đe dọa Trung Quốc luôn được Malaysia nhìn nhận trong một viễn cảnh rộng lớn nhằm phục vụ cho lợi ích của cả hai bên. Một nhà ngoại giao của Malaysia đã phát biểu: “Câu hỏi liệu Trung Quốc có phải là mối đe dọa đối với khu vực, trong đó có cả Malaysia, hay không là một vấn đề phức tạp và gây tranh cãi. Nhưng điều này không được nhầm lẫn với chính sách nhất quán không coi Trung Quốc là mối đe dọa của Malaysia.” Các nhà lãnh đạo của Malaysia luôn tìm cách đưa ra những bản sắc tương đồng với Trung Quốc như nhấn mạnh chủ quyền quốc gia, được thể hiện qua việc phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ, ủng hội một thế giới đa cực v.v. nhằm nâng cao vai trò độc lập của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong khi cân bằng được các thế lực ngoài khối và phản đối bất kỳ sự áp đặt nào mang tính bá quyền từ bên ngoài đối với trật tự khu vực. Quan điểm về dân chủ và nhân quyền, từ chối sự áp đặt mô hình dân chủ của phương Tây cũng là điểm tương đồng được Malaysia tập trung khai thác. Điều quan trọng nhất là Malaysia duy trì được mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc nhưng hoàn toàn không nhượng bộ trong những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ và điều này có thể được coi như một chính sách ứng xử tối ưu cho một nước yếu hơn. Chiến lược của Malaysia đã thành công trong việc kiềm chế thái độ cứng rắn của Trung Quốc và tránh được khủng hoảng trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Trái lại, Philippin không bao giờ thiết lập được mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc. Chưa có thời điểm nào chiến lược của Philippin thành công trong việc ngăn chặn những hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc, luôn bị Trung Quốc lấn tới trong vấn đề lãnh thổ bằng cách chiếm đóng thêm các đảo và bãi cạn, xây mới hoặc mở rộng các cơ sở quân sự hoặc tuyên bố áp đặt các luật lệ mới đối với những khu vực tranh chấp. Chiến lược làm mất mặt Trung Quốc của Philippin thường làm cho tình hình căng thẳng thêm, các bên không ngừng trả đũa lẫn nhau và vì thế làm gia tăng nguy cơ về một cuộc đối đầu vũ trang không mong muốn và làm giảm cơ hội hợp tác.

Để đạt được sự cân bằng mang tính hợp tác, các nước đối thủ của Trung Quốc cần có những bước đi nhằm thay đổi tinh trạng đối đầu hiện nay tại Biển Đông. Bước đi đầu tiên theo hướng này là hạn chế những phát ngôn coi Trung Quốc là một quốc gia bất hảo và kém văn minh. Bước tiếp theo là đưa ra một chiến lược hai mũi nhọn nhằm đưa Hoa Kỳ quay trở lại và hối thúc ASEAN có một lập trường chung cứng rắn. Lập trường của ASEAN phải được duy trì một cách độc lập với lập trường của Hoa Kỳ. Bất kỳ sự chỉ trích nào của ASEAN về hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông phải được nhìn nhận như mối quan ngại của cộng đồng khu vực được thể hiện một cách độc lập đối với chứ không phải việc ASEAN liên kết chống lại Trung Quốc. Nếu không, ASEAN sẽ mất vai trò của một tổ chức độc lập của các quốc gia muốn thiết lập các luật chơi cho khu vực. ASEAN phải chú trọng nhiều hơn đến ý tưởng trước đây liên quan đến tính vai trò trung tâm của mình trong khu vực. Điều này đòi hỏi ASEAN phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ cho các nước lớn ở trong tầm với của mình và tái thiết lập vai trò lãnh đạo khu vực, với việc tuân thủ các luật cơ bản của cuộc chơi.

Việc quan trọng mà ASEAN cần tập trung thực hiện là thay thế DOC bằng một COC có tính chất ràng buộc cho khu vực Biển Đông. Việc tham gia của Trung Quốc vào COC phụ thuộc vào những lựa chọn trong tương lai dành cho Hoa Kỳ trong khu vực này vì bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng sẽ hạn chế Trung Quốc  chứ không hạn chế những lựa chọn của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ có động thái để sao cho sự nhượng bộ giữa Trung Quốc và ASEAN không bị nhìn nhận là làm suy yếu an ninh quốc gia của Trung Quốc. Điều này có thể đạt được thông qua sự nhượng bộ đơn phương hoặc đưa ra một COC giới hạn cả những lựa chọn chiến lược đối với Hoa Kỳ.

Đối với Philippin cũng như tất cả các nước khác có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, điều quan trọng là chấp nhận đề xuất còn chưa được cụ thể hóa của Trung Quốc liên quan đến việc cùng sử dụng những công trình mà Trung Quốc sẽ hoàn thành trên những đảo mới được bồi đắp nhân tạo. Đổi lại, các nước khác cũng cần đề nghị Trung Quốc sử dụng chung các công trình của mình. Tiếp theo, Philippin và các nước khác cần kêu gọi Trung Quốc cùng thăm dò các nguồn tài nguyên dưới biển và tiến hành đàm phán song phương nhằm đưa những bất đồng giữa các nước về mức song phương. Đây có thể là sự nhân nhượng đáng kể mang tính tượng trưng đối với phía Trung Quốc, nước mà cho đến nay vẫn khăng khăng cho rằng các xung đột cần phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên tranh chấp.

ASEAN có thể làm trung gian cho các cuộc hội đàm nhằm thiết lập một cơ quan quản lý đánh bắt cá chung, chịu trách nhiệm đưa ra những hạn ngạch đối với các quốc gia tranh chấp nhau về vùng đặc quyền kinh tế. Có thể có những mô hình khác nhau của cơ quan quản lý đánh bắt cá chung để điều phối việc đánh bắt cá tại những vùng đặc quyền kinh tế tranh chấp của Trung Quốc với Hàn Quốc, Trung Quốc với Nhật Bản và Việt Nam (trong Vịnh Bắc Bộ).

Báo cáo của Viện Nghiên cứu An ninh bang Hessen (CHLB Đức). Đọc bản dẫn nguồn tại đây.

Trần Quang (gt)