Đọc vị Chiến lược Ấn - Thái mới của Ủy ban Châu Âu

ThS. Đỗ Hoàng – Viện Biển Đông

Những điểm khác biệt lớn

Về ưu tiên, Văn bản tháng 4 không nhắc đến các ưu tiên mà chỉ đưa ra 3 mục tiêu: (i) đóng góp vì ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững khu vực; (ii) thúc đẩy giá trị dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế và (iii) thể hiện vai trò đối tác quan trọng và nhân tố toàn cầu của EU.

Văn bản mới đưa ra 7 vấn đề cụ thể thay vì các mục tiêu và phương hướng chung chung như văn bản cũ, cụ thể là: (i) phát triển bền vững và bao trùm; (ii) chuyển đổi xanh; (iii) quản trị biển; (iv) quản trị số; (v) kết nối; (vi) an ninh quốc phòng và (vii) an ninh con người. Các vấn đề này cũng cho thấy EU quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh biển và an ninh phi truyền thống.

Về đối tác/đối tượng, văn bản tháng 4 không hề nhắc tên Trung Quốc trực tiếp mà chỉ đề cập Thỏa thuận Đầu tư với Trung Quốc. Tuy nhiên, văn bản có thể “ám chỉ” Trung Quốc vì đề cập nhiều về cạnh tranh chiến lược khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô, tuân thủ luật quốc tế, bảo vệ nhân quyền hay cạnh tranh thương mại công bằng… - những vấn đề phương Tây thường dùng để chỉ trích Trung Quốc.

Ngoài ra, văn bản tháng 4 nhắc đến các đối tác khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, ASEAN và các nước thành viên ASEAN (Indonesia, Singapore và Việt Nam), đồng thời khẳng định sẽ tập trung vào các đối tác đã đưa ra tầm nhìn/chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của riêng mình (trong phạm vi khu vực EU xác định, có thể thấy các đối tác này gồm ASEAN, Ấn Độ, Nhật, Mỹ và Úc). Điều này có thể cho thấy hàm ý EU quan ngại về Trung Quốc nhưng không muốn nêu trực diện.

Trong khi đó, bên cạnh việc tiếp tục nêu ra các quan ngại như văn bản tháng 4, văn bản mới ra của EC trực tiếp nhắc đến Trung Quốc cả về hợp tác và cạnh tranh: “chỉ điểm” Trung Quốc thúc đẩy quân sự (military build-up); “nhắc khéo” Trung Quốc vi phạm nhân quyền (EU có “bất đồng cơ bản” với Trung Quốc về vấn đề này) và Trung Quốc cần đóng vai trò vì hòa bình khu vực; nhiều lần nhắc đến căng thẳng Đài Loan, Biển Đông và Hoa Đông (những vấn đề văn bản cũ bỏ qua) dù không quá mạnh mẽ như trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Anh hay Pháp.

Bên cạnh đó, Văn bản mới nhấn mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc, bao gồm hợp tác về kinh tế, môi trường và an ninh biển… đồng thời đi kèm tuyên bố báo chí với một mục riêng khẳng định chiến lược của EU không nhằm đối chọi với Trung Quốc. Có thể thấy, các thành viên của EC đã đạt được đồng thuận lớn hơn về cách tiếp cận hợp tác – cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, văn bản chỉ thể hiện đồng thuận này về nguyên tắc thay vì về các nội hàm cụ thể. Các hợp tác EU – Trung Quốc văn bản mới đưa ra chưa tập trung vào an ninh truyền thống, chỉ nhắc đến về thỏa thuận đầu tư hay hợp tác chống ô nhiễm rác thải nhựa và môi trường một cách chung chung. Về an ninh biển, EU chỉ nhắc lại thỏa thuận “Đối tác Biển” với Trung Quốc đã ký từ năm 2018. Các đối tác khác của EU tại khu vực được nhấn mạnh hơn Trung Quốc. Ví dụ, Việt Nam được nhắc đến 7 lần với các sáng kiến như Tăng cường Hợp tác An ninh với Châu Á (ESIWA), Chuỗi cung ứng có trách nhiệm, Thỏa thuận Bảo vệ Đầu tư hay Thỏa thuận Khung Quốc phòng…

Về sáng kiến, văn bản của EC đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể hơn, đặc biệt là về an ninh phi truyền thống, mà văn bản trước không có. Ví dụ điển hình là Liên minh Xanh (về biến đổi khí hậu), Chân trời Châu Âu (về nghiên cứu sáng tạo), Mạng lưới Ngoại giao Mạng (về an ninh mạng) hay Thỏa thuận Đối tác Số (về các công nghệ mới như trí khôn nhân tạo và chuỗi cung ứng bền bỉ)… 

Về an ninh biển, Biển Đông, Hoa Đông và Đài Loan không được đề cập trong văn bản tháng 4. Lý do có thể vì các thành viên chưa đạt được đồng thuận về Biển Đông hoặc chưa quan tâm nhiều đến vấn đề Biển Đông – điều dễ hiểu vì nhiều nước thành viên EU có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và tham gia vào sáng kiến Vành đai – Con đường của nước này. Trước đó, EU đã từng không đạt được đồng thuận về Biển Đông vì khác biệt lợi ích tương tự giữa các thành viên.

Thế nhưng, với văn bản mới của EC, Biển Đông được nhắc đến 3 lần, Hoa Đông được đề cập 1 lần và Đài Loan được đề cập 5 lần. EC còn khẳng định Biển Đông là một trong các tuyến đường biển có “vai trò trọng yếu” với EU và trực tiếp ủng hộ một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) không phương hại lợi ích của bên thứ ba.

Có thể, các diễn biến thực địa đã khiến các thành viên quan ngại sâu sắc hơn về các thách thức trên biển này. Trong thời gian vừa qua, các diễn biến như việc tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu hay chặn tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi Cỏ Mây… đã khiến EU phải đưa ra tuyên bố quan ngại. Cũng không loại trừ khả năng EU, đặc biệt là các nước chủ chốt như Đức hay Pháp chịu ảnh hưởng từ phía Mỹ. Ví dụ, trong vụ tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu, có nguồn tin cho rằng Mỹ đã thúc đẩy đồng minh đưa ra phản ứng.

Một điểm khác biệt về an ninh biển nữa là, văn bản tháng 4 nhắc đến hiện diện hải quân ở Ấn-Thái nhưng không nhắc tới tập trận hay diễn tập nào cụ thể, nhấn mạnh đóng góp “tự nguyện” của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, văn bản mới khẳng định rõ ràng EU sẽ tiến hành nhiều tập trận chung hơn và điều tàu đến cập cảng nhiều hơn tại khu vực để bảo vệ tự do hàng hải – quan điểm khá gần với các tuyên bố của Mỹ tại khu vực.

Khác biệt này đáng chú ý bởi EU không có quân đội riêng. Tuy nhiên, EU vẫn có thể triển khai phương hướng này thông qua quân đội của các nước thành viên. Bản thân một số nước “đầu tàu” EU đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình với nội dung này: Pháp cam kết tăng cường tập trận song - đa phương và tiến hành hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông; Đức cam kết tham gia tập trận chung và các “hình thức đa dạng” để đánh dấu hiện diện hải quân của nước này tại khu vực…

Một số điểm đáng lưu ý

Văn bản chiến lược mới của EC, tiếp nối văn bản tháng 4/2021 và Nghị quyết mới ra của Nghị viện châu Âu về quan hệ EU – Trung Quốc, tiếp tục thể hiện tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với EU thời kỳ hậu Brexit. Đây là khu vực EU có lợi ích kinh tế (EU là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác hợp tác phát triển hàng đầu và một trong những đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; EU và khu vực Ấn – Thái chiếm hơn 70% tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như hơn 60% tổng FDI toàn cầu), nhưng EU lại đang nhận thấy tình hình cạnh tranh địa chiến lược, thương mại và giá trị tại đây đang đặt ra nhiều thách thức đối với trật tự chính trị-thương mại dựa trên luật lệ có lợi cho EU. Sự nhất quán này càng đáng lưu tâm hơn khi: (i) EU có truyền thống phản đối các hoạt động an ninh ở quá xa Châu Âu, gần EU còn có nhiều khu vực biển chiến lược mà EU phải quan tâm như Đại Tây Dương hay Địa Trung Hải; (ii) EU có 27 thành viên với những lợi ích khác nhau nên khó thống nhất quan điểm (EC từng có nhiều ý kiến phản đối việc đưa ra một chiến lược chung tại khu vực Ấn – Thái; Cao ủy EU từng gặp khó khăn khi tìm kiếm đồng thuận về Phán quyết Biển Đông 2016).

Chiến lược cũng cho thấy hai thay đổi trong cách tiếp cận của EU đối với khu vực. Thứ nhất, nếu như trước đây EU thường chấp nhận để một số nước (lớn) trong tổ chức theo đuổi can dự vào khu vực Ấn-Thái thông qua các hoạt động đơn phương, riêng lẻ thì hiện giờ, EU nhấn mạnh phối hợp chung giữa các thành viên và với các đối tác ngoài EU. Ngoài ra, nếu như trước đây EU tập trung thúc đẩy hiện diện kinh tế và chính trị tại khu vực thì hiện giờ, EU đã tập trung hơn vào lĩnh vực an ninh, nhất là an ninh biển và an ninh phi truyền thống. Đây là tiến triển đáng kể vì EU vốn không có quân đội riêng và mức độ quan tâm của các thành viên về các vùng biển “xa nhà” còn khác nhau.

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều nội dung cụ thể hơn, văn bản mới của EC vẫn còn để ngỏ một số vấn đề quan trọng. Văn bản không đề cập đến cạnh tranh Mỹ - Trung trong khu vực và vai trò của EU trong mối quan hệ này. Văn bản cũng chưa đưa ra các phương hướng hợp tác cụ thể với Mỹ và Anh – hai quốc gia đang tăng cường hiện diện tại cùng khu vực. Nếu không có phối hợp, việc gia tăng hiện diện của các nước ngoài khu vực cùng một lúc có thể khiến cạnh tranh nước lớn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương thêm căng thẳng.

Ngoài ra, văn bản còn chưa làm rõ nội hàm một số khái niệm - ý tưởng hợp tác mới như Mạng lưới Ngoại giao Mạng hay Thỏa thuận Đối tác Số… Cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể về các sáng kiến này.

Bản chiến lược mới của EC cũng phần nào bị “lu mờ” vì được đưa ra 1 ngày sau khi Anh – Pháp – Mỹ công bố thỏa thuận quốc phòng AUKUS. Dù không ảnh hưởng đến chiến lược về nội dung, tuyên bố AUKUS đã ảnh hưởng đến việc tuyên truyền chiến lược của EC trên báo giới… Điều này có lẽ không phải chủ ý của EU vì: i) EU đã lên lộ trình trước về việc đưa ra văn bản (các Phái đoàn EU đã tuyên bố chiến lược này sẽ đưa ra từ tháng 9); ii) nhiều quan chức EU tuyên bố “bất ngờ” về thỏa thuận AUKUS…

Dù còn nhiều sáng kiến chưa rõ nội hàm và bị AUKUS phủ bóng, bản Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EC vẫn có nhiều nội dung chiến lược cụ thể hơn so với văn bản trước đó của EU hồi tháng 4/2021, đặc biệt là về các sáng kiến hợp tác và vấn đề an ninh biển. Hy vọng, văn bản sẽ góp phần tích cực củng cố quan hệ của EU đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.